March 28, 2024, 3:54 pm

Từ vẻ đẹp của Giordano đến “tiếng thét” của Munch

Có một dạo đầu tháng 6, mạng xã hội nổ tưng bừng hình ảnh bầu trời chiều Sài Gòn. Thời điểm ấy, màu trời đỏ chót hơn bất kì thứ gì ở trên cao kia trở thành hiện tượng nấu chảy những kẻ lãng mạn nhất. Họ chìm đắm trong khung cảnh hùng vĩ độc đáo hiếm thấy với những mỹ từ “Phượng hoàng lửa”, “siêu ảo diệu” được dùng để miêu tả cùng triệu like và share dành cho bầu trời Sài Gòn lúc ấy mà không dự cảm được rằng có một sự bất an phảng phất báo hiệu điều gì đó không lành cho Sài Gòn sắp đến. Và sau đó đợt sóng Covid mới diễn ra…

Tranh “Tiếng thét” của E.Munch. Ảnh: Internet

Tôi trộm suy ngẫm cảm thấy sự quen thuộc đâu đấy. Hình ảnh bầu trời đỏ, nỗi lo âu… Bức tranh The Scream (Tiếng thét) của Edvard Munch dần hiện ra ngày một rõ hơn. Có chút chột dạ nhưng cũng có một chút thú vị về sự kết nối này. Nghệ thuật tái hiện lại thái độ của con người trước các sự kiện tự nhiên, tác phẩm nổi tiếng bỗng trở nên quá đỗi phù hợp trong khung cảnh dịch bệnh thế này.

Cái nhìn nghệ thuật trước nguy cơ tuyệt chủng của cộng đồng

Nếu trong văn học thế kỷ XX có tác phẩm “Dịch hạch” của Albert Camus thì trong hội họa có thể kể đến các tác phẩm của Luca Giordano miêu tả đại dịch hạch ở Naples vào năm 1656.

Thành phố phía nam của Ý có rất nhiều điểm tương đồng với Sài Gòn, khí hậu ôn hòa, con người thân thiện. Tuy nhiên đại dịch hạch 1656 kéo dài 6 tháng đã cướp đi sinh mạng hơn 250 ngàn trong tổng dân số 450 ngàn, gần 60% dân số!

Luca Giordano (1634-1705) vẽ rất đẹp. Có lẽ quá đẹp khi ngắm nhìn trực tiếp tác phẩm của ông. Ở tuổi 30, Giordano là họa sĩ nổi tiếng nhất châu Âu. Mọi quý tộc thời bấy giờ đều muốn có nét cọ của ông trong các nhà nguyện của họ. Người ta nói rằng ông vẽ rất siêng. Vào năm 1704, ở độ tuổi đáng kính, ông đứng vẽ trên giàn giáo, hoàn thành bức bích họa dưới mái vòm Nhà nguyện Kho báu của Nhà thờ San Martino ở Napoli. “Ông cứ thở là đều thành nét vẽ”, một nhà sử học thời bấy giờ miêu tả sức lao động kinh ngạc của ông.

Với đại dịch, chỉ có đứa con của Naples là Giordano khắc họa được cùng lúc thảm họa đầy đau thương và vẻ đẹp kỳ lạ của cái chết thay vì nỗi sợ đơn thuần. Niềm tin, sự cầu khẩn của muôn kiếp người dân Naples được khắc lên đầy hi vọng trong “Saint Janvier intercédant pour la cessation de la peste” (Tạm dịch: Thánh Janvier cầu Chúa trời chấm dứt bệnh dịch) - 1660”. Sự tương phản mạnh mẽ trong cảnh vật đầy hi vọng, tính sống còn, niềm tin nhân đạo nơi y sĩ và tôn giáo, tất cả đều thể hiện trong qua nét cọ Giordano.

Nghệ thuật của ông miêu tả vẻ đẹp thần thánh như lời cảm tạ của người dân Naples vượt qua cơn bĩ cực tránh diệt vong. Với ông, dịch bệnh như một phần tự nhiên của cuộc sống. Hơn cả một nhân chứng sống trước sự kiện tự nhiên mà người sống sót được chọn ngẫu nhiên, Giordano đã làm quá tốt vai trò của mình trong vai người diễn họa cho niềm tin của người dân Naples nói riêng và hội họa Ý nói chung cho đến mãi về sau.

“Tiếng thét” thảm thiết từ tận đáy tâm hồn trước tự nhiên.

Edvard Munch, họa sĩ người Áo kém may mắn hơn so với Giordano tiền bối. Dù không cùng thời, cùng hoàn cảnh, nhưng câu hỏi về niềm tin vẫn luẩn quẩn trong các tác phẩm hội họa ở những thời điểm khác nhau. Munch không phải chống chọi đại dịch nào nhưng ông chịu nhiều thiệt thòi từ nhỏ, ám ảnh bởi bệnh tật, nỗi sợ di truyền trong gia đình và 27 năm còn lại trong cuộc đời cô độc kéo dài.

Như một cái nghiệp, hiếm ai chọn cách sống chung với nỗi sợ như ông. Và có lẽ nghệ thuật cho ông niềm tin và cơ hội để khám phá tận cùng của di chứng theo ông suốt đời. 80 năm cuộc đời với những nhát cọ hỗn mang, cách dùng màu bạo dạn như muốn bộc lộ học tập được từ những Paul Gauguin hay Van Gogh. Đời ít niềm vui, ông chỉ thực hiện các chủ đề về u sầu, uất ức, sợ hãi, nỗi đau và cái chết, đóng góp vào sự phát triển cho phong trào Biểu tượng (Symbolists) và như người đi đầu cho phong trào Biểu hiện.

Nhưng dù cho tầm ảnh hưởng như thế nào trong phong trào hay lịch sử nghệ thuật, “Tiếng thét” của ông đạt được vị thế như là Mona Lisa thời hiện đại. Nếu tranh của da Vinci nói về vẻ đẹp an yên và sự tự chủ thì Munch mô tả con người hiện đại với đầy những bất an vô định từ trong ra ngoài.

Ngữ cảnh tranh đơn giản. Một ngày ông đi dạo trên cầu và thấy bầu trời đỏ như máu. Bất giác ông cảm thấy bất an đến nỗi chỉ biết thét lên như ông viết trong cuốn nhật ký vào năm 1892:

“Bất chợt bầu trời màu đỏ máu

- Và tôi cảm thấy, một hơi thở u sầu

- Một nỗi đau kiệt quệ

Với nỗi sợ hãi

Và tôi cảm thấy một tiếng thét bất tận vào cõi thiên nhiên”

“Tiếng thét” ra đời sau đó có 5 phiên bản khác nhau: 3 tranh sơn dầu, 1 pastel và 1 in ấn được làm từ 1893 cho đến 1917, nằm trong sê-ri “the frieze of life” (tạm dịch đường xoáy cuộc đời).

Có giả thiết cho rằng bầu trời đỏ rực bắt nguồn từ hiện tượng tự nhiên phun trào núi lửa ở Kraktoa. Sự phun trào mạnh đến nỗi đám tro khói phủ kín bầu trời lan sang tận Nauy.

Từ bầu trời đỏ cuồng loạn nhuốm màu chết chóc nhìn xuống là tác giả trong trạng thái hốt hoảng, có thể nói dân dã là “hồn siêu phách lạc”. Ở đây hình tượng như một linh hồn phi giới tính, không tóc, hoảng loạn một cách ma mị. Phía xa, 2 người bạn đi cũng khuất dạng một cách bất lực như không thể can thiệp vào cơn hoảng loạn của bạn mình. Munch đơn độc trong khung cảnh và ông nói ông đã vẽ chính linh hồn mình.

Con người chúng ta dễ dàng bị ảnh hưởng bởi thời tiết, còn ở Munch tội nghiệp là một sự nhạy cảm kinh khủng bị chế ngự và giam cầm ông. Tác phẩm “Sick Mood at Sunset” - 1892, một năm trước đó trong một khung cảnh tương tự, đơn độc lẻ loi như một điềm báo trước để rồi bộc phát cất lên “Tiếng thét”.

***

 “Tiếng thét” không chỉ dừng lại ở bệnh dịch mà còn ở niềm tin. Con người với sự phát triển của truyền thông lại càng tạo ra nhiều “tiếng thét” hơn từ mọi hướng, từ những người khốn khổ cho đến người giàu. Điều này cho thấy loài người luôn đầy mâu thuẫn và càng ngày càng có xu hướng đánh lừa dối chính bản thân mình. Đại dịch rồi cũng sẽ qua nhưng khủng hoảng niềm tin còn lại khi có quá nhiều vụ việc khiến chúng ta phải “khóc thét”. Chúng ta phải một điểm nương tựa nào đó vực dậy niềm tin này.

“Tiếng thét” hơn cả một khoảnh khắc xúc cảm, như sự bộc phát chân thật nhất của con người mà không chút mỹ miều, không một chiếc mặt nạ nào có thể che đậy. Hình ảnh méo mó và xấu xí mà Edvard Munch dành cả đời để theo đuổi không phải để cho chúng ta bài học nào, mà là một sự tiên tri, là nỗi sợ phi lãng mạn hóa, có phần xấu xí trần trụi trước tự nhiên.

Edvard Munch dành cả đời để không chạy trốn những thứ mà ai cũng muốn chạy trốn. Nỗi sợ không làm ông yếu đi mà ông còn sáng tạo lại nó. Ông viết: “Nỗi sợ của cuộc sống là cần thiết với tôi, khi nó là căn bệnh của tôi… Không có lo âu và sợ hãi, tôi như con tàu không phương hướng… Sự cam chịu của tôi là một phần của tôi và nghệ thuật của tôi. Điều đó không thể tách rời tôi; sự kết thúc của chúng cũng sẽ hủy hoại nghệ thuật của tôi”.

Sự thẳng thắn của “Tiếng thét” vang dội đến toàn nhân loại, cũng chính vì lẽ đó. Serie “Tiếng thét” đắt giá, nhiều lần bị trộm và phá giá kỷ lục, cụ thể là 120 triệu dolar cho phiên bản màu pastel.

Nguồn Văn nghệ số 34/2021


Có thể bạn quan tâm