April 26, 2024, 2:44 am

Từ người nông dân thế kỷ XXI nghĩ về nhân vật trung tâm của văn học hiện nay

 

Bàn về Văn học Nghệ thuật với đề tài nông thôn mới, chính là bàn về cách nhận diện một hiện thực đang đổi thay mãnh liệt trong tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của nông nghiệp và nông thôn. Những năm qua, công cuộc  xây dựng nông thôn mới  đã mở ra một chân trời mới cho nông thôn với bao biến đổi sâu sắc mọi mặt từ  kinh tế đến văn hóa, xã hội, đời sống tinh thần, vật chất của người nông dân.  

Chính từ đây đang đặt ra vấn đề mới về nhận thức cần trao đổi. Từ nông thôn truyền thống đến nông thôn mới có sự biến đổi khác nhau như thế nào? Nói đến nông thôn truyền thống, là nói đến cái làng quê của người Việt. Cái làng trong văn Kim Lân, đến cái làng trong Vụ lúa chiêm của Đào Vũ đã khác nhau rất nhiều. Nhưng cái làng trong thời kỳ nông thôn mới thì đã vô cùng biến đổi. Muốn hiểu về nông thôn, nông dân, thì phải bắt đầu từ cái làng quê nghìn đời của cha ông để lại… Làng là một quần thể dân cư khép kín, lưu giữ truyền thống lịch sử, văn hoá, nuôi dưỡng các thế hệ người Việt, sản sinh các anh hùng hào kiệt, các văn nhân, bác học. Qua hàng nghìn năm Bắc thuộc và hàng trăm năm đô hộ của thực dân, nước mất nhưng làng chưa bao giờ mất. Làng quê vẫn âm thầm  nuôi dấu các anh hùng áo vải, để rồi họ từ các chân tre mái rạ lớn lên, ra đi đánh đuổi kẻ thù. Văn hoá làng là hồn của làng, văn hóa làng trở thành gốc của văn hoá dân tộc, tạo nên tâm lý, tính cách người Việt.

Nền văn minh sông Hồng, cái nôi của văn hoá Việt. Khu vực phía Bắc có một số tỉnh duyên Hải, Trung du, miền núi mà trung tâm là đồng bằng sông Hồng với truyền thống văn hoá phong phú, đa tầng, với xứ Đông, xứ Đoài ngàn năm văn hiến. Nơi đây là quê hương của sĩ phu Bắc Hà, văn sĩ  Bắc Hà và bao anh hùng hào kiệt đã làm rạng danh đất nước. Chỉ tính riêng trong nền văn học đất nước từ khi có Đảng lãnh đạo, nhiều tên tuổi lớn có công xây dựng văn học cách mạng và để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử cũng sinh trưởng ở khu vực văn hoá sông Hồng. Nhiều nhà văn, nghệ sĩ lớn đang sống và sáng tạo ở thủ đô Hà Nội và các miền tổ quốc cũng từ quê hương này ra đi. Khu vực phía Bắc có vị trí địa văn hoá quan trọng trong lịch sử đất nước; các thế hệ tài năng của khu vực đóng vai trò tiêu biểu làm nên gương mặt tinh thần của dân tộc qua các thời đại trước đây và nền văn hoá cách mạng ngày nay. Có thể nói, đề tài nông dân và nông thôn luôn là đề tài lớn và quan trọng của văn học nghệ thuật chúng ta trong suốt quá trình lịch sử đất nước. Hiện thực nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đang đổi thay nhanh chóng và sâu sắc, cần được nhận thức và lý giải bằng một cái nhìn mới trong sáng tác văn học nghệ thuật.

Kinh tế thị trường với quy luật giá trị trở thành một thách thức với lối sống cũ của làng quê. Sự giao lưu kinh tế, văn hoá, sự phát triển của giao thông nông thôn và thông tin đã tạo ra những thay đổi lớn lao đời sống nông thôn hôm nay… Cảnh tát nước đêm trăng chỉ còn là kỷ niệm trong thơ ca, cũng không còn cảnh giã gạo, kéo lúa nên thơ nhưng đẫm mô hôi. Ánh trăng cũng mờ nhạt vì xóm thôn sáng bừng ánh điện cao áp quanh làng từ chập tối tới đêm khuya. Luỹ tre làng được thay thế bằng cây ăn quả, cây lấy gỗ. Không còn quán nước gốc đa, bà cụ nữa. Làng nào cũng có quán bia hơi, quán ăn sáng, có quán karaoke, có ban nhạc phục vụ đám cưới, đám tang. Nội thất trong nhà người thành phố có gì thì nhà người nông dân có thứ ấy… Người nông dân hôm nay cũng khác xa hình tượng người nông dân truyền thống trong văn học nghệ thuật. Cán bộ thôn xã hầu hết độ tuổi trên dưới bốn mươi, có trình độ học vấn trung cấp và đại học. Họ đi làm, đi họp bằng xe máy. Họ thạo việc và tự tin… Một số nông dân giỏi làm ăn giàu lên nhanh chóng. Nhu cầu sống cao hơn, mặt bằng tiêu dùng đang trở nên “quốc tế hoá”. Sự phân hoá giàu nghèo ngay trong các làng xóm, các dòng họ ngày càng rõ rệt. Vì vậy, mối quan hệ làng xóm cũng thay đổi sâu sắc.

Từ bối cảnh trên, có thể đặt câu hỏi người nông dân thế kỷ XXI như thế nào? Nhân vật trung tâm của văn học hiện nay là ai?

Nếu coi đề tài nông thôn, nông dân là trung tâm của văn học hôm nay, thì nhân vật trung tâm hẳn phải là người nông dân. Nhưng người nông dân chính là con người đã từng là nhân vật trung tâm của văn học suốt 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, khi họ khoác áo lính, là người lính với bao chiến công và vẻ đẹp. Người nông dân bây giờ đã đánh thắng giặc, đang xây dựng đất nước, đang làm giàu. Đặc biệt là đang quan hệ với cả thế giới. Người nông dân có học vấn cao, mặc áo cổ cồn, đi xe hơi, ngồi máy lạnh ký kết các hợp đồng, đề ra các quyết sách, và người nông dân làm trang trai, làm ruộng, làm doanh nghiệp vẫn có mối liên hệ sâu xa với nhau. Cái mạnh trước kẻ thù, trước cái chết không hề khuất phục đã qua. Cái yếu khi phải đối mặt với chính mình, phải vượt mình cũng dần bộc lộ. Cái yếu chí mạng là lối sống nửa lý nửa tình, tham bát bỏ mâm, khoa trương thành tích, dễ thỏa mãn, hay đố kỵ đang phải trả nhiều giá đắt. Rồi còn bao rủi ro, cạm bẫy trong thương trường quốc tế. Rồi những quyết sách vừa làm vừa nghe ngóng, quyết rồi lại quyết lại. Kinh tế thị trường đang lay động đến tận gốc rễ bản lĩnh người nông dân ở mọi cương vị khác nhau.

Như vậy, phải chăng nhân vật trung tâm của văn học hiện nay là con người Việt Nam đang đối mặt với chính mình, phải vượt mình trong hội nhập với thế giới, tiếp thu văn minh thế giới kết hợp với bản sắc dân tộc để làm giàu, để hoàn thiện nhân cách bản thân. Phải chăng, viết về người nông dân hiện nay chính là khám phá con người Việt Nam với bao điều tốt đẹp và những nhược điểm cố hữu? Phải chăng một trong những cam go của người nông dân ở mọi cương vị hôm nay chính là cuộc đấu tranh vượt mình, hoàn thiện mình trong lộ trình văn minh đất nước. Chính vì vậy, mảng đề tài nông dân, nông thôn trong công nghiệp hoá - hiện đại hoá có ý nghĩa quan trọng và hết sức rộng lớn.

Như vậy, trước các  văn nghệ sĩ chúng ta có một câu hỏi: Hình ảnh làng xã và hình tượng người nông dân như thế nào sau thờ kỳ xây dựng nông thôn mới thành công của đất nước? Cách đây chưa lâu, trên đài truyền hình có giới thiệu một bộ phim kể về một ông cán bộ xã làm ăn khấm khá đi thị xã chơi và mua sắm. Vừa xuống xe, ông ta đã bị lừa, đi mua máy bơm lại bị lừa, ra đường phố cũng bị lừa. Về nhà người bạn là cán bộ, nghe tiếng chuông điện thoại thì đứng quát tháo máy điện thoại, rồi một mình bê máy ra hè, vì không biết sử dụng máy điện thoại ra làm sao. Nhưng ông ta lại tốt bụng, lừa bắt được trùm buôn lậu, đưa con bà hàng xóm ra khỏi đám đánh bạc. Điều mâu thuẫn ở đây là ông ta đã ngô nghê ngốc nghếch thế, giúp mình không nổi còn giúp được ai? Nhưng đáng nói hơn, là hình tượng người nông dân bị nhìn nhận hoàn toàn sai lệch. Người nông dân của những năm tháng này đã vượt xa quan niệm cũ kỹ của tác giả.

Cũng cách đây chưa lâu có một truyện ngắn của một cây bút trẻ nói về làng quê. Một nhân vật đi xa về, hình như Việt kiều gì đó, anh ta đi dưới ánh sao mờ, trên đường làng ngập ngụa phân trâu, xóm thôn tiêu điều vắng lặng. Buồn bã và xót xa, anh ta lại quay gót ra đi. đó là làng quê đời nào chứ không phải thời nay. Cũng không phải của một hai thập kỷ gần đây. Nhắc lại hai việc đó chỉ để nói một điều là văn học nghệ thuật đã nói và viết rất hay về nông thôn, nhưng vẫn còn một bộ phận chưa tiếp cận được với hiện thực mới nên nhìn nhận sai lệch về đề tài này. Tác giả của kịch bản phim trên kia có lẽ cũng yêu người nông dân, nhưng yêu nhau như thế thật bằng mười phụ nhau. Thực tế, đã có một sự thay đổi lớn lao trong nông thôn và bản thân người nông dân sau ba thập kỷ đổi mới, đặc biệt là sau hơn một thập kỷ xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, giấc mơ đô thị hóa và giấc mơ thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu nghìn đời của người nông dân đã thành hiện thực sau công cuộc xây dựng nông thôn mới của đất nước. Trong hiện thực ấy, nông thôn và người nông dân đã thay đổi cơ bản. Vì vậy cần có nhận thức và cách nhìn mới để hiểu một đề tài lớn, vô cùng hay và cũng vô cùng khó, nhưng là gương mặt của đất nước này…

 

Nguồn Văn nghệ số 43/2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm