April 18, 2024, 5:23 pm

Từ ĐẤT của Anh Đức đến CHUYỆN VỤN VỀ BÁC TƯ RỤM của Nguyễn Hiếu

                                                           

            Buổi trưa khó ngủ, lại giở Tuyển tập Nguyễn Hiếu (Nxb Hà Nội 2010) ra nhắm nhót, tình cờ lật đúng truyện ngắn Chuyện vụn về bác Tư Rụm. Vừa lần lần đọc vừa tủm tỉm một mình: - Cha này quê Hà Nội thiệt gốc, may lắm ở Sài Gòn lâu nhất cỡ vài tháng lận mà nhập giọng Nam Bộ ngon lành quá ta! Từ cách đưa đẩy ngôn từ lũ nhân vật, câu kẹo đối thoại, đến cách đặt tên người, tên ấp… Ngay câu mở đầu truyện đã lập tức gợi ngay không khí và cách nói đặc biệt giản phác, bộc trực của nông dân Nam Bộ: Ấp Bà Đành có bác Tư Rụm.

            Một trong những nhược điểm phổ biến (hay là nét cá tính nghệ thuật độc đáo riêng) của văn xuôi Nguyễn Hiếu, là chậm rãi, đến rề rà trước khi vào truyện chính; nhưng ở truyện này, ông đã vô tình hay có ý thức tránh được hạn chế đó: Vào truyện ngay. Tốc độ truyện khá nhanh. Cảnh nối cảnh linh hoạt như trong phim truyện, phim tài liệu – thời sự. Càng đọc càng bị cuốn hút vì cốt truyện, vì cách kể, cách tả, cách bình luận trữ tình ngoại đề ngắn gọn, điểm xuyết mức độ và rất có duyên của người viết.

            Chẳng hạn, đoạn tả tâm trạng của Tư Rụm trước chuyện mấy anh cán bộ ấp dùng mẹo rung cây dọa khỉ – giả vờ đe dọa, làm thật gắt việc thu gom lương thực bên nhà bà Út Nhái – láng giềng, ngõ hầu ông Tư Rụm thấy mà ngán:

            Ông Tư uống cạn ly rượu thứ tư thì quát đuổi các con trai, rồi nửa van lơn, nửa trách móc bà vợ:

- Bà để tôi yên, mắc chi má con bà, kỳ quá!

            Rồi ông nghĩ, ông nhớ, trong cơn say cứ tăng dần mà tỉnh dần:

             Ông Tư cúi đầu làm thinh mãi, chất rượu cháy trong cổ, chảy rần rật trong người. Mùi cá lóc nướng thơm ngậy. Sao, mũi ông cay cay. Bóng trăng rách mướp, run rẩy trước sân nhòa đi. Ông sợ hãi ngẩng lên. Chà, mảnh trăng khuyết lặn nghiêng trên ngọn cây dừa cũng nhòa đi. Ông nhìn quanh, sợ hãi, rồi đưa tay ra quyệt ngang đôi mắt già, hóa ra ông khóc. 64 tuổi đầu còn khóc. Ông giận mình, giận chúng nó. Ai đời ngược ngạo quá xá. Không giặc giã, không bão táp, mà bà con chòm ấp làm cái gì cũng e ấp, động cái gì tính toán cũng sợ hở lý, hở lẽ. Nói điều phải chẳng ai nghe. Chính sách gì mà cái nào cũng trật lấc hết cả? Kẻ mang chính sách không hề thể tình dân, cứ là áp đặt, cứ là ép buộc!

            Tôi cho rằng đoạn văn trên đã mang chở được khá nhiều ý nghĩa vừa sâu xa, vừa thời sự, lại đạt tới thành công nghệ thuật khắc họa tâm lý, tính cách  nhân vật Tư Rụm. Hình ảnh thiên nhiên bóng trăng rách mướp, run rẩy nhòa đi, mảnh trăng khuyết lặn nghiêng trên ngọn cây dừa cũng nhòa đi qua cái nhìn trong tâm trạng say – tỉnh  của ông già Tư đã góp phần đắc lực khắc họa tính cách và tâm trạng ngổn ngang, uất ức, đau khổ nơi ông. Nhìn trăng, đối ẩm mà khóc. Không phải than mây khóc gió suông hão như bao thi nhân lãng mạn ngày xưa hay ngày nay… mà khóc vì thế sự tréo ngoe, khó hiểu, tàn nhẫn; khóc vì sự bất lực, bức bối, nan giải của bản thân. Người kể - tả như đã nhập hẳn vào nhân vật mình tưởng tượng mà say, mà tự tình, ngẫm ngợi, mà đau khổ, mà uống, mà … khóc.

            Ba câu: Ông nhìn quanh, sợ hãi, đưa tay quệt ngang mắt. Hóa ra ông khóc. 64 tuổi đầu còn khóc. Theo tôi là những câu văn tinh tế, đặc tả diễn biến tâm trạng của lão nông ấp Bà Đành. Sợ người khác thấy được cái yếu đuối, bất lực của một ông già vốn cả đời ngang ngạnh, không hề biết sợ ai.

            Hai câu sau (tôi thử ngắt ra cho gọn) là nhận xét, bình luận  của tác giả: vừa chia sẻ, cảm thương, vừa cười nhẹ hóm hỉnh.

            Đoạn suy nghĩ nối tiếp của Tư Rụm cũng chính là nghĩ suy, quan điểm chính trị – xã hội của tác giả, cũng là chủ đề tư tưởng của truyện: Vấn đề chính sách kinh tế – xã hội – văn hóa và thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước từ các cấp chính quyền trước sự đồng thuận hay phản ứng của các tầng lớp nhân dân (đặc biệt là nông dân). Nghĩ tới vụ Tiên Lãng - Hải Phòng chấn động cả nước vừa qua, tôi lại kinh ngạc và thầm phục sức nghĩ suy, sáng tạo và sự nhạy bén chính trị của nhà văn – công dân Nguyễn Hiếu từ gần 30 năm trước.

            Nhưng điều hết sức lý thú khi đọc Chuyện vụn về bác Tư Rụm (1988) là ở chỗ: nó khiến tôi lập tức liên tưởng tới truyện ngắn nổi tiếng một thời: Đất của nhà văn Nam Bộ Anh Đức, viết khoảng hơn 20 năm trước đó (trong tập ký và truyện ngắn Bức thư Cà Mau (1965). Cố nhiên, hai truyện ngắn viết tại 2 thời điểm khác nhau; cách viết, cách kể cũng không giống nhau, văn phong lại càng khác nhau… nhưng tôi cứ muốn nghĩ rằng Tư Rụm hẳn phải có họ hàng, con cháu ruột già chi đó với ông Tám Xẻo Đước, người  quyết lấy cái chết để giữ đất, giữ làng, chống lại đến cùng bọn ác ôn điên cuồng thực hiện chủ trương thâm độc gom dân vào ấp chiến lược của bọn Mỹ – ngụy ở đồng bằng Cửu Long những năm 60 thế kỷ trước. Hai tâm hồn, hai tính cách nông dân Nam Bộ chân chất, quyết liệt, mộc mạc, trung thành tuyệt đối và vô tư với Đảng, với cách mạng, kháng chiến. Đọc đến đoạn:

            Ông Tư Rụm ào vào nhà, rút cây phảng, xầm xầm chạy ra, ông trụ ngay trước cổng, tay chỉ mặt Ba Vẹn:

- Ai nuôi chúng mày cho đến ngày nay? Ai?

- Ba Vẹn lúng túng vừa định mở miệng, Tư Rụm quát ngay:

- Biết chúng mày  phản phức với bà con thế này, tao báo Mỹ bắt từ dạo đó rồi. Còn bây giờ, đứa nào giỏi bước qua xác tao vào mà lấy thóc ra. Mồ cha lũ con nít bưng dái không nổi, còn định… Vào đi! Qua đây!

Thằng Ót mắt xanh lè, kêu tướng lên:

- Ông già khùng rồi, đừng đụng vào mất mạng như chơi đó.

            Trong tôi lại hiện mồn một đoạn văn tả cảnh ông Tám Xẻo Đước sau phút kính cáo trước bàn thờ tổ tiên tâm nguyện của mình, vụt quay lại đối mặt trước mũi súng của thằng sĩ quan ác ôn Đởm. Ông Tám dằn từng tiếng lạnh người:

- Việc của tôi đã xong. Giờ mấy người muốn gì?

Và ông chĩa mũi mác nhọn hoắt, lừ lừ bước tới kẻ thù…

            Hai cảnh thật khác nhau trên nhiều bình diện nhưng rất giống nhau ở sự căng thẳng, dữ dội, đầy kịch tính. Có điều, trong Đất là cảnh bi tráng, bi hùng, kết thúc bằng sự hi sinh tức tưởi mà oanh liệt của ông Tám và cái chết đổi mạng đáng kiếp của thằng Đởm ngay sau đó; còn trong Chuyện vụn… là cảnh bi hài, là kết thúc bằng nụ cười và trận say khật khưỡng mừng, lo… có hậu.

            Cuối cùng, nhờ sự chân thành và khéo léo giãi bày, chia sẻ, thuyết phục của quyền bí thư chi bộ Năm Bò đã khiến một Tư Rụm ngang ngạnh đa mưu, giờ đã hiểu ra thực chất và ý nghĩa của chính sách của Đảng  và Nhà nước; cảm thông với những khó khăn và kế sách của mấy đứa cán bộ địa phương. Và… Tư Rụm đã ưng bụng thì làm, tự nguyện bán  cả tấn rưỡi thóc cho chính quyền, quyết góp  công dành giải nhứt phong trào thi đua… cho ấp mình!

            Mọi chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải vì mục đích tối thượng: Dân giàu - Nước mạnh. Mọi cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở xã - ấp – phường, gần dân nhất, lại càng cần hiểu dân, cảm thông, chia sẻ với dân, vì dân thực sự… để tìm mọi cách vận động, thuyết phục để dân tin, dân tự nguyện cùng tháo gỡ, gánh vác, thực hiện. Mọi chủ trương, biện pháp, hành động mang tính cưỡng bức, áp đặt nhân danh quyền lực, pháp luật, có khi lại dùng xảo thuật mưu mẹo, lươn lẹo với dân nhằm đạt bằng được kết quả, mong lập thành tích, giương danh với địa phương khác hoặc với cấp trên, trước sau cũng bị dân phản ứng, chống lại… và sẽ chỉ chuốc lấy thất bại!

            Phải chăng thông điệp tư tưởng - nghệ thuật Nguyễn Hiếu muốn chia sẻ với bạn đọc cuối những năm 80 thế kỷ 20, và với cả hôm nay, bằng một truyện ngắn ngồ ngộ, vùn vụn mà chẳng hề vụn chút nào!... là thế?

Dù sao, tôi vẫn thích tên truyện được rút ngắn nữa, chỉ cần 2 chữ: Tư Rụm, chắc nịch… là đã quá đủ, quá đã!


Nguồn Văn nghệ số 47/2018


Có thể bạn quan tâm