March 29, 2024, 7:08 pm

Từ những “Quốc Mẫu triều Lê” đến pháp lệnh Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng

Những triều đại huy hoàng của lịch sử dân tộc, có sự đóng góp thầm lặng của những bà mẹ. Thật rung cảm khi một ngày giam mình trong thư phòng, đọc lại câu chuyện về những bà mẹ trong một quyển sách đã ố vàng, cũ kỹ. Đó là bà mẹ ở núi Dầu, ở xã Xuận Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Khi dấy cờ khởi nghĩa, Lê Lợi chọn một ngọn núi trọc, đêm đêm đốt lên những ngọn đèn tụ nghĩa. Đèn sáng hết đêm này đến đêm khác, soi đường cho những người tìm đến, gia nhập hàng ngũ nghĩa quân của Lê Lợi. Đảm bảo việc thắp sáng những ngọn đèn trên núi là một bà mẹ. Thầm lặng, đều đặn, bền bỉ; mỗi ngày có một bà mẹ chở ba bốn chuyến dầu cung cấp cho khu căn cứ. Quân Minh phát hiện ra những ngọn đèn bất thường trên núi, bèn bắt bà mẹ bán dầu đánh đập, tra khảo. Mẹ cắn răng nhận lấy nhục hình, kiên quyết không khai báo. Chúng đánh mẹ đến chết. Lãnh tụ Lê Lợi vô cùng đau xót, tiếc thương bà. Sau khi lên ngôi, nhà vua xây Lam Kinh, nhằm ghi nhớ khởi nguồn những chiến tích hào hùng, Thành điện Lam Kinh phía Bắc tựa vào ngọn núi năm xưa được bà mẹ đốt lên những ngọn đèn chiêu quân, tụ nghĩa. Nhà vua đặt tên ngọn núi ấy là Núi Dầu, để ghi nhớ công ơn của bà mẹ kiên cường năm xưa. Bà không có tên nhưng ngọn đèn của bà trên ngọn núi giúp Lê Lợi những ngày đầu dấy nghĩa suốt mấy ngàn năm vẫn bền bỉ tỏa sáng. Ngọn đèn yêu nước của bà mẹ vô danh năm xưa được truyền dẫn đến cháu con, tiếp tục soi sáng trong những ngày đen tối của lịch sử dân tộc.

Những căn nhà tình nghĩa mọc lên từ những miền đất nước, qua những chuyến đi tìm đến những số phận người mẹ, người chị đã dấn thân, hy sinh trong chiến tranh, được kết nối với những tấm lòng người đang sống. Ảnh: Lễ trao nhà tình nghĩa cho chị Võ Thị Phục, cựu TNXP tuyến đường 1C ở ấp Hồ Thùng, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (thứ 4 từ trái sang) từ sự hỗ trợ của một doanh nhân qua bài viết của tác giả trên báo Phụ nữ Tp Hồ Chí Minh

Suốt 10 năm kháng chiến chống quân Minh, lãnh tụ Lê Lợi đã trải qua bao phen thăng trầm, có lúc sinh mạng nằm trong đường tơ kẽ tóc. Sau khi đánh đuổi được quân Minh, lên ngôi báu, nhiều giai thoại huyền ảo đã được dệt quanh chiếc hoàng bào lấp lánh của hoàng đế. Đó là chuyện về cây gươm thần do Lê Thận, người dân chài lưới trên sông dâng tặng, theo suốt Lê Lợi 10 năm trong các trận đánh, để rồi sau khi đất nước thanh bình trả lại Rùa vàng, làm nên sự tích Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng thủ đô. Chuyện về lá rau cải in hình quả Quốc ấn có chữ “Lê Lợi”, được người vợ Lê Lợi lúc làm vườn bắt được. Chuyện về cô gái áo trắng chết nằm bên sông hóa hồ ly đánh lạc hướng, kéo đàn chó ngao cùng lũ giặc Minh chạy ra khỏi nơi Lê Lợi đang ẩn nấp, cứu nhà vua thoát hiểm. Chuyện về Lê Lai, lãnh tụ thứ hai của nghĩa quân, một trong số mười tám người ở Hội thề Lũng Nhai, đổi áo bào, nhận cái chết về mình, liều mình cứu chúa… Đó cũng là chuyện của vương quyền. Nhưng may thay, nhà vua đã không quên câu chuyện về bà mẹ làng Vàng đã cứu một “chân mạng đế vương” bằng sự sáng tạo không tiền khoáng hậu của một bà mẹ quê. Và cũng may thay, nhờ không câu nệ chuyện rất tối kỵ “nấp dưới gấu váy đàn bà” theo quan niệm phong kiến thời ấy, mà người anh hùng dân tộc được cứu sống, trở thành lãnh tụ giương cao ngọn cớ chống quân Minh, quét sạch bọn xâm lăng khỏi bờ cõi, triều Lê huy hoàng trong lịch sử. Trên ngai vàng quyền lực, nhà vua đã không quên một lần bị quân Minh dồn đuổi đến quán nước làng Vàng. Cùng đường, vị lãnh tụ không còn một quân sĩ hộ tống, đành phó thác sự an nguy của mình cho bà hàng nước. Bà lão nói nhanh: “Tôi cứu được tướng quân, miễn đừng tị hiềm gì!”. Lê Lợi còn đang ngơ ngác thì bà lão vén chiếc váy rộng lên. Tiếng vó ngựa, chân người đuổi theo dồn dập. Hiểu ý bà lão, cũng chẳng còn nơi nào an toàn hơn, Lê Lợi chạy ra phía sau, chui xuống váy bà lão. Ngồi trên chiếc ghế tre, bà lão kéo giẹm bốn bên, phủ lên người vị lãnh tụ Lam Sơn. Giặc đến, bà vẫn ngồi ngoái trầu, pha trà, rót nước mời toán người lạ. Chúng hỏi bà có thấy ai chạy vào nhà không, có giấu ai không. Bà ngơ ngác nói: “Tôi già cả, yếu đuối, chẳng thấy ai chạy vô đây, cũng đâu dám giấu ai. Mà đã đi trốn các ngài, nhà trống trước trống sau như vầy, ai dại dột vô đây!”. Bọn giặc nhìn quanh. Thật đúng như lời bà lão nói, gian nhà tranh trống trải, thậm chí không có cửa, đồ vật đơn sơ, nghèo nàn, chỉ có ấm nước và mấy tách trà bằng đất nung trên bàn. Bà lão hàng nước thì quê mùa, tồi tàn trong chiếc váy nâu tùm hụp, cũ nát, vá chằng vá đụp nhiều mảnh. Ngó quanh quất một hồi, không thấy gì khả nghi, bọn giặc bỏ đi. Vậy là vị hoàng đế tương lai được cứu sống. Khi đánh đuổi được quân Minh, lên ngôi hoàng đế, Lê Lợi đích thân về làng Vàng, rước bà lão hàng nước có chiếc váy rộng, cũ nát năm xưa về kinh đô, tôn bà làm quốc mẫu. Nhưng lầu son gác tía nơi hoàng cung, với những nghi thức trói buộc không làm bà lão hàng nước thấy thoải mái. Bà nhớ làng Vàng, nhớ bà con chân quê với tình làng nghĩa xóm mộc mạc, ấm áp đến quay quắt. Bà một mực xin nhà vua về quê sống những ngày cuối cùng của cuộc đời. Hay tin bà mất, nhà vua vô cùng tiếc thương, cho xây đền thờ. Hiện nay ở Hoằng Khánh, Hoàng Hóa, Thanh Hóa còn đền thờ bà lão hàng nước năm xưa đã cứu sống hoàng đế Lê Lợi, mang tên “Đền Quốc Mẫu”.

Xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa không chỉ nổi tiếng vì có đền thờ Lê Lai mà còn có Làng Bà, địa danh gắn liền với câu chuyện cảm động về một cuộc chạy trốn của Lê Lợi. Lần ấy, Lê Lợi bị quân Minh dồn đuổi, bên mình chỉ còn lại hai chục người, trốn trong rừng Ngọc Lặc. Một bà lão vào rừng kiếm củi, vô tình biết được tình thế cùng quẫn của nghĩa quân Lê Lợi, tìm cách tiếp tế. Mỗi ngày vào rừng, bà bí mật mang cho Lê Lợi vài ba nắm cơm vắt, cùng một đùm muối. Bà mang thêm cho nghĩa quân con dao cong lưỡi. Nhờ con dao này, nghĩa quân đào thêm củ mài, được cứu sống nhờ tìm được cái ăn trong rừng. Lưc lượng nghĩa quân, bắt liên lạc được với bên ngoài, dần khôi phục. Lê Lợi rất cảm kích, hỏi tên bà lão. Bà mỉm cười hiền hậu, không nói tên. Khi đuổi được giặc, lên ngôi hoàng đế, nhà vua cho người về Ngọc Lặc thăm bà lão đã tiếp tế nghĩa quân năm xưa, mới hay tin bà đã mất. Vua tỏ lòng tiếc thương, cho người lập đền thờ bà ở làng Vân Am, Ngọc Lặc. Ngày giỗ, trên bàn thờ bà lúc nào cũng có một chiếc đòn và con dao kiếm củi. Vân Am còn được gọi bằng cái tên nôm na là “làng Bà”. 

Vắt cơm và đùm muối. Vâng, chỉ giản dị vậy thôi nhưng đã đi cùng dân tộc mấy ngàn năm, đã cứu sống những vị anh hùng dân tộc trong những ngày gieo neo, đen tối nhất của lịch sử. Không chỉ có vắt cơm, còn có dải yếm người mẹ đã dẫn đường cho đoàn quân trong bước khốn cùng thoát hiểm. Cánh đồng Thạc, giáp Phong Cốc, thuộc xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa còn in dấu tích những bước  chân Lê Lợi bị quân Minh lùng đuổi ráo riết. Trên đường chạy trốn, Lê Lợi gặp một bà lão. Thoáng nhìn qua, bà biết đó là Lê Lợi, người dấy quân khởi nghĩa ở Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh. Bà rất muốn đưa Lê Lợi về, giấu trong nhà mình nhưng nếu đi đường thẳng, phải băng qua cánh đồng quá trống trải. Một ý nghĩ vụt lóe sáng trong đầu, bà lão ra hiệu cho Lê Lợi đi theo mình. Sợ vị lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn lạc đường, vừa đi bà vừa xé dải yếm rắc xuống đường làm dấu. Khi đưa được Lê Lợi về đến nhà thì chiếc yếm che thân bà cũng đã bị xé hết. Tan giặc, nhớ ơn người mẹ xé dải yếm đưa mình về giấu trong căn lều tranh năm xưa, nhà vua cắt hẳn cánh đồng Thạc cho dân làng làm ruộng tế tự, cúng giỗ bà. Vì lẽ đó, cánh đồng Thạc còn có tên “Cánh đồng Mẫu hậu”.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thụ Sua ở huyện Bình Đại, Bến Tre mỗi khi mưa bão ra lùm tre tránh vì ngôi nhà tình nghĩa xây lâu rồi bị nứt, sụp xuống bất cứ lúc nào. Ảnh chụp năm 2012. Sau đó, Doanh nhân Dương Thanh Thuỷ - bà chủ Miss Áo Dài đã tặng 200 triệu đồng, chia sẻ, giúp các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: mẹ Phan Thị Yến ở Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang; mẹ Thị Thum ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang: mẹ Trần Thị Sua ở xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre và mẹ Phan Thị Mãnh xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre xây dựng những căn nhà tình nghĩa khang trang

“Chân mạng đế vương” của những vị hoàng đế ngẫm cho cùng được làm nên bởi những điều đơn sơ, mộc mạc, dân dã nhất. Đó là chiếc yếm vá chằng vá đụp của bà mẹ nghèo, chiếc dải yếm bị xé ra từng mảnh vụn, là vắt cơm, đùm muối, chiếc đòn gánh, con dao cong lưỡi, là mấy lá rau dền giúp vị hoàng đế tương lai thoát chết không chỉ vì sự truy lùng của địch mà còn qua cơn đói xanh xao mặt mũi, đói vàng con mắt. Cho dù là hoàng đế có “chân mạng đế vương” hay dân thường thì khi đói, đều có triệu chứng “lâm sàng” giống nhau - bệnh đói! Mấy ngày liền bị đói, Lê Lợi lâm vào tình cảnh vô cùng bi đát. Giặc truy đuổi, quân sĩ tản mác khắp nơi, một mình lao qua sông, may nhờ có một bà lão cho ẩn nấp trong túp lều tranh rách nát. Mấy ngày liền bị đói, chân tay Lê Lợi run rẩy. Đợi giặc đi khuất, bà cụ vội vã vét nắm gạo cuối cùng trong hũ có được nấu cơm. Có lẽ đó là bữa cơm ngon nhất trong cuộc đời của Lê Lợi, dù chỉ có chén canh với vài cọng rau dền, vài con tép khô nhưng chan chứa nghĩa tình người mẹ. Từ giã mẹ ra đi, Lê Lợi ngoái nhìn lại bến sông. Hình ảnh người mẹ gầy trong chiếc áo nâu nhiều mảnh vá đứng nhìn theo người lãnh tụ với bao kỳ vọng, tin yêu càng thôi thúc Lê Lợi có thêm ý chí vượt qua muôn trùng khó khăn của cuộc kháng chiến, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Ông cảm động gọi tên bến sông là bến Rau Quỳ, tên chữ là Quỳ Chữ. Ngày nay, bến Rau Quỳ là một địa danh ghi dấu công ơn bà mẹ được vua Lê phong làm quốc mẫu, thuộc xã Hoàng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Khi đánh tan quân Minh, với sự giúp sức của Nguyễn Trãi và các dũng tướng tài giỏi, sự che chở, cưu mang, đồng lòng của nhân dân; Lê Lợi lên ngôi năm 1428, lập nên vương triều Lê, khẳng định nền độc lập, thống nhất quốc gia, tạo một bước phát triển mới của chế độ phong kiến. Trong những ngày đầu lên ngôi hoàng đế, có biết bao việc bề bộn nhưng Lê Lợi không quên công ơn của những bà mẹ đã cứu sống, cưu mang, che chở cho ông và nghĩa quân trong những ngày đen tối, bĩ cực. Ông còn kịp vinh danh những bà mẹ làng Vàng, bà mẹ bán dầu, bà mẹ Bến Rau, bà mẹ làng Bà, bà mẹ làng Thạc xé dải yếm…

*

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, những bà mẹ như năm bà quốc mẫu được Lê Lợi tôn vinh đời nào cũng song hành cùng con cháu trong các cuộc kháng ciến chống quân xâm lược. Có bà mẹ dám lấy thân mình hứng lấy loạt đạn che chở cho đàn con dưới hầm như mẹ Nhu ở thành phố Đà Nẵng, mẹ Võ Thị Phò ở Cồn Trẹt, xã Thới Thuận với hai mươi năm thắp lên ngọn đèn làm ám hiệu cho cách mạng, mẹ Mai Thị Rộng ở Đức Hòa, Long An bền bỉ đào hầm nuôi cách mạng, cắn răng không nhận con đang bị tra tấn để cứu bộ đội dưới căn hầm. Bà mẹ Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi đã dũng cảm đi đầu những cuộc đấu tranh, cắn răng nhận thấy những trận đòn tra tấn dã man của địch để bảo vệ bí mật cách mạng, động viên 8 đứa con và hai cháu tham gia kháng chiến và tất cả đều ngã xuống cho Tổ quốc, bản thân mẹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang. Quê hương Đức Hòa có gia đình Võ văn Tần ba đời đều có những người phụ nữ được truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Những gia đình mẹ chồng, con dâu; mẹ và con gái đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng không phải hiếm trên đất Nam bộ thành đồng… Có những bà mẹ bản thân là anh hùng liệt sĩ như mẹ Đoàn Thị Nghiệp, Tỉnh đội phó Tỉnh đội Mỹ Tho đã dâng hiến cho Tổ quốc hai người con trai khỏe đẹp, bản thân mẹ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trong một trận đánh không cân sức ở Cai Lậy năm 1972; mẹ Hà Thị Tháng có vẻ đẹp đường bệ và sang trọng, người mẹ quê hương mười tám thôn vườn trầu Hóc Môn - Bà Điểm, từng là giao liên, bảo vệ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, khi bị bắt đã kiên cường nhận lấy nhục hình. Không khuất phục được người phụ nữ kiên trung, quân Pháp đem mẹ ra cầu Sơn bắn rồi quăng xác xuống dòng sông…

Năm 1992, các dì Tổ sử Phụ nữ Nam bộ (những thành viên sáng lập nên Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ) lọ mọ đi vận động tài chính, nhờ Hãng phim Truyền hình Tp. Hồ Chí Minh thực hiện bộ phim Chân dung người mẹ. Cho dù đó chỉ là những chân dung bà mẹ với những nét chấm phá cuộc đời, những cống hiến thầm lặng, những tấm gương kiên cường bất khuất, những hy sinh mất mát lướt qua trên màn hình nhưng cũng đủ sức lay động hàng triệu trái tim con người. Năm 1994, Nhà nước ra Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Cho đến nay, cả nước có khoảng 140.000 ngàn Bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong quá trình đi tìm lại chân dung những bà mẹ, tôi không khỏi ngậm ngùi khi biết nhiều bà mẹ đã lặng lẽ ra đi trong đói nghèo, quên lãng. Không ít những bà mẹ không có nơi nương tựa, cuộc sống khó khăn, mỗi khi mưa bão phải ra lùm tre ẩn nấp. Để mẹ vui, dù chỉ một ngày, hãy đến với mẹ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Tượng đài người mẹ xin hãy dựng lên, ngay trong chính tâm tưởng của con cháu.

Nguồn Văn nghệ số 11/2021

 


Có thể bạn quan tâm