April 20, 2024, 4:35 am

Từ kịch bản đến tiểu thuyết

 

Hừng Đông là tiểu thuyết tư liệu – lịch sử về đồng chí Phan Đăng Lưu (1902-1941), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1938-1940), một trí thức tiêu biểu của Đảng, người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo kiên trung, có tầm nhìn xa trông rộng, xả thân vì nghĩa lớn. Đồng chí là còn nhà báo, nhà văn, nhà lý luận xuất sắc của Đảng và cách mạng nước ta. Việc tái hiện cuộc đời và sự nghiệp oanh liệt của một nhân vật lịch sử lớn, ở một giai đoạn lịch sử đặc biệt trong thời kỳ hoạt động bí mật của Đảng, qua tác phẩm văn học không hề dễ. Thời gian lại đã lùi xa gần 100 năm, với nguồn tư liệu ít ỏi, thì viết làm sao để bảo đảm tính trung thực, khách quan, chính xác nhưng vẫn sinh động, hấp dẫn càng khó khăn hơn nhiều.

Tuy vậy, để vượt qua những “trở ngại” này, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ lại có nhiều thuận lợi. Sinh ra và lớn lên ở quê hương Yên Thành (Nghệ An), cùng quê với Phan Đăng Lưu; ông nội tác giả cùng tuổi với Phan Đăng Lưu, cha tác giả là lão thành cách mạng, kém Phan Đăng Lưu hai giáp. Từ nhỏ, ông bà, cha mẹ đã kể cho tác giả nhiều chuyện về Phan Đăng Lưu và các bậc sĩ phu, văn thân yêu nước là người cùng quê tham gia phong trào Cần Vương do Tôn Thất Thuyết đề xướng. Những địa danh như Núi Gám, Tràng Thành, Đồng Thông, Xóm Hố, Núi Trọc… gắn với trang sử vẻ vang của quê hương cũng như tuổi thơ của tác giả. Tác giả dành thời gian đi điền dã các địa điểm, di tích lịch sử; gặp gia đình, người thân của Phan Đăng Lưu, trao đổi với các nhà nghiên cứu về Phan Đăng Lưu trong nhiều năm; gặp gỡ những nhân chứng ít ỏi còn lại. Điều đó lý giải vì sao từ những trang viết mở đầu về thời niên thiếu của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu gắn với vùng đất Yên Thành đã mang đậm chất văn chương của một người am hiểu về nông thôn và đời sống nông thôn như vậy. Nhiều nhân vật lịch sử là những trí thức lớn như Phan Bội Châu, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt…; những nhà cách mạng tiền bối như Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diểu… qua ngòi bút tự tin và kỹ lưỡng của tác giả đã hiện lên sinh động và gần gũi. Văn phong chính luận đã được tác giả sử dụng nhuần nhuyễn khiến những đoạn thoại trong tiểu thuyết bộc lộ nhân cách và trí tuệ của các nhân vật lịch sử ở tầm rất cao. Nhưng được tác giả đầu tư kỳ công nhất vẫn là nhân vật chính Phan Đăng Lưu – một người thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; giỏi về Hán học, Pháp ngữ, văn học, nông học, chính trị học, xã hội học..., ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ thực dân, đi theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ. Bên cạnh đó là một Phan Đăng Lưu của đời thường, có cha mẹ già, vợ, con còn nhỏ, có hạnh phúc cá nhân với rất nhiều suy tư, trăn trở. Ở đây có thể thấy, tác giả đã sử dụng thủ pháp hư cấu với sự tự kiểm soát chặt chẽ mà đầy sáng tạo, để độc giả “gặp” được một nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết tư liệu tưởng chừng như khô khan, nhưng đã hiện lên chân thực, nhất quán, mang chiều sâu tâm lý của một nhân vật văn học điển hình. Chính vì vậy, những thông điệp tác giả gửi gắm qua tác phẩm về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu và những người đồng chí kiên trung, bất khuất, dũng cảm, tài trí của ông mang tính thuyết phục cao. Tuy họ bị địch bắt, bị tra tấn dã man và ngã xuống trước hừng đông độc lập, tự do của đất nước nhưng bản lĩnh, khí phách, tinh thần xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhân cách ngời sáng của những người cộng sản tiền bối sẽ khiến những thế hệ mai sau, đặc biệt là những người trẻ tuổi trân trọng, ghi nhớ, biết ơn và noi theo.

Tiểu thuyết Hừng Đông được chia thành 11 chương hồi, văn phong cô đọng, hàm súc, mạch văn nhanh mà không vội, tinh mà không kiệt. Bên cạnh những ưu điểm kể trên, là một tiểu thuyết lịch sử, tái hiện câu chuyện hàng trăm năm của những nhân vật có thật, được nhiều người biết đến, sẽ “khó tránh khỏi một số hạn chế, khiếm khuyết nhất định” như chính tác giả chia sẻ trong “Lời mở sách”. Với bộ lọc thời gian, ở những lần xuất bản sau chắc chắn tác phẩm sẽ khắc phục được những khiếm khuyết nếu có đó. Hừng Đông là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ sau Chuyện tình Khau Vai, đều là tác phẩm phát triển từ hai kịch bản sân khấu cùng tên rất thành công của tác giả.

Nguồn Văn nghệ số 4/2021


Có thể bạn quan tâm