April 19, 2024, 5:33 am

Từ nhà Hán học đến những công trình dịch thuật

 

Ngày 14/1/2020, tại lễ Tổng kết trao giải thưởng văn học và kết nạp hội viên 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam, dịch giả - nhà thơ Nguyễn Hữu Thăng đã vinh dự 2 lần được mời lên nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019 cho tác phẩm Kiếm hồ hoài cổ và nhận Quyết định kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong Báo cáo Tổng kết Giải thưởng văn học 2019 của Ban Chấp hành Hội Nhà văn do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch trình bày tại buổi lễ, cuốn thơ dịch Kiếm hồ hoài cổ của Nguyễn Hữu Thăng – tác phẩm đoạt giải duy nhất về văn học dịch - đã nhận xét: “… Chất lượng các bài dịch khá nhuần nhuyễn, chuẩn xác về ngữ nghĩa, đảm bảo đúng niêm luật của thơ Đường, lời lẽ chau chuốt, phù hợp với văn phong của nguyên tác trong từng giai đoạn lịch sử…”

Tôi nghĩ, nhận xét đó không chỉ đúng với Kiếm hồ hoài cổ mà còn hoàn toàn đúng với các tác phẩm thơ dịch khác của Nguyễn Hữu Thăng mà tôi đã đọc.

Tôi quen biết Nguyễn Hữu Thăng dễ đã gần 30 năm. Thuở ấy chúng tôi còn khá trẻ trung và hăng hái, xốc vác trước mọi việc nước việc nhà. Tôi với Thăng chơi với nhau vì cái duyên Hán học, qua những công trình dịch thuật cùng nhau, vừa là công việc, vừa là cải thiện kinh tế giúp vợ nuôi con.

Rồi anh đi công tác làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Bắc Kinh. Bẵng đi gần 10 năm gặp lại, nhà Hán học xưa nay đã là nhà báo, dịch giả chuyên nghiệp. Từ đây, ông bắt đầu có thời gian chuyên sâu, đi vào các hoạt động của đời sống văn học và dịch thuật.

Liên tục trong gần 30 năm qua, Nguyễn Hữu Thăng đã lần lượt công bố 42 đầu sách dịch và biên soạn, trong hầu hết các lĩnh vực đời sống văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật với gia tài có tới cả vạn trang, đáng gọi là một sự nghiệp.

Không chỉ là một dịch giả tài hoa, ông còn là một nhà Hán học uyên thâm, một nhà thơ với nhiều thi phẩm được bạn bè yêu quý và nể phục. Hiện tại Nguyễn Hữu Thăng đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ dịch Hội Nhà văn Hà Nội. Lĩnh vực nào ông cũng nhiệt tình đóng góp, cũng có thành tựu với một cái tâm sáng trong và tấm lòng tận tụy vì công việc. từ trong kho dịch thuật của ông, ta có thể nhận diện những bộ sách dịch ít nhiều đã dư luận chú ý và giới dịch thuật đánh giá cao như: Tuyển tâp ngụ ngôn hiện đại Trung Quốc (1992), Truyện cười hiện đại Trung Quốc (1988), Thơ danh nhân Thái Thuận (2011), Thơ chữ Hán danh nho Việt Nam (2017), Thơ Đường tuyển dịch (2017), Câu đối sáng tác và dịch thuật (2018), và Kiếm hồ hoài cổ (2019)…

Hơn 40 đầu sách in riêng với cả vạn trang sách! Những con số thầm lặng ấy tự nó cũng nói lên chân giá trị các công trình dịch thuật của Nguyễn Hữu Thăng. Chính nhà văn dịch giả lão thành Trần Đình Hiến đã rất quý trọng và đánh giá rất cao Nguyễn Hữu Thăng trong hoạt động dịch thuật. Dịch giả, nhà thơ Bằng Việt từng nhận xét, Nguyễn Hữu Thăng là một dịch giả có trình độ chuyên môn sâu về dịch thuật, cũng là một người làm văn học (thơ và văn) có trình độ thẩm định văn học có chất lượng.

Là một nhà thơ kiêm dịch giả về Hán ngữ, bản thân tôi cũng thật sự nể phục và đánh giá cao tài năng, nghị lực và đóng góp của Nguyễn Hữu Thăng đối với nền văn học nước nhà. Đọc những trang dịch của ông, ta vừa thấy sự chỉn chu, cẩn trọng, nghiêm túc về khoa học và chữ nghĩa, vừa hé lộ những nét tài hoa của một cây bút, không chỉ là dịch thuật mà còn chính là một nhà sáng tác và sáng tạo. Vì thế, bản dịch của Nguyễn Hữu Thăng vừa có chữ, vừa có hồn, có sự tinh lọc thận trọng, lại ít nhiều có sự phóng túng, nghệ sĩ, phảng phất trong các dòng chữ, dòng thơ.

Đọc riêng 5 bộ sách dịch và sáng tác những năm gần đây, tôi càng nhận ra những nét đặc sắc trong cây bút tài hoa ấy. Các cuốn sách thơ dịch: Thơ danh nhân Thái Thuận, Thơ chữ Hán danh nho Việt Nam, Kiếm hồ hoài cổ đã nói lên rất rõ ý thức dịch thuật văn chương của ông. Ông biết phân định công việc và biết tôn trọng độc giả, biết tìm và phát hiện ra những vấn đề mới, công việc mới, hấp dẫn mà bạn đọc và dư luận chú ý.

Riêng cuốn sách về câu đối, theo tôi đây là cuốn sách đặc biệt và đặc sắc. Câu đối chữ Hán xưa nay được ghi chép và truyền tụng với những tên tuổi của các bậc đại nho: Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Giang Văn Minh…, nhưng chưa mấy ai dụng công tập hợp lại thành tập sách câu đối riêng của mình. Điều lạ hơn nữa là ở trong cuốn sách này, Nguyễn Hữu Thăng đóng một vai trò đặc biệt: Vừa là tác giả, vừa là dịch giả, viết câu đối bằng chữ Hán và dịch câu đối Hán sang câu đối Việt. Sự tinh thông Hán học và tài hoa mẫn tiệp đã giúp ông đi vào lĩnh vực câu đối với những đóng góp và thành công đáng ngạc nhiên.

Xin bạn đọc thử ghé vào vườn văn và đọc vài câu đối chữ Hán của nhà Hán học tài danh này:

Bình lỗ vong thân công đại như sơn thiên tải sự

Vị dân tạo phúc ân thâm tự hải vạn niên sùng

Dịch thành câu đối Việt:

Diệt giặc quên thân công lớn tày non ngàn đời cúng

Vì dân ban phúc ơn sâu như biển vạn năm thờ

(Tặng đình Phương Viên)

Huynh hữu đệ cung, hành thiện hành ân thừa vọng tộc

Phụ từ tử hiếu, vị nhân vị nghĩa kế danh gia

Dịch thành câu đối Việt:

Em kính anh nhường, việc thiện việc ơn theo họ tộc

Cha hiền con hiếu, vì nhân vì nghĩa tiếp gia phong

(Tặng gia đình cụ

Nguyễn Hữu Sam)

Quốc sử dân tâm vĩnh minh ký anh hùng từ mẫu

Thạch bi kim bảng hằng khắc lưu liệt sĩ phương danh

Dịch thành câu đối Việt:

Mẹ danh sáng anh hùng, sử nước lòng dân mãi nhớ

Con tiếng thơm liệt sĩ, bảng vàng bia đá hằng ghi

(Thờ Mẹ Việt Nam anh hùng)

Chỉ riêng cuốn sách này, với chừng 150 bộ câu đối chữ Hán cả sáng tác và dịch thuật, có lẽ Nguyễn Hữu Thăng là người đang giữ kỷ lục trong lĩnh vực này hiện nay, duy nhất chiếm giữ một ghế, không có một nhà viết và dịch câu đối chữ Hán sang câu đối Việt chuyên nghiệp thứ hai?

Trong lĩnh vực dịch thơ, Nguyễn Hữu Thăng cũng có những thành tựu đáng nể trọng. Không chỉ vì số lượng 250 bài thơ Đường Trung Quốc và hơn 500 bài thơ chữ Hán của lớp lớp danh nho Việt Nam mà ông đã dịch và xuất bản. 3 tập thơ dịch chữ Hán của các danh nho Việt Nam giúp ta có một cái nhìn sâu sắc và hệ thống về nền văn chương Việt trải gần một nghìn năm Nho học. Điều quan trọng hơn là các bản thơ dịch của ông đều thể hiện rõ một ý thức dịch thuật, một sự lao tâm khổ tứ, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, toàn tâm toàn ý vì công việc, vì văn chương. Bởi giữa rừng Nho biển Thánh, Nguyễn Hữu Thăng đã rất có ý thức tìm tòi, chắt lọc theo hướng tinh hoa, đi sâu gạn đục khơi trong, giới thiệu được những tinh túy, cái hồn cốt của nghìn năm thơ Việt trên chặng đường vươn tới những đỉnh cao về Hán học của quê hương Đại Việt. Thật quý giá là trong cuốn Kiếm hồ hoài cổ, dường như hầu hết báu vật 200 bài thơ chữ Hán của ông cha ta để lại chưa từng có ai dịch thơ, Nguyễn Hữu Thăng là người tìm chọn dịch đầu tiên.

Là một nhà Hán học được đào tạo rất cơ bản, lại có cả gần chục năm sống và làm việc ở xứ sở sinh ra chữ Hán, Nguyễn Hữu Thăng đồng thời là một nhà thơ. Hai điều kiện quan trọng ấy đã giúp ông đi vào con đường dịch thơ thuận lợi và thành công.

Ta hãy thưởng thức bài thơ dịch từ thơ Thái Thuận, tiến sĩ triều Lê:

CHỨC NỮ

Kim thoa nhàn khước kỷ quang âm,

Mỗi đáo tây phong tứ bất cầm.

Hội cách Ngưu Lang thông nhật thiểu,

Hận linh Ô Thước khứ thời thâm.

Tinh Hà nhất đới niên niên lộ,

Vân bạc tam canh dạ dạ tâm.

Chung cổ thử sầu thuỳ hội đắc,

Nhân gian phó dữ biệt ly ngâm.

Ông dịch như sau:

CHỨC NỮ

Cửi canh hờ hững đã bao ngày

Thương nhớ khôn cùng buổi gió tây

Xa cách Ngưu Lang hằng hiếm gặp

Giận hờn Ô Thước mãi xa bay

Năm chờ vời vợi đường sông bạc

Đêm thức dặc dài chốn khói mây

Muôn thuở nỗi sầu ai thấu tỏ

Khúc ngâm ly biệt có người hay?

Một bài khác dịch từ thơ Vũ Tông phan, tiến sĩ triều Nguyễn:

CỐ LŨY TÀ DƯƠNG

Thảo sắc mê ly Kiếm thuỷ đông, 

La thành nhất đới tịch dương hồng. 

Đường nhân lâu lỗ triều thanh dạ, 

Lý hậu sơn hà liểu ái trung.

Hoa biểu nguyệt hồn thê hoá hạc,

Nhĩ giao vân khí ảm du long. 

Tản sơn sơn ngoại thôn dư ảnh,

Tiêu táp hồ phong nhiễu quách chung. 

Ông đã dịch:

ÁNH CHIỀU TÀ TRÊN LŨY XƯA

Hoàn Kiếm mờ mờ cỏ phía đông

Thành La đỏ rực ráng chiều hồng

Chòi Đường thuở cũ im đêm tối

Triều Lý sương mù khuất núi sông

Bảng lảng hồn trăng se bóng hạc

Thênh thang bờ Nhị ám mây rồng

Muôn hình hư ảo, ngoài non Tản

Chuông vẳng hồ loang tiếng gió lồng.

Thật là chuẩn xác, tài hoa! Với giới dịch thuật, ai cũng biết dịch thơ khó hơn dịch văn xuôi, trong dịch thơ thì dịch thơ Đường luật sang thơ Đường luật, nhất là với thể thất ngôn bát cú là khó nhất, khó hơn nhiều so với dịch sang thể lục bát. Vậy mà 100% nguyên tác các bài thơ thất ngôn bát cú đã được ông dịch giữ nguyên thể thất ngôn bát cú!

Với lòng quý mến nhà thơ, dịch giả Hán ngữ Nguyễn Hữu Thăng, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một gương mặt dịch giả sáng giá. Chúc dịch giả - nhà thơ luôn mạnh khỏe, có nhiều cống hiến dịch thuật trong tương lai.

Nguồn Văn nghệ số 07/2020


Có thể bạn quan tâm