April 20, 2024, 12:46 am

Từ một hành trang 70 năm

 

Tuần báo Văn nghệ, tiền thân là tạp chí Tiên phong, có trụ sở ở 40 Quang Trung Hà Nội. Tạp chí ra đều đặn mỗi tháng hai kỳ, dày 42 trang khổ 19 x 27 cm. Số 1 ra ngày 10-11-1945 đến số 24 thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tạp chí tạm thời đình bản. Anh chị em văn nghệ sỹ vác ba lô lên Việt Bắc dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

Giữa lúc chúng ta đón chiến thắng Sông Lô, thì tháng 3-1948, tạp chí Văn nghệ số 1 ra đời, 72 trang giấy gió. Hồi đó tòa soạn đóng ở Gia Điền xong lên Đan Hà (Phú Thọ), sau rời xuống xóm Chòi, Đại Từ (Thái Nguyên). Nhà thơ Tố Hữu là Thư ký tòa soạn (bây giờ gọi là Tổng biên tập), và Ban biên tập gồm Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu sau có Nam Cao ). Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về tạp chí Văn nghệ trong những ngày đầu này: “Đây là sự khởi đầu một nền văn nghệ mới, văn nghệ cách mạng, văn nghệ kháng chiến, với đặc điểm nổi bật: Văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ”. Suốt chín năm kháng chiến, Tạp chí Văn nghệ in được 56 số đều đặn mỗi tháng một kỳ (đôi lúc hai tháng một kỳ). Nhà thơ Tố Hữu sau được cử Trưởng Ban tuyên truyền Trung ương thì các nhà văn lần lượt thay nhau lãnh đạo tờ báo như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Nguyên Hồng .

Về tiếp quản Thủ đô, tạp chí Văn nghệ mở khổ rộng, in số đầu tiên 11-1954, lúc đầu in hai kỳ một tháng, sau ra 10 ngày một kỳ, sau mỗi tuần một kỳ. Đến tháng 3-1957, Đại hội văn nghệ toàn quốc ra quyết định Văn nghệ trở lại tạp chí in mỗi tháng một kỳ. Song song với tờ Văn nghệ có tờ báo Văn (in 34 số) của riêng Hội nhà văn Việt Nam. Sau đổi tên Văn học (in 247 số).

Sang đến tháng 5-1963, tạp chí Văn nghệ hợp nhất với tuần báo Văn học và mang tên chính thức là Báo Văn nghệ in ra hàng tuần. Tuần báo Văn nghệ số 1 ra ngày 3-5-1963 có bài ký của NguyễnTuân (Hoa thác dọc sông Đà); Truyện ngắn của Nguyễn Kiên (Người yêu ngày trước); Thơ Giang Nam (Đêm qua làng), Huy Cận (Nhật ký đi đường), Thế Mạc (Xòe)… Tòa soạn báo Văn nghệ lần lượt chuyển từ số 2 Hai Bà Trưng, sang số 6 Quang Trung, rồi 51 Trần Hưng Đạo, rồi số 10 Nguyễn Thượng Hiền… và cuối cùng trụ lại ở 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội cho tới ngày nay

Hội Nhà văn Việt Nam cùng báo Văn nghệ trong những năm này đã mở 7 khóa viết văn trẻ cung cấp nhiều nhà báo cho các tờ báo Văn nghệ ở Hà Nội.  Đặc biệt là khóa 4 gồm 61 sinh viên và các cây bút trẻ, ném vào ba chiến trường Huế-Trị Thiên, Khu 5, Nam bộ. Nhiều cây bút có bài đăng trên Văn nghệ như Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Vũ Thị Hồng, Trần Thị Thắng, Nguyễn Bảo… Khóa 7 nhiều học viên bỏ dở chương trình, xuống đường, theo đoàn xe vào Huế, Đà Nẵng, có bài nóng sốt cho báo Văn nghệ

Thời gian này, trong chiến trường miền Nam, báo Văn nghệ Giải phóng in số 1- ra ngày15-1-1961 tại Củ Chi, báo ra trước khi Hội Văn nghệ Giải phóng được thành lập (20-7-1961). Ba số đầu in ronio, sang số thứ 4 in chì, duy trì đến 1977 là 135. Số cuối cùng 135 của Văn nghệ Giải phóng là ngày 20-1-1977. Như vậy tờ báo in được 86 số tại Sài Gòn và 49 số trong rừng. Các đời  Tổng biên tập của Văn nghệ Giải phóng là: Trần Hữu Trang, Lý Văn Sâm, Anh Đức, Giang Nam, Hoài Vũ, Lý Bích Quang (giai đoạn chót)

Trong đội ngũ làm báo Văn nghệ Giải phóng có 4 người đã hy sinh: Chủ nhiệm tờ báo Trần Hữu Trang (bị trúng B52 vào ngày 1-10-1966 tại Xa Mát),  Phan Văn Hy bị giặc bắn ở Long An khi đang in báo, Lê Anh Xuân, Hồng Tân hy sinh chiến dịch Mậu Thân lần thứ 2 ở Long An (xếp theo thứ tự thời gian).

Ngày 29-1977, Hội Văn nghệ Giải phóng hợp nhất với Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam sát nhập hai tờ báo Văn nghệ Giải phóngVăn nghệ, thành tờ Văn nghệ hiện nay. Trụ sở của Văn nghệ Giải phóng tại 43 Đồng Khởi, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Văn phòng Đại diện của báo Văn nghệ tại các tỉnh phía Nan. Ban đầu Văn nghệ trực thuộc Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, sau trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam quản lý. Nhưng vẫn giữ truyền thống là một tờ báo văn học, bên cạnh đó là các lính vực nghệ thuật khác cũng được quan tâm phản ánh. Đến tháng 8- 1983, với nhu cầu phát triển tờ báo, Văn nghệ ra thêm tờ Phụ trương Văn nghệ khổ 29 x 42cm in đến 2,5 vạn số, cạnh tờ chính 4 vạn số. Từ tháng 8-1995 có thêm tờ Văn nghệ trẻ ra đời khổ rộng, dày 24 trang. Ban đầu in mỗi tháng 2 kỳ, sau in 3 kỳ, cuối cùng in 4 kỳ/tháng, có lúc số lượng in đến 2 vạn số. Bên cạnh tờ Văn nghệ trẻ còn có tờ Văn nghệ dân tộc miền núi khổ 20 x 28 cm dày 36 trang, số lượng in luôn luôn 1,5 vạn. Như vậy là số lượng của ba tờ Văn nghệ  luôn đạt 7 vạn tờ tuần cuối tháng và 5,5 vạn tờ/tuần.

Trong vòng 10 năm gần đây, đời sống xã hội, đời sống văn học cũng như báo chí đã có nhiều thay đổi. Cái thời mà “Do yêu cầu của công việc, trên đường ra Hải Phòng để vào Nam. Ghé qua báo Văn nghệ rồi thức đến khuya đọc gỡ. Khi vào Sài Gòn, lang thang ngoài đường, khẽ ngâm bài thơ trên tạp chí và báo Văn nghệ… Vừa ngâm vừa mơ màng một ngày nào đó tái kiến báo Văn nghệ…” mà nhà văn Nguyễn Văn Bổng viết về Lê Hữu Thành thuở nào, giờ đã trở thành xa lắc và không bao giờ trở lại. Xu hướng báo in ngày một thu gọn lại, thay thế vào đó là các loại hình báo chí khác. Tờ Văn nghệ cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Những tờ phụ trương lần lượt đóng cửa, thay vào đó là tờ Văn nghệ điện tử  ra đời trong một hình hài mới và những khó khăn thách thức mới. Thế nhưng thách thức lớn cũng lại là cơ hội cho tờ báo mở ra và phát triển, với một hành trang 70 năm đầy tự tin và tự hào…

  •  

Mỗi Tổng biên tập ghi lại dấu ấn riêng trên báo Văn nghệ. Người được xem như là Tổng biên tập đầu tiên của báo Văn nghệ là nhà thơ Tố Hữu, ông đã gặp các vị lãnh đạo Đảng khi đó như Lê Đức Thọ, Trường Chinh đề nghị: Hội văn hóa Cứu quốc chưa tập trung được đông đảo các nhà văn, anh em, e có phần chặt chẽ nếu không nói là hẹp hòi… nên như Nguyễn Tuân, Tô Ngọc Vân chưa muốn vào vì sợ bị “gò bó”. Chính Tố Hữu xin không đặt Văn nghệ trong chiến khu Trung ương, phải về một nơi nào đó gần dân, có dân như vùng trung du. Lúc đầu ở “Ấp đồi cháy” (Bắc Giang). Sau sang Phú Thọ ở Gia Điền (ở Hạ Hòa). Tạp chí đầu tiên ra đời ở Gia Điền, trong một ngôi nhà có bà cụ già, con trai vào bộ đội, một bộ phản gỗ làm bàn cho “tòa soạn”.

Sang đến thời kỳ Nguyễn Đình Thi phụ trách, ông đề nghị anh em đi thực tế tới cá đơn vị bộ đội, ở các mũi nhọn. Chính ông đi theo bộ đội và viết tiểu thuyết Xung kích năm 1951. Cùng năm 1950, Nam Cao về Hội văn nghệ Việt Nam làm việc tạp chí Văn nghệ, là Ủy viên tiểu ban Văn nghệ của Trung ương đảng. 1951, Nam Cao đi cùng Nguyễn Huy Tưởng về dự Hội nghị ở Liên khu 3, sau ông vào vùng địch để lấy tài liệu viết về hoàn thành tập tiểu thuyết dang dở… ông bị Pháp phục kích bắn tại Hoàng Đan. Sang thời Nguyên Hồng phụ trách, ông quan tâm nhất là: Anh còn là nhà văn là phải có tác phẩm. Chính trong chiến khu ông đã viết: Địa ngục và lò lửa (1946); Đất nước yêu dấu (1951); Giữ thóc (1955)… Từ số 4 Thư ký tòa soạn là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, sangsố 5 in Tào Lường của Tô Hoài, tranh sơn mài của Tô Ngọc Vân. Số 6 in Ở rừng của Nam Cao. Những nơi làm báo tạp chí văn nghệ chuyển về Đan Hà, Thản Sơn (Phú Thọ), Xóm Chòi , Đại Từ (Thái Nguyên). Lúc này cần đào tạo lớp viết văn mới, trẻ nên “Ông đốc” Nguyên Hồng mở từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1950 tên gọi là Trường huấn luyện Văn nghệ nhân dân khóa I với 300 học viên

Xuân Diệu luôn luôn thích làm phó cho Nguyễn Huy Tưởng, giúp xào xáo bài vở, rồi còn đi đây đi đó dời khỏi “U tì quốc” (A.T.K). Những ngày đi in báo, xuống đò dọc ngược sông Lô đến Xuân Vân, nơi có nhà in Tiến bộ để in báo. Số 49, in vào mùa xuân có đề: kính dâng Hồ Chủ tịch, kính dâng Quân đội quốc gia Việt Nam” có bài Buổi chợ trung du của Ngô Tất Tố, truyện ngắn Ngày cuối năm của Trần Đăng, thơ Viếng bạn của Hoàng Lộc…

Ngày đầu về Hà Nội, tạp chí gọn nhẹ, chỉ chiếm một phòng tại 51 Trần Hưng Đạo. Thư ký tòa soạn lúc đầu là anh Hoàng Trung Thông, sau là Hà Xuân Trường. Biên tập chỉ có 4 người: Xuân Diệu,Đào Vũ, Hoàng Trung Nho, Nguyễn Kim. Trị sự chỉ có anh Lê Chính lo mi báo, Quốc Quyền lo in ấn.

Sau khi Văn nghệ chuyển thành báo tuần do Bảo Định Giang phụ trách. Nhưng Bảo Định Giang lo phần lớn công việc bên Hội liên hiệp. Công việc để cho Đào Vũ thường trực; Thành Thế Vỹ (tổ trưởng tổ nghệ thuật); Hoàng Trung Nho (tổ trưởng tổ văn); Trần Hữu Thung (tổ trưởng tổ thơ) bốn người lo ra tờ báo.

Sau này báo Văn nghệ chuyển về ở hẳn 17 Trần Quốc Toản, ngôi nhà mua của một họa sỹ để làm trụ sở cho báo. Thời kỳ chuyển nhà cũng là chuyển cơ quan quản lý. Từ Hội liên hiệp làm chủ quản, chuyển sang Hội nhà văn làm cơ quan chủ quản báo Văn nghệ. Nhà phê bình Hoài Thanh rời viện Văn học về lại báo Văn nghệ, ông nhất quyết phải xin Đào Vũ về làm việc vì đó là con người làm báo có nghiệp vụ, cẩn thận từng câu chữ. Thời Hoài Thanh làm Chủ nhiệm, cả cơ quan làm việc im phăng phắc, không có chuyện trò, đi lại nhẹ nhàng, tôn trọng nhau trong giờ làm việc. Chiếc cầu thang gỗ lên tầng hai biên tập, ai vào đi cũng phải nhẹ nhàng. Hiệu xuất làm việc tại cơ quan cao, các phóng viên đi về nộp bài đầy đủ.

Thời kỳ giặc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc dữ dội, Nguyễn Văn Bổng từ miền Nam ra, ông được phân công làm báo Văn nghệ. Những trận ném bom Khâm Thiên, sau mấy phút cắt bom, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Tuân đa có mặt tại trận địa, ngày mai đã có bài trên báo Văn nghệ. 17 Trần Quốc Toản là những hầm chữ A, nơi làm việc của Tổng biên tập và phóng viên. Ông biến tòa soạn thành một lô cốt làm báo, viết báo ngay những trận bom Mỹ dội xuống miền Bắc. Sau này hòa bình ông trở lại làm báo Văn nghệ, ông lo đào tạo lớp trẻ làm báo như Phạm Tiến Duật, Bế Kiến Quốc, Lê Quang Trang, Thành Chương… Sau Đào Vũ về làm Quyền Tổng biên tập, tiếp đến Nguyên Ngọc. Anh luôn lo xoay chuyển nội dung, dùng Ban Bạn đọc tiếp cận với người đọc. Đôi khi Ban Bạn đọc có hàng trăm ý kiến khác nhau. Thời kỳ này báo đổi mới nhiều về nội dung, đáp ứng được với yêu cầu của độc giả, nên có nhiều bài ký được đông đảo bạn đọc tìm đọc.

Sau khi nhà văn Nguyên Ngọc ra đi là nhà thơ Hữu Thỉnh về làm báo Văn nghệ suốt 18 năm. Trong thời gian này báo Văn nghệ phát triển thêm nhiều tờ phụ, như Phụ san Thơ, sau này phát triển thành Tạp chí Thơ hiện nay, rồi hai tờ phụ trương Văn nghệ trẻ, Văn nghệ dân tộc miền núi cũng được xây dựng trong thời kỳ này. Chính những tờ phụ trương này đã góp phần làm cho báo Văn nghệ phát triển mạnh mẽ cả về đội hình, về nội dung lẫn kinh tế

Nhà văn Nguyễn Trí Huân, và tiếp sau nữa là nhà văn Khuất Quang Thụy về làm Tổng biên tập báo Văn nghệ sau khi kết thúc nhiệm vụ bên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Những đòi hỏi mới mẻ của một tờ báo trong mô hình tự chủ về nhiều mặt, cả nội dung lẫn kinh tế, trong một giai đoạn hết sức khó khăn với báo chí nói chung và báo chí văn nghệ nói riêng, vô hình dung trở thành những thách thức không nhỏ đối với người đứng đầu một tờ báo. Nhưng với truyền thống và những thành tựu từ 70 năm của một tờ báo, người đọc hôm nay, tuy đã vắng thưa đi khá nhiều, nhưng họ vẫn là những người luôn dành cho Văn nghệ những sự quan tâm, ưu ái và kỳ vọng…

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2018


Có thể bạn quan tâm