April 25, 2024, 9:16 pm

Tuần làm việc thứ ba kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV : “Bơi” thế nào khi có CPTPP

Đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng của hiệp định CPTPP, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, đây là một hiệp định thương mại tiến bộ với tiêu chuẩn cao và minh bạch. CPTPP là một hiệp định rất toàn diện vì không chỉ thuần túy về thương mại, thuế quan mà còn đề cập đến cả đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động, thị trường dịch vụ... Việc tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội, nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường. Song trên thực tế, có cơ hội là một chuyện, nắm bắt cơ hội để biến nó trở thành lợi thế cho nền kinh tế lại là câu chuyện không dễ, và câu hỏi “bơi” thế nào khi có CPTPP vẫn là ẩn số

 

Nắm bắt cơ hội

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xem là có ý nghĩa bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Khi được phê chuẩn và đi vào thực thi Hiệp định CPTPP sẽ mang lại khá nhiều thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức ở góc độ quốc gia. Đó là cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch. Thời gian qua, với quyết tâm của Chính phủ trong việc đổi mới về thể chế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bỏ giấy phép con để tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp… đã tạo ra động lực lớn để các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, Việt Nam đã có những bước đi rất mạnh mẽ và quyết liệt. Tuy nhiên theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, những nỗ lực ấy mới chỉ là bước đầu, Việt Nam cần phải cải cách sâu rộng hơn nữa để cải thiện căn bản môi trường kinh doanh, đáp ứng với những yêu cầu của cam kết và hội nhập quốc tế, đặc biệt là các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã tranh luận khá sôi nổi khi đưa ra cái nhìn đa chiều của nền kinh tế sẽ có những thay đổi nhất định dưới tác động của CPTPP. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phân tích, “sức ép” của CPTPP nhẹ hơn so với TPP vì các nước thành viên có thể có những thỏa thuận riêng để tạm hoãn thời gian thực hiện cam kết và tạo ra ràng buộc linh hoạt hơn. Đây cũng là thời gian cần thiết để Việt Nam tiếp tục điều chỉnh những điều kiện trong nước chưa phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bày tỏ sự đồng tình với việc phê chuẩn hiệp định, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc phê chuẩn CPTPP cũng sẽ khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do khác. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), CPTPP là cơ hội giúp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Đây cũng là cơ hội để đa phương hóa các quan hệ kinh tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững.

Cũng với thời điểm Quốc hội bàn thảo về CP TPP, cuộc họp củaTiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cũng đã xác định, “chúng ta đặt vấn đề không để tụt hậu xa hơn, phải đổi mới, sáng tạo, tận dụng cơ hội, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam để vượt lên khó khăn, vươn lên mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững”. Muốn làm điều đó, đòi hỏi phải có chiến lược, sách lược, lộ trình, bước đi và giải pháp thực sự đổi mới, quyết liệt đột phá. “Không đột phá vươn lên thì chúng ta sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta phải có khát vọng mạnh mẽ đưa dân tộc tiến lên”.

 

Vượt qua thách thức

Hiện VIệt Nam là một trong số ít các quốc gia Châu Á được các chuyên gia kinh tế thế giới dự báo sẽ trở thành nền kinh tế đứng thức 20 trên thế giới,  nếu cứ giữ đà tăng trưởng như hiện nay. Và thực tế, thì những dư địa để Việt Nam phát triển kinh tế còn rất nhiều. Không chỉ là dệt may, da giầy, hay những mặt hàng nông sản vốn được coi là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, mà cả những ngành nghề cơ khí, chế tạo… cũng là những tiềm năng để Việt Nam có thể bứt phá. Việt Nam đang duy trì tốc độ phát triển nhanh. Trong những thập niên gần đây, Việt Nam hội nhập dần vào nền kinh tế toàn cầu và trở thành một trong những trung tâm sản xuất của thế giới.

Cùng với việc chủ động tham gia và trở thành thành viên chính thức của các diễn đàn kinh tế, quốc tế; các hiệp định thương mại mang tính khu vực, toàn cầu, chính phủ Việt Nam cũng đang theo đuổi mục tiêu quan trọng hơn nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của đất nước. Đó là cải cách kinh tế trong nước, thông qua sự nỗ lực cải cách tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hiệu quả và minh bạch trong quản lý, giảm các dịch vụ công. Cùng với đó, là sự thống nhất cao của Quốc hội trong công tác lập pháp, phê chuẩn các hiệp định thương mại, tạo  hành lang pháp lý an toàn cho nền kinh tế phát triển.

Cũng trong tuần làm việc thứ ba, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2018. Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu năm 2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5-6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%. Nghị quyết đã khẳng định quyết tâm của Quốc hội trong việc tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Cùng với đó là tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; tạo chuyển biến rõ nét trong xử lý nợ đọng tiền sử dụng đất, chống thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế, gian lận chuyển giá, vi phạm pháp luật thuế, phí, lệ phí, thực hiện hóa đơn điện tử; thẩm định chặt chẽ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Theo chương trình nghị sự, trong tuần làm việc thứ 4, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua ba nghị quyết và một luật gồm: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về các dự án: Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục (sửa đổi).

PV

 


Có thể bạn quan tâm