April 26, 2024, 2:24 am

Từ nói đến viết

 

Thỉnh thoảng tôi nghe ai đó rầy con “không biết ai mắc miếng bây” đây là mấy từ để chỉ một tục lệ xưa, chọn lấy một người ăn nói đàng hoàng có duyên cho đứa trẻ uống miếng nước đầu tiên. Có khi vì quá thương làm một việc rất mất vệ sinh là kê sát mặt nhỏ nước miếng vô miệng đứa trẻ.

Đây là trường hợp của người bạn, anh không thích bà già vợ lắm, rủi thay bà kê sát mặt nhễu cho con anh một xíu nước miệng, thằng nhỏ sau này nói năng giống bà ngoại nó lạ lùng. Tục xưa đã mất, bóng dáng lại còn, cho thấy lời ăn, tiếng nói của người quan trọng như thế nào. Xem mặt bắt hình dong chưa đủ, còn phải lắng nghe người ta ăn nói, lập ngôn. Câu nói có thể lưu danh trên đời hay trở thành kẻ đốt đền, lưu xú bia miệng. Vì vậy chắc là ai cũng nhớ, học ăn, học nói là những bài học đầu tiên của tuổi thơ ấu. Học ăn, học nói, học gói, học mở… lời nói không mất tiền mua, đừng cố nói cho bằng được để rồi không lấy lại được. Đừng bao giờ nói trên đầu, trên cổ người khác. Nếu có hứa thì phải giữ lời. Nhiều, nhiều lắm qua bài học đầu tiên nhưng tựu trung bài học là nói năng phải giữ gìn quan hệ với người. Đất với đất được tôn cao sao người đến với người lại hạ thấp. Thấy rõ nó là đầu mối của hạnh phúc công việc được mở rộng và nó cũng là tai hoạ để mất dần hết bạn bè. Từ cơ sở đầu tiên, đứa trẻ sau này lớn lên cũng vẫn phải tiếp tục học tiếp thu những lời dạy khác. Thí dụ như chúa có phán - Khởi thuỷ là lời. Đức phật toàn giác cũng dạy – cho người tiền, cho vật cũng không bằng cho một lời nói hay (bố thí pháp). Hoá ra từ dân gian đến triết gia, dù mỗi bên có góc độ khác nhau nhưng cũng có chung kinh nghiệm về lời ăn, tiếng nói.

*

Từ nói chuyển qua viết. Viết cấp độ cao hơn nhưng xét cho cùng hai thứ cùng một gốc và sức sống hai thứ có phần khác. Nói hay, nói dỡ, rồi cũng lãng quên theo thời gian, nếu có nhớ đến phút giây ban đầu thì nó thuộc về ký ức dân gian, những tác giả vô danh. Nhưng khi nói chuyển qua viết thì nó có hồn, cô hồn tháng bảy quanh câu chữ. Viết dù hay dù dở, dù lắt léo nó khó mà mất đi, không thể rút lại tuổi tên, ngày tháng năm mình viết ra, trừ một cách mua hết đem đi đốt hoặc là ai đó làm ngọn lửa phần thư. Bút sa gà chết. Lại thêm phần đặc biệt đâu phải ai muốn viết cũng được. Trước nhất phải học để đạt được tầm nhìn xa, phải có học mới thấy được cái gần nhất là cái tâm. Rau muống rổng ruột thấy mọc xum xê chỉ bò quanh ao bò dưới mặt đất chẳng ra hồn vía. Còn không học mà viết được đó là người thiên cơ nói không học thiệt ra là học ở trường đời. Những người sống với nghề viết rất nhiều thành phần, được xã hội tôn trọng xếp vào loại kiến trúc thượng tầng, ngày xưa gọi là sĩ. Sĩ đứng đầu sau đó mới tới nông, công, thương. Ngày nay vị trí có thay đổi nhưng mạch ngầm đời sống vẫn nể nang, vẫn cần đến sĩ. Vì trong khi các ngành nghề khác, phần đấu lắm đời mới biết được tên tuổi. Nhà văn, nhà thơ cở xoàng xoàng, hay chỉ một hai bài viết phút chốc được cả nước biết đến, còn phiêu linh trên mạng Internet nữa. Qua lợi thế này “kẻ sĩ” buông vòi xía vô các lĩnh vực khác chỗ nào cũng có mặt. Nếu như các ngành nghề khác đưa người trở thành VIP, đàng này lại thành thứ “Siêu công dân” (có một số ít tự cho mình là vậy) Tôi không rõ lắm xã hội phong kiến, Viên Mai là nhà thơ, nhà lý luận không biết thấy gì mà viết câu để đời “Lập thân tối hạ thị văn chương”. Sau nầy vua Tự Đức, cụ Phan Bội Châu tâm cảm gì cũng lập lại câu của Viên Mai. Tôi không hiểu nhưng rồi cũng lờ mờ phỏng đoán. Lời nói, chữ viết cũng theo một quy trình là nói cho ai và viết cho ai. Vì nó có cùng một nguồn góc từ tâm sinh nên nó cùng chung một thứ bệnh.

*

Bệnh Trịch thượng, kẻ cả – nó là những hạt sạn hay bắt gặp ở mấy tờ báo lớn, giống như người lọt vô một tầng lầu cao, ở trên nhìn xuống đất thấy mọi thứ đều nhỏ bé. Và người ta mặc sức nói năng. Xin nêu ra đây một vài trường hợp. Hầu như những người viết ở Nam Bộ có chút tiếng tăm đều được phán xét tiếp tục truyền thống văn phong Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh. Tôi dám đoan chắc rằng những người viết kia chưa hề đọc hai nhà văn vừa nêu bao giờ. Kể cả ông Đoàn Giỏi, ông Nguyễn Quang Sáng cũng bị nhận xét như vậy. Hồi ông Đoàn Giỏi còn sống có nói “Tất nhiên muốn trở thành nhà văn phải chịu ảnh hưởng nhiều người, đâu phải chỉ có Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh” Nhưng Đoàn Giỏi chỉ phản ứng miệng, riêng anh Nguyễn Quang Sáng thì nhẹ nhàng trả lời trên báo “Tôi đi kháng chiến từ lúc nhỏ đâu có đọc nhiều. Sau nầy viết rồi, có tên tuổi rồi mới có dịp đọc Hồ Biểu Chánh”. Với những người trẻ tuổi ngoài Hồ Biểu Chánh còn kết thêm ông Sơn Nam. Thí dụ như Nguyễn Ngọc Tư có người viết Tư tiếp tục phong cách Sơn Nam, (cái nầy đúng, sai xin để bạn đọc nhận xét). Đặc biệt khi Nguyễn Ngọc Tư mới xuất hiện, rất nhiều người tuyên bố mình là người đầu tiên khám phá ra tài năng trẻ. Đặc biệt nhất có một người viết trên tờ báo lớn “nhìn gương mặt u u minh minh của tác giả tôi không biết viết lách ra làm sao, chẳng tin tưởng lắm. Sau đó đọc thấy tạm được …”. Và coi như mình là người đã phát hiện. Dân Nam Bộ coi u u minh minh đồng nghĩa với hắc ám, miệt thị. Bạn xem viết lách như thế có phải là trịch thượng không, giả dụ cho nói chơi đi cũng không được phép đùa trên diễn đàn.

Bệnh nói cho bằng được. Bệnh nầy muốn chứng tỏ mình là người có trình độ nhưng chính điều nầy để lộ ra sự yếu kém, cái tâm không được tốt. Vì người có trình độ lại ít khi nói năng bừa bải và có nói bao giờ họ cũng tránh đụng với tabou những điều cấm kỵ, sơ đẳng. Thí dụ như cô gái da đen có vẻ đẹp khác với gái da trắng, chẳng ai đi so sánh tiêu chuẩn nét đẹp nầy hơn nét đẹp kia. Ba miền Bắc, Trung, Nam mỗi miền đều có nét văn hóa, sự tinh tế riêng, đặc thù. Nếu đem so thì chỉ có thể so về số lượng chớ không thể nói mình tinh tế hơn người khác. Lý do, mình sáng ở bộ phận nầy, bộ phận khác lại mù, và ngược lại, dâu ai toàn diện. Vậy mà có người mạnh dạn viết miền Bắc tinh tế hơn miền Nam (Sic)

Bệnh bề trên, kẻ cả. Rõ ràng những người viết thực tài rất ít khi thấy họ muốn làm thầy ai. Riêng người ở lưng chừng đứng giữa dòng sông bơi tới cũng không được, muốn lùi cũng không được lại thường đóng vai kề bên, kẻ cả khen, chê, phê bình lèo lái dư luận. Bạn đọc sẵn sàng tha thứ vì đâu phải ai nói gì cũng đúng hết, và còn gu thẩm mỹ của người nữa. Nhưng bạn đọc không thể chấp nhận được loại đã có tên tuổi lại đi trân trọng đề tựa, viết lời nói đầu cho những tác phẩm dở òm (chắc là ai cũng có thể tìm ra được nhiều bằng chứng về việc nầy)

Bệnh tự khen. Bệnh nầy học đòi theo phương Tây hay nói, viết về cái tôi. Nếu xét cho kỷ cái tôi của phương Tây thấy đó là những dằng dặc, trăn trở tìm đến cái nhân bản. Đó như là phút nói thật của một người, đâu phải đem cái tôi ra để khen mình là hay, là giỏi. Ai cũng cảm thấy khó chịu khi một ông chuyên viết bài bài đề cao mình, đem mình ra làm dẫn chứng. Lại có một nhân vật nữ, viết bài nêu ra hàng loạt tên tuổi để khen ngợi tưởng vô tư khách quan, đến gần đoạn cuối thừa cơ hội lén lút chêm vô tên mình để khen. Rõ là vô duyên, thiên hạ biết hết mặt mũi mình không nói ra đó thôi, lại đi phát biểu mình là người được nhiều đàn ông ái mộ, theo đuổi. Vẫn chưa đủ đô, chồng khen tác phẩm vợ, vợ khen tác phẩm cuả chồng, rồi đến con cái, cả nhà xúm đưa lên mặt báo ngợi ca.

Nguyên nhân của các chứng bệnh là do nghề viết rất khó mà cũng rất dễ nổi tiếng nên người dễ lộ ra cái tâm đen xì xì, lẻ ra không nên cho ai nhìn thấy. Có phải thế Viên Mai mới khái quát “lập thân tối hạ thị văn chương”. Tôi không biết toà soạn có bỏ sót những hạt sạn hoặc là chơi khăm tác giả những viết kia để cho dư luận bạn đọc thấy rõ. Đừng tưởng ngày nay sách báo ra nhiều độc xong rồi quên, vì cũng không người này cũng có người kia thầm lặng tinh ý. Giả dụ như có ai đó đọc rồi âm thầm cắt ra tập hợp in thành một cuốn sách, tôi tin cuốn sách sẽ bán rất chạy. Thú thật khi viết đến đây tôi không biết kết luận như thế nào. Thay vào đó nhớ lại bài học đầu tiên thuở nhỏ về cách ăn nói. Nói ra không giàu có gì, biết người ta có chịu sữa sai hay là đi gây thù chuốc oán. Không nói cũng không vì đó mà nghèo hơn. Nói hay là không nói phải suy nghĩ cho đúng, vật nào có giá trị của vật đó.

Ngô Khắc Tài


Có thể bạn quan tâm