March 28, 2024, 4:04 pm

Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong văn học đương đại - chân lí và sự thật

 

 

Hiểu sao hết “Người đi tìm hình
của Nước”
Không phải hình một bài thơ đá tạc
nên người
Một góc quê hương nửa đời
quen thuộc

Hay một đấng vô hình sương khói
xa xôi

Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vin hoa cho hai mươi lăm
triệu con người

(Chế Lan Viên - Người đi tìm hình của nước)
Chế Lan Viên đã viết những vần thơ thật đẹp, giàu hình tượng, giàu suy ngẫm về Hồ Chí Minh như thế. Người đi tìm hình của nước, tìm lịch sử, tương lai và những định hình đầy bản sắc của dân tộc, ấy là Hồ Chí Minh. Cuộc đời Bác là minh chứng cho những gì chúng ta đang nói tới ở đây - một tầm cao tư tưởng, một đạo đức sáng ngời, một con người vĩ đại. Tư tưởng và đạo đức của Hồ Chí Minh chính là chân lí và sự thật trên con đường đi tới của cách mạng Việt Nam. Bởi thế, việc gìn giữ và phát huy tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh đồng nghĩa với việc bảo vệ chân lí và sự thật trong di sản tinh thần của dân tộc.
Tư tưởng không đến từ hư vô siêu hình. Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết tinh hình thành trong suốt cuộc đời của Bác, từ thơ ấu ở làng Sen đến những chân trời Âu - Mĩ - Phi xa xôi, từ phương Đông tới phương Tây, từ truyền thống đến hiện đại. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX nêu định nghĩa: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hoá nhân loại” (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 83). Có thể nói, định nghĩa này đã thâu tóm được những vấn đề vừa cụ thể vừa bao quát về tư tưởng của Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người, về căn bản được hình dung trên một số phương diện như: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân (Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 22).
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một di sản vô giá, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam, là tinh thần và lương tri của toàn dân tộc trong thời hiện đại và cũng là hành trang để dân tộc đi tới tương lai. Tuy nhiên, trong bối cảnh hết sức phức tạp của thế giới và khu vực, các thế lực thù địch không ngừng chống phá, xuyên tạc, phủ nhận giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, hơn lúc nào hết, việc ý thức rõ giá trị chân lí và sự thật trong tư tưởng của Người càng phải được nâng cao, kết hợp với việc đấu tranh làm thất bại âm mưu của kẻ thù. Trên mặt trận tư tưởng, văn học nghệ thuật là một công cụ, một khí giới và mỗi văn nghệ sĩ là một chiến sĩ - như lời Bác từng nói, đã tham gia tích cực vào việc bảo vệ tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch. Một trong những biểu hiện cụ thể, rõ ràng nhất chính là việc xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm nghệ thuật ca ngợi, tôn vinh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Nhìn lại, trong văn học, hình tượng Bác Hồ với tư tưởng và đạo đức ngời sáng luôn là đề tài hấp dẫn. Chính điều đó đã đem lại sức mạnh trong cuộc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, phủ nhận giá trị tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Nghĩ về Bác trong những ngày gian lao, khó nhọc gây dựng chiến khu cách mạng, tác giả Cao Xuân Thái viết: Giữa lán nhỏ Nà Nưa, trong hang sâu Pác Bó/ Rừng chiến khu buổi đầu gian khó/ Cháo bẹ, rau măng... tóc Bác sớm bạc rồi (Ngọn lửa Bác nhen). Lời thơ giản dị mà giàu cảm xúc, chất chứa những tình cảm dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân. Gợi lại bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Bác, tác giả hình dung ra những khó khăn mà Người phải nếm trải, từ đó, một nỗi niềm thương yêu, kính trọng dâng lên khi thấy mái đầu tóc bạc của Bác, vì dân, vì nước, vì nhiệm vụ cách mạng gian khó mà cao cả. Từ ngọn lửa nhỏ trong hang đá lạnh Bác nhen, sau chín năm kháng chiến trường kì đã thành ngọn lửa vĩ đại của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: Ngọn lửa bập bùng cháy mãi không thôi/ In hình Bác những đêm dài thao thức/…/ Ngọn lửa Bác thành lá cờ chói đỏ/ Cắm giữa Điện Biên chấn động địa cầu (Ngọn lửa Bác nhen - Cao Xuân Thái). Cũng với cảm xúc chân thành, giản dị ấy, hiểu được tấm lòng lãnh tụ, Ngọc Bái đã viết trong trường ca Vầng trăng và cánh rừng: Già Thu/ trầm ngâm/ bàn đá/ viết những lời hiệu triệu/ bằng thơ/ bằng nỗi đau/ bằng nỗi cực nhọc của người dân/ bằng lịch sử cha ông thấm vào đất. Nghĩ về Bác, viết về Bác bằng trái tim và lòng tôn kính vô hạn, đặt cuộc đời và sự nghiệp của Người trong lịch sử vinh quang của dân tộc, mới hay, Bác là hiện thân của chân lí, lẽ phải và sự thật. Đó là chân lí của độc lập, tự do, thống nhất - chân lí ngàn năm mà dân tộc đã dày công vun đắp, gìn giữ. Hồ Chí Minh đã kế thừa xuất sắc và làm sáng thêm những trang sử hào hùng từ Đinh - Lý - Trần - Lê, làm nên thời đại Hồ Chí Minh. Và, gốc rễ của thành công, để lãnh đạo toàn dân làm cách mạng, đi đến thắng lợi cuối cùng, mọi hành động đều phải hướng đến nhân dân, tập hợp được ý chí, lòng tin của dân. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh thấu tỏ điều đó, và xem như một đòi hỏi cao nhất của người cán bộ cách mạng - được dân yêu, dân tin, dân quý. Ngọc Bái đã có những cảm nhận khá chân thành về phẩm tính này ở Bác: Anh đã nghe người dân kể Cụ Hồ vui đùa cùng trẻ nhỏ/ cuốc đất bắt sâu/ hát kết đoàn đêm trăng cùng dân bản/ vui reo ca dân cày có ruộng/ vui reo ca ai cũng được học hành/ rét cùng hơ tay trên bếp lửa/ chăm từng bữa ăn, giấc ngủ chiến sĩ/ Và anh nghĩ/ lãnh tụ là vậy/ làm gì dân không tin/ làm gì kháng chiến chẳng thắng lợi (Vầng trăng và cánh rừng).
Sự dịch chuyển của cảm hứng nghệ thuật, thi pháp, đề tài, chủ đề… trong văn học nghệ thuật sau 1975 đã hướng các văn nghệ sĩ vào khía cạnh đời tư, thường nhật. Xu hướng này là tất yếu sau một thời gian dài chúng ta dành nhiều sự quan tâm cho những vấn đề lớn lao, đại chúng. Cũng như vậy, hình tượng Bác Hồ trong văn học đương đại được soi chiếu ở góc nhìn đời tư, bình dị mà gần gũi hơn. Tác giả Sơn Tùng với Búp sen xanh và Bông sen vàng đã không chỉ khắc họa những khía cạnh vĩ đại, cao cả của Bác mà còn làm bật nổi những chi tiết đời thường từ cậu bé Nguyễn Sinh Côn khi còn sống ở làng Sen. Đó là một cậu bé như bao đứa trẻ khác, cũng nũng nịu mẹ cha, cũng ngỗ nghịch ham chơi… Lớn lên, Nguyễn Sinh Côn - Nguyễn Tất Thành cũng có những rung động tình yêu đầu đời (cùng Út Huệ), nhưng đành phải kìm nén, gác lại cho những dự định xa hơn, lớn lao hơn để đưa dân tộc thoát khỏi cảnh bần cùng, nô lệ. Bổ sung khía cạnh đời thường tạo nên nhận thức mới về Bác, một con người bình dị mà vĩ đại, đời thường mà phi thường. Bác không phải là thánh thần ở ngôi cao thăm thẳm hư vô, Bác là con người sống giữa quần chúng nhân dân, yêu thương và lo lắng cho dân, cho nước. Hơn ai hết, và trước hết, Hồ Chí Minh nếm trải đủ đầy phận người khó nhọc, cần lao, mất tự do, bị đọa đầy khổ ải. Vì thế, hành trình ra đi tìm đường cứu nước và trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi là hành trình của một con người đi tìm chân lí, sự thật cho tất cả mọi người: Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông/ Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt/ Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc/ Sao vàng bay theo liềm búa công nông/ Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/ Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/ Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin/ Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc/ “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!” (Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên).
Nếu Búp sen xanh, Bông sen vàng viết về quãng đời ấu thơ nơi làng Sen của Bác thì Cha và con (Hồ Phương) viết về cuộc đời của Bác ở giai đoạn vị thành niên. Dù đã lớn hơn, nhưng vẫn được gọi bằng cái tên thân thuộc - Côn, trong tác phẩm Cha và con, quãng đời này của Bác vẫn lưu dấu những ấn tượng về một con người rất đỗi đời thường. Như Hồ Phương bộc bạch, ông không muốn xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh là một thánh nhân từ tấm bé. Trên bìa cuốn sách ông viết: “… đây hoàn toàn không phải là “truyện kí danh nhân” hoặc “tiểu sử danh nhân”, mà đây là một cuốn tiểu thuyết về Bác Hồ”. Dĩ nhiên, tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh là quá trình hun đúc, tôi rèn từ tấm bé, nhưng rõ ràng cách tiếp cận đời thường đã đem đến sự gần gũi cho hình tượng Hồ Chí Minh. PGS.TS. Bùi Thanh Truyền trong bài viếtHình tượng Bác Hồ trong một số tiểu thuyết tiêu biểu cho thiếu nhi sau 1975 đã đưa ra nhận xét: “Không chỉ hướng tới những vấn đề có ý nghĩa lớn lao như lịch sử, cộng đồng, người viết còn quan tâm nhiều hơn đến từng biểu hiện chân thực, sinh động của thế giới nội tâm, chú trọng cả những cái bình thường lẫn phi thường trong nhân cách của Bác thuở thiếu thời. Chính quan niệm con người đời thường - thế tục đã góp phần đắc lực để đổi mới thi pháp, mang lại chất văn xuôi - một phẩm chất tiêu biểu của truyện đương đại, tạo ra sự cộng hưởng giữa chức năng giáo dục và chức năng thẩm mĩ của văn học dành cho trẻ em hôm nay. Sức hấp dẫn của các tiểu thuyết này không chỉ là do bút pháp phác họa hình tượng theo lối tả thực cổ điển hay dày công tạo dựng một cốt truyện chỉn chu, giàu kịch tính mà còn là vì chúng đã lí giải một cách thuyết phục mối quan hệ giữa cội nguồn truyền thống với sự hình thành bản lĩnh, nhân cách, vẻ đẹp tâm hồn Bác ngay từ thời thơ trẻ; nhờ thế đã tạo nên những rung động sâu xa, bền vững nơi bạn đọc”. Tác phẩm tiểu thuyết có lợi thế về dung lượng và đặc tính thể loại giúp cho việc tiếp cận hình tượng Bác Hồ đa dạng, sinh động hơn, tạo ra sự thân thuộc, gần gũi với đông đảo bạn đọc - nhất là những thế hệ đi sau, chỉ hình dung về Bác thông qua tác phẩm văn học nghệ thuật và lịch sử… Cuộc đời Hồ Chí Minh, tư tưởng, đạo đức của Người là kết tinh của hành trình sống và cống hiến hết mình, trọn vẹn cho đất nước. Đó không phải điều gì siêu hình, có sẵn của một thánh nhân từ lúc lọt lòng. Chân lí và sự thật nào nếu không phải là một con người sinh ra, lớn lên mang đầy đủ, trọn vẹn tinh thần Việt Nam, đưa Việt Nam tiến ra thế giới bằng ý chí và tinh thần độc lập, tự chủ. Cuộc đời của Hồ Chí Minh từ khi sinh ra và lớn lên, dấn thân bốn biển năm châu tìm đường cứu nước là hành trình của chân lí và đạo đức. Trong một số tác phẩm văn học khác như Mặt trời Pác Bó, Trông vời cố quốc, Giải phóng (Hoàng Quảng Uyên)… hình tượng Hồ Chí Minh lại càng ngời sáng với vẻ đẹp vừa cao cả, vừa bình dị, vừa lồng lộng gió bốn phương vừa thấm đẫm tinh thần dân tộc, là hiện thân của chân lí thời đại. TS. Nguyễn Văn Hùng sau khi đọc các tiểu thuyết này đã có nhận định khá xác đáng: “Mặt trời Pác Bó và Giải phóng là hai chặng đường quan trọng khi Bác Hồ trở về nước lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lấy bối cảnh là chiến khu Việt Bắc, Mặt trời Pác Bóđã tái hiện những hoạt động của Người trong những năm 1941-1945, giai đoạn chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Giải phóng lại khắc họa những sự kiện trọng đại của dân tộc: những ngày Cách mạng tháng Tám, thành lập Chính phủ lâm thời tại Tân Trào, rồi cuộc kháng chiến thần thánh kéo dài chín năm. Cùng với Trái tim quả đất của Sơn Tùng, Mặt trời Pác Bó và Giải phóng của Hoàng Quảng Uyên đã xây dựng thành công hình tượng Hồ Chí Minh - bậc đại trí đại dũng, nhà lãnh đạo tài ba, nhà quân sự uyên thâm thấu suốt truyền thống lịch sử và cũng là một nhà văn hoá tiên phong đạo cốt giữa trận tiền” (Nguyễn Văn Hùng, Hình tượng Bác Hồ trong văn xuôi Việt Nam đương đại).
Văn chương viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh có thể được xem như một dòng văn học với di sản khá đồ sộ và không ngừng được bồi đắp. Cùng với những sáng tác giai đoạn trước 1975 của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Minh Huệ, Thanh Tịnh, Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Hải, Trần Đăng Khoa, sau 1975, các tác phẩm của Sơn Tùng, Hồ Phương, Hoàng Quảng Uyên, Nguyễn Thế Quang, Ngọc Bái… đã tiếp nối vào truyền thống tôn vinh giá trị tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Hồ Chí Minh. Tư tưởng, đạo đức của Bác là chân lí và đạo đức của dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Trước những âm mưu xuyên tạc, phủ nhận giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, văn chương nghệ thuật đã lên tiếng theo cách riêng của mình. Con đường của văn chương khác với lịch sử, khoa học, tuy nhiên, mục đích của văn chương vẫn là làm sáng lên những giá trị vĩ đại của cuộc đời Hồ Chí Minh, nhằm bồi đắp thêm lòng kính yêu đối với lãnh tụ đồng thời phản bác các luận điệu sai trái của kẻ thù. Chính trị của nghệ thuật chính là ở chỗ bằng những giá trị mĩ học, bằng các phương thức nghệ thuật đem đến cho con người nhận thức, trải nghiệm thỏa mãn nhu cầu về cái đẹp, cái giá trị đối với đời sống của họ. Chính vì thế, song hành cùng các hệ thống giá trị khác, văn học nghệ thuật với hình tượng Bác Hồ đã trở thành một hoạt lực chính trị mạnh mẽ trên mặt trận tư tưởng. Người đọc sẽ nhận ra, ở Hồ Chí Minh, một cuộc đời cao cả hội tụ chân lí, đạo đức của nhân loại tiến bộ. Ta chợt nhớ những câu thơ xúc động mà đầy tự hào của Tố Hữu: Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn (Bác ơi!)
Đ.T.Q

Nguồn VNQD      
     

Có thể bạn quan tâm