April 25, 2024, 8:26 pm

“Tự chủ” và những nút thắt trong giáo dục đại học

 

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, được cho là có nhiều điểm mới về chính sách phát triển giáo dục Đại học. Trong đó, nổi bật hơn cả là việc mở rộng quyền tự chủ cho các trường Đại học. Trước đó, việc thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường Đại học công lập cũng đã được triển khai, với ghi nhận ban đầu đã tạo điều kiện cho các trường chủ động về công tác tuyển sinh, kinh phí đào tạo, mở rộng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy cũng như đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu học tập của sinh viên. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, nhiều “nút thắt” đã dần bộc lộ.

 

Nghiên cứu khoa học ở bậc Đại học. Ảnh minh hoạ, nguồn Internet

Luật hóa quyền tự chủ

Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục Đại học công lập giai đoạn 2014 -2017 cho phép các trường đại học khối công lập được tự chủ một phần hoặc toàn phần về tài chính, chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung và chương trình giảng dạy. Theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW và của Luật số 34, Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho chủ sở hữu. Ở các cơ sở giáo dục công lập thiết chế này được hiểu là chủ sở hữu cộng đồng.

Như vậy, ở cả hai mô hình giáo dục đào tạo trên đều có đại diện chủ sở hữu của các bên có lợi ích liên quan (đại diện của tổ chức đảng, cơ quan chủ quản, cộng đồng xã hội, địa phương, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, sinh viên, cựu sinh viên, phụ huynh, giảng viên, viên chức, lãnh đạo Nhà trường...), họ đại diện cho nhà nước và các chủ thể khác quản trị trực tiếp trường đại học. Đây còn là thiết chế thể hiện quyền dân chủ của cơ sở giáo dục đảm bảo hoạt động tuân theo Luật định.

Nhưng vai trò của quan quản lý (đối với hệ thống giáo dục công lập), hay HĐQT đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, đều chỉ mang tính bao quát về định hướng đường lối chứ không can thiệp sâu vào hoạt động đào tạo cũng như điều hành cơ sở giáo dục đào tạo. Đây cũng chính là tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 19/NQ-TW nhằm tiến tới bỏ cơ chế chủ quản; với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường đại học đã tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên sẽ hoạt động theo mô hình như doanh nghiệp, thậm chí có quyền tổ chức thi tuyển và thuê hiệu trưởng. Chính vì vậy, cơ quan chủ quản chỉ có một vai trò hạn chế trong hội đồng trường (không còn toàn quyền quyết định như với các cơ sở giáo dục chưa tự chủ). Nhờ vậy, đại học tự chủ có thể tự quyết và chịu trách nhiệm giải trình về hầu hết các vấn đề liên quan đến sự phát triển của cơ sở giáo dục, không phải xin ai “cấp phép” để cơ sở giáo dục thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi mà cơ sở giáo dục đã cam kết và đang theo đuổi.

Sau Nghị quyết 19, việc ra đời của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018, chính thức có hiệu lực từ 1/7/2019, nhiêu chuyên gia giáo dục và đào tạo, các trường đại học được đã và đang kỳ vọng, họ sẽ có cơ sở pháp lý để tự chủ chứ không còn phải thí điểm theo Nghị quyết 77 nữa. Cụ thể, một số quyền tự chủ của các trường đại học còn có xu hường được mở rộng hơn so với hiện nay, như: cơ cấu tổ chức của trường; về kiểm định, mở ngành, hợp tác đào tạo. Bên cạnh đó là phân định rõ ràng hơn về quyền hạn pháp lý của Hội đồng trường, quyền của Hội đồng trường, mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng. Sự rõ ràng trong Luật đã nhanh chóng xoá đi những lo lắng  về có hay không chuyện “chia phần” giữa cơ quan chủ quản đối với một cơ sở giáo dục trực thuộc.

Trên thực tế, thực hiện Quyền tự chủ trong đó có tự chủ về mặt Tài chính, cơ sở giáo dục có quyền định ra mức học phí (sau khí đã có những tính toán, nghiên cứu phù hợp với mặt bằng chung và được sự chấp thuận của Bộ Tài Chính, Bộ chủ quản và của Chính phủ). Cơ sở giáo dục có quyền dùng số tiền kết dư để tiếp tục đầu tư, để liên tục nâng cao, cải thiện sơ sở vật chất và điều kiện làm việc cũng như mức sống cho thày và trò nhà trường trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ xã hội phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

 

Luật có xoá bỏ những hạn chế trong tự chủ

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP, (ngày 24/10/2014) đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập thời gian qua thực chất vẫn chỉ là tự chủ từ góc độ tài chính, chủ yếu là mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động mà chưa chú trọng tới tổ chức - nhân sự, quản trị, tiềm lực và kinh nghiệm về hoạt động đào tạo, khoa học - công nghệ cũng như các điều kiện khác. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, tự chủ của các trường không chỉ đơn thuần về thu, chi thế nào, giảng dạy ra sao mà còn là chuỗi cung ứng sản phẩm của họ ra với thị trường lao động, với xã hội được tiếp nhận thế nào.

Mỗi năm, chúng ta có hàng trăm thậm chí hàng ngàn cử nhân thất nghiệp sau đào tạo. Đáng lo ngại hơn là số lượng thất nghiệp lại gia tăng theo từng năm với xu hướng rơi vào nhóm trình độ cao, không chỉ đặt ra những thách thức không nhỏ cho giáo dục, đào tạo mà còn là sự lãng phí nguồn lực xã hội, đe doạ mang đến nguy cơ đói nghèo cho một bộ phận không nhỏ người dân - đối tượng thụ hưởng những chính sách hết sức nhân văn của Chính phủ trong tạo quỹ tín dụng phát triển giáo dục. Tuy nhiên, có một thực yế, dù nhận diện khã rõ những bất cập trong giáo dục, đào tạo đại học, thì một giải pháp thực sự thay đổi giáo dục ở bậc học cao nhất này vẫn còn là câu hỏi khó.

Trước Tự chủ đại học, Bộ chủ quản đã xây dựng Bộ khung để các trường  thuộc cả công lập và ngoài công lập xây dựng kế hoạch tự chủ trong đó có những điều kiện giàng buộc khá chặt chẽ về cơ sở vật chất, số lượng giảng viên cơ hữu, báo cáo 3 năm liền về đầu vào và đầu ra của sinh viên trong cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, số đơn vị thực hiện theo yêu cầu của Bộ chủ quản một cách nghiêm túc chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa kể có nhiều trường không ngần ngại đối phó những nội dung trên bằng việc bịa tên, tự viết tên các giảng viên đại học trường khác, địa phương khác vào trường mình để báo cáo, cũng như khai khống tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm về Bộ chủ quản…

Những việc làm của các cơ sở giáo dục đào tạo, vô hình chung đã biến đào tạo vốn nghiêm túc trở thành việc làm thiếu nghiêm túc, phủ nhận những nỗ lực đổi mới toàn diện giáo dục đại học. Chưa kể những gian dối này ( giả sử nếu qua mặt được Bộ chủ quản, báo chí và dư luận xã hội) sẽ tạo ra sự mất công bằng giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, và cao hơn nũa là lừa dối thí sinh, người dân vốn rất tin tưởng vào đào tạo. Đây cũng chính là lý do  khiến cho giáo dục đại học ở Việt Nam vẫn chưa thể phát triển một cách độc lập với quyền tự chủ hoàn toàn. Hy vọng rằng Luật giáo dục đại học sẽ đem đến một hành lang pháp lý đủ thông thoáng, đủ rộng để tự chủ đại học trở thành động lực nếu như không muốn nói là bệ phóng để giáo dục đại học bước lên một nấc thang mới

Nguồn Văn nghệ số 26/2019


Có thể bạn quan tâm