April 20, 2024, 1:11 pm

Từ một bài thơ đến việc đặt tên cho một thị trấn

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học sư phạm Vinh năm 1975, tôi được phân công về dạy học ở Trường Trung học Sư phạm miền xuôi Nghệ Tĩnh. Năm 1981, do yêu cầu của việc triển khai cải cách giaó dục, tôi được điều động về công tác ở Ty Giáo dục để phụ trách việc triển khai thay sách mới của bộ môn Văn - Tiếng Việt. Sau khi Ty Giáo dục đã tổ chức xong các lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn tiếng Việt cho cốt cán toàn tỉnh vào dịp hè, các huyện thành trong tỉnh Nghệ Tĩnh sẽ triển khai bồi dưỡng tận giáo viên đứng lớp. Và việc triển khai dạy học chương trình và sách giáo khoa mới của của cuộc cải cách giáo dục lần thứ 3 bắt đầu từ năm học 1981-1982. 

Công viên trung tâm thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu hôm nay

Tôi còn nhớ theo sự phân công của Ty Giáo dục Nghệ Tĩnh (Thời điểm đó Nghệ An và Hà Tĩnh đang nhập thành một tỉnh), sau học kỳ 1 của năm học 1982-1983, tôi thực hiện chuyến công tác miền núi đầu tiên với nhiệm vụ kiểm tra việc dạy học chương trình và sách giáo khoa mới tại các huyện vùng núi cao Nghệ Tĩnh. Theo lộ trình, tôi sẽ đi hai huyện Quỳ Châu và Quế Phong để làm nhiệm vụ nói trên. Tôi lên xe khách tuyến Vinh - Quỳ Châu lúc 5 giờ sáng, xe vượt qua một chặng đường dài, từ khi vào địa phận Quỳ Hợp cho đến lúc dừng lại bến xe huyện Quỳ Châu, chiếc xe ca cũ kỹ phải luồn qua những rừng tre nứa hun hút trên con đường 48. Đường quốc lộ 48 thời đó chỉ là đường đất, có nơi rải thêm đá chứ không phải đường rải nhựa như bây giờ. Đường nhiều dốc cao và không ít ổ gà gập ghềnh khúc khuỷu. Mãi tới 4 giờ chiều mới đến bến xe Quỳ Châu. Trải qua một chuyến hành trình dài, mặc dầu thời điểm đó tôi còn trẻ và sung sức nhưng đến Quỳ Châu cũng thấy thấm mệt. Bước xuống xe hai chân tôi run run bước đi không vững. Dẫu không phải là người quen uống rượu nhưng tôi quyết đi tới quán rượu để làm một chén cho giãn xương cốt. Bà chủ quán không rót rượu vào chén cho tôi mà rót rượu vào bát. Vì chưa quen, tôi đề nghị chủ quán rót cho nửa bát thôi. Cầm bát rượu tôi đưa lên miệng tôi từ từ nhấp thử. Rượu uống vào thấy ngọt và không quá cay nồng. Tôi uống luôn một hơi hết nửa bát rượu. Rượu ngấm dần không say mà có cảm giác hơi lâng lâng. Sự mỏi mệt tan dần.

Vừa tới Phòng giáo dục tôi xin làm việc ngay với trưởng phòng. Trao đổi xong chương trình làm việc tại Quỳ Châu với ông Hồ Văn Đàn, Trưởng phòng Giáo dục huyện, thì chiều đã muộn. Tối đó sau khi ăn tối xong ông Đàn bố trí chỗ ngủ cho tôi. Tôi xin không nghỉ tại nhà khách mà xin nghị lại với anh Sơn, Chủ tịch Công đoàn để được nói chuyện nhiều với một cán bộ người dân tộc. Anh Sơn chỉ cần ghép thêm một tấm phản cạnh giường là đã có thêm chỗ nghỉ cho tôi. Tối đó theo yêu cầu của tôi, anh Sơn đưa tôi đi dạo phố một lát với lý do vì đây là lần đầu tiên tôi đặt chân lên Quỳ Châu, một huyện vùng núi cao của Nghệ An. Tản bộ dọc con phố miền Tây, nói phố nhưng thực ra đây là một thị trấn nhỏ gọn, xinh xinh tuy nhiên điện đèn thì lại được dăng đầy phố. Ban đêm sương buông xuống se lạnh nhưng trông phố xá miền sơn cước này thật huyền ảo và yên tĩnh.

Sáng hôm sau tôi cùng Trưởng phòng giáo dục và một số cán bộ của phòng tiến hành đến dự giờ thăm lớp ở Trường tiểu học Châu Hạnh. Giờ dạy đầu tiên tôi dự là của cô giáo có tên là Lê Nga. Cô Nga dạy đúng theo các bước của một giờ dạy Tiếng Việt mà giảng viên các lớp tập huấn bồi dưỡng cốt cán thay sách do Ty giáo dục mở trong mùa hè năm trước. Tôi cảm thấy mừng vì ngay ở một trường học xa xôi cách thành phố Vinh gần hai trăm cây số mà vẩn triển khai tốt việc giảng dạy theo phương pháp mới. Chiều hôm đó chúng tôi lại đi dự thêm một số tiết dạy của giáo viên ở điểm lẻ của trường Châu Hạnh cách xa điểm chính 3km. Đi theo đoàn làm việc của Ty và Phòng, chiều hôm đó Phòng Giáo dục còn cử thêm cô Nga cùng đi. Trên đường vừa đi vừa nói chuyên cô Nga cho tôi biết năm ngoái cô đã được tham dự lớp tập huấn dạy sách cải cách do Ty mở ở thành phố Vinh và cô đã được trực tiếp nghe tôi thuyết trình. Cô Nga còn hỏi tôi lúc nào thì thầy sẽ rời Quỳ Châu đi Quế Phong. Tôi trả lời có lẽ chiều mai sẽ đón xe từ Quỳ Châu đi Quế Phong vào thời điểm khoảng 3 hoặc 4 giờ chiều như hôm trước tôi từ Vinh lên Quỳ Châu.

Chiều hôm sau trước giờ đón xe ca đi Quế Phong, các anh ở phòng Giáo dục dẫn tôi bách bộ đi ngắm toàn cảnh thị trấn Quỳ Châu một lần nữa. Thị trấn Quỳ Châu ban ngày trần trụi giữa nắng chiều nhưng trông qua cũng rất xinh đẹp. Dọc theo đường 48 là hai dãy phố nhà cửa có mô đen giống nhau và hình như cũng vừa xây xong trong thời gian độ 5 năm trở lại  Có đầy đủ bưu điện, cửa hàng bách hóa tổng hợp và các cửa hàng bán lẻ của tư nhân. Khách ra thị trấn trao đổi mua bán hàng hóa thấp thoáng ẩn hiện nhiều bộ áo mà bà con dân tộc Thái hay mặc, họ giao tiếp với nhau bằng hai thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng Thái. Hàng hóa khá phong phú có đặc sản miền rừng nhưng cũng đầy đủ các mặt hàng như các thị trấn khác ở các huyện đồng bằng của tỉnh Nghệ An. Phía tây của khu phố là những dải rừng trùng điệp nối dài như bức trường thành xanh thẳm pha sắc vàng rực của nắng chiều. Phía đông thị trấn là con sông Nậm Mộ uốn lượn trải dài theo chiều dài của phố thị. Với sự cảm nhận của mình tôi thấy thị trấn này đang rất trẻ, gọn ghẽ và tươi đẹp. Trước khi chuẩn bị chia tay các anh em đồng nghiệp Quỳ Châu để đón xe ca lên Quế Phong tôi có hỏi cô giáo Nga: Em có biết cái vùng đất này trước khi chọn làm thị trấn có tên gọi là gì không. Cô Nga trả lời với tôi ngay: vùng này được gọi là Tân Lạc thầy ạ…

Sau chuyến đi công tác ấy về Vinh tôi có ngay một bài thơ về thị trấn Quỳ Châu. Ít lâu sau nhà báo Văn Hiền (Thời điểm đó là Thư ký tòa soạn) đã cho báo Nghệ An giới thiệu một chùm thơ của tôi, trong đó có bài thơ tôi viết về Quỳ Châu. Bài thơ như sau:

Chủ nhật

của tình yêu

 

Anh ghé qua Tân Lạc gặp em

Rất ngắn ngủi thời gian hồi hộp quá

Đêm như có phép mầu huyền lạ

Ngày như là chủ nhật của tình yêu.

Anh là người tròn trịa giữa thương yêu

Anh cũng vậy chẳng mong điều chi nữa

Nhưng Tân Lạc khi xa rồi nỗi nhớ

Vẩn dâng tràn như thuở mới đôi mươi.

Bẵng đi một thời gian khá dài, vào năm 2008 tôi lên công tác Quỳ Châu. Lần này với cương vị là Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, lên làm việc với lãnh đạo huyện để tìm hiểu thêm về cách thức xét chọn học sinh gửi đi học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển của huyện. Trong bữa cơm thân mật với ông Lang Văn Chiến (lúc đó là Chủ tịch huyện Quỳ Châu), một  số khách có mặt trong buổi cơm tối đó có anh em ở Phòng Giáo dục và Đào tạo Quỳ Châu, một người đã yêu cầu tôi đọc lại bài thơ Chủ nhật của tình yêu. Tôi thực sự xúc động vì biết được rằng vẩn có người biết đến thơ của mình, quý hơn lại là bài thơ tôi đã viết về vùng quê mà ngay tối hôm nay tôi đang có mặt tại đó. Tôi vui vẻ nhận lời và đọc ngay bài thơ đó. Nghe xong bài thơ mọi rất hứng khởi và đua nhau bình luận. Chờ cho không khí lắng lại tôi đã đã xin có một ý kiến để tham vấn với Chủ tịch huyện. Tôi nói: với tư cách là một người làm công tác giáo dục và đào tạo, lại có hoạt động văn nghệ tôi kính đề xuất với lạnh đạo huyện Quỳ Châu: nên đổi tên thị trấn Quỳ Châu thành thị trấn Tân Lạc. Tôi lý giải rõ vì sao tôi để nghị như vậy. Thật là vui khi tôi biết đề nghị của tôi sau này đã được các đồng chí lãnh đạo huyện Quỳ Châu chấp thuận. Sau đó huyện đã có Tờ trình với tỉnh và trung ương về việc đổi tên thị trấn Quỳ Châu. Năm 2010 Thủ tướng chính Phủ đã có Quyết định mở rộng thị trấn Quỳ Châu và đổi tên thị trấn Quỳ Châu thành thị trấn Tân Lạc.

Cho đến bây giờ mỗi khi nghĩ tới Quỳ Châu lòng tôi không khỏi không rạo rực vì trong đời làm giáo dục và hoạt động văn nghệ của mình từ một bài thơ tôi viết về một con người và một vùng đất đã có tác động đến một chủ trương rất lớn và trọng đại của một huyện miền núi và của một quốc gia và tôi cũng thầm cảm ơn lãnh đạo huyện Quỳ Châu hồi đó đã chấp nhận ý kiến của tôi để  tôi đã làm được một việc có ý nghĩa với cuộc đời.

Nguồn Văn nghệ số 15/2021


Có thể bạn quan tâm