April 20, 2024, 4:30 am

Từ vùng đất thấp nghĩ về tầm nhìn trên cao…

 

Thủ tướng Mark Rutte phát biểu trong chuyến thăm chính thức Việt Nam gần đây: “Mới trông qua, có thể thấy Việt Nam và Hà Lan là hai quốc gia khác nhau, nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn sẽ thấy hai nước có rất nhiều điểm tương đồng. Hai nước đều nằm ở vị trí chiến lược ở cả hai đầu châu lục, đều có những đồng bằng châu thổ và đều là những quốc gia có nông nghiệp lớn mạnh và nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo cho xuất khẩu. Hoàn toàn chia sẻ với nhận xét xuyên suốt không – thời gian ấy của vị Thủ tướng từ “vùng đất thấp” (người Hà Lan thường nói nước họ nằm trên “vùng lage landen”) để lạm bàn về tầm nhìn rộng lớn Nederland, thường có định danh lâu đời hơn là “Holland” (nghĩa là đất rừng). Đó là tầm nhìn chung về quan hệ hợp tác song – đa phương và đó cũng chính là lý do tại sao hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong các lĩnh vực như quản lý nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, quan hệ đối tác chiến lược trong nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường như một nguồn tài nguyên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte ký biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh TTXVN

30 tháng Tư hàng năm có lẽ đúng là cơ hội ngẫu nhiên từ lịch sử để viết về bang giao Việt Nam - Hà Lan, mối quan hệ lâu đời giữa hai quốc gia có vị thế địa – chính trị đặc biệt ở cả hai đầu châu lục Á - Âu. Lịch sử còn nhắc ta nhớ đến những giềng mối xa xưa từ các Công ty Đông Ấn, bao hàm cả giao thương lẫn xung đột, giữa người Hà Lan với Đàng Trong và Đàng Ngoài vào những năm 1600 của thế kỷ XVII; đặc biệt là vai trò của Hà Lan trong việc tái định vị xứ Đàng Trong tại không gian Đông Á cách đây hàng trăm năm. Cho tới một thời khắc cận đại khác cũng đáng được nhắc lại, đó là giai đoạn chuyển giao thiên niên kỷ (1998-2001), khi người viết bài này công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở La Haye (thủ đô hành chính của Hà Lan). Hồi ấy, cứ mỗi bận 30/4 về, Sứ quán lại chộn rộn lên các kế hoạch A, B… để đối phó với một số bà con Việt kiều biểu tình nhân ngày 30/4. Có điều, vì 30/4 lại cũng đúng vào ngày sinh của Nữ hoàng Juliana (mẹ của Nữ hoàng Beatrix) và được lấy làm ngày Quốc khánh (ngày truyền thống Queen's day), nên chính phủ Hà Lan đã hạn chế những sinh hoạt công cộng ảnh hưởng đến trật tự trị an. “Té nước theo mưa”, nhờ thế Đại sứ quán Việt Nam cũng đỡ vất vả hơn nhân cái dịp có cả triệu người vui nhưng cũng không ít người buồn ấy.

 

Tiến tới “Đối tác chiến lược toàn diện”

Năm 2019 này khi cả thế giới, đặc biệt là các quốc gia Đông Á bước vào kỷ nguyên “Ấn Thái Dương” (Indo – Pacific), Việt Nam và Hà Lan đã nâng cấp quan hệ song phương lên tầm “đối tác toàn diện” trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vào ngày 9/4/2019 vừa qua. Nội dung phong phú của chuyến thăm đặc biệt (Thủ tướng Rutte chỉ lưu lại một ngày ở Việt Nam) được thể hiện trong Tuyên bố chung 15 điểm cốt yếu[2]. Lại một sự trùng hợp ngẫu nhiên nữa, vì 9/4 là ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 46 năm (từ 1973). Phát biểu tại buổi họp báo, Thủ tướng Mark Rutte cho biết, ông rất vui mừng được quay trở lại Việt Nam và cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của các bạn hữu. “Có thể nói giữa hai nước mối quan hệ rất chặt chẽ không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn ở cấp độ cá nhân giữa tôi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tôi rất vui ngày hôm nay hai nước đã nâng cấp mối quan hệ song phương lên ‘Đối tác toàn diện’ để làm cơ sở thúc đẩy hợp tác nhiều hơn nữa giữa hai nước trong thời gian tới” – Thủ tướng Mark Rutte nhận định. Theo Thủ tướng Mark Rutte, mới trông qua, có thể thấy Việt Nam và Hà Lan là hai quốc gia khác nhau nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn sẽ thấy hai nước có rất nhiều điểm tương đồng. Hai nước đều nằm ở vị trí chiến lược ở cả hai châu lục, đều có những đồng bằng châu thổ và đều là những quốc gia có nông nghiệp lớn mạnh và có nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu. Đó là những điểm chung trong quan hệ hợp tác giữa hai bên và cũng chính là lý do tại sao hai nước đã đi đến “quan hệ đối tác chiến lược” trong các lĩnh vực như quản lý nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, và “quan hệ đối tác chiến lược” trong nông nghiệp bền vững và tài nguyên môi trường.

Thủ tướng Mark Rutte nhấn mạnh tiếp, hai nước sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh trên nền tảng tốt đẹp của quan hệ song phương để đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới. “Cùng với cá nhân ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác để đảm bảo sự phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo an ninh lương thực và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực này…” – Thủ tướng Mark Rutte khẳng định. Ông Mark Rutte khẳng định, Hà Lan coi trọng việc phát triển bền vững cũng như phát triển bao trùm. Đây là hai mục tiêu song hành và đồng thời với nó là thúc đẩy quản trị tốt, minh bạch trong môi trường kinh doanh. Việc phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển bền vững bảo vệ môi trường để thế hệ tương lai cũng được thừa hưởng những thành quả như vậy. Đồng thời Thủ tướng Mark Rutte tuyên bố: “Chính phủ hai nước sẽ cùng phối hợp với các bên có liên quan, trong đó có khu vực tư nhân đóng góp cho sự thịnh vượng chung, để người dân có thể loại được quá trình phát triển này được hưởng lợi từ quá trình phát triển này”.

Thủ tướng Việt Nam trước đây từng bày tỏ mong muốn kết hợp “những con rồng” Việt Nam với “sư tử” Hà Lan nhằm phát huy tối đa môi trường kinh doanh của hai nước để ươm mầm nên những doanh nghiệp hàng đầu châu Á[3]. Với chuyến thăm Việt Nam lần này, Thủ tướng Mark Rutte cũng nhấn mạnh việc hai bên cần tiếp tục phát huy ưu thế vượt trội và nền tảng hợp tác sẵn có, thúc đẩy hợp tác để phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo an ninh lương thực và thích ứng biến đổi khí hậu ở khu vực này. Thủ tướng Hà Lan cho biết tháp tùng phái đoàn của chính phủ trong chuyến thăm này có 70 doanh nghiệp Hà Lan, và họ đều là những người mong muốn phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, hoặc là với hình thức kinh doanh mới, hoặc là mở rộng hợp tác sản xuất đang có. Ngài Thủ tướng bày tỏ vui mừng việc trong chuyến thăm này chứng kiến khai trương một số nhà máy và hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể, trong đó có dệt may. Theo bà Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Thị Hoà, ưu tiên hiện nay là triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ “Đối tác chiến lược” đang có trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước và nông nghiệp bền vững; mở rộng những cơ chế hợp tác thiết thực, hiệu quả trong các lĩnh vực có tiềm năng như khoa học – công nghệ, giao thông vận tải, giáo dục – đào tạo để hai nước tiến tới xây dựng “Đối tác chiến lược toàn diện”.

 

Từ hợp tác địa phương đến Hiệp định EVFTA

Về hợp tác giữa các địa phương của hai nước, hai bên đã thiết lập được các cặp quan hệ đối tác giữa các tỉnh, thành phố như: Hà Nội với Amsterdam, TP Hồ Chí Minh với Rotterdam, Bình Dương với Emmen và Eindhoven, Vĩnh Long với tỉnh Gelderlards, An Giang với tp Oss, Đồng Tháp với tp Emmen, Bình Phước với Hoogeven. Quan hệ hợp tác địa phương đang được hai bên thúc đẩy mạnh mẽ thông qua việc xác định khuôn khổ, ưu tiên hợp tác trên cơ sở thế mạnh và khả năng bổ trợ cho nhau. Về hợp tác đa phương, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên tiếp xúc gặp gỡ nhau bên lề các hội nghị quốc tế, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế đa phương. Cụ thể, hai nước ủng hộ nhau ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2016 và Hà Lan nhiệm kỳ 2015-2017), vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Hà Lan nhiệm kỳ 2017-2018 và Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021). Hà Lan ủng hộ Việt Nam vào Ủy ban Ranh giới thềm lục địa 2012-2017 và Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018. Việt Nam ủng hộ Hà Lan ứng cử Tổng thư ký Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) nhiệm kỳ 2016-2021.

Nhắc tới Toà án Trọng tài Quốc tế, dư luận xã hội những ngày này không thể không biết đến vụ kiện xuyên thế kỷ của một Việt kiều Hà Lan kiện chính phủ ta. Đây là một câu chuyện đau xót trong bang giao song phương thời cận đại, có xuất xứ từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Vào ngày 12/4 mới đây, Bộ Tư pháp Việt Nam đã ra thông cáo chính thức liên quan vụ kiện này[4]. Theo đó, vừa qua, một số mạng xã hội phản ánh nội dung của Phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán gây hiểu nhầm. Trong thông cáo ấy, Bộ tư pháp cũng cho biết, theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết. Tuy nhiên, khi trao đổi với một tuỳ tùng trong phái đoàn do bà Cornelia Van Nieuwenhuizen, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan (đang đi thị sát để cứu Cảng Cửa Đại ở Hội An), quan chức không muốn nêu danh tính này cho rằng, phản ứng của phía Việt Nam chưa thật hợp lý. Theo quan chức này, cả phía nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nhất là chính phủ Việt Nam nên rút tỉa những kinh nghiệm xương máu. Chuyện phải bồi thường là đương nhiên, nhưng điều quan trọng hơn là phải tìm mọi cách để tránh tái diễn những sự cố làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Một vấn đề thời sự nóng hổi trong chuyến thăm vừa qua là chính phủ Hà Lan cam kết ủng hộ mạnh mẽ việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên hiệp châu Âu (EVFTA) cũng như việc nhanh chóng thực thi các hiệp định này, phù hợp thủ tục yêu cầu để hiện thực hóa những lợi ích các hiệp định này mang lại. Đây chính là các khuôn khổ quan trọng cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư bền vững và bao trùm giữa Việt Nam và EU cũng như giữa Việt Nam và Hà Lan, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên, đồng thời góp phần thúc đẩy tự do hóa thương mại quốc tế và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Kết thúc chuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan, đoàn doanh nghiệp nước này đã ký hơn 10 hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực[5]. Tại buổi kết nối các doanh nghiệp Việt – Hà tối ngày 11/4 tại TP HCM, các ký kết tập trung chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, xử lý nước và chất thải... Trong đó, đáng chú ý là dự án nhà máy điện gió ven bờ tại Trà Vinh với công suất 48 MW, dự án sản xuất chip RFID và nhà máy nhuộm đầu tiên trên thế giới không dùng nước và chất hóa học tại TP Hồ Chí Minh, dự án nhà máy xử lý rác thải nhựa ở Phú Quốc và một khu công nghiệp thực phẩm theo hướng xanh và bền vững quy mô 200 ha tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhưng có lẽ một trong dư âm còn vang vọng lâu dài ở Việt Nam từ chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte chính là những “hiến kế” của chuyên gia Hà Lan về xây đảo nhân tạo tại Cửa Đại để “giải cứu” tình trạng xói lở, bồi lấp tồn tại gần 15 năm trên bờ biển kéo dài 8 cây số tại tp Hội An, Quảng Nam. Sau khi khảo sát thực tế vào chiều tối ngày 10/4/2019, bà Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan Cornelia Van Nieuwenhuizen đề xuất: “Tại sao chúng ta không xây dựng các đảo nhân tạo ngay tại vùng biển này? Điều này là hoàn toàn khả thi và phù hợp”. Ngoài hệ thống trên cần làm thêm đảo nhân tạo bên ngoài đê ngầm để vừa ngăn sóng, đồng thời phát triển thành điểm du lịch để tạo nguồn thu bảo trì bờ kè. Một số nơi đã làm theo cách này và kết quả khá khả quan. “Ở Hà Lan cũng có rất nhiều đảo nhân tạo và các đảo này đã góp phần chống xói lở lẫn bồi lấp vô cùng hiệu quả”, bà Cornelia Van Nieuwenhuizen dẫn chứng. Bà hiến kế tiếp: “Nếu được đầu tư bài bản, xây dựng hệ sinh thái đa dạng, các đảo nhân tạo này cũng sẽ thu hút du khách. Khi ấy chúng ta đã có thể tạo nguồn thu nhập từ phát triển du lịch. Chính phủ Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ về mặt nhân lực để các bạn hiện thực hóa ý tưởng này”./.

 

 

[1] Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan

[2] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/39804102-tuyen-bo-chung-viet-nam-ha-lan.html

[3] https://vn.sputniknews.com/vietnam/201707113591811-thu-tuong-viet-nam-mong-ket-hop-nhung-con-rong-viet-nam-voi-su-tu-ha-lan/

 

[4] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-tu-phap-ra-thong-cao-ve-vu-ong-trinh-vinh-binh-1401776.tpo

 

[5] https://vnexpress.net/kinh-doanh/doanh-nghiep-ha-lan-va-viet-nam-ky-10-hop-tac-kinh-te-3908342.html


Có thể bạn quan tâm