April 25, 2024, 5:40 pm

Tuần lễ APEC Việt Nam 2017: TỔNG THỐNG TRUMP - 12 NGÀY, 5 NƯỚC VÀ 3 THƯỢNG ĐỈNH

Sáng 7/11/2017, tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam ở Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lạc quan thông báo trước hàng ngàn khách về dự một trong diễn đàn quan trọng nhất của tuần lễ APEC 2017: “Sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của Việt Nam đã tăng 4 lần, đạt trên 400 tỷ USD, tương đương 170% GDP. Hơn 24.200 dự án đầu tư trực tiếp FDI đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, tương đương 155% GDP. Trong đó, riêng vốn đầu tư FDI từ các nền kinh tế APEC đạt gần 250 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 80% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 3 thập niên…”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn dẫn kết quả khảo sát của AmCham Singapore hồi tháng 9/2017 cho thấy, 56% các doanh nghiệp được khảo sát coi Việt Nam là đối tác thương mại tốt nhất. Năm 2017 dự kiến GDP tăng 6,7% và phấn đấu trong 2016-2020 tăng 6,5-7%. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 2.300 USD. Theo Báo cáo 2035 (2016) của WB, hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, dự kiến đến 2035 sẽ có 50% dân số gia nhập tầng lớp trung lưu. Điều này gia tăng nhu cầu của nền kinh tế, nhiều việc làm tốt hơn được tạo ra không chỉ đối với trong nước mà Việt Nam còn từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng trong khu vực APEC và thế giới.

Hội nghị APEC cũng là dịp hội tụ của người đứng đầu các nền kinh tế lớn trên Thế giới, các Tổng thống Trump, Putin, Chủ tịch Tập Cận Bình và nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác. Chính vì vậy mà không chỉ dư luận trong nước và khu vực, mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đều đang hết sức quan tâm và đón đợi những kết quả từ Hội nghị này, như một chỉ dấu mới về vị thế địa-chính trị của Việt Nam tại một địa bàn trọng yếu đối với 21 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam ở Đà Nẵng sáng 7/11.   Ảnh Internet

Chuyến công du nước ngoài thứ 3

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, chuyến đi kéo dài 12 ngày, qua 5 quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ là chuyến công du nước ngoài dài ngày nhất của một người đứng đầu Nhà Trắng kể từ chuyến thăm của ông Bush (bố) cách đây 25 năm. Tổng thống Trump sẽ tham gia 3 Hội nghị Thượng đỉnh: APEC 2017 ở Đà Nẵng (8-10/11), Cấp cao Mỹ-ASEAN và Cấp cao Đông Á (12-14/11) ở Philippines. Riêng đối với Việt Nam, con số 11 sẽ được nhắc tới nhiều hơn. Vì ngày 11 tháng 11 này, sau khi tham dự Hội nghị Cấp cao Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ bay ra Hà Nội, gặp gỡ và hội kiến với các nhà lãnh đạo Đảng-Nhà nước Việt Nam. Hai năm liên tục, hai Tổng thống Mỹ lần lượt thăm chính thức Hà Nội là điều chưa có tiền lệ.  

Tổng thống Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức hôm 8.7.   Ảnh Internet

Theo tờ Stars and Stripes (ngày 4/11), Trump đã chuẩn bị hai bài diễn văn quan trọng sẽ đọc trước Quốc Hội Hàn Quốc và tại thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam. Nhà Trắng thông báo rằng chuyến công du này của Tổng thống “sẽ nhấn mạnh cam kết về mối liên minh và đối tác lâu dài, đồng thời tái khẳng định sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc xúc tiến một khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, cởi mở”. Các nhà quan sát hãy chú ý, từ nay “Ấn Độ-Thái Bình Dương” sẽ là một khái niệm mang nội hàm mới, một khi khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” sẽ là quan niệm mới trong chính sách của Mỹ tại châu Á và có thể đây là thành lũy ngăn chặn sự lẫn lướt của Bắc Kinh trong khu vực.

Chuyến công du châu Á lần này là chuyến công cán nước ngoài thứ ba của Trump, kể từ khi ông trở thành tổng thống. Chuyến đi chính thức đầu tiên của ông vào tháng 5 tới Trung Đông, một chuyến thăm có nhiều ý nghĩa về cam kết của Mỹ chống khủng bố. Chuyến thứ hai tiếp theo là sang châu Âu, nơi mà ông Trump đã không tái khẳng định cam kết bảo vệ lẫn nhau đã gây ra cú sốc trong khu vực. Chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Trump, nếu được tận dụng hợp lý, sẽ mang lại cho ông chủ Nhà Trắng một số thành tích về ngoại giao mà ông đang rất cần có, vì nhiều lý do. Tuy nhiên, chuyến thăm cũng có thể tiềm ẩn rủi ro cho nước Mỹ, nếu Tổng thống Trump truyền đi những thông điệp lẫn lộn. Trung Quốc giờ đây đã thay thế Nhật Bản như một đối thủ khu vực có vị trí thống trị và khiến Tổng thống và các chính khách Mỹ quan ngại nhiều hơn về sự mất cân bằng thương mại với Hoa Kỳ. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc hiện là 309,6 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Washington, tin tưởng vào "những kết quả quan trọng về mặt kinh tế và thương mại" trong chuyến thăm của Tổng thống Trump. Ông nói Trung Quốc muốn có quan hệ thương mại cân bằng hơn với các nước, vì thặng dư thương mại "về lâu dài sẽ không giúp được cho nền kinh tế Trung Quốc" (Các nhà kinh tế học chia rẽ về việc thâm hụt thương mại là xấu hay tốt, về lâu dài.)

Tổng thống Trump có một số lợi thế tốt hơn so với ông Bush thuở xưa. Trump là một tổng thống tương đối mới. Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trong tám năm qua. Cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo còn ba năm nữa. Trái lại, 25 năm trước đây khi Bush chuẩn bị cho chuyến đi châu Á thì cuộc bầu cử đang bùng nổ ở Hoa Kỳ (và Bush đã thua Bill Clinton), trong bối cảnh kinh tế Mỹ bị suy thoái. Điều mà Bush yêu thích lúc bầy giờ là sự ổn định toàn cầu sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, môi trường tốt mà ông có thể thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do như NAFTA và tập trung vào các nỗ lực kinh doanh trong chuyến thăm Á.

 

Duy trì cam kết về Việt Nam

Nếu dựa vào các tuyên bố của Nhà Trắng trước thềm chuyến thăm Việt Nam nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC, sẽ thấy ông Trump sẽ duy trì đa số các chính sách về Việt Nam của chính quyền tiền nhiệm. Theo Đại sứ quán Mỹ, năm 2016, có 806 dự án đầu tư đã đăng ký, với trị giá 11,7 tỷ USD, đưa Mỹ trở thành nhà đầu tư lớn thứ 8 tại Việt Nam. Mỹ cũng tiếp tục ủng hộ các nỗ lực phát triển vùng Đồng bằng châu thổ sông Mekong. Thông qua Sáng kiến Tiểu vùng sông Mekong, Mỹ sẽ cố gắng xây dựng các nỗ lực hợp tác quản lý tiểu vùng sông Mekong giữa Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Giúp các vấn đề về quản lý nguồn nước. Mỹ ủng hộ các nỗ lực xây dựng một hệ thống dự báo sử dụng nước và dự báo tác động của tình trạng xâm lấn vào dòng chảy tự nhiên. Các ngoại trưởng của hai nước đã gặp nhau hồi tháng 8 vừa qua để tiếp tục thảo luận về vấn đề này. Ông Trump có thể sẽ muốn chứng tỏ một tiến bộ nào đó trong chuyến công du tới. Việt Nam nhiều khả năng sẽ có thể giúp ông tạo ra một ấn tượng tích cực. Ông Trump cũng đã thông báo 8 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam lần này, ông muốn giữ lời để tránh bị chỉ trích thêm là hay thay đổi.

Thương mại luôn là vấn đề quan trọng với Việt Nam lẫn Mỹ. Việt Nam là một trong các đối tác thương mại lớn của Mỹ tại Đông Nam Á. Việt Nam còn là nước sẽ được lợi nhiều nhất theo TPP trước khi ông Trump từ bỏ thỏa thuận này ngay ngày đầu tiên nhậm chức. Việt Nam muốn thấy sự thay đổi suy nghĩ của ông Trump về TPP, nhưng trong khi chờ điều ấy, Việt Nam có thể đi tới một thỏa thuận thương mại song phương thế hệ mới. Hy vọng ông Trump sẽ không có cách tiếp cận tương tự về thương mại với Việt Nam như đối với các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Canada và Mexico ở bên kia bán cầu. Các nhà đàm phán của ông Trump có quan điểm cứng rắn theo đuổi chiến lược "Nước Mỹ trên hết". Nhà đàm phán thương mại của ông Trump, Robert Lighthizer, đã bày tỏ quan tâm làm việc với Việt Nam để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại đôi bên cùng có lợi. Việt Nam là thị trường xuất khẩu đang tăng trưởng nhanh nhất đối với hàng hóa Mỹ. Vì vậy, có nhiều sự lạc quan ở cả Việt Nam và Mỹ.

 

Đồng minh bớt lo ngại

Ông Joseph DeTrani, một cựu quan chức tình báo Mỹ và là chuyên gia về châu Á, đưa ra nhận xét: "Bắc Kinh là chặng dừng chân quan trọng nhất” vào lúc ông Tập vừa củng cố quyền lực bằng nhiệm kỳ 5 năm thứ 2 sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19. Vị thế chính trị vững chắc của ông Tập có thể giúp ông không cần phải tỏ thái độ hòa giải về các vấn đề Triều Tiên, thặng dư thương mại Trung-Mỹ và vấn đề tranh chấp Biển Đông. Nhưng các trợ lý của Nhà Trắng cho biết, ông Trump sẽ nhấn mạnh mối bận tâm hàng đầu của Mỹ và phát tín hiệu chính phủ Mỹ quyết tâm bảo vệ vai trò của Mỹ ở châu Á. Một quan chức chính phủ cấp cao nói ông Trump hy vọng “đạt được sự cam kết của Trung Quốc để tăng sức ép với Triều Tiên, và để tái cân bằng quan hệ kinh tế Mỹ-Trung”. Các quan chức Mỹ luôn phàn nàn những tuyên bố Trung Quốc bất bình với Bình Nhưỡng nhưng không được thể hiện bằng hành động. Họ nói ở hậu trường, Bắc Kinh có thể trấn an Mỹ rằng nhất trí ép Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán giải giáp hạt nhân với Washington. Nhưng đổi lại, Bắc Kinh muốn có sự bảo đảm công khai ông Trump nghiêm túc về một giải pháp phi quân sự cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam   . Ảnh TTXVN

Trong khi chiến lược châu Á của Donald Trump vẫn là một ẩn số thì các đồng ninh châu Á của Mỹ luôn đau đáu một câu hỏi, đâu là mục tiêu lâu dài của Washington? Những tuyên bố của tổng thống Mỹ, lúc còn là ứng cử viên, muốn xét lại mối quan hệ liên minh lịch sử giữa Hoa Kỳ với các đồng minh trên thế giới đã gây hoang mang trong công luận và chính giới các nước liên hệ, ở châu Âu cũng như ở châu Á. Khi được truyền thông quốc tế đặt câu hỏi, chuyên gia Pháp Barthélémy Courmont, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IRIS giải thích: “Có một mối ưu tư rất lớn, đặc biệt là ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nước này lo ngại vì những lời tuyên bố của Donald Trump”. Quả thật, sau khi đắc cử, Donald Trump kêu gọi hai nước châu Á này phải tự lo thân trước mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Tuyên bố này làm công luận và các nhà lãnh đạo Nhật Bản lẫn Hàn Quốc bất an. Lo âu còn nhiều hơn nữa liên quan đến sự cam kết của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Trên toàn châu Á, từ khi Donald Trump đắc cử, người ta thấy Mỹ muốn rút chân ra khỏi khu vực nhất là qua quyết định từ bỏ Hiệp Định TPP. Các nước trong vùng xem quyết định ấy là dấu hiệu Mỹ bỏ lơi những cam kết lịch sử với các đồng minh truyền thống. Do vậy, trong chuyến công du châu Á lần này, Donald Trump phải tìm cách xóa bớt những lo ngại của các đồng minh./.

 


Có thể bạn quan tâm