April 18, 2024, 7:38 am

Từ kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia năm 2018: “LŨ” TRÀO, “ĐẬP” VỠ !

Bài viết này không để nói về việc trào lũ vỡ đập ở Lào hôm 23-7 vừa rồi, nó nói về các cơn “lũ” Học Dạy Luyện thi ở ta cùng các con “đập” Thi cử PTTH và ĐH-CĐ, cũng ở ta, nhiều năm nay.

 

I. “LŨ” TRÀO

Tôi có gần 10 năm dạy học ở Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng (1974-1982), trong đó có 6-7 khóa, dạy Luyện thi vào đại học. Khi dạy Luyện thi, tôi dạy khối A (Toán-Lý-Hóa). Bên cạnh đó còn có khối B (Toán-Hóa-Sinh)...

Học viên 2 khối này, vốn là các hạ sĩ quan và chiến sĩ, đã hoặc sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tuổi còn trẻ, đã tốt nghiệp hoặc tốt nghiệp phổ thông cấp 3 “đặc cách” khi nhập ngũ. Cũng có ít người mới “gần tốt nghiệp”. Học luyện thi khối A, họ sẽ thi vào Đại học Kỹ thuật quân sự (giờ là Học viện Kỹ thuật quân sự). Học luyện thi khối B, họ sẽ thi vào Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y). Một số ít, không muốn hoặc không đủ điều kiện phục vụ quân đội lâu dài, được thi vào các trường đại học khác. Một số ít nữa, được quân đội gửi học ở những ngành đại học mà quân đội chưa có; hoặc gửi học thẳng ở các nước XHCN lúc bấy giờ, sau khi sang học thêm một khóa ở Hệ Ngoại ngữ, tại chỗ.

 “Sự nghiệp” này nhằm 2 mục đích:

1. Đào tạo đội ngũ sĩ quan có trình độ đại học cho quân đội, tính kế lâu dài cho việc hiện đại hóa Lực lượng vũ trang.

2. Ưu tiên “giải quyết chính sách” cho đông đảo quân nhân trẻ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. “Một công đôi việc”, nó cũng cung cấp cho các trường đại học dân sự một nguồn sinh viên đã được rèn luyện, vững vàng, có bản lĩnh hơn các học sinh phổ thông vừa bước thẳng vào giảng đường mà chưa qua quân ngũ.

Nhìn tổng thể sau 6-7 khóa tham gia dạy luyện thi như vừa kể, tôi thấy, do được luyện thi trong khung thời gian và không gian “Bộ đội”, học viên không thể không nghiêm túc, chăm chỉ. “Thầy” thì ở cùng đơn vị, có khi cùng ăn một bếp, cái gì chưa hiểu, “trò” có thể hỏi bất kỳ lúc nào. Mặt khác, “Giáo trình Luyện thi” của Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng ngày ấy, ít ra cũng thuộc “top” đầu cả nước, nên tỷ lệ đỗ vào đại học của trường rất ấn tượng. Ví dụ môn Vật lý ở lớp tôi dạy, có năm đỗ tới 93% (cũng phải nói thêm, năm ấy, “Đề thi thử” môn Vật lý của trường, do tôi được giao soạn, tình cờ lại rất giống với “Đề thi thật”!).

Từ đó, nhiều trường phổ thông và “Trung tâm Luyện thi” dân sự tới học kinh nghiệm của trường tôi. Họ cũng xin coppy “Giáo trình Luyện thi” của chúng tôi. “Giáo trình Luyện thi” của chúng tôi ngày ấy, phần lớn là in rô-nê-ô, nội bộ. Ở đó, chúng tôi ôn luyện những lý thuyết cơ bản cần thiết và ra rất nhiều bài tập, theo mọi hướng/khả năng có thể có trong các kỳ thi đại học, theo phương châm “Rào kín chân trời”. Tức là, bất kỳ “máy bay” (đề thi đại học) nào “bay vào không phận” (xuất hiện trong các kỳ thi), đều có thể bị thí sinh của chúng tôi “bắn hạ” (có thể giải được, không xa lạ, bất ngờ). Luyện thi theo cách này, nhất là lại có thời gian và trong khuôn khổ kỷ luật tập trung của quân đội, tỷ lệ đỗ đại học cao là điều dễ hiểu. Tỷ lệ này không cho thấy chúng tôi dạy giỏi và học viên của chúng tôi giàu “thiên tư”. Chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ đỗ thì cao thế nhưng khi vào học đại học, tỷ lệ xuất sắc không cao nữa. Đa phần học viên đỗ vì được “vũ trang” tốt hơn thiên hạ trước khi thi, chứ không phải chỉ là họ có phẩm chất xuất sắc giời sinh.

Tưởng rằng, chỉ vì tính đặc thù của quân đội thì mới làm thế, hóa ra không phải! “Mặt trận” Luyện thi đại học ngày càng lan rộng, “tăng dần đều” trong cả nước. Nhiều anh chị em cùng dạy Luyện thi ở Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng với tôi, sau khi chuyển ra dân sự hoặc về hưu, tham gia tích cực vào “Mặt trận” này. Có người còn trở thành “Tổng thầu” của một vài “chuỗi” lò Luyện thi và rất giàu có. Có người thương tôi, rủ tôi bỏ thơ (lúc đó tôi đã chuyển về báo QĐND, đi làm báo và chuyển hẳn sang làm văn học) vì, “Tiền nhuận bút một bài thơ của ông không bằng tiền Luyện thi một giờ!”. Tôi cảm động lắm, cảm ơn, nhưng vẫn phải nói với anh ấy rằng, tôi đã rẽ sang nghiệp khác, mệnh tôi nó thế. Vả lại, từ lâu tôi đã đốt hết các sách và “Giáo trình Luyện thi Vật lý của mình rồi!...

Tôi đồ rằng, chính từ cái “Mặt trận Luyện thi” phát triển như vũ bão này mà các loại “Sách tham khảo” cho thày - trò phổ thông trung học được in ngày một nhiều, đặc biệt là các “Bộ đề” thi, các “Bài văn mẫu”... Chúng dần được “chính thức hóa”, do NXB Giáo dục ấn loát/phát hành, như là một bộ phận “tất yếu” của Giáo dục phổ thông vậy! Rồi từ các “Sách tham khảo” và các “Bộ đề” thi, “Bài văn mẫu” muôn hình vạn trạng ấy mà sinh ra các “chợ phao” phục vụ thi cử’ và cùng với việc đưa vào “chương trình bắt buộc” ở phổ thông các cấp nhiều môn mới, mà balô/cặp sách của học sinh ta cứ ngày một nặng thêm. Trong khi đó, sách “Vệ sinh học đường”, do chính chúng ta dịch từ Liên Xô cũ, nói rõ về “tiêu chuẩn vệ sinh” phổ thông như sau: “Học sinh trung học không được mang gì nặng quá 5 cân” vì sợ còng lưng, sợ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất lứa tuổi. Ấy là chưa nói đến các học sinh nhỏ, dưới cấp trung học.

Thế rồi, những năm gần đây, tôi và hàng xóm hẹp, hàng xóm rộng, đều phải đưa con cháu đi học thêm, đi học trước, đi Luyện thi, từ lúc chúng chuẩn bị vào... lớp 1! Rồi lại học, lại luyện, lại chạy vào trường chuyên, lớp chọn v.v… Rồi lại còn “đúng tuyến”, “trái tuyến”, “trường công”, “trường tư”… trăm mối tơ vò!

Những việc này, nói bao giờ cho hết? Nếu lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo dấu tên họ, cải trang làm dân thường, đi xuống phường - xóm để trò chuyện với phụ huynh và nhìn học sinh của mình “tất tả ngược xuôi”, “đưa con đón cháu”, “vai lệch lưng còng” vì cái sự đi… học, chắc là sẽ không ai phải nói thêm gì nữa!

 

II. “ĐẬP” VỠ

Ta ngày càng đông dân, do đó mà ngày càng đông học sinh. Học phổ thông, vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ (giáo dục bắt buộc) của con em ta. Thế thì giáo dục phổ thông phải (và chỉ cần) làm cho tất cả con cháu ta có đủ kiến thức phổ thông bắt buộc như nhà nước ta quy định. Đó cũng là việc của Bộ Giáo dục. Tốt nghiệp phổ thông rồi, ta “bàn giao” “Con cháu phổ thông” ta cho, ví dụ như, Bộ Đào tạo nhân lực chẳng hạn, rồi căn cứ vào khả năng của họ, Bộ Đào tạo nhân lực để các trường đại học, các học viện, các trường dậy nghề… tự ra đề thi, chọn những người hợp với việc học lên, vào học. Ai xuất sắc thì được học bổng. Còn lại thì căn cứ vào nhu cầu kinh tế - xã hội mà cung cấp các trường dạy nghề và “thị trường” việc làm cho họ. Khi có việc rồi, nếu có chí, họ được phép ghi danh học (nộp tiền) theo từng học phần đại học bất kỳ để lấy chứng chỉ. Khi có đủ số chứng chỉ học phần mà trường đại học họ theo học quy định, họ được cấp bằng cử nhân chính thức như ai.

Thế là Bộ Giáo dục thì lo giáo dục phổ thông (bắt buộc) và tìm mọi cách để “điểm tốt nghiệp” phổ thông chính xác (việc này không khó lắm).

Còn lại, Bộ Đào tạo nhân lực và các trường đại học/học viện/trường nghề của bộ này lo phần tiếp theo. Không phải khổ sở vì “thi quốc gia” “2 trong 2” hay “2 trong 1” mãi nữa!

Thi “2 trong 1” như mấy năm qua, vô hình trung, đã hướng toàn bộ “Mặt trận” Học Dậy Luyện thi, cùng tâm trí thầy trò và cả đề thi, về cổng trường đại học. Và, khi đề khó thì phổ thông kêu! Khi đề dễ thì đại học kêu! Đâu biết rằng 2 kỳ thi này khác hẳn nhau về tính chất:

- Thi tốt nghiệp phổ thông là kỳ thi bắt buộc, nhằm cấp bằng công nhận con em ta đã hoàn thành (trung bình đã là được - để trở thành những “Lao động phổ thông”) một chương trình bắt buộc/phổ cập mà nhà nước ta quy định đối với bậc học này. Ở đây phải là “Học gì thi nấy”. Thế thì mới chống được nạn học “lệch” (vì lệch nên mới xảy ra tình trạng, ví dụ như, điểm trung bình môn Lịch sử cả nước năm nay chỉ có... 3,9 điểm!). Thế thì mới mong có “Giáo dục toàn diện”.

- Thi đại học, cao đẳng và nghề là kỳ thi tự nguyện, do thí sinh tự chọn theo khả năng, điều kiện và sở nguyện của mình (cao hơn phổ thông) và do các trường này tổ chức theo yêu cầu của từng trường. Ở kỳ thi này, thí sinh hoàn toàn có thể “Thi gì học nấy”.

Không nên lẫn lộn/trộn nhào hai kỳ thi này với nhau!

 

*

Lâu nay, ta không làm thế. Ta không phân nhiệm tốt giữa giáo dục phổ thông (bắt buộc) và đào tạo nhân lực theo nhu cầu của nền kinh tế/thị trường lao động. Vì thế mà bao năm  ta phải kêu lên: “Thừa thầy, thiếu thợ”! Nhưng kêu “thừa thầy” như thế cũng đã đúng chưa? Nếu đúng, sao có dạo TP. Đà Nẵng lại quyết định, “chỉ tuyển dụng các cử nhân học chính quy chứ không tuyển dụng các cử nhân hàm thụ/tại chức”? Nếu đúng, sao các bệnh viện lớn bây giờ lại thường chỉ tuyển dụng các “Bác sĩ học nội trú” chứ không tuyển dụng các “Bác sĩ học ngoại trú đại trà”? v.v…

Rõ ràng, chất lượng đào tạo bậc đại học của ta có vấn đề - sự phân cực là rất lớn! Điển hình cho việc phân cực ấy là ví dụ sau đây: Trường Đại học Hà Hoa Tiên ở Hà Nam, đất rất rộng, sát đường Số 1 (bộ và sắt), xây cất khá to, mà có năm phải “treo thưởng” 1.000.000đ cho ai đưa đến đó được 1 sinh viên! Và cuối cùng, Bộ Công an phải quyết định mua lại toàn bộ mặt bằng và cơ sở hạ tầng của trường này để “đưa các trường công an về đó cho tập trung, tiện đào tạo”. Ta hãy thử hỏi, có bao nhiêu Hà Hoa Tiên trong số các trường đại học kiểu ấy ở ta?

Vấn nạn nọ gọi theo theo vấn nạn kia! Nhiều trường đại học/cao đẳng sinh ra như vậy, tất cần rất nhiều cán bộ giảng dậy. Số cán bộ giảng dậy “bùng nổ” ấy, tối thiểu lại phải có bằng thạc sĩ trở lên (Số cán bộ giảng dậy ở các trường công cũ thì việc ngoài dậy ở trường mình với vai trò “giảng viên cơ hữu” để ăn lương công chức, còn ký một hoặc nhiều hợp đồng để trở thành “giảng viên thỉnh giảng”, không “cơ hữu”, ở các trường khác, đặc biệt là ở các trường mới, trường ngoài công lập, lại còn các “Điểm đại học” ở các tỉnh nữa chứ!). Có phải là vì thế mà, “công nghệ” đào tạo “Tiến sĩ”, “Thạc sĩ” phải phình ra và xuất hiện cái “chỉ tiêu” 20.000 tiến sĩ “như mơ” kia? Và, “Phong trào” xin phong học hàm “Phó giáo sư”, “Giáo sư” đã ra khỏi tầm kiểm soát (đến mức kiện cáo, phải thanh tra - rà soát để bỏ đi dăm người kẻo “dư luận” quá!)? Điển hình, như báo chí ta đã nêu, ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội chẳng hạn, “cứ 2 ngày lại có 1 luận án Tiến sĩ được bảo vệ... thành công”. Ở đó, có những người một lúc “hướng dẫn” luận án tiến sĩ cho 45 “Nghiên cứu sinh”, trong khi theo quy định, mỗi người không được “hướng dẫn” quá 15 “Nghiên cứu sinh” v.v... và v.v...

Khi đã “chạy theo thành tích” cực đoan như vậy, khi coi giáo dục (cả phổ thông lẫn trên phổ thông) là “thị trường” để “kinh doanh giáo dục” như vậy, thì mục tiêu/nhiệm vụ/đạo đức giáo dục và đào tạo ở ta tất bị chệch hướng, xuống cấp mạnh và việc “chạy theo thi cử - bỏ rơi chất lượng” (Báo Tiếng nói Việt Nam - Số ra ngày 19/7/2018) không còn là hiện tượng nhất thời nữa! Mà khi không còn là hiện tượng nhất thời thì nó “lặp đi lặp lại”, nó thành... bản chất!

Việc đã to quá. Đến đây, tất có người hỏi lại: “Có phải thế không?”. Thưa, muốn biết “Có phải thế không”, ta hãy thử giở lại lời một bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo trong số các Bộ trưởng bộ này những năm qua - Ông Phạm Vũ Luận! Cải tổ kỳ thi 2015, ông Phạm Vũ Luận tuyên bố: “Dù thi cử không là mục tiêu cuối cùng của đổi mới giáo dục, nhưng là việc phải làm ngay để tác động trở lại việc dậy và học trong nhà trường”. Cứ cho là thế, thì từ đó đến nay, đã 4 kỳ thi “2 trong 1” được thực hiện và khi thì “Lộ đề”, khi thì “Đáp án không đúng”, đề thi thì lúc khó lúc dễ... “Cao trào” là ở năm 2017, do áp dụng hình thức thi trắc nghiệm, đề lại dễ, nên đã tạo ra một “cơn lũ điểm 10” và bi kịch là, “30 điểm vẫn trượt đại học”! Đến năm 2018 này, đề toán lại khó đến độ “các giáo viên giỏi làm còn không kịp giờ” (Tài liệu đã dẫn)! Và, việc thi cử ở Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn... đang thành “Vấn đề của các cơ quan thực thi pháp luật” chứ không còn trong tầm tay Bộ Giáo dục & Đào tạo nữa!

Liệu có phải, khi giáo viên phổ thông ra đề thì đề dễ, để “vì học sinh thân yêu” của mình? Còn khi giảng viên đại học ra đề thì đề khó để “dễ phân loại, tiện cho việc tuyển sinh đại học/cao đẳng”? Đến đây, lại càng thấy việc tách Bộ Giáo dục & Đào tạo ra làm 2 bộ: Bộ Giáo dục và Bộ Đào tạo nhân lực là có lý, để không bao giờ còn phải khổ sở như những năm qua nữa.

Đấy là khi “Cứ cho là thế”. Nhưng nghĩ thêm, nếu lấy thi cử để “tác động trở lại việc dậy và học trong nhà trường” như ông Phạm Vũ Luận nói, thì đó là “Giải pháp ứng phó” hay đó là “Nguyên tắc/Nguyên lý” giáo dục?

Bởi vì, như đã nói ở trên, thi tốt nghiệp phổ thông là đợt kiểm định cuối cùng, trước khi cấp bằng tốt nghiệp cho con em ta sau 12 năm theo học bậc học này. Đó là việc “Xác định” (lần cuối cùng), kết quả dậy và học theo chương trình nhà nước (bắt buộc) đã thông qua từ trước và giao cho thầy và trò phải hoàn thành, học sinh nào vượt qua thì cấp bằng tốt nghiệp. Chỉ khi “hoài nghi” chính cái chương trình nhà nước (bắt buộc) ấy, thì mới dùng kỳ thi này để “tác động trở lại việc dậy và học trong nhà trường”. Có phải là chính ông bộ trưởng này cũng không tin tưởng lắm vào chương trình phổ thông của mình?

Và cũng như đã nói, để thi tốt nghiệp phổ thông, nhất định phải là “Học gì thi nấy”, không đánh đố, không làm khổ thầy cô, học sinh và phụ huynh - để họ vui vẻ, thảnh thơi dậy và học, nhằm cho acon em ta có được những kiến thức phổ thông toàn diện (bắt buộc - thấp hơn so với yêu cầu thi đại học). Chỉ có thế mới có thể chấm dứt được tình trạng “Thi gì học nấy” phản giáo dục triền miên lâu nay.

Quay trở lại phần trên. Thế là, lâu nay những cơn “lũ” Học và Dậy và Luyện thi, trào lên mặt dòng sông giáo dục và đào tạo, làm rạn nứt dần các con “đập” thi cử, cũng là làm rạn nứt dần lòng tin của chính chúng ta vào nền giáo dục và đào tạo nước nhà. Đến năm 2018 này, cơn “lũ” ấy đã lên tới đỉnh điểm, làm vỡ con “đập” thi cử, cuốn lòng tin vào Bộ Giáo dục & Đào tạo của cả nước... lên tận Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn...! (Mà chưa thấy ai có một lời xin lỗi!).

Liệu có cần một cảnh báo nào lớn hơn nữa không?

Liệu có cần sớm một chiến lược giáo dục và đào tạo mới hay chưa?

Một mục tiêu giáo dục đúng đắn sẽ cho ta một phương thức thi cử đúng đắn tương ứng. Nếu lấy mục tiêu đỗ nhiều sau thi cử làm đầu thì tất nhiên mục tiêu giáo dục đúng đắn không còn nữa!

Phải lấy mục đích của việc dạy và học trong nhà trường làm cơ sở để có phương thức tổ chức thi cử thích hợp. Không thể làm ngược lại như ông Phạm Vũ Luận đã nói, là dùng thi cử “để tác động trở lại việc dậy và học trong nhà trường” được.

 

 


Có thể bạn quan tâm