April 19, 2024, 2:13 pm

Từ Vợ ba nghĩ về trách nhiệm xã hội của điện ảnh

Cảnh trong  phim " Vợ ba". Ảnh internet

 Vợ ba, bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) sau khi tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế đã chính thức ra rạp Việt Nam ngày 17/5. Đặc biệt, khi công chiếu trong nước, ngay lập tức bộ phim vấp phải những làn sóng dư luận, khen ít, chê nhiều. Sự chê chủ yếu đánh vào yếu tố “trẻ em tham gia cảnh nóng” cùng những hạt sạn lớn như đưa văn hóa “không phải thuần Việt” vào phim. 

Trước sự phản ứng dữ dội của công chúng, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã có thông báo kết luận về vụ việc. Theo đó, nhà sản xuất bộ phim này bị phạt hành chính 50 triệu đồng vì làm sai nội dung phim đã được phép phổ biến, và ngừng chiếu tại tất cả các cụm rạp trên cả nước. Sự việc khiến các nhà nghệ thuật cho rằng đó là cái chết tức tưởi của phim nghệ thuật Việt Nam. Và nguyên nhân sâu xa chính là hệ lụy của việc xã hội hóa điện ảnh trong gần 20 năm qua. Một câu hỏi đặt ra: khi xã hội hóa điện ảnh thì trách nhiệm xã hội của điện ảnh đến đâu?

Ngày nay, xã hội hóa các môn nghệ thuật không phải là chuyện lạ, điện ảnh cũng không ngoại lệ. Xã hội hóa điện ảnh có thể lấy mốc chính thức từ năm 2002 khi Bộ Văn hoá - Thông tin, nay là Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch ra quyết định số 38/2002/ QĐ-BVHTT quy định về việc thành lập cơ sở sản xuất phim và thẩm quyền thủ tục duyệt phim. Theo đó quyết định 38 cho phép các hãng phim tư nhân được thành lập, mở ra con đường Xã hội hóa điện ảnh. Tính đến hết tháng 12/2018, Điện ảnh Việt Nam hiện có 5 hãng phim thuộc sự quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, và khoảng trên dưới 500 hãng phim tư nhân được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh, sản xuất phim. Tạo nên một thị trường điện ảnh tương đối sôi động.

 

Xã hội hóa điện ảnh – Thực đơn nhiều màu sắc

Theo số liệu được Cục điện ảnh công bố mới đây, khoảng từ năm 2015 trở về trước, mỗi năm điện ảnh Việt Nam sản xuất từ 15 đến  25 phim, trong đó có 2 đến 3 phim theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Song từ năm 2015 đến nay, việc đầu tư, sản xuất theo đặt hàng bị đình trệ do vướng phải Luật điện ảnh và Luật đấu thầu, nhưng đổi lại, các phim tư nhân lại tăng đột biến lên đến con số trên dưới 40 phim/năm. Ngoài phim trong nước, điện ảnh Việt Nam còn ghi nhận sự có mặt của hàng trăm bộ phim nước ngoài được nhập khẩu, chiếu trên các kênh truyền hình trong nước và chiếu tại các cụm rạp. Đây chính là kết quả của quá trình Xã hội hóa điện ảnh, một xu hướng tất yếu của điện ảnh hiện nay.

Xã hội hóa điện ảnh không chỉ đem lại cho điện ảnh nhiều nguồn lực để phát triển (ngoài bầu sữa ngân sách), mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng. Song có một thực tế, dù có tới 500 hàng phim tư nhân hoạt động, nhưng chỉ có khoảng trên dưới 30 doanh nghiệp đủ tiềm lực kinh tế để tham gia đầu tư, sản xuất phim. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến chất lượng nghệ thuật của các bộ phim sản xuất trong nước nói chung và phim nhập khẩu nói riêng.

Giới nghiên cứu cho rằng Xã hội hóa điện ảnh là một xu hướng tất yếu, bởi một nền điện ảnh nếu chỉ được bú mớm bằng nguồn ngân sách Nhà nước sẽ chỉ cho ra những sản phẩm đơn sắc mà không thể trở thành lĩnh vực hoạt động sôi động nhất trong đời sống văn hoá, nghệ thuật hiện nay.

Ghi nhận chung sau gần 20 năm thực hiện Xã hội hóa, điện ảnh Việt Nam đã đủ tự tin hơn để bước ra thế giới. Nhiều bộ phim điện ảnh Việt Nam đã tham dự đấu trường điện ảnh quốc tế và gặt hái được những thành công vang dội, như Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng; Cha cõng con, Đảo của dân ngụ , hay gần đây nhất là Cô Ba Sài Gòn, Hai Phượng… Không chỉ giành giải thưởng danh giá quốc tế, những bộ phim này còn đoạt doanh thu phòng vé kỷ lục, tạo nên những con số ấn tượng mà lịch sử điện ảnh trong nước chưa bao giờ có được.

Lý giải cho những thành công của các hãng phim tư nhân, nhiều nhà lý luận phê bình điện ảnh cho rằng, có một phần tất yếu từ Xã hội hóa điện ảnh. Xã hội hóa cho phép đạo diễn, nhà sản xuất lựa chọn diễn viên, đề tài, kịch bản phù hợp với thị hiếu người xem và sát hơn với hơi thở cuộc sống. Nếu như trước đây, phim điện ảnh chỉ xoay quanh đề tài chiến tranh, lao động sản xuất kiểu người tốt việc tốt, thì nay những cuộc tình tay ba, tay tư, những mối xung đột thế hệ nàng dâu, mẹ chồng, vấn nạn ma tuý, mại dâm, và cả đồng giới… gần như không được điện ảnh đề cập đến nếu như không muốn nói là kiêng kỵ, thì nay được khai thác triệt để trở thành những bộ phim doanh thu cao.

Ngoài Xã hội hóa trong khâu sản xuất phim, Xã hội hóa điện ảnh còn cho phép các nhà đầu tư xây dựng và phát triển các cụm rạp chiếu phim trên cả nước, tạo cơ hội để công chúng tiếp cận với những thiết bị chiếu phim hiện đại 3D, 4D… với hiệu ứng mạnh mẽ cho các bộ phim được sản xuất và có hậu kỳ sử dụng thiết bị hiện đại phù trợ, bên cạnh việc góp phần thu hút khán giả đến với rạp chiếu phim, còn tăng doanh thu, từ đó tái đầu tư cho sản xuất phim.

 

Trách nhiệm xã hội từ Xã hội hóa điện ảnh

Song sự nở rộ của các hãng phim tư nhân và xu hướng làm phim thương mại đã tạo nên một thị trường điện ảnh khó kiểm soát.

Trước tiên, Xã hội hóa điện ảnh, nhà nước trong vai trò cơ quan quản lý chỉ đảm nhiệm việc kiểm duyệt và cấp phép cho phim trước khi ra rạp, hoặc được nhập khẩu về nước (đối với phim ngoại). Còn việc thuê mướn diễn viên, cảnh quay ở đâu đều do nhà sản xuất, đạo diễn quyết định. Theo TS Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương, thì đây là một trong những vẫn đề hết sức bất cập bởi “thực tiễn hoạt động Xã hội hóa điện ảnh ở nước ta đang mang đến nhiều bài học về cơ chế, chính sách, về giải quyết mối quan hệ giữa phục vụ lợi ích, giữa đầu tư với hiệu quả, giữa phát hành với khán giả, giữa số lượng với chất lượng… Nó cũng đặt ra những vấn đề mang tính thời sự cần phải có biện pháp để khắc phục

Tính thời sự cần khắc phục đó là tình trạng thương mại hoá điện ảnh. Nhiều nhà sản xuất phim đã không ngần ngại chạy theo thị hiếu người xem để sản xuất những bộ phim giải trí có nội dung phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục, nhiều bộ phim lại quá sa đà vào những cảnh cướp, giết hiếp, đem đến một cái nhìn u ám và sự bất an trong xã hội. Chưa kể, hoạt động chiếu phim tại các cụm rạp gần như thả nổi, phim gán mác 18+ hay không, có cấm khán giả chưa đến tuổi vị thành niên xem các cảnh phim bạo lực, tình cảm sướt mướt, thậm chí những bộ phim về giới thứ ba đã được khai thác triệt để và không loại trừ cả những cảnh gai góc nhất. Tâm lý ăn xổi của các nhà làm phim vốn chạy theo lợi nhuận và một phần thẩm mỹ từ một bộ phận khán giả dễ dãi, không xem nặng yếu tố nghệ thuật mà chỉ quan tâm tới yếu tố giải trí tầm thường, vô hình chung kéo phim Việt đi xuống.

Xã hội hóa điện ảnh là một hướng đi đúng, vì đã cởi trói cho điện ảnh, nhưng Xã hội hóa thì trách nhiệm xã hội của điện ảnh đến đâu, là một câu hỏi vẫn đau đáu không chỉ đối với người trong nghề mà cả với chính công chúng yêu nghệ thuật.

Trở lại với câu chuyện của phim Vợ ba. Tại sao phim đã tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế và được chú ý, nhưng “về nhà” vẫn vấp phải sự phản ứng của dư luận, khi nhân vật làm vợ ở tuổi 13 và diễn viên cũng… 13 tuổi? Tại sao khi chúng ta có phim 18+ để cấm giới trẻ tuổi vị thành niên ra rạp xem phim bạo lực, và phim người lớn, thì lại để một đứa trẻ đóng cảnh người lớn? Những cảnh quay trong Vợ Ba là thực và người ta không khỏi hồ nghi về những suy nghĩ mà đạo diễn, và những người liên quan đến bộ phim nói trên đăng đàn trả lời báo chí: Việc để một em bé 13 tuổi đóng vai nữ chính là không phạm luật.

Vẫn biết “Sư nói sư phải, vãi nói vãi đúng”, nhưng những đạo lý ở đời, và những nét đẹp trong thuần phong mỹ tục thì bộ môn nghệ thuật nào cũng phải giữ gìn và hướng đến. Không thể nhân danh nghệ thuật, hay nói hy sinh vì nghệ thuật để phá vỡ các quy chuẩn của đạo đức, lối sống. Trong khi Quốc hội, và các nhà giáo dục còn đang cân nhắc nên đưa giáo dục giới tính vào giảng dạy ở độ tuổi nào, thời lượng bao nhiêu là phù hợp, thì điện ảnh lại rộng đường cho một bé gái thực hiện những cảnh người lớn và  những xung đột tranh giành giữa các bà vợ với nhau với biết bao thủ đoạn thâm độc để công chiếu rộng rãi. Nhà sản xuất có thể để diễn viên đóng thế, hay chọn một diễn viên trẻ đảm nhận vai này, sao cứ phải bắt một đứa trẻ  thủ vai, cho dù đó là những chuyện có thật từ những năm xa tít mù khơi...

Với Vợ Ba, hay nhiều phim khác, trách nhiệm xã hội của điện ảnh đã bị xem nhẹ, thậm chí gạt sang một bên nhường chỗ cho lợi nhuận. Đó chính là lỗ hổng trong khâu kiểm duyệt, và trong những trường hợp này, nhà quản lý đã không làm tròn trách nhiệm quản lý của mình.

Nguồn Văn nghệ số 22/2019

 


Có thể bạn quan tâm