April 25, 2024, 2:07 pm

Từ “văn mẫu”, nghĩ về các loại “hình mẫu”

 

Gần đây, sau tuyên bố của Bộ Giáo dục & Đào tạo về “xóa bỏ văn mẫu” trong nhà trường, xã hội lại rộ lên mổ xẻ tình trạng này bắt đầu từ đâu và làm cách nào để đoạn tuyệt với căn bệnh này? Người ta truy tìm nguyên nhân của tình trạng văn mẫu, rồi từ chuyện văn mẫu đến những mô hình kinh tế, xã hội, mô hình văn hóa, con người… Chuyện cứ mở rộng dần khái niệm, lĩnh vực từ một chuyện vốn được coi là nhỏ của một ngành ra những vấn đề lớn như thế không phải không có nguyên cớ. Bởi giáo dục là gương mặt của một xã hội, là một trụ cột của phát triển xã hội như định nghĩa của các nhà chuyên môn

1. Nói cho công bằng thì học theo mẫu không chỉ là chuyện trong nhà trường, chuyện văn chương mà là chuyện của muôn thuở, từ khi có chuyện phân hóa xã hội thì chuyện noi theo những mẫu người này, người kia đã có trước khi hình thành nên những mẫu văn chương, mẫu kiến trúc, mẫu tổ chức xã hội… Học theo mẫu là học theo những điều tốt đẹp, hoàn hảo đã đến mức trở thành biểu tượng cho một kiểu người, một mô hình ở một trình độ cao và hoàn hảo hơn mình. Vì thế, xét về bản chất, mẫu mang ý nghĩa tích cực đối với xã hội. Chả thế mà cụ Trần Quốc Tuấn khi viết hịch kêu gọi tướng sĩ cũng nêu ra một loạt những hình mẫu về người quân tử xả thân vì nghĩa, vì nước, lấy đó làm gương cho tướng sĩ học tập và chỉ ra một kiểu “mẫu tồi tệ” về đất nước và cá nhân sẽ nhỡn tiền nếu như họ không nghe lời cụ mà tu tỉnh. Và cụ Nguyễn Đình Chiểu đúc kết điều cần theo mẫu của những người cầm bút học theo ngòi bút chí công/ trong thi cho ngụ tấm lòng Xuân Thu. Cụ học người theo người ở cái chí hướng, tư tưởng, tinh túy chứ không học đòi. Vậy thì văn mẫu có tội không khi tạo ra một kiểu tư duy khuôn sáo trong nhà trường và thành nếp tư duy tệ hại của nhiều thế hệ? Theo tôi là có và không. Có là xét ở hậu quả nó đem lại khi nó góp phần tạo ra một loại người lười suy nghĩ, thụ động, học theo, làm theo mà không hiểu cả mục đích lẫn cách học thế nào cho hiệu quả. Các loại sách Giảng văn do những nhà chuyên môn soạn là những gợi ý về phương pháp tiếp cận tác phẩm, những nội dung cơ bản nhất để thầy cô giáo có thể dựa vào đó mà phát triển tư duy của mình đặng hướng dẫn học sinh tiếp tục đào sâu hơn những nội dung, cái hay, cái đẹp còn nằm dưới dạnh “tiềm ẩn” trong các văn bản nghệ thuật. Nhưng những người làm trực tiếp đã lười suy nghĩ, thiếu sáng tạo, khi bê nguyên xi những gì có trong những sách “công cụ” này làm mẫu, chỉ truyền thụ những gì trong đó, tệ hại hơn là “bắt” học trò chỉ được cảm nhận và viết ra những gì đã được nói đến trong những gợi ý có sẵn. Làm như vậy vừa nhàn mình, vừa an toàn. Thầy cô đã thụ động lại đẻ ra những lớp học trò thụ động hơn mình. Tội của văn mẫu là ở đó. Thói ăn sẵn, giáo điều, hời hợt, thích chọn cái dễ, tránh chỗ khó, thiếu trách nhiệm của ngành và của cơ quan quản lý, sự bàng quan xã hội cũng góp phần làm cho căn bệnh này nặng hơn. Vậy, vấn đề cần và phải mang tính pháp lệnh ở đây là thay đổi cách tiếp cận bài giảng, phải đặt mục tiêu khơi gợi cho học sinh năng lực nhận thức độc lập, năng lực giải quyết vấn đề trong nhà trường một cách khoa học.

2. Nhớ những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, phải nghe nói chuyện về Bắc Lý, Đại Phong, Định Công, Quỳnh Lưu… rất nhiều buổi. Mất bao nhiêu thời gian, chả biết mình phải làm những gì, chả nhớ được cái gì. Ông hàng xóm nhà tôi tủm tỉm: “Tưởng gì? Thì nhà trường dạy tốt, học tốt, nông dân lao động tốt chứ có gì khác mà nói lắm thế? Bắt phải học theo lắm thế? Chuyện ấy ở đâu chả phải làm? Nhưng mình làm cho mình thì phải theo cách của mình chứ thấy người ta ăn khoai cũng vác mai lộn vườn thì chả được cái gì đâu!”. Lúc đầu tôi cũng chả tin vì không khí thi đua học tập và làm theo mẫu sôi nổi lắm. Công sức, tiền của hồi ấy bỏ ra không nhiều như bây giờ nhưng có thể nói là “toàn bộ hệ thống” đều vào cuộc. Nhà nhà làm theo, người người làm theo, có chỉ tiêu rõ ràng nhưng hiệu quả thì toàn như bắn lên giời. Phong trào được mấy năm tự chìm đi. Nhưng mẫu này hỏng, người ta lại tìm ra mẫu khác. Cách làm rất giống nhau là nghe báo cáo điển hình, đi tham quan rồi học tập làm theo họ. Rút kinh nghiệm trước đây chỉ có lãnh đạo đi học hỏi, trao đổi, bây giờ người ta cho cả những người làm trực tiếp, “những nhà chuyên môn” đi theo. Những kế hoạch tổng thể, kế hoạch chi tiết để “đuổi kịp và vượt” hình mẫu đã được vạch ra.

3. Việc theo mẫu là chuyện cả thế giới làm, các nước phát triển cũng làm chứ không chỉ có các nước chậm phát triển đi sau mới phải học để làm theo. Học các kinh nghiệm thành công để thành công hơn nguyên mẫu là chuyện dễ thấy nhưng từ những bài học thất bại cũng có thể học được những kinh nghiệm quý để sẽ có thành công sau những thất bại đã nếm trải. Đó là cách học theo mẫu một cách sáng tạo chứ không học theo mẫu một cách nô lệ, mù quáng. Nói không ngoa, từ ngày mở cửa đến nay, các ngành, địa phương ở ta ùn ùn kéo nhau đi học hỏi, giao lưu ở các nước phát triển thuộc nhiều lĩnh vực rất nhiều. Những thu hoạch không nhỏ nhưng hình như chúng ta thành công hơn ở những việc làm cụ thể do những cá nhân thực hiện hơn là những việc liên quan đến tập thể, những vấn đề thuộc về vĩ mô, những chính sách có thể làm thay đổi một lĩnh vực, một ngành. Học nhưng chưa thấm được cái tinh túy của người. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao lại có tình trạng này? Ở ta hay làm theo kiểu học chưa đến nơi đến chốn, chưa hiểu rõ mục tiêu, con đường, cách thức đi đến đích đã bắt tay vào làm mà lại chủ yếu là làm theo kiểu “vừa làm vừa học, cứ làm đã hoàn thiện sau”. Tư tưởng ăn xổi cộng với tâm lý nhà nước còn nghèo bỏ tiền cho mình đi học chả lẽ không làm được gì. Thế là tư tưởng dối trá cũng “ngấm” luôn cả vào cái sự học theo mẫu, làm theo mẫu. Rồi làm theo phong trào, làm để lấy thành tích, làm để tuyên truyền đã kéo sập cái sự học theo người. Không thể nói là việc học và làm theo mẫu không có tác dụng ở mặt này hay mặt kia (vì thất bại cũng là mẹ của thành công cơ mà) nhưng nếu hạch toán kinh tế thì lỗ chứ chưa bằng vốn. Làm để lấy tiếng bao giờ cũng vậy. Chỉ nói riêng trong lĩnh vực giáo dục cũng rõ nước ta là nước chậm phát triển, đi sau nên phải học theo mô hình nước ngoài, mượn mô hình giáo dục tiên tiến để thực hiện chiến lược đi tắt, đón đầu... là đúng hướng; nhưng cách làm theo của ta hỏng, hay chính xác hơn là tiền của, công sức bỏ ra nhiều mà hiệu quả thấp. Người ta thành công vì dựa theo thực tế của họ, có tư tưởng và lộ trình nhất quán, làm cái gì đều đã hiểu căn kẽ được vì sao phải làm thế, ưu, nhược ở chỗ nào để tránh cái dở, làm thật tốt cái hay. Cách học của ta khác, cứ chọn theo mô hình nào mà các ông cho là hay là nhắm mắt theo họ, ông này quyết mẫu nào là bắt cả hệ thống theo ý mình, ông kia lên thay lại thay đổi cái ông trước quyết, lại chọn mẫu theo ý mới nghĩ ra. Chỗ giống duy nhất của các ông là hay lấy các mệnh lệnh hành chính, các quyết tâm chính trị thay cho thái độ cẩn trọng và khoa học, nên học và làm vẫn theo cái kiểu xem voi của mấy anh xẩm, nói theo dân gian là học mót, thấy có một mẩu cứ tưởng là đã biết hết chứ không phải học một cách chủ động, sáng tạo. Khi thất bại thì lại bảo do cấp thực hiện năng lực kém vì những mẫu các ông chọn đều hay ho cả. Xin kiến nghị một điều nhỏ: ta loay hoay theo mẫu từ nhỏ đến to mấy chục năm rồi mà vẫn còn chưa dừng. Tìm mẫu là việc cần làm và gắn với những việc cụ thể, giai đoạn cụ thể chứ không nên diễn ra liên miên như thế, mẫu này chưa định hình đã lại theo mẫu khác. Đâu phải người khác có cái hay là ta lại bắt chước họ, vì nếu cứ bắt chước mãi, ta không thể theo được. Mà giả dụ có theo được thì ta cũng không còn là ta nữa, ta thành một cái gì đó khác rồi. Câu chuyện cụ Hồ đã nhắc về điều này từ mấy chục năm trước là “đừng có gieo ngô ra vừng”. Phương châm của cụ là “giải quyết một sự việc cụ thể trong một tình huống cụ thể”, không giáo điều, không học theo người khác một cách thiếu lựa chọn. Thế mà ở ta việc tìm mẫu lắm lý thuyết quá, rắc rối quá. Suy cho cùng thì lựa chọn theo mô hình nào cũng là vấn đề của nhận thức. Bởi mẫu-mô hình luôn là mặt biểu hiện của sự vận động và phát triển. Nó luôn gắn với những tìm kiểm, vượt lên nên cũng đi liền với sự lạc hậu, luôn có sự cạnh tranh, bị đào thải hoặc phải điều chỉnh khi không còn hợp thời hay đã hết vai trò đối với xã hội. Nó là công việc của lý trí nhưng cũng là chuyện cuộc đời, không là chuyện riêng của một ai mà là chuyện của quốc gia, dân tộc. Và đã là chuyện nhận thức thì cần cả trí tuệ, bản lĩnh và một trái tim nóng luôn biết vui buồn cùng nhân dân, đất nước thì mớ tránh được những chuyện theo mẫu sai lầm.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022


Có thể bạn quan tâm