April 25, 2024, 7:36 am

Tự chủ đại học: Vẫn vướng cơ chế

 

Ngày 15/11 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông phối hợp với Trường đại học Tôn Đức Thắng và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng tổ chức hội thảo khoa học “Tự chủ đại học trong thời kỳ hội nhập”. Tại hội thảo, bên cạnh những trao đổi thẳng thắn về thực trạng của tự chủ đại học, về việc cần thiết phải tạo cơ chế mở cho tự chủ thì vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại khi cho rằng mấu chốt để các trường đại học thực sự có tự chủ chính là việc các cơ quan chủ quản phải từ bỏ quyền quản lý dù chỉ về mặt hành chính.. Nên, tự chủ hiện nay vẫn chỉ được xem là những lát cắt phản ánh sự thiếu toàn diện của Luật Giáo dục đại học.

 

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Trách nhiệm hay lợi ích?

Tự chủ đối với các trường đại học, cao đẳng thậm chí trường nghề đang trở thành xu hướng chính, quyết định sự tồn tại, phát triển của tất cả khối các trường thuộc hệ thống giáo dục, đào tạo của mọi quốc gia trên thế giới. Trong đó có giáo dục và đào tạo của Việt Nam và đã được luật hoá trong Luật Giáo dục Đại học cho thấy nhu cầu tự chủ là cấp thiết và không thể chậm trễ, nếu như không muốn giáo dục nước ta tụt hậu và nguồn nhân lực chất lượng thấp so với các nước ngay trong khu vực và thế giới

Hiệp hội quốc tế các trường Đại học (viết tắt IAU) trong bản Tuyên bố về tự do học thuật, tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội, đã khẳng định: “Nguyên tắc về tự chủ đại học có thể được hiểu là mức độ độc lập cần thiết đối với sự can thiệp bên ngoài mà trường đại học cần có trong tổ chức và quản trị nội bộ, trong phân bổ nội bộ các nguồn lực tài chính và huy động thu nhập từ các nguồn ngoài ngân sách, trong tuyển dụng giảng viên, trong quy định các điều kiện học tập, và cuối cùng, trong việc tự do giảng dạy và nghiên cứu”. Nếu tham chiếu những nội dung trong bản tuyên bố nói trên vào thực tiễn giáo dục của Việt Nam (ngay cả khi Luật Giáo dục đại học có hiệu lực) thì tự chủ đại học mới chỉ diễn ra từng phần nếu như không muốn nói là hình thức. Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo, cả nước hiện có 236 trường đại học, học viện, trong có có những trường hoạt động độc lập và có những trường, viện hoạt động theo sự quản lý của Bộ chủ quản, dân đến việc các trường thực hiện quyền tự chủ có sự khác nhau. Và hiện đi theo hai hướng: Hướng do Nhà nước thành lập, chu cấp ngân sách để phát triển thì được thí điểm cơ chế tự chủ, có trường thì tự chủ ngay từ đầu. Dẫn đến nảy sinh độ vênh trong việc điều hành, đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo.

Tự chủ ở đây không chỉ đơn thuần về mặt học thuật mà còn cả về vấn đề kinh tế, trong đó quyền tự quyết về công tác tuyển sinh, thu học phí, trả lương giáo viên và xây dựng các chương trình học độc lập gắn với nhu cầu thị trường lao động được thị trường chấp nhận.

 

Tự chủ… bao giờ?

Trên thực tế, để tự chủ đại học hiểu đúng nghĩa là trường đại học hoàn toàn độc lập về mặt tài chính với cơ quan chủ quản. Trường có thể tự thu tự chi, tự tuyển các giảng viên, nhân viên và cân đối nguồn ngân sách hoạt động cũng như tuyển sinh. Tất cả các hoạt động của trường đều tuân thủ theo đúng quy định về luật giáo dục của Nhà nước. Mặc dù có vẻ đơn giản nhưng với nhiều bộ ngành, việc gỡ bỏ cơ chế để các trường được tự chủ vẫn là việc làm cực chẳng đã, thậm chí xảy ra không ít lùm xùm.

Theo Ts Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho biết, trường đại học có thể phát triển tốt mà không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan chủ quản nào. Đặc biệt là khối các trường đại học chuyên về khoa học, nghề nghiệp, công nghệ nên cần bỏ cơ quan chủ quản để các trường được tự phát triển. Cơ quan nhà nước chỉ nên kiểm tra chất lượng, kiểm tra các khâu đào tạo theo quy định chung của pháp luật. Tự chủ đại học, đúng ở góc độ kinh tế để nhìn nhận thì trong một chừng mực nhất định còn giúp cho nguồn ngân sách nhà nước bớt đi gánh nặng do nhiều trường đại học vẫn hoạt động dựa vào ngân sách Nhà nước.

Cũng chung quan điểm, Gs.Ts Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cho rằng, mô hình tự chủ đại học trên thế giới và Việt Nam có nhiều sự khác nhau do đặc thù của xã hội nước ta. Do đó, Nhà nước cần cân đối nhu cầu về nguồn nhân lực, kiểm soát các trường đại học trong tuyển sinh và đào tạo cũng như tăng giảm các mô hình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực trong nước và thế giới. Ngoài ra, nhiều trường đại học được thành lập và phát triển dựa trên nhiều yếu tố khi sử dụng tài sản của ngành/tỉnh thành nên nếu để các trường tự chủ, việc xử lý các tài sản này cũng vô cùng khó khăn…

Thực tế số các trường đại học được tự chủ ở nước ta chưa nhiều, nếu như không muốn nói chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí nhiều trường vẫn phải chịu sự quản lý chồng chéo của nhiều cơ quan chủ quản (như Học Viện Nông nghiệp 1, trước đây thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, rồi lại được chuyển về cho Bộ Giáo dục & Đào tạo quản lý, nay là trả về Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn). Đây cũng chính là lý do khiến cho chuyên gia lo ngại Bộ chủ quản sẽ can thiệp sâu không chỉ về mặt điều hành (bổ nhiệm các chức danh quản lý trong trường), sau đó là về chuyên môn (tự do học thuật, nghiên cứu) vấn đề trả lương giảng viên thỉnh giảng, đường lối phát triển của trường trong tương lai… Những vấn đề trên hoàn toàn không mới và đã trở đi trở lại trong nhiều cuộc hội thảo quy mô trong nước và quốc tế. Nhưng bàn thảo thì vẫn là bản thảo, Luật dù được cụ thể hoá nhưng cũng cần lộ trình để thực hiện. Và vì vậy, một cơ chế mở cho tự chủ đại học có lẽ vẫn còn ở thì tương lai.


Nguồn Vannghe số 48/2019


Có thể bạn quan tâm