April 24, 2024, 3:19 am

Từ trong sang ấm

 

Đêm 30 Tết chuẩn bị bước sang năm Canh Tý 2020, tôi được xem một chương trình nghệ thuật của Đài VTV1. Ở đó, pianist hàng đầu Việt Nam là Đặng Thái Sơn có chơi vài bản ngắn trên đàn piano. Tôi nhận ra tiếng đàn của Sơn bây giờ rất ấm. Ngày trước, khi mới giành giải Chopin, tiếng đàn của Sơn rất trong. Theo những năm tháng cuộc đời, tiếng đàn đã chuyển từ trong sang ấm. Đó là cách chuyển của một nghệ sĩ đã từng trải… Chúng ta ai cũng đã và sẽ chuyển khi sống qua nhiều năm tháng. Nhưng cách chuyển đẹp nhất có lẽ vẫn là chuyển từ trong sang ấm. Đó là cách chuyển của tâm hồn, theo nhịp chuyển của bốn mùa và thân thể. Nó đẹp một cách tất yếu.

Chợt nhớ những cánh rừng mùa khô Trường Sơn ngày chiến tranh. Những chiếc lá vàng khô vỡ dưới chân, những tiếng động khô và nhẹ. Nếu chúng ta lắng nghe, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hay nặng nhọc làm vang lên những âm thanh, và đó là khởi đầu cho âm nhạc. Những nghệ sĩ tài năng lớn như Đặng Thái Sơn, tôi nghĩ, anh sẽ càng nghe ra nhiều âm thanh bình dị của cuộc sống khi tuổi bắt đầu cao. Đó là khi chúng ta tự thu về, tự lắng lại, và giọng đàn của ta, chẳng hạn, sẽ đứng tuổi như ta. Nó không thoát ra ngoài khuôn nhạc, nhưng làm ấm lại từng nốt nhạc. Tôi lại nhớ âm thanh những chiếc lá rừng dầu, loại lá lúc khô rất ròn và nhẹ, khi rụng xuống trên đất, khẽ nhẹ vỡ ra dưới chân những người lính. Nếu không khô vàng, chắc chắn những chiếc lá dầu ấy không thể có những âm thanh trầm ấm đến như thế.

Những chuyến đi lên vùng cao nguyên đá Hà Giang lại cho tôi nghe một âm thanh khác: tiếng đá. Chẳng mấy khi chúng ta nghe được tiếng đá vỡ, đá lăn, núi sạt, vì những tiếng động ấy đi kèm những thảm họa. Nhưng chúng ta có thể nghe được tiếng đá ở dạng im lặng của nó. Ấy là khi những ngọn núi sừng sững im lặng trước mắt ta. Tưởng như không âm thanh. Vậy mà có. Đó là “âm thanh im lặng” như tên một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Vũ Quần Phương ngày chiến tranh chống Mỹ trên miền Bắc. Bài thơ viết về khoảng lặng sau một trận đánh chống máy bay Mỹ tập kích. Còn khi tiếp cận những ngọn núi đá, thì sự im lặng từ núi toát ra là sự im lặng kết quả của hàng triệu năm tu tập, hàng triệu năm đá núi chơi những “bài tập” (etude) như một nghệ sĩ đàn piano chơi những bài tập hàng ngày. Mà “nghệ sĩ núi đá” chơi đến hàng triệu bài tập. Vì thế, khi những nghệ sĩ dân gian phát hiện và chế tác những chiếc đàn đá, những chiếc đàn từ những hòn đá núi lửa đã tắt, thì âm thanh của chúng nghe rất ấm… Vẫn có thể nghe ra âm nhạc từ những ngọn núi đá trầm lặng, từ những cánh rừng già im lặng. Những âm thanh im lặng của chúng thật vừa ấm áp, lại pha chút âm u…

Tôi không biết mình thích rừng hơn hay biển hơn. Nhưng tôi mê những ngọn núi đá. Nhìn ngắm những ngọn núi đá ở Cao Bằng, có cảm giác như đó là cả một bản “giao hưởng đá” hiện lên trước mắt mình. Những âm thanh có thể nhìn thấy được như thế, cả hình khối và mầu sắc, chỉ có ở thiên nhiên. Và có thể có ở một số nhạc sĩ thiên tài. Những ngọn núi đá đã luyện cả triệu năm để có được một giọng trầm ấm thật đặc biệt. Nhưng đời sống con người thật ngắn ngủi. Dù sao, trong những khoảng ngắn ngủi ấy, người nghệ sĩ vẫn tự luyện được cho mình, tự chuyển hóa được ngón đàn của mình, để âm giọng đi từ trong sang ấm.


Có thể bạn quan tâm