April 20, 2024, 5:38 pm

Từ chiếc neo của làng quê

 

Ngõ chùa là tập truyện ngắn của tác giả Ngô Thị Đào Nguyên, gồm 25 bài viết về làng quê thôn Khả Gio, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, quê hương của tác giả. Nó bắt đầu từ những đổi thay về phong tục, về cách nghĩ, về con người theo đà nhận biết của tác giả từ tuổi thiếu nhi đến tuổi trưởng thành làm mẹ, làm bà…

Như tác giả đã viết: “Cuộc sống thay đổi từ nhà ra ngoài đường…”. Những câu chuyện được bắt đầu từ một cái gốc là Đình làng thôn Khả Gio được xếp loại VHQG, đến các truyện Đầm Thấm, Đám cưới cậu út, Tương Khả gio, Ao cá ven làng, Cả đàn bò cùng đi học, Giàn Trầu của mẹ tôi, Nồi khoai của mẹ, Đổi đời rồi…. với logic, cốt cách của cuộc đời và văn phong của tác giả đã để lại cho người đọc nhiều những nhớ nhung kỷ niệm và tình cảm sâu nặng với gia đình, với quê hương.

 Tuổi Bính Thân – 1956. Tác giả Ngô Thị Đào Nguyên đã trở thành cô giáo dạy văn, sau đó bắt đầu cầm bút khoảng 20 năm nay tính từ khi cho ra mắt truyện Hoa học trò năm 2009. Với Ngõ Chùa, xuyên suốt các truyện ngắn trong tác phẩm này là những câu chuyện về nông thôn đổi mới. Đổi mới từ mỗi người, mỗi gia đình, ngõ xóm… Tác giả đắm đuối về những cốt truyện ở ngay bên cạnh mình để viết ra những điều thành thực tận hiến cho độc giả. Tình yêu quê hương với rất nhiều cung bậc: từ nồi khoai om của mẹ “Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi” đến Tương Khả gio, Tác giả viết “Chum tương là thứ không thể thiếu trong mọi nhà quê tôi”. Trong Nồi khoai của mẹ, tác giả kể: để có khoai ngon phải chọn giống, rạch luống, giải phân, xới đất,… chăm sóc tưới nước chờ ngày thu hoạch. Về “Chum tương Khả gio” cũng vất vả nhiều công đoạn, khởi đầu là chọn ngô, giã ngô, gảy ngô, giần sàng 7-8 lần cho đến khi hạt ngô nát bét thành bột. Rồi đỗ rang chin, cho vào cối đá xay nhuyễn đến khi hạt được “12 chè, 2 muối là ngon”. Tại sao tương làng mình ngon nhất? – Mẹ trả lời “Đó là nhờ nước, con ạ”. Đó là bí quyết làng nghề “Tương Khả gio ngọt lừ”…

Có lẽ tôi thuộc lớp người từ quê ra tỉnh nên rất thích đọc các truyện ngắn về quê. Trong tác phẩm Ngõ Chùa, tác giả không miêu tả về cuộc sống sang chảnh hiện đại mà là cuộc sống đơn thuần đổi mới về quê, ở mọi gia đình và dòng họ. Qua ngòi bút sắc sảo, súc tích, văn phong giản dị, ngôn ngữ trong sáng, nhẹ nhàng, hấp dẫn. Ngõ Chùa đã diễn tả hết sức chân thực từng cảnh vật, từng cốt truyện giúp ta nhận thấy rõ ràng một nông thôn đổi mới ngày ngày. Trong truyện Đám cưới cậu út, tác giả miêu tả “Dâu về. Cô dâu đẹp lắm. Cô dâu ở quê bây giờ cùng sành điệu, chẳng kém gì cô dâu ở phố…”. Thế nhưng đằng sau sự đổi mới ấy vẫn ẩn chứa những nét văn hóa truyền thống, những tình quê, tình làng nghĩa xóm ở quê. Ấy là khi tác giả viết “Những lúc có công to việc lớn, tôi mới hiểu thế nào là tình làng nghĩa xóm…”. Điều đơn giản ấy từ xa xưa, các gia đình dòng tộc ở quê đã vậy, luôn gắn kết giúp đỡ nhau. Tôi rất thích những câu văn chân chất mang đầy hơi thở cuộc sống dân giã của tác giả. Đó là những câu kiểu như: “Con cái nhà nghèo hay thạo việc”, “Đất trả công cho người, có ai nghèo khó mãi đâu”, “Đất quê ta quý người lắm”…

            Trong sự phát triển của xã hội, vấn đề đô thị hóa nông thôn luôn là vấn đề đặt ra nhiều ý kiến khác nhau, mà mỗi người đều có quyền nhìn nhận, đánh giá theo con mắt của mình. Với Ngõ Chùa của Ngô Thị Đào Nguyên, bằng những hồn hậu chất phác của đời sống được lưu giữ, thể hiện trong đó, có gì đó như là chiếc neo của Thiện tâm Phúc trạch với những người đi xa.

 

Nguồn Văn nghệ số 16/2019


Có thể bạn quan tâm