March 29, 2024, 6:07 am

Tự Lực Văn đoàn và Phong trào Thơ Mới – 90 năm nhìn lại

 

Hội thảo khoa học 90 năm phong trào Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn đã được Viện Văn học tổ chức vào sáng 17/10/2022 tại Hà Nội với sự điều hành của PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học; TS. Trần Thiện Khanh – Phó Viện trưởng Viện Văn học và sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu về Tự Lực Văn đoàn và Phong trào Thơ Mới đến từ các Viện nghiên cứu văn hóa, các tạp chí chuyên ngành văn học và các Trường đại học uy tín trên cả nước. Đặc biệt có sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế, Viện nghiên cứu châu Á của Đại học Aix Marseille, Pháp.

 

Hội thảo khoa học nhằm minh định lại giá trị của Tự lực Văn đoàn và Phong trào Thơ Mới

Chúng ta đã biết, sự ra đời của Tự lực Văn đoàn và Thơ Mới đã tạo nên một trường phái, một phong trào cách tân văn học, đồng thời là một phong trào cách tân văn hóa, cải cách xã hội, đại diện cho khuynh hướng lãng mạn, sự phát triển theo hướng hiện đại hóa của văn học Việt Nam thời kỳ 1930 -1945. Tự lực Văn đoàn và Phong trào Thơ Mới trong gần 100 năm qua đã chứng tỏ một sức sống dài lâu trong lòng công chúng yêu văn học và văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, tổ chức này chỉ theo đuổi giá trị văn chương chứ không theo các giá trị khác. Trải qua những thăng trầm, có những giá trị được xác định lại, có giá trị được đề cao, cho thấy nghiên cứu về Thơ Mới và Tự lực Văn đoàn luôn có sức thu hút và ảnh hưởng riêng.

Theo GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện văn học, Hội thảo khoa học này nhằm minh định lại giá trị của Tự lực Văn đoàn và Phong trào Thơ Mới, nhằm tìm kiếm cái nhìn toàn diện hơn về những đóng góp quan trọng của Tự lực Văn đoàn và Phong trào Thơ Mới trên nhiều phương diện: văn học, văn hóa, tác động xã hội, quá trình hội nhập quốc tế và kinh nghiệm nghệ thuật đối với hội nhập quốc tế đương đại trên cơ sở tiếp thu và tiếp biến văn hóa diễn ra từ bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây nửa đầu thế kỷ Hai mươi.

Được biết, trong vòng 90 năm qua đã có rất nhiều hội thảo khoa học về Tự Lực văn đoàn và Phong trào Thơ Mới, trong đó, Viện Văn học đã tổ chức hơn 20 lần. Hội thảo lần này, Ban tổ chức đã nhận được gần 40 tham luận, tất cả đều được viết rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng với nhiều góc nhìn mới, các cách khai thác đề tài mới.

Cùng với sự tham gia trực tuyến của sinh viên nhiều trường Đại học trên cả nước, các tham luận và trao đổi tại hội thảo đã tạo nên một không khí học thuật rất nghiêm túc, nhiều gợi mở và trân trọng.

P.T.T


Có thể bạn quan tâm