April 24, 2024, 5:16 pm

Tứ Sơn - Sức mạnh làm nên sự khác biệt của Thanh Hoá

Tứ sơn là cụm từ viết tắt của bốn Trung tâm kinh tế hàng đầu tỉnh Thanh Hoá bao gồm: Thị xã Bỉm Sơn, thành phố Sầm Sơn, thị trấn  Lam Sơn - Sao Vàng (huyện Thọ Xuân),  Khu Kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia).

Tổ hợp kinh tế này đã và đang là trụ cột, nền tảng quan trọng thúc đẩy ba vùng:  Đồng bằng, miền núi và miền biển của Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững. Cơ sở hạ tầng khu vực tứ sơn có tuyến đường quốc lộ xuyên Nam, Bắc đi qua. Phía Tây có trục đường Hồ Chí Minh qua huyện Thọ Xuân, xưa là đường mòn nổi tiếng trong kháng chiến, nay là huyết mạch lưu thông hàng hoá, kết nối tứ giác Hà Nội - Hoà Bình - Thanh Hoá - Nghệ An; Phía Đông có đường ven biển Hồ Xuân Hương kết nối cửa ngõ giao thương du lịch ven biển giữa 3 tỉnh giáp danh Ninh Bình - Thanh Hoá - Nghệ An. Những con đường giao thương huyết mạch phát triển song hành cùng nền kinh tế - chính trị - văn hoá, là những điểm nhấn quan trọng trong quá trình phát triển.

Thị xã Bỉm Sơn là cửa ngõ kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tính riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng dịch Cô vi – 19 nhưng tổng giá trị sản xuất của thị xã Bỉm Sơn vẫn đạt gần 40 ngàn tỷ đồng, tăng 1,98 lần so với năm 2015. Do cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thiện và nhiều tuyến giao thông được nâng cao như đường Trần Phú và đường cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 nút giao cách với thị xã Bỉm Sơn gần 5km, Có tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam đi qua nên thị xã Bỉm Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Từ năm 2015 đến nay, thị xã đã thu hút được hơn 60 dự án sản xuất công nghiệp với tổng mức vốn đăng ký trên 22.000 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án lớn như: Dự án dây chuyền 1,2,3 nhà máy xi măng Long Sơn; dây chuyền công nghệ của Công ty xi măng Bỉm Sơn; Nhà máy gạch Long Thành; Công ty CP Xuất nhập khẩu khí gas Vạn Lộc, Công ty TNHH KH Vina;  Nhà máy Sản xuất phân hữu cơ vi sinh Divital Germany, Nhà máy tôn mạ kẽm và sơn màu Pride…Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng tin tưởng chọn thị xã Bỉm Sơn làm nơi đứng chân như nhà máy Chế tạo cẩu và kết cấu thép YADA (Nhật Bản), máy sản xuất găng tay y tế INTCO (Singapore), nhà máy sản xuất lốp ô tô  RADIAR lớn nhất Đông Nam Á với vốn đầu tư 1.484 tỷ đồng... Trong thời gian qua, thị xã Bỉm Sơn đã tạo ra một lượng lớn việc làm cho người lao động và thu nhập bình quân cho người dân ngày càng tăng cao. Từ thực tế cho thấy, thị xã Bỉm Sơn đã và đang khẳng định được lợi thế của một trung tâm công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.

Thành phố du lịch Sầm Sơn nằm phía đông, cách thành phố Thanh Hóa 15 km, có lịch sử phát triển hàng trăm năm với bãi cát dài bên núi Trường Lệ mộng mơ. Là địa danh du lịch cả về danh lam và thắng tích, lễ hội như: Đền Độc Cước, đền Cô Tiên, lễ hội bánh Dày, lễ hội Tình Yêu…Thành phố Sầm Sơn hôm nay đã trở nên hiện đại và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước cả bốn mùa với quần thể nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên bên bờ biển Thanh Hóa do Tập đoàn FLC đầu tư, với quy mô hơn 1.000 phòng khách sạn và biệt thự sang trọng, tạo bước đột phá thu hút du khách trong và ngoài nước. Năm 2019, toàn thành phố đã đón được 4.950.000 lượt khách, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2018. Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Sầm Sơn vẫn đồng thời thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch an toàn vừa đón gần 3,3 triệu lượt khách, đạt doanh thu 2.960 tỷ đồng. Ngày 26-10-2020, Sun Group đã chính thức khởi công xây dựng “siêu dự án” quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí với mức đầu tư “khổnglồ” trị giá  25.000 tỷ đồng (1tỷ USD) trên diện tích 1.260 ha  tại thành phố  Sầm Sơn, bao gồm nhiều dự án và công trình như: Sun Grand Boulevard (69,9 ha), tổ hợp vui chơi giải trí Sun World (33,6ha), khu đô thị  Sun Riverside Village (29 ha) và nhiều dự án khác...Trong đó, khu đô thị phức hợp Sun Grand Boulevard với  trái tim là quảng trường biển rộng 2 ha, sức chứa hơn 10.000 người, và trục đại lộ dài 2,6 km sẽ trở thành trung tâm du lịch - giải trí – kinh doanh thương mại - nghỉ  dưỡng chất lượng cao trong khu vực.

Ở phía tây thành phố Thanh Hóa là Trung tâm kinh tế Lam Sơn - Sao Vàng (huyện Thọ Xuân). Nơi đây được định hướng phát triển thành vùng nông nghiệp - công nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Huyện Thọ xuân không nằm ngoài ảnh hưởng dịch Cô vi – 19, tuy nhiên,năm 2020 tốc độ phát triển của huyện vẫn đạt 16,36%, huy động vốn đầu tư và phát triển gần 6 ngàn tỷ đồng. Trong nhiều năm qua, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (LASUCO) là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. LASUCO ngoài việc đầu tư nhiều cánh đồng trồng mía để sản xuất ra sản phẩm đường truyền thống, trong nhiều năm qua, công ty còn phát triển các sản phẩm gắn với thương hiệu nổi tiếng như: Dưa kim hoàng hậu, Cam không hạt V2, dưa chuột, mía cao sản, phát triển các loại hoa cảnh (như: Lan hồ điệp, hoa ly, hoa cúc), cây giống công nghệ cao… LASUCO liên tục cung ứng ra thị trường Việt Nam và xuất khẩu các sản phẩm trên ra các nước trong khu vực. Nhiều nhà đầu tư như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản đã đến tìm hiểu vùng đất này để xây dựng kế hoạch đầu tư. và Cảng Hàng không Thọ Xuân là một dấu ấn đặc biệt trong bức tranh phát triển kinh tế động lực phía Tây tỉnh Thanh Hoá với việc khai thác các đường bay Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa - Buôn Mê Thuột, Thanh Hóa - Đà Nẵng, Thanh Hóa - Nha Trang, Thanh Hóa - Cần Thơ, Thanh Hóa - Bangkok (Thái Lan),... Với việc tăng trưởng nhanh về lượng khách, trong tương lai, Cảng Hàng không Thọ Xuân tiếp tục sẽ kết nối với nhiều đường bay quốc tế và trong nước, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng (huyện Thọ Xuân) nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Tuyến đường Quốc lộ 47 nối hành lang kinh tế Đông – Tây của tỉnh là yếu tố thuận lợi kết nối tỉnh Ninh Bình – Lam Sơn – Sao Vàng – Cảng hàng không Thọ Xuân và Khu Kinh tế Nghi  Sơn  với  tỉnh Nghệ An. Huyện Thọ Xuân còn  là địa danh có di tích lịch sử nổi tiếng Nhà hậu Lê, đây là những yếu tố thuận lợi để khu vực phía tây Thanh Hóa có cơ hội kêu gọi đầu tư và phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai.

Khu kinh tế Nghi Sơn nằm phía Nam thành phố Thanh Hóa (Nam Thanh, Bắc Nghệ). Trước đây, khu vực này là một vùng đất không thể phát triển nông nghiệp vì đất nhiễm mặn. Sau 15 năm xây dựng và đi vào hoạt động với hệ thống hạ tầng, kỹ thuật được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại, nơi đây mở ra nhiều cơ hội mới thuận lợi, tạo sức hút cho các nhà đầu tư. Hiện nay khu Cảng Nghi Sơn đã có 8 bến cảng tổng hợp, 3 bến cảng chuyên dụng đã đi vào hoạt động, có thể tiếp nhận các tàu công suất đến 70.000 DWT, tương lai là 10 vạn tấn, được quy hoạch với công suất bốc dỡ lên đến 80 triệu tấn hàng hóa/năm, đã đưa khai thác vận tải container quốc tế với sự tham gia của hãng vận tải biển lớn thứ 3 trên thế giới, hứa hẹn trở thành trung tâm Logistics lớn của cả nước và khu vực. Hiện Khu Kinh tế Nghi Sơn có 288 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư 130.083 tỷ đồng và 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư 12,693 tỷ USD. Đến nay, đã có nhiều dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, trong đó có một số dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Công Thanh, các dự án may mặc, da giày... Khu kinh tế Nghi Sơn đã và đang trở thành động lực mạnh góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và là một trong những nhân tố cơ bản trong việc thúc đẩy kinh tế tỉnh Thanh Hóa phát triển.

Tỉnh Thanh Hoá tại thời điểm đầu tháng 11/2021 vẫn đang bị  ảnh hưởng  bởi  dịch Covid-19. Tuy nhiên, với quyết tâm, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển mạnh kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng.  Trong đó, bốn địa danh tứ sơn ở bốn vùng đặc thù Đông - Tây - Nam - Bắc với những nền móng, nguồn lực và thực lực khác biệt riêng từng vùng, tứ sơn đang đóng vai trò then chốt để góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa phát triển vững mạnh trong tương lai.

Nguồn Văn nghệ số 47/2021


Có thể bạn quan tâm