April 20, 2024, 2:37 pm

Tự trọng và sáng tạo

BÊN LỀ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN THỨ X

Có lẽ đã lâu mới lại có một Đại hội Nhà văn Việt Nam được trông đợi như Đại hội lần thứ X nhiệm kỳ 2020 – 2025. Các hội viên cũng như những người yêu văn học trông đợi sự đổi thay từ những làn gió mới để tiếp thêm sức sống, tư duy mới, sự năng động sáng tạo cho đời sống văn chương vốn đang bị trầm buồn, bị yếu thế trước những va đập khốc liệt của thời đại thông tin đang biến động từng giờ. Để có một tác phẩm văn học mang giá trị nghệ thuật, mang hơi thở của thời đại mà vẫn tiếp nối được những giá trị văn hóa truyền thống cần có những con người sáng tạo tài năng dám sống, dám viết, dám dấn thân, dám hy sinh, tuy nhiên bên cạnh đó có lẽ vẫn cần có sự đồng hành của những người làm nghề mà đại diện đó chính là tổ chức Hội. Có như vậy người cầm bút sẽ cảm thấy không bị đơn lẻ dẫu vẫn biết rằng công việc sáng tạo vốn là một con đường cô độc. Nhân Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, báo Văn nghệ đã phỏng vấn một số nhà văn nhà thơ, nhiều người trong số họ là những hội viên trẻ lần đầu tham dự Đại hội, có người tuy không còn trẻ nhưng trong họ vẫn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, muốn được đóng góp cho tổ chức Hội.

Tiếp lửa cho đam mê nghề nghiệp

Nhà thơ Lữ Thị Mai

Nhà thơ Lữ Mai thân mến với góc nhìn của một nhà thơ trẻ, theo chị yếu tố quan trọng nhất của một tác phẩm văn học đó là gì?

Nhà thơ Lữ Mai: Trong quan niệm của tôi về nghiệp chữ, một tác phẩm văn chương có mạnh về ý tưởng, trí tuệ đến thế nào vẫn cần chạm vào trái tim người đọc. Và một trong những yếu tố làm nên điều đó chính là giá trị nội dung với những lắng đọng, rung cảm từ cuộc sống.

Chị đánh giá thế nào về các cây bút trẻ cùng thế hệ với mình?

Nhà thơ Lữ Mai: Theo quan sát của tôi, thế hệ những nhà văn 8x, 9x cùng thời với mình đã có những gương mặt trưởng thành bằng các tác phẩm và giải thưởng văn học. Người viết trẻ dù ở thời đại nào dường như cũng mang tinh thần hướng đến cái mới, cái lớn, dù thực tế họ có thể đã hoặc chưa chinh phục được. Các tác giả kể trên đều xuất hiện với những tác phẩm thể loại dài hơi là: trường ca, tiểu thuyết…

Kể từ khi trở thành Hội viên hội nhà văn Việt Nam cho đến nay, theo quan sát của chị, Hội Nhà văn đã có những hoạt động gì thiết thực để phát triển đội ngũ viết văn trẻ không?

Nhà thơ Lữ Mai: Bên cạnh những tín hiệu vui, vẫn còn tồn tại một số thực trạng mà trong đó cũng cần điểm tới vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc động viên, hỗ trợ người viết trẻ. Hội Nhà văn vẫn có các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích người viết trẻ. Thông thường, các kỳ Hội nghị những người Viết văn trẻ sẽ kết hợp hoạt động hội thảo, tọa đàm với thực tế nhưng rõ ràng, những hoạt động đó chưa nhiều, chưa sinh động. Hằng năm, cơ quan như Hội Nhà văn Việt Nam có mở nhiều trại sáng tác ở các vùng miền, song, thành phần dự trại vẫn thiếu vắng các cây bút trẻ. Thành quả về tác phẩm cũng như sự trao đổi, chia sẻ, kết hợp dài hơi giữa các đoàn thể, hội ngành… sau những chuyến đi là một phần quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp của người viết nói chung và cây bút trẻ nói riêng đang cần tích lũy trải nghiệm, vốn sống.

Vậy chị có ý kiến đề xuất gì đối với cơ quan Hội trong nhiệm kì tới đối với việc quan tâm phát triển đội ngũ viết văn trẻ không?

Nhà thơ Lữ Mai: Trong tư cách một người viết trẻ, tôi có những đề xuất để chúng tôi thuận lợi hơn trong quá trình sáng tạo. Một là, Hội cần có thêm các khóa bồi dưỡng, trại sáng tác, cuộc thi có chủ đề cụ thể, kết hợp các chuyến thực tế cho người viết trẻ. Hoạt động này cần được diễn ra ít nhất một vài lần trong năm và thành phần tham dự khoảng 2/3 là người viết trẻ. Bên cạnh đó, Hội cần có những ưu tiên, đầu tư tác phẩm cho người viết trẻ có đề tài đặc biệt như: Hậu chiến, biên giới, hải đảo, bảo tồn văn hóa dân tộc… Đây là những đề tài lớn, đang bị cho là thiếu vắng sự quan tâm của các cây bút trẻ. Hằng năm, nên có những đầu sách được Hội đầu tư sáng tác, hỗ trợ kinh phí xuất bản. Ngoài ra, Hội nên có sự khích lệ, ghi nhận cho các cá nhân là hội viên có hoạt động đi thực tế sôi nổi, có tác phẩm văn học đoạt giải thưởng giá trị, kể cả đó không phải là giải thưởng của Hội. Và thêm nữa, Hội cần có một đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin một cách linh hoạt, kịp thời để những sáng kiến, đề xuất của nhà văn trẻ và các nhà văn nói chung đi vào thực tế. Hội có thể phối hợp cùng các cơ quan, đoàn thể khác, nơi có nhiều nhà văn đang công tác để tạo mối quan hệ công việc, tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ mang tính đặc thù, chuyên sâu. Cũng trong tư cách một người viết trẻ, tôi tự thấy bản thân và những bạn viết cùng thời cũng cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để chinh phục đề tài khó, có được tác phẩm mang hơi thở thời đại. Những người viết chúng tôi, ngoài đam mê, khát vọng của bản thân còn luôn mong được thụ hưởng sức sống, cảm hứng từ hoạt động đoàn thể bởi đó cũng có chất liệu, điều kiện tốt giúp chúng tôi thêm động lực và có sự gắn kết, tương tác nghề nghiệp.

Xin cảm ơn nhà thơ Lữ Mai.

Mong đợi sự năng động và năng lực kiến tạo

Nhà thơ Quang Hưng

Là một trong những hội viên trẻ “hay góp ý” với Hội, Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đánh giá thế nào về các hoạt động của Hội trong nhiệm kì vừa qua?

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Nhìn vào góc độ rất quan trọng là công tác lãnh đạo, điều hành, vận hành cơ quan “đầu não” của Hội, thì có nhiều điều đáng ghi nhận. Đó là các công tác hỗ trợ sáng tác cho hội viên từ nguồn ngân sách của Nhà nước, tổ chức các trại viết, các đoàn đi thực tế trong nước, một số đoàn đi công tác nước ngoài tham dự vào các sự kiện - diễn đàn văn chương… được duy trì đều đặn. Hoặc các khóa bồi dưỡng sáng tác, phê bình do Hội tổ chức, sự nỗ lực của các đơn vị như NXB Hội nhà văn, Tạp chí Nhà văn và tác phẩm… 

Đáng chú ý, tôi thấy lãnh đạo Hội ta đã phát huy tinh thần hợp tác, khuyến khích sáng tác gắn bó, hướng đến nhiều vấn đề, lĩnh vực đời sống, qua một số cuộc phối hợp với các bộ ngành như công an, quân đội, nông nghiệp, lao động xã hội… tổ chức các cuộc vận động hay cuộc thi sáng tác. Hoặc tiếp tục phối hợp ngành văn hóa trong việc xét chọn giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước. Rồi trong công tác kết nạp thì rất đáng quý là Hội ta đã có thêm nhiều hội viên mới là các tác giả trẻ sung sức.

Như trên là những điểm đáng ghi nhận, trân trọng theo ý kiến của anh, còn có những gì chưa thật nổi bật chẳng hạn, mà anh nhận thấy cũng như qua đó muốn góp ý thêm cho Hội, đặc biệt là gửi tới một ban chấp hành mới?

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng:  Nhiều năm, tôi vẫn băn khoăn và có những góp ý hướng về Hội, mong Hội nâng cao tiếng nói góp ý, phản biện, xây dựng chính sách liên quan đến văn học. Đặc biệt là rất cần đến vai trò của lãnh đạo Hội, cơ quan Hội. Tuy nhiên, ở mảng này tôi nhận thấy Hội ta chưa phát huy lắm. Thí dụ như, Hội là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, không phải là cơ quan quản lý nhà nước, vì thế rất cần góp ý, gợi mở, đề xuất, hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cấp cao hơn trong việc thúc đẩy chính sách thuận lợi hơn cho sáng tác văn học, cho các hội viên.

Hoặc trong công tác xét giải thưởng thì tôi thấy thời gian của Hội có phần eo hẹp, gấp gáp, trong khi việc đón nhận, thẩm định, xét chọn… cần nhiều thời gian và bao quát rộng rãi. Nên chăng xây dựng một cơ chế cho việc đón nhận, thẩm định tác phẩm được lâu, dài và nhiều hơn. Cũng như, Hội cần có trách nhiệm hơn với các tác phẩm được trao giải - nhân danh sự lựa chọn của mình, trong việc quảng bá ra công chúng để đón nhận sự thẩm định rộng rãi hơn từ xã hội. Tôi là nhà thơ, ở góc độ tác phẩm thơ, thì tôi mong tới đây trong nhiệm kỳ mới, ban chấp hành sẽ tìm và thành lập được một Hội đồng thơ cởi mở hơn, mới mẻ hơn, táo bạo hơn, đón nhận được nhiều hơn những sáng tạo, đổi mới trong sáng tác trong các tác giả. 

Tôi cũng xin gợi ý rằng, ngoài hội đồng lý luận phê bình, nên chăng, trong các hội đồng chuyên môn nói chung, đặc biệt là văn và thơ, có sự tham gia của nhà nghiên cứu, phê bình chuyên sâu và có uy tín học thuật về lĩnh vực này, để góp thêm cái nhìn từ góc độ chuyên môn sâu trong việc thẩm định tác phẩm. Cũng phải nhắc đến ước mong về một giải văn học thiếu nhi được nói đến nhiều mà chưa thành hiện thực.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh một điểm nữa mà ở góc độ là người làm báo và đón nhận chia sẻ của nhiều đồng nghiệp báo chí, thì tôi thấy công tác truyền thông cũng như năng lực tổ chức truyền thông, quan hệ với báo chí của Hội ta chưa được tốt.

Và để làm được nhiều việc mới, tạo ra sự thay đổi tôi mong có một ban chấp hành mới năng động, sáng tạo, hăng hái. Chúng ta thường nói đến đặc thù của hội nghề nghiệp, về việc những vai trò chủ chốt rất cần có uy tín về sáng tác. Điều đó đúng. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh đó cần những yếu tố khác nữa, đặc biệt là ở vai trò tổ chức, kiến tạo và thúc đẩy. Và rộng hơn, cần có cả một bộ máy năng động để cùng thực hiện những kiến tạo mới. Đặc biệt khi không nên dồn “gánh nặng” mong đợi vào lãnh đạo Hội hay ban chấp hành, mà rất cần sự tích cực nghiên cứu tìm tòi, đề xuất các ý tưởng và hoạt động của mỗi bộ phận, đơn vị, hội đồng hay ban trực thuộc.

Cảm ơn nhà thơ đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Mong rằng anh sẽ luôn giữ được những nhiệt huyết để luôn có những đóng góp ý kiến để xây dựng tổ chức Hội.

Nhà văn trẻ người dân tộc thiểu số - anh ở đâu?

Nhà thơ Lý Hữu Lương

Nhà thơ Lý Hữu Lương, có khi nào anh cảm thấy đội ngũ các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số đang dần thưa vắng trên văn đàn không? Lý do gì vậy? Họ đang ở đâu?

Nhà thơ Lý Hữu Lương: Quả thực đội ngũ những người viết trẻ người dân tộc thiểu số đang rất thưa vắng trên văn đàn, đặc biệt lứa tuổi từ 30 trở xuống thì chưa có cá nhân nào có thể điểm tên. Ở các thế hệ trước, những cá nhân tiêu biểu đều xuất hiện và bắt đầu trong cộng đồng dân tộc lớn hơn như Tày, Nùng, Mường… thì hiện tại cũng chưa cung cấp một dấu hiệu khả quan nào. Chúng ta không thể đổ lỗi mãi cho điều kiện khách quan như đời sống khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, thiếu sự quan tâm… điều mang tính cốt tử ở đây chính là tinh thần tự ti, lười học hỏi, giấu dốt của từng cộng đồng dân tộc thiểu số.

Anh có thể đưa ra một lý do thuyết phục, để các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số cần phải tự thấy trách nhiệm đóng góp tiếng nói của mình trên văn đàn?

Nhà thơ Lý Hữu Lương: Thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn, cơ hội tiếp cận tri thức nhân loại ngày càng nhanh hơn, công bằng với tất cả mọi người, mọi tộc người. Đối diện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo, của vạn vật kết nối, khi các hệ giá trị văn hoá - xã hội sẽ và đều biến đổi thì nền văn học cũng không thể đứng ngoài cuộc. Ở chừng mực nào đó, chúng ta đang nhìn thấy sự dịch chuyển về cách tiếp cận với nền văn học thế giới, cách viết, cách tiếp thị sản phẩm văn học của mình với công chúng của nhà văn qua Internet, các trang mạng xã hội, các ứng dụng truyền thông tiện ích… đó cũng là cơ hội cho một hi vọng những cây viết trẻ người dân tộc thiểu số đã và đang cần xuất hiện, buộc phải xuất hiện.

Không ai có thể viết hay dân tộc mình hơn những người con của dân tộc mình - hi vọng từ sự trân quý, yêu thương cội nguồn và bản sắc phong tục sẽ là sức mạnh giúp mỗi cá nhân trong cộng đồng tiếp tục kế thừa, phát triển, hiển thị xứng đáng nền văn học của người dân tộc thiểu số trong dòng chảy của văn học Việt Nam.

Anh có muốn gửi gắm điều gì đến Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kì mới này không?

Nhà thơ Lý Hữu Lương: Tôi hy vọng Ban Chấp hành mới sẽ năng động, sâu sát, quan tâm đầy đủ hiện trạng, nguy cơ khuyếch tán, đứt đoạn của dòng chảy văn học thiểu số để có kế hoạch ươm mầm, gây dựng và phát triển các thế hệ nhà văn trẻ người dân tộc thiểu số kế tục của chúng tôi.

Tôi hoàn toàn đồng ý với anh, không ai có thể viết hay về đời sống của dân tộc mình bằng chính những người con được sinh ra trong cộng đồng dân tộc ấy. Có như vậy tác phẩm văn học mới chứa đựng được hồn cốt, bản sắc của dân tộc cũng như vùng quê ấy. Chúng ta hãy cùng hy vọng ở tương lai sẽ có một đội ngũ các nhà văn trẻ người dân tộc thiểu số xuất hiện vừa mạnh về số lượng và cả chất lượng. Xin cảm ơn nhà thơ đã trả lời phỏng vấn.

Kết nối hoạt động văn học các vùng miền

Nhà thơ Phan Hoàng

Chào nhà thơ Phan Hoàng, xin chúc mừng anh vừa được trúng cử Ban chấp hành Hội Nhà văn nhiệm kì 2020 - 2025. Là người nhiều lần tham dự Đại hội Nhà văn anh đánh giá thế nào về công tác tổ chức của đại hội lần này?

Nhà thơ Phan Hoàng: Để tổ chức thành công một đại hội lớn như thế này là vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của Ban chấp hành Hội khóa IX và cơ quan Văn phòng Hội. Tôi cho rằng công tác tổ chức đại hội khá tốt. Tuy nhiên, cũng cần rút kinh nghiệm về một số khâu như hội trường hơi chật chội, nghi thức chưa chỉn chu, công tác điều hành chưa được tốt...

Có thể nói anh là người có nhiều tâm huyết với các hoạt động báo chí và văn học, dưới quan sát của anh nhiệm kì vừa qua Hội Nhà văn đã làm được những việc gì và còn có điều gì cần phải khắc phục.

Nhà thơ Phan Hoàng: Nhiệm kì vừa qua Ban chấp hành làm được những khối công việc rất lớn, đặc biệt là việc tổ chức các hội nghị quốc tế, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, kết nối với các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài... Thế nhưng ở trong nước việc liên kết giữa các vùng miền chưa thường xuyên và chặt chẽ, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, một số sự kiện còn mang tính hình thức, công tác truyền thông báo chí còn yếu.

Với tư cách là một ủy viên Ban chấp hành, anh nghĩ mình cũng như Ban chấp hành mới sẽ cần phải chú trọng công việc gì để thúc đẩy sự phát triển văn học cũng như các hoạt động của tổ chức Hội?

Nhà thơ Phan Hoàng: Tôi quan tâm đến lực lượng viết trẻ trên khắp cả nước, kết nối hoạt động văn học các vùng miền, tạo diễn đàn để các nhà văn trình bày, công bố tác phẩm, hỗ trợ các nhà văn tương tác với bạn đọc thông qua các kênh truyền thông, nhà trường...

Xin cảm ơn anh, chúc anh và Ban chấp hành khóa X sẽ có một nhiệm kì thành công!

Sự chuyển giao thế hệ thành công, êm thấm

Nhà thơ Hữu Việt

Xin chúc mừng nhà thơ Hữu Việt vừa được đại hội tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Cảm xúc của anh thế nào?

Nhà thơ Hữu Việt: Thú thực là tôi đã rất phân vân khi được Ban chấp hành Hội nhà văn khóa IX giới thiệu ứng cử vào Ban chấp hành khóa X. Bởi, những gì mình làm cho văn học chưa được bao nhiêu; bầu, chưa chắc đã trúng; trúng, chưa chắc đã làm được như kỳ vọng của hơn một nghìn hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, trong cuộc sống bao la này, ít nhất một lần cũng nên thử.

Trong phiên họp đầu tiên của Ban chấp hành khóa X đã bầu nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, vậy là sau 4 kì đại hội, Hội Nhà văn mới lại có một Chủ tịch mới, anh có nghĩ đây là một cuộc chuyển giao mang tính lịch sử, được hội viên rất quan tâm?

Nhà thơ Hữu Việt: Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam vừa họp phiên đầu tiên để bầu ra Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra. Nhưng điều tôi rất tâm đắc là Chủ tịch mới của Hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã thay mặt Ban chấp hành mời nhà thơ Hữu Thỉnh làm cố vấn cho Ban chấp hành khóa tới. Tôi nghĩ, sự chuyển giao thế hệ chỉ êm thấm, thành công khi có sự tiếp nối, tư vấn, nhắc nhở, cổ vũ, yêu thương của thế hệ đi trước, đặc biệt là, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội 4 khóa liên tiếp. Các nhà văn và Ban chấp hành cần dành sự tôn vinh xứng đáng cho ông vì những đóng góp trong suốt 20 năm qua trên cương vị cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam.

Đã lâu rồi Đại hội Nhà văn mới bầu ra được một Ban chấp hành với số lượng Ủy viên đúng như tiêu chí Đại hội đề ra lúc đầu. Với số lượng ỷ viên đông hơn anh có nghĩ rồi mọi việc sẽ tốt hơn, đỡ nặng nhọc hơn đối với Ban chấp hành mới không?

Nhà thơ Hữu Việt: Ban chấp hành chưa có phân công cụ thể công việc, nhưng sắp tới chắc ai cũng phải xắn tay vào làm. Chắc các ủy viên mới của Ban chấp hành đều ý thức được “gánh nặng” nhưng cũng là vinh dự, trách nhiệm mà mình sẽ mang trên vai trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, với 11 ủy viên mới được bầu lần này (và cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm mới bầu đủ số ủy viên theo ý chí của Đại hội), Ban chấp hành mới đã được tạo nhiều điều kiện để đáp ứng kỳ vọng của các hội viên, vì sự phát triển sang trọng của nền văn học Việt Nam. Cá nhân tôi mong và tin rằng Ban chấp hành mới sẽ có nhiều đổi mới, kế thừa những công việc đã làm của Ban chấp hành cũ, nỗ lực hết lòng vì hội viên, vì những tác phẩm văn học hay, giữ được tính “thiêng” của ngôi đền văn chương mà biết bao thế hệ nhà văn đã gây dựng trong 63 năm qua, tính từ ngày thành lập.

Xin cảm ơn anh, chúc anh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ sắp tới của mình trên cương vị là Ủy viên Ban chấp hành khóa X.

Vũ An thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 48/2020


Có thể bạn quan tâm