April 20, 2024, 5:53 pm

“Tương lai của truyền thống”: Cái nhìn của người trong cuộc

SỰ MAI MỘT CỦA NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG

Thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận và sự thờ ơ của khán giả đối với nghệ thuật truyền thống không còn là những vấn đề ở thì tương lai mà chính là của thời điểm hiện tại.

Theo nghệ sỹ Nguyễn Mạnh Đức: Việc nghệ thuật dân gian đang dần mất sức hút không chỉ với khán giả - những người ngoài cuộc mà ngay cả từ chính các nghệ sỹ - những người trong cuộc, do chịu sức ép của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại và bản thân nghệ thuật truyền thống chưa theo kịp với thị hiếu của công chúng hiện nay. Những đêm sáng đèn của nghệ thuật Tuồng, Chèo, Xẩm... đa phần diễn lại những tích cổ, chuyển tải những thông điệp về thiện, ác như Tống Trân - Cúc Hoa, Súy Vân giả dại, Quan Âm Thị Kính, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lưu Bình - Dương Lễ, hay gần đây nhất là những vở đời hơn như Oan khuất một đời, Bí mật hạnh phúc, Thầy Ba Đợi... vẫn chưa thực sự kéo được khán giả trở về với sân khấu.

Từ dự án “Sân khấu học đường”, nghệ thuật truyền thống đã được giới trẻ hào hứng đón nhận

NSƯT Triệu Trung Kiên thì cho rằng: Nếu xét một cách sòng phẳng thì đúng là trong bối cảnh hiện nay, giữa sự du nhập như vũ bão của các loại hình giải trí thì phải thừa nhận rằng các bộ môn nghệ thuật truyền thống giống như những món ăn không hợp khẩu vị đối với giới trẻ. Đây cũng là tình trạng phổ biến đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống ở các dân tộc, các quốc gia đều như vậy cả. Chúng ta phải chấp nhận thực tế đó và suy nghĩ xem có cách gì để cải thiện nó.

Công bằng mà nói, những nỗ lực cải thiện sân khấu truyền thống nhằm kéo khán giả về với những giá trị xưa cũ không phải chưa từng được thực hiện, nhưng kết quả lại không đúng như kỳ vọng. Bởi thực tế đang chứng minh, những gì thuộc về truyền thống, không riêng gì văn hóa nghệ thuật, ý thức giáo dục để thẩm thấu chưa được thực hiện một cách khoa học, bài bản. Hệ quả, nhiều bạn trẻ không vượt qua được mối lo cơm áo gạo tiền để theo đuổi nghệ thuật truyền thống, cũng như một lượng lớn khán giả trẻ không hiểu và không có nền tảng tri thức cần thiết để tận hưởng những giá trị truyền thống dẫn đến thờ ơ, lạnh nhạt với loại hình nghệ thuật này.

Thực tế này cũng được chứng minh qua các hội thi tài năng trẻ diễn ra trong thời gian gần đây. Những tác phẩm dự thi phần lớn được chọn đều là những tác phẩm kinh điển và lặp lại ở các đơn vị dự thi. Và cái kết là sự đèm đẹp về giọng hát, sự na ná về phong cách thể hiện mà không có những điểm sáng “đốn tim” Ban giám khảo và chinh phục người xem, nhưng đổi lại là những cơn mưa Huy chương khiến cho Hội diễn, liên hoan trở thành những đợt sinh hoạt nghiệp vụ, thiếu sức hút đối với khán giả.

Để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã đề xuất và giao nhiệm vụ đào tạo gắn với giao kinh phí (hình thức đặt hàng) đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ. Cụ thể, Nhà nước sẽ trả 100% chi phí đào tạo áp dụng cho đối tượng người học là học sinh, sinh viên thuộc một số chuyên ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khó tuyển sinh, hiếm, truyền thống và dân tộc, người dân tộc thiểu số. Đây là những ngành mà nhu cầu xã hội không cao nhưng rất thiếu để đáp ứng yêu cầu bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Tuy nhiên, hình thức đào tạo đặt hàng nói trên cũng không hẳn đã nhận được sự hưởng ứng của các thi sinh. Theo NSƯT Đặng Bá Tài: Vấn đề nghệ thuật truyền thống đang gặp phải chính là sự thương mại hoá. Và có một thực tế đang diễn ra trong lớp trẻ hiện nay là thay vì bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống, họ lại có những cái nhìn kỳ lạ, lạc lõng đối với giá trị của cha ông, hay thậm chí bảo tồn những tư tưởng, văn hoá các quốc gia khác.

ĐỊNH VỊ LẠI GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG

Có không ít nuối tiếc về thời hoàng kim của sân khấu, cái thời mà những người được sinh ra trong thế kỷ 20 đã đắm say với chiếu chèo nơi sân đình hay ngả nghiêng với những làn điệu xẩm vốn được xem là kén khán giả... để rồi tự hỏi: Xẩm, Chèo, Tuồng vì đâu nên nỗi?

Chúng ta đang sống trong một xã hội mở cửa, nền văn hóa hội nhập sâu rộng với thế giới, sẽ rất ít, thậm chí không có chỗ cho thứ nghệ thuật hàn lâm, cố vươn tới các giá trị học thuật, tư tưởng cao siêu trong khi phần đông khán giả mong muốn tìm đến với nghệ thuật để thư giãn như một món ăn tinh thần qua những câu chuyện dung dị, đời thường giúp họ bớt căng thẳng, lấy lại năng lượng tích cực cho cuộc sống. Chính vì vậy, việc đổi mới các hoạt động biểu diễn đã và đang được đặt ra đối với hầu hết các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật truyền thống. Nhiều vở kịch cổ đã được làm mới, thậm chí nhiều biên kịch còn mạnh dạn Việt hóa các tác phẩm kinh điển của nước ngoài, nhằm đem đến một làn gió mới cho nghệ thuật sân khấu. Và cái kết là sân khấu đã và đang có thêm nhiều màu sắc và đặc biệt có nhiều hơn những vở diễn phản ánh cuộc sống đời thường gần gũi, giúp khán giả có thể cảm nhận, từ đó yêu và đam mê sân khấu ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, để nghệ thuật truyền thống có thể tìm lại vị trí xứng đáng trong dòng chảy nghệ thuật đương đại vẫn còn là bài toàn khó. Trước những đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Chính phủ đã đồng ý phê duyệt 11 ngành nghệ thuật truyền thống (trong đó có những ngành đứng trước nguy cơ phải bảo tồn khẩn cấp) để đặt hàng các cơ sở đào tạo. Phía Bộ chủ quản cũng đề xuất dự án sân khấu học đường nhằm lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống. Kết quả, bước đầu đã tạo nên một thế hệ trẻ thế kỷ 21 không quay lưng với nghệ thuật truyền thống.

Ngoài những nỗ lực của các cơ sở đào tạo, các đơn vị nghệ thuật cũng đang tự làm mới mình. Cụ thể, Nhà hát Cải lương Việt Nam hiện có hai đơn vị. Một đoàn truyền thống và một đoàn thể nghiệm. Đoàn thể nghiệm sẽ là nơi thử những sáng tạo mới. Và đoàn truyền thống vẫn được duy trì với những khuôn vàng thước ngọc của nghề. Đây cũng là một hướng đi mới, nhằm bắt kịp thị hiếu của công chúng yêu nghệ thuật và quan trọng là phù hợp với xu hướng phát triển nghệ thuật đương đại thế giới.

Quay trở lại với cuộc tọa đàm, nhìn nhận lại vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân nghệ sĩ trong việc giữ lửa nghề truyền thống, các nghệ sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn... đều cho rằng, bản thân họ chứ không phải là ai khác, chính là một phần trong tiến trình đưa văn hoá truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân tộc đến gần với thế hệ trẻ. Dẫu rằng, đây là một tiến trình đầy thách thức đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhưng để định vị lại giá trị của nghệ thuật truyền thống và làm sống lại những di sản của cha ông đối với thế hệ trẻ thì việc truyền nghề, giữ lửa chưa bao giờ là muộn. NSƯT, đạo diễn Lê Tuấn Cường, Nhà hát Chèo Việt Nam, cho rằng: “Tôi nghĩ rằng lớp trẻ sẽ yêu nghệ thuật truyền thống. Dù cho có hội nhập nhưng họ cũng sẽ biết cách sàng lọc và yêu. Qua trao đổi một số khóa học và đi dạy tôi thấy các bạn trẻ rất yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc, bởi nó thật sự mang những triết lý nhân sinh, bài học lớn lên từ lũy tre làng, đi sâu vào tâm khảm của người Việt Nam qua nhiều thế hệ”.

Thiết nghĩ, để nghệ thuật truyền thống “sống khỏe” trong xã hội hiện đại, yêu cầu mà những người làm nghề cần hướng đến đó là đổi mới đề tài, đổi mới thi pháp, đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật... sao cho đáp ứng được nhu cầu tinh thần, thẩm mỹ ngày càng cao, càng đa dạng của công chúng khán giả. Dẫu biết rằng, trân trọng quá khứ để từ quá khứ vun đắp tương lai chính là giá trị bất biến của nghệ thuật truyền thống. Nhưng để giành phần thắng trên con đường phân định thị phần giữa các loại hình giải trí, đã đến lúc “Đổi mới” trở thành mệnh lệnh là yêu cầu tất yếu.

Nguồn Văn nghệ số 11/2021


Có thể bạn quan tâm