March 29, 2024, 6:15 am

Từ thuở “Búp trên cành”

Tôi biết nhà giáo, nhà thơ Bùi thị Biên Linh qua một việc làm ân tình của chị với người chiến sỹ: Biết chúng tôi  bán sách của mình để lấy tiền ủng hộ các đồng đội về già bệnh tật và gia cảnh khó khăn, từ Bình Phước, cô giáo đã đăng ký tiền triệu mua khá nhiều sách. Gặp gỡ cô giáo mới hay, Bùi thị Biên Linh không chỉ là người mua sách ủng hộ cựu chiến binh, mà  còn là một người viết sách. Nhiều năm nay, từ tuổi ấu thơ lên 9 lên 10, Biên Linh đã làm thơ viết văn, có nhiều tác phẩm thơ văn được giải thưởng, đặc biệt có hai lần chị được giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nhà giáo Bùi Thị Biên Linh

Nhìn lại chặng đường văn học của Bùi thị Biên Linh, tôi mới hay chị đã có tới 45 năm hành trình thơ ca, từ cái buổi ban đầu tuổi thơ, như chuyện kể về Biên Linh của nhà thơ Kim Chuông: “Đầu hè năm 1976, tôi có kỷ niệm khó quên với Bùi Thị Biên Linh, khi đạp xe về tận nhà tìm gặp và chọn Linh về lớp đào tạo, bồi dưỡng các em học sinh có năng khiếu sáng tác văn học của Tỉnh. Đây là trại viết do Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tổ chức, mang ý nghĩa đầu tiên trên cả nước.

Bùi Thị Biên Linh, quê Đồng Vi, Đông La, Đông Hưng, Thái Bình, cô học sinh từng làm nên tiếng vang ở đội tuyển văn với nhiều lần đoạt giải cao trong các cuộc thi trên phạm vi toàn quốc. Từ 1976, có tới, bốn mùa hè về tập trung ở cơ quan Hội, “làm” nhóm các “nhà văn nhí” theo đuổi công việc “văn chương bếp núc”,  Bùi Thị Biên Linh là một trong số những “cây bút” tốp đầu, có khá nhiều sáng tác được in trên Tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật, của Nguyệt san báo Thái Bình. Của báo Thiếu niên Tiền Phong, của Buổi Phát thanh Văn nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam… từ khi mới mười một tuổi.

Cô giáo Bùi Thị Biên Linh nhớ lại:

“Ngày ấy, tôi 11 tuổi, sau khi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc tôi đươc tuyển về theo học sáng tác văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi của tỉnh Thái Bình khóa học đầu tiên của cả nước năm 1976… Kỷ niệm của những năm tháng ấy, tôi luôn ghi khắc trong lòng… Hình ảnh ấy cũng chính là nguồn động lực để thôi thúc tôi theo nghề dạy học và gắn bó với nghề cho đến hôm nay, mặc dù khi vừa tốt nghiệp cấp III, hay ngay cả khi đã theo ngành sư phạm, tôi vẫn luôn nhận được lời mời từ những lĩnh vực khác như học Đại học Y khoa, Biên tập văn nghệ cho phòng Văn nghệ - xuất bản của Sở Văn hóa Thông tin Sông Bé, Biên tập viên cho Đài truyền hình, hoặc làm cán bộ huyện… từ khi còn rất trẻ .

Những kiến thức văn chương tôi học được từ các thầy ngày ấy đã giúp tôi làm tốt “công việc” trồng người của mình. Tôi được học sinh và phụ huynh vô cùng yêu mến và tin tưởng. Dù ở trường tôi không dạy Văn mà dạy Giáo dục công dân, bằng văn bằng thứ hai. Nhưng nhà tôi là một trung tâm học văn nho nhỏ. Có những em ở xa gần 50km, phải hợp đồng xe ô tô đưa đón để mỗi chủ nhật tới học về những tác phẩm văn học mà các em cần học để thi đại học... Tôi sống thanh thản được với nghề là bởi tiền dạy thêm chân chính này. Học trò của tôi nhiều em đã đậu thủ khoa môn văn vào các trường đại học danh tiếng, các trường chuyên của tỉnh. Nhà tôi quanh năm nườm nượp học trò và luôn tràn ngập sắc hoa do học trò và phụ huynh đem tặng. Tôi cũng có cơ hội dạy miễn phí cho các học trò nghèo yêu thích môn văn và chắp cánh cho những em học trò có tâm hồn, có niềm say mê văn học. Nên học trò làm thơ, viết báo tường về tôi nhiều lắm, toàn những bài chỉ nghe tên thôi đã được “tự sung sướng và hãnh diện” rồi... Niềm hạnh phúc bình dị ấy khiến cho cuộc sống của tôi luôn ấm áp tình yêu thương. Và cội nguồn luôn bắt đầu từ những gì mẹ cha, thầy cô chuẩn bị cho tôi từ thơ bé…”.

Văn chương là “cái nghiệp”. Là thứ “trời phú.” Bởi vậy, hơn hai chục năm Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình liên tục làm công việc khơi nguồn, gieo cấy, những mong, tạo bến mở đầu tiên cho các em, cho mỗi cây bút trên dặm dài hành trình, neo đậu. Song, trước lối rẽ của ngưỡng cửa cuộc đời, Bùi Thị Biên Linh mang “cái Có”, “cái phồn sinh” của nội lực hồn mình bước vào trường Đại học. Tốt nghiệp hai trường Đại học Sư phạm và Đại học kinh tế, chính trị. Với hai tấm bằng Cử nhân, Bùi Thị Biên Linh từ giã Thái Bình, xung vào Bình Phước, xứ sở của “miền Đông, đất đỏ”… Và, cô gái từ “mảnh vườn ươm gieo” thuở nào đã trở thành một cán bộ quản lý của ngành giáo dục, rồi về trường cấp Ba, làm thầy dạy Văn trong niềm yêu, niềm khát khao nơi con tim tuổi trẻ. 

Đúng như đại thi hào Nguyễn Du từng viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân…”. Với Bùi Thị Biên Linh, dẫu đã buộc chặt đời mình vào sự nghiệp trồng người, sự nghiệp cao quý của một người dạy dỗ đàn em dưới mái trường yêu dấu. Nhưng, ngọn lửa văn chương, có lúc nào nguôi cháy, nguôi đeo đẳng trong cõi lòng bão bùng, vật vã…”

45 năm làm thơ, với tình yêu văn học nồng nàn, chị sáng tác và thử  mình trên nhiều thể lọai: bút ký, ký sự, truyện, tiểu thuyết, tiểu luận… Nhìn chung văn xuôi chị mộc mạc, đằm thắm, ý tứ sâu sắc, đọc lên biết là rất ân tình và tinh tế, nhất là khi chị viết chân dung các nhà văn, nhà thơ, như trong tập bút ký Gửi lại dấu yêu và tập ký sự văn chương Bầu trời có nhiều vì sao... Nhưng có lẽ thể loại chị yêu thích nhất, theo chị suốt từ tuổi ấu thơ đến nay, là thơ ca. Biên Linh làm thơ bền bỉ suốt 45 năm nay, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thăng trầm, biến cải của cuộc sống, như thơ ca chính là nghiệp dĩ của chị. Chị trở thành một tác giả thơ được yêu thích trên miền đất chị gắn bó và công tác, kể như quê hương thứ hai của mình: miền đất đỏ Phước Long, Bình Phước. Chị trở thành một nhà thơ được yêu thích trong các em học sinh ở những mái trường chị giảng dạy, trong tình cảm của bè bạn văn chương từ thuở thiếu thời trong nhóm “búp trên cành” Thái Bình năm xưa, và đến nay vẫn rất thân thiết, của những người thầy là những nhà văn, nhà thơ hằng chắp cánh cho tâm hồn Biên Linh tự thuở ấu thơ để đi vào văn học: Tô Hoài, Phạm Hổ, Lê Bính, Kim Chuông, Nguyễn Khoa Đăng, Trần Đình Chung, Bút Ngữ, Đức Hậu, Hà Trí Dũng… 

Thơ của Biên Linh cũng được giới thiệu nhiều trên các báo: Người Hà Nội, Sinh viên Việt Nam, báo Tuổi trẻ, Tạp chí Văn nghệ Bình Phước… Chị cũng nhận nhiều giải thưởng thơ. Trong hai tập thơ đã xuất bản của Biên Linh, có tập thơ Ý nghĩ ban mai (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015) được giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, và nhiều bài thơ khác được các giải thưởng thơ của tỉnh Sông Bé, Bình Phước và toàn quốc…

Nhà thơ Kim Chuông, một người từng dìu dắt Biên Linh từ thuở ấu thơ đánh giá: “Thơ Biên Linh tìm lấy cái hay ở sức cảm, ở cái duyên của khả năng tự sự, giãi bày. Ở năng lực phát sáng, có từ nhiều góc khuất với nhiều chiều liên tưởng”. Nhà báo Mai Ngọc, nguyên Tổng Biên tập báo Sông Bé thì cho rằng “Chất thơ Biên linh hồn nhiên, sáng đẹp, cứ lặng lẽ đi vào trang viết”. Trần Huyền Tâm, một người bạn học của Biên Linh từ thuở “Búp trên cành” và sau trở thành một nhà ngoại giao, vẫn dõi theo thơ Biên Linh suốt 45 năm nay tâm sự: “Tôi quen biết Biên Linh từ năm tôi 12 tuổi. Lúc đó Biên Linh đã nổi tiếng với những bài văn, bài thơ dưới bút danh Bùi Thị Sóng Biển (Sóng Biển là thành viên nhóm “Búp trên cành”, Nhóm những thiếu nhi có năng khiếu sáng tác Văn học Nghệ thuật trong hệ đào tạo đầu tiên của Thái Bình trên phạm vi cả nước từ năm 1976-1987). Sau này, là cô giáo nhưng Biên Linh vẫn làm thơ, viết văn, viết tiểu luận phê bình văn học… Văn thơ của chị hiền dịu, nữ tính, hết sức dung dị, đúng chất quê hương mộc mạc mà sâu”. Một học sinh, Hoài Phương, và sau này là đồng nghiệp dạy văn với Biên Linh ghi nhận: “Quả thật, đọc thơ  Biên Linh, tôi đã gặp một tấm lòng nhân hậu, yêu thương. Một hồn thơ giản dị mà lay động bởi những câu chữ, thi tứ có sức quyến rũ từ cái tươi xanh, chân thực và nồng hậu. Thơ Biên Linh tỏa  ra cốt cách của con người trải nghiệm, giàu trữ tình và tinh tế”.

Nhạc sỹ Hữu Xuân, người nhạc sỹ có nhiều sáng tác xuất sắc, và cũng là một nhạc sỹ say mê thơ ca, phổ thơ tinh tế và sắc sảo, tạo được những hình tượng âm nhạc đẹp cho lời thơ cất cánh qua những ca khúc tiêu biểu của ông, như: Hát về Tổ quốc tôi, Thuyền và biển (phổ thơ Xuân Quỳnh), Hoa tím ngày xưa (Phổ thơ Cao Vũ Huy Miên), Tiếng thu (phổ thơ Lưu Trọng Lư), Hà Nội mùa lá bay… cũng là nhạc sỹ rất mê đắm thơ của Bùi Thị Biên Linh. Theo ông, thơ Biên Linh hay, đẹp, dịu dàng và tinh tế, rất lay động lòng người. Chính vì vậy, thời gian qua, Nhạc sỹ Hữu Xuân đã tâm huyết phổ khá nhiều thơ của Biên Linh thành những bài hát rất vào lòng người…

Thật đáng quý một tình yêu thơ ca bền bỉ suốt 45 năm của một em bé giỏi văn Thái Bình, và nay là một cô giáo dạy văn trên miền đất Đỏ Phước Long. Thật đáng quý hóa một tâm hồn giàu tình yêu đất nước, quê hương và những thế hệ tương lai. Thật đáng quý một giọng thơ mềm mại, tinh tế, giàu cảm xúc, một “hạt nhân văn học”, một thi sỹ nơi miền đất hôm qua từng đi vào văn học nghệ thuật: “Tiếng  súng Phước Long chờ mong tin thắng”, nhưng cho đến hôm nay vẫn còn là “vùng trắng”, chưa có hội viên Hội nhà văn Việt Nam, mà nói như mong ước của Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước, Lê Văn Quang, thì cô giáo Biên Linh “đã mang cả tình yêu, nhiệt huyết và niềm đam mê, lặng lẽ cống hiến cho nghệ thuật, cùng với các cây bút khác của tỉnh góp phần làm phong phú, ghi dấu ấn nền văn học nghệ thuật của Bình Phước trên cả nước...”

Nhà văn Đỗ Chu từng viết: “Như mọi con đường lớn, con đường văn chương mà ta đã tự nguyện lựa chọn phải là con đường xa, đường xa lắm ghềnh thác thử thách, đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. 45 năm, kể như cô giáo Bùi Thị Biên Linh đã đi trên con đường văn chương với không ít ghềnh thác thử thách, và không biết có lúc nào Biên Linh thấy kinh hãi con đường dài dằng dặc nhiều thác ghềnh này không? Nhưng rõ ràng cũng là con đường có nhiều hoa hồng với chị: Biên Linh đã gặt hái được không ít thành quả: 5 tập sách, hai giải thưởng văn chương quốc gia, cùng nhiều giải thưởng văn học lớn nhỏ khác. Giờ đây chị đang vào độ chín của cuộc đời và văn chương, những  trang sách mới vẫn đang mở ra với chị, một công việc mới đang đến với chị: Phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật, chắc hẳn cô giáo Bùi Thị Biên Linh ngày nào sẽ viết càng hấp dẫn và quyến rũ hơn, đóng góp cho đời và cho văn chương càng nhiều hơn…

Nguồn Văn nghệ số 33/2020


Có thể bạn quan tâm