April 25, 2024, 11:14 am

Từ Mumbai, New Delhi đến Đà Nẵng, Mỹ Sơn và Miền Trung Việt Nam

 

Đường bay trực tiếp Đà Nẵng – Ấn Độ – Đà Nẵng, với hai hành trình Đà Nẵng - New Delhi – Đà Nẵng và Đà Nẵng – Mumbai - Đà Nẵng đã chính thức được khai trương.

Liên tiếp trong 2 ngày 18 và 19/10/2022, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã đón các chuyến bay từ Mumbai và New Delhi hạ cánh an toàn xuống sân bay Đà Nẵng. Ngược lại, cũng đã có hai chuyến bay, cất cánh Đà Nẵng, bay thẳng đi Mumbai và New Delhi. Niềm vui của các hành khách là không thể tả hết, bởi họ không phải quá cảnh đến một sân bay thứ hai ở Việt Nam, rồi mới bay tiếp về Ấn Độ.

“Việc khai trương đường bay mới kết nối giữa Đà Nẵng và New Delhi, Mumbai từ hôm nay (18/10/2022), tiếp tục góp phần mở ra thêm nhiều cơ hội, thúc đẩy kinh tế thương mại, đầu tư kinh doanh và du lịch giữa thành phố Đà Nẵng với các thành phố lớn của Ấn Độ, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á” - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, nhìn nhận.

 

Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng những du khách đầu tiên từ New Delhi đến Đà Nẵng (sáng ngày 19/10/2022). Ảnh: T.Ngọc.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, “để sẵn sàng cho đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Ấn Độ - Đà Nẵng, Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, cùng các Hiệp hội đã nỗ lực phối hợp, triển khai chuỗi hoạt động liên hoàn: Tổ chức đón đoàn famtrip Ấn Độ đến Đà Nẵng khảo sát du lịch, chuẩn bị mở thị trường ngay khi đường bay trực tiếp được mở (từ 5-8/2022; từ 2-9/8/2022 và 10/9/2022); tổ chức xúc tiến du lịch ngay tại thị trường Ấn Độ (4/8/2022); tổ chức kết nối phổ biến phương án đón khách quốc tế đến thị trường Ấn Độ (và Hàn Quốc, từ 27/9-07/10/2022); tổ chức hội thảo thị trường Ấn Độ và Trung Đông ngày 17/9/2022. Và hiện chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu các giải pháp (về kỹ năng phục vụ, ẩm thực, xu hướng, thị hiếu, văn hóa…) để thu hút, phục vụ tốt thị trường khách Ấn Độ. Đây là thị trường mới của Đà Nẵng”.

 

Trong tháng 9/2022, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 420,1 nghìn lượt, cao gấp 26,9 lần tháng cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 75,7 nghìn lượt, gấp 41,4 lần tháng cùng kỳ năm 2021, khách nội địa ước đạt 344,4 nghìn lượt, gấp 25 lần so với tháng cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 937,6 tỷ đồng, tăng 33,1 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 2,771 triệu lượt, tăng 160,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 301 nghìn lượt, cao gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021; khách nội địa ước đạt 2,470 triệu lượt, tăng 154,6% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 5.886,4 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.(Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng).

Bảo tàng Điêu khắc Chăm  điểm đến lý tưởng

 

Ngài Ram Nath Kovind - Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ, cùng Phu nhân, đến thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm (19/11/2018). Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Đó là Bảo tàng Điêu khắc Chăm. “Tôi rất ấn tượng về Bảo tàng Điêu khắc Chăm, nơi gìn giữ, bảo tồn rất tốt các cổ vật, qua các tác phẩm cũng thể hiện sự ảnh hưởng và giao thoa văn hóa Ấn Độ ở các nước Đông Nam Á”, ông Rajat Kumar - Phó Chủ tịch chuyên trách hoạch định mạng lưới bay của IndiGo (hãng bay lớn nhất tại Ấn Độ hiện tại) chia sẻ tại sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á  (Routes Asia 2022).

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đến nay đã có hơn 100 năm tuổi và được khẳng định là “Bảo tàng độc nhất vô nhị về nghệ thuật điêu khắc Chămpa, một khối ngọc rất quý”.

Tại Tọa đàm “Di sản Văn minh chung Việt Nam - Ấn Độ”, một trong nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (7/1/1972-2017), 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn (6/7/2007-2017) và 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại Ấn Độ - ASEAN, Giáo sư Tiến sĩ Ấn Độ học, chuyên về nghệ thuật Đông Nam Á và Tôn giáo Ấn Độ, Anupa Pande, và Giáo sư, Tiến sỹ Tanveer Nasreen, trong nghiên cứu độc lập của mình, lại có cùng kết luận: “Các hình mẫu điêu khắc trên các hiện vật tại các đền tháp Chăm đều đã phản ánh những quy tắc nghệ thuật đã được chuẩn hóa trong các văn bản cổ của Ấn Độ. Điều đó cho thấy sự giống nhau ở các tác phẩm điêu khắc Champa và Ấn Độ là kết quả của một sự tiếp xúc văn hóa ở mức độ lý luận chứ không chỉ dừng lại ở sự mô phỏng hời hợt.  Hơn nữa, người Chăm đã tiếp thu chọn lọc các giá trị nhân văn và giáo lý Phật giáo để kết hợp niềm tin tâm linh của người dân bản địa, tạo ra một nền văn hoá mới nhằm đạt được và duy trì một bản sắc quốc gia trường tồn”.

Rõ ràng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chắc chắn là điểm đến độc đáo hàng đầu với du khách Ấn Độ khi họ đặt chân đến Đà Nẵng. Những di sản văn hóa vô giá, thậm chí có tác phẩm điêu khắc được xếp hạng là bảo vật quốc gia, được bảo tồn đến tận ngày hôm nay, đã minh chứng những mối bang giao, liên kết đã từng diễn ra trong quá khứ giữa hai nền văn minh. Bảo tàng điêu khắc Chăm là vốn di sản quý của hai dân tộc nói chung và thành phố Đà Nẵng đang sở hữu một giá trị văn hóa có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Tôi thực sự vui mừng khi đến thăm Bảo tàng Chăm, nơi có bộ sưu tập các hiện vật của nền văn minh Champa với những minh chứng cho thấy sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ. Tôi đặc biệt ấn tượng với sự to lớn của đài thờ Trà Kiệu cùng biểu tượng Shivalingam - Một kiệt tác của nghệ thuật Champa và là bảo vật quốc gia tại Việt Nam”, đây là cảm tưởng của Ngài Ram Nath Kovind (Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ, cùng Phu nhân), khi đến thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm (19/11/2018).

Chuyến thăm Đà Nẵng của Ngài Ram Nath Kovind (cùng Phu nhân), nằm trong lịch trình thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Và đây cũng là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đến Việt Nam. Trong các quốc gia ASEAN, Việt Nam là nước đầu tiên mà nhà lãnh đạo Ấn Độ lựa chọn trong chuyến công du châu Á chính thức của mình. Với Bảo tàng điêu khắc Chăm, Đà Nẵng tự hào là một trong điểm đến đầu tiên ở Việt Nam, mà Tổng thống Ấn Độ, Ngài Ram Nath Kovind quyết định đặt chân đến thăm.

Qua nhiều tài liệu được anh Lý Hòa Bình – Cán bộ Bảo tàng điêu khắc Chăm – chia sẻ, được biết, từ một dự án hợp tác giữa Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Việt Nam với Học viện Lịch sử Nghệ thuật, Bảo tồn và Khoa học Bảo tàng (thuộc Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ), tập sách quý “CHAM SCULPTURES FROM VIỆT NAM AND THEIR INTERFACE WITH INDIAN ART” cũng đã được xuất bản trong năm 2022 này.

Trong tập sách, 53 tác phẩm điêu khắc, từ bộ sưu tập của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã được nghiên cứu chi tiết, đối sánh với các tác phẩm điêu khắc Ấn Độ. Nghiên cứu công phu này của hai tác giả: Giáo sư Tiến sĩ  Anupa Pande; Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) và Savita Kumari, đã xác định rõ nét những ảnh hưởng và tương quan trong lĩnh vực nghệ thuật, đã làm nên mối bang giao giữa Ấn Độ và Việt Nam từ lịch sử xa xưa. Truyền thống và bản sắc văn hóa của hai quốc gia có những điểm chung.

 Thánh địa Mỹ Sơn

Sau Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), di sản văn hóa thế giới, nhất định cũng là điểm đến mà du khách Ấn sẽ tìm đến. Có niên đại sớm từ khoảng thế kỷ IV, sau đó các ngôi đền bị một trận hỏa hoạn lớn tàn phá, đến thế kỷ VII, Vua Phạm Phạn Chi huy động nhân công, xây lại các ngôi đền. Đó là di tích của một Mỹ Sơn còn tồn tại đến ngày nay. Với hơn 70 ngôi đền tháp khác nhau, mang nhiều nét kiến trúc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử phát triển của Chăm Pa cổ, Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1995.

Trong “CHAM SCULPTURES FROM VIỆT NAM AND THEIR INTERFACE WITH INDIAN ART”, các tác giả đã chỉ ra rằng: Trong giai đoạn đầu phát triển của nghệ thuật Chăm, đã cho thấy mức độ ảnh hưởng với các nền nghệ thuật truyền thống trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ. Chính các hiện vật từ bộ sưu tập của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã minh chứng và cho thấy có một mối nối kết giữa nghệ thuật Ấn Độ và nghệ thuật Chăm.

Đường bay trực tiếp Đà Nẵng – Ấn Độ – Đà Nẵng đã mở ra thêm cơ hội trải nghiệm, khám phá và nghiên cứu về những dấu ấn di sản và sự ảnh hưởng, giao thoa văn hóa rất đặc biệt (Ấn Độ - Chămpa – Việt Nam). Đường bay cũng gợi ý các địa phương cùng liên kết, hình thành tour thăm quan (đặc thù – đặc biệt) các di tích kiến trúc Chămpa nằm dọc các tỉnh Miền Trung, như món quà bất ngờ dành cho du khách Ấn/.


Có thể bạn quan tâm