April 18, 2024, 2:57 pm

Từ một chủ trương lớn…

Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo, hiện cả nước có 113 cơ sở đào tạo giáo viên. Ngoài ra, còn có 40 trường trung cấp đa ngành có đào tạo giáo viên mầm non. Số trung liệu trên cho thấy trung bình, mỗi tỉnh thành hiện có từ 2 - 4 cơ sở đào tạo giáo viên. Đây được xem là những thuận lợi để ngành giáo dục có thể chủ động nguồn nhân lực phục vụ công tác giảng dậy, từ đó góp phần làm thay đổi căn bản hệ thống giáo dục  quốc dân. Song, dù là vậy thì những gì đang diễn ra trong công tác đào tạo lại không đúng với kỳ vọng, tình trạng đào tạo trùng lắp giữa các cơ sở giáo dục, vô hình chung dẫn đến sự mất cân đối giữa các môn học, đồng thời đẩy tình trạng dư thừa giáo viên ngày càng trở nên trầm trọng. Đặc biệt ở khối ngành xã hội, trong đó có Văn học. Và câu hỏi đặt ra, cần làm gì để khắc phục, thậm chí tránh việc đào tạo lệch chuẩn, cũng như cảnh chợ chiều của những khối ngành xã hội học.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Có thực mới vực được đạo?

Việc thay sách giáo khoa mới sẽ chính thức được thực hiện trong năm học 2020-2021, những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị cho việc đưa sách mới vào giảng dạy đã và đang được hoàn tất, kể cả việc tập huấn cho 28.000 giáo viên bậc tiểu học trong cả nước, đối tượng được cho là quyết định sự thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, ghi nhận từ nhiều địa phương, tình trạng giáo viên đủ chuẩn để có thể triển khai chương trình sách giáo khoa mới vẫn còn nhiều bất cập, nổi bật như tiếng Anh trình độ giáo viên hiện được xếp theo chuẩn châu Âu như A1; B1, B2 và C theo từng cấp học tương đương còn có độ vênh nhất định. Chưa kể tình trạng dư thừa giáo viên ở những bộ môn khối xã hội, như Sử, Địa, Văn buộc các địa phương phải đứng trước bài toán tinh giản biên chế hay đào tạo lại để có thể bố trí giảng dạy ở những bộ môn khác. Nhưng, về lâu về dài, việc dạy học cần hướng đến sự chuyên môn hoá mới có thể đem lại những kết quả nhất định. Ở các bậc học cao hơn như Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, tình trạng dư thừa giáo viên cũng không là ngoại lệ. Chính từ thực tế này, trong nhiều năm trở lại đây, khối ngành sư phạm không có sức hút đối với thí sinh trong các kỳ thi Đại học, Cao đẳng. Số liệu tuyển sinh của Bộ Giáo dục & Đào tạo thể hiện nhiều năm liền ngành sư phạm không tuyển đủ chỉ tiêu, hoặc có thì điểm sàn chỉ tiệm cận với mức sàn quy định của Bộ, nếu như không muốn nói nhiều trường cố tinh “xé rào” hạ điểm chuẩn để có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Và kết quả của những hệ luỵ này chính là làm méo mó bức tranh của ngành giáo dục, dẫn đến một cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí sợ hãi của học sinh, cha mẹ học sinh vào một bộ phận không nhỏ những người làm thầy khi thiếu cả nghiệp vụ sư phạm lần đạo đức nghề giáo. Để chấn chính tình trạng này, 2 năm gần đây, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tăng cường giám sát điểm sàn, siết chỉ tiêu tuyển sinh với khối ngành sư phạm nhằm tăng chất lượng đầu vào của khối ngành này. Tuy nhiên, đứng ở góc độ quản lý, đây mới chỉ là giải pháp phần ngọn, còn phần gốc thì vẫn còn nguyên với những bất cập khó khắc phục, nhất là tại cấp học Trung học phổ thông. Đây là cấp học đã được phân hoá mạnh mẽ theo tinh thần của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Nói rõ hơn là đã có sự sàng lọc để phân nhánh theo hai hướng: đào tạo nghề và tiếp tục học cao hơn lên bậc đại học. Tại khối Trung học phổ thông, việc duy trì giảng dạy theo khối ngành (Tự nghiên, Xã hội, Xã hội + năng khiếu…) đang trở thành phổ biến nhằm tạo điều kiện cho học sinh có thể chuyên sâu học những môn học mà mình có năng lực. Việc chia khối ngành này hoàn toàn không có gì mới (Trước đây là Ban A, Ban B, Ban C), những điều đáng nói là khối ngành xã hội (Ban C) rất ít học sinh tham gia. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa để lý giải cho việc có quá nhiều thủ khoa các trường đại học top đầu nhưng điểm tốt nghiệp Trung học phổ thông các môn Văn và Ngoại ngữ lại chỉ ở mức  vừa qua điểm liệt.

 

Thước đo của khối ngành xã hội

Sự học lệch đã ăn sâu trong tiềm thức của học sinh Trung học phổ thông, thậm chí cả ở bậc Trung học cơ sở là một thực tế không thể phủ nhận. Phần lớn học sinh không thấy hào hứng với việc học các môn Văn, Sử, Địa. Thậm chí, nhiều em còn cảm thấy chật vật trước việc phải học thuộc lòng Sử, Địa và những văn bản được trích dẫn trong sách giáo khoa Văn học. Có nhiều lý do đã được đưa ra để biện minh cho tình trạng học sinh chán Sử, ghét Văn, như sách giáo khoa biên soạn khô khan, chưa khoa học, chưa tạo sự hấp dẫn cho người học và giáo viên chưa thực sự tâm huyết, chưa tìm được tiếng nói chung với các em học sinh trong giờ học… Và để học sinh thích Sử, yêu Văn, phía Bộ Giáo dục & Đào tạo, các Sở Giáo dục địa phương và bản thân các thầy cô giáo dạy Văn, Sử đã có những cách dạy sáng tạo để thiết lập sự hợp tác giữa thầy và trò, như sân khấu hoá các giờ học văn, thảo luận nhóm về những giai đoạn lịch sử, những trận đánh mang tính bước ngoặt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc… Tuy nhiên kết quả vẫn là hữu hạn, thể hiện ở việc nhiều hội đồng thi tốt nghiệp Trung học phổ thông buộc phải tổ chức điểm thi chỉ cho một học sinh đăng ký thi Sử, Địa… vì không thể bỏ qua quyền lợi và nguyện vọng của các em. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khối ngành xã hội luôn có đầu vào thấp, dẫn đến đội ngũ kế cận là giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng khối sư phạm nói riêng, ngành xã hội nói chung cũng  không cao. Bộ Giáo dục & Đào tạo thừa nhận, khối các trường cao đẳng sư phạm rất thiếu giảng viên có trình độ cao. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ chỉ chiếm trung bình 4,82%, nhiều trường không có giảng viên có học vị này. Do đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã quyết định giữ quyền công bố điểm sàn, buộc  các trường phải cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh để có thể đảm bảo quá trình giảng dạy chất lượng.

Mới đây, trong dự thảo đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm”, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã đặt ra mục tiêu giai đoạn 2020-2025 hình thành được hai trường sư phạm trọng điểm quốc gia ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh và một số trường Đại học sư phạm khác. Đồng thời, Bộ cũng sẽ chấn chỉnh lại công tác giảng dạy tại các trường sư phạm địa phương theo hướng xây dựng mạng lưới “vệ tinh” là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Giai đoạn 2026-2030, hình thành thêm một trường sư phạm trọng điểm quốc gia tại khu vực miền Trung trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường Đại học Sư phạm trên địa bàn và một số tỉnh thành lân cận.

Mong rằng với những lộ trình cụ thể, Bộ Giáo dục & Đào tạo có thể kịp thời lấp đầy những khoảng trống trong công tác giáo dục, đào tạo. Đồng thời, có thể tạo ra những sân chơi bình đẳng giữa các hệ đào tạo, các khối ngành để từ đó giáo viên có thể tự do sáng tạo trong việc truyền đạt kiến thức đến các em học sinh, biến những giờ học khô khan thành những hoạt động tiếp nhận tri thức một cách hứng khởi. Cùng với những nỗ lực của giáo viên, Bộ chủ quản, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ giúp bức tranh giáo dục có thêm nhiều điểm sáng...

Nguồn Văn nghệ số 46/2019


Có thể bạn quan tâm