March 29, 2024, 4:38 pm

Từ câu chữ tới hành nhân

Trên báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam, số 21, năm 2021 có bài báo viết Phạm Vĩnh Cư và niềm kiêu hãnh “làm người” của tác giả Lã Nguyên, cụm từ “làm người” được cẩn trọng đầy ngụ ý đặt trong dấu ngoặc kép. Tình cảm và lòng kính trọng được lẩy ra về một lát cắt của chân dung ông Phạm Vĩnh Cư.

Những câu chữ chân tình, đậm đà tình cảm và trân trọng trước nhà Nga học, nhà dịch thuật. Ở đây, không có bàn gì về chính trị, không nói gì khác ngoài tình chân thật muốn được sáng tạo và cống hiến. Từ dịch thuật, làm sáng rõ lại “của người khác” đến tự phê bình, lý luận tự nội tâm của người cầm bút Phạm Vĩnh Cư, chính vậy, tác giả bài báo mới ca ngợi tinh thần làm người phải có nhân cách, làm chủ nhân cách, sự kiêu hãnh tận cùng của sáng tạo. Bởi bản chất căn cơ ở con người luôn đầy bản ngã, muốn chinh phục.

Vậy mà, ông Nguyễn Văn Học (bút danh trong bài báo đăng trên báo Văn nghệ TP.HCM) đã đem ra mổ xẻ thành tư tưởng chính trị. Lôi cụm từ “mọi Kon Tum”, nhắc tới địa danh Sóc Trăng đầy thô tục, cố gán ghép trong cụm từ kiêu hãnh làm người.

Tôi lại được dịp đọc bài Phải kiêu hãnh làm người! của nhà văn quân đội Phùng Văn Khai, in trên báo Văn nghệ ra ngày 24/7/2021. Anh đã viết phản biện chân tình, đáng để cùng soi rọi. Nhà văn đã dẫn chứng sinh động lịch sử Tổ tiên ta phải kiêu hãnh làm người như thế nào, dồn dập, tăng tiến ở bảy đoạn văn đầu bài viết phản biện.

Thật vậy, làm người khó lắm. Vô cùng khó. Đừng tưởng hình dáng người đã là người, có rất nhiều, vô số người có phần “con” chiếm lĩnh gần hết trong phần “người”, thế mới gọi là con người. Con đi trước, người đi sau. Muốn bỏ con để là người mà đáng để kiêu hãnh phải biết buông bỏ những cao ngạo, ham muốn điều không thể, cũng chẳng thể nói hay hành động và suy nghĩ sai khác cái sự thật đã và đang hiển nhiên kia.

Lã Nguyên ca ngợi nhân vật từ chỗ văn kỳ thanh rồi diện kiến, trao đổi, thấy biết phẩm hạnh của Pgs PHạm Vĩnh Cư, tác giả mới thốt lên niềm cảm kích. Lã Nguyên viết, có đoạn: “Làm người” là lựa chọn tự do của Phạm Vĩnh Cư. Đó là sự lựa chọn một tư thế sống đầy kiêu hãnh của con người có nhân cách ở đời. Toàn bộ ý nghĩa “làm người” ở anh dường như đều kết tụ vào hai hoạt động Giao lưu và Sáng tạo <…> Tinh thần sáng tạo của Phạm Vĩnh Cư thấm sâu vào cách dịch các thuật ngữ triết học và mĩ học từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Ví như anh chọn chữ “Ngôn lời”, chứ dứt khoát không dùng chữ “Ngôn từ” để dịch chữ “СЛОВО”. Hoặc anh không dùng “trào phúng” mà dùng “trào tiếu”: “tiếng cười trào tiếu của văn hóa dân gian”. Cho nên, khi đọc các bản dịch của Phạm Vĩnh Cư, bắt gặp các chữ “trào tiếu”, “phồn tạp”, “ngôn lời”…, ta biết ngay đó là những thuật ngữ của riêng anh, mang dấu ấn sáng tạo của anh. Dĩ nhiên, tinh thần sáng tạo của Phạm Vĩnh Cư thể hiện rõ nhất ở các công trình nghiên cứu, phê bình, tiểu luận của anh. Tôi mê nhiều tiểu luận của Phạm Vĩnh Cư về văn học Việt Nam <…> Nhìn chung, dù viết về văn học Việt Nam, hay các hiện tượng văn hóa nước ngoài, bao giờ Phạm Vĩnh Cư cũng đưa cách kiến giải riêng, với những phát hiện độc đáo, mới mẻ. Vì thế tiếng nói của anh luôn là tiếng nói được lắng nghe, được chờ đợi…”

Đâu gì là quá đáng, chẳng gì là gượng ép cả!

Còn ông Nguyễn Văn Học, bút danh trong bài phản biện được in trên báo Văn nghệ TP.HCM, số 649, năm 2021, mới khai bút đã cố ép những thậm xưng ấu trĩ: “Bài “… Niềm kiêu hãnh làm người” của Lã Nguyên trên Văn Nghệ (Hội Nhà văn) số 21, ngày 22-5-2021 là tiêu biểu, mẫu mực cho phê bình tâng bốc vô tội vạ.

Kẻ sĩ ở thời đại này mà vẫn cảm thấy “kiêu hãnh làm người” thì chỉ là biểu hiện của tính nhân văn ở trình độ thấp <…> Một em bé có thể rất hãnh diện về bộ quần áo mới hay tấm Bằng khen Học sinh giỏi v.v… Cuộc sống nó như thế. Nhưng kẻ sĩ thì không thể, không nên như thế. Bởi tầng lớp này là đại diện cho lương tri của một cộng đồng dân tộc, của một thời đại. Họ, trước hết phải lo nghĩ đến vận mệnh, số phận của dân chúng, của quốc gia dân tộc chứ không phải về ý nghĩa của đời mình, của cá nhân mình. Có thể kiêu hãnh về một thành tích cụ thể. Còn “kiêu hãnh làm người” thì hơi bị khó đấy!”.

Tác giả Lã Nguyên viết chân dung Phạm Vĩnh Cư về sáng tạo và dịch thuật, kiêu hãnh từ cái đẹp văn chương. Còn ông Nguyễn Văn Học đánh vô chỗ dấu ngoặc kép làm người và giằng xéo thành sự mạ lị trong niềm kiêu hãnh làm người; ông đã đi quá đà, mất phương hướng trong lý luận để nói sang điều khác.

Ở đây, xin mạn phép nói một ý vế rất ngắn, nhỏ nhưng đã đả động đến tình người, tình mấy anh em cao đẹp đồng bào cùng cộng cư trên mảnh đất Sóc Trăng, gồm  Kinh – Hoa – Khmer. Ông Học dùng tên một cuốn sách nghiên cứu của học giả người Pháp “Mọi Kon Tum” và nói về gạo ST25 của ông Cua mới thoát khỏi cái thấp kém ư, khả ố vậy! Chúng tôi không chỉ từ gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua nhiều năm cấy tạo giống, nghiên cứu cây trồng về lúa nước và mạnh dạn thi quốc tế để đạt thành quả cao nhất về nông sản, không chỉ ST25 mà cả ST24 nữa kìa!

Sóc Trăng hào hùng trong bao phen đánh giặc thời chiến, cũng kiên gan, bi trí, sáng tạo trong thời bình. Văn hóa dân gian, đa sắc, đa diện làm nên một Sóc Trăng vượt qua thời nghèo khổ, đang đồng hành phát triển trong công cuộc kiến thiết mới dưới ánh sáng Chủ nghĩa Xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung. Nếu ông Học cho là Mọi Kon Tum hay gạo Sóc Trăng kiêu hãnh và được làm người từ gạo ST25 vậy trước đây chúng tôi không là người ư?

Không tự hào kiêu hãnh sao được, cồng chiêng Tây Nguyên, sử thi, trường ca Đam San và bao gương anh hùng trong đánh giặc…

Không tự hào sao được, dàn nhạc ngũ âm, bún nước lèo, hành tím của người Khmer Sóc Trăng, bánh pía của người Hoa Sóc Trăng và bao lễ Hội mang tầm khu vực như đua ghe ngo vào dịp Oc Om Bom…

Rất nhiều niềm kiêu hãnh khi được làm người. Bởi muôn ngàn vạn ức kiếp mới có thể có cơ may được làm người. Do vậy, càng cần nên là làm người tốt, chí tình, chí thiện.

Đất nước ta đẹp trong vòng cung chữ S đính thêm hai viên kim cương trên biển Đông tạo nền Trường Sa, Hoàng Sa kiêu hùng. Tổ quốc ta ít nhất cũng là 54 dân tộc gộp thành. Ai dám bảo dân tộc nào hơn dân tộc nào. Chỉ là anh em, đồng bào, đồng chí, đồng lòng làm nên một đất nước có lịch sử văn hiến hơn bốn ngàn năm. Chúng ta đáng kiêu hãnh là con Rồng cháu Tiên, đáng làm người trong sự chung lưng đấu cật dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước. Đó là cả chiều dài của Tổ quốc kiêu hùng.

Tại sao từ một chân dung nhân vật trong phạm vi dịch thuật, sáng tạo, phê bình mà ông Nguyễn Văn Học lại đối đáp với tác giả Lã Nguyên lại không ăn nhập về học thuật. Toàn những điều gượng ép, thô tháo vậy.

Đã lý luận, cần đi từ học thuật, đã luận chiến cần phải chính danh, phải quân tử trong hành nhân và tác phẩm mới không thẹn với câu chữ tỏ bày.

Đất nước ta trải qua bao cuộc chiến nên có sự ảnh hưởng văn hóa, văn chương từ nhiều nguồn: Trung Hoa, Nga, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật… cũng là điều dễ hiểu. Trên thế giới cũng rất nhiều nước có ảnh hưởng lẫn nhau. Thông qua giao thương buôn bán, thông qua chiến tranh chiếm lĩnh, thông qua giao lưu, giao thoa nhưng không thể làm mất gốc. Thật vậy, văn hóa Việt Nam ta ngày một giàu đẹp hơn, vẫn nguyên thủy gốc gác quê nhà. Đó là tình người, đoàn kết, đáng kiêu hãnh xiết bao! Kiêu hãnh, nhìn lại để sống xứng đáng hơn nữa, chớ thẹn với tiền nhân, không ngượng với con cháu mai sau, càng không xấu hổ khi được là người, làm người hiện thời ở mỗi hồn quê của nước non này.

Cái gì xấu thì cần tháo gỡ, dạy dỗ, tẩy trừ; cái gì hay thì cần giữ gìn, học tập, phát huy, sáng tạo. Chớ đánh đu con chữ, mụ mị trong ngôn từ để làm mất mình trong học thuật, đừng tự biến mình thành phù thủy trong giấc mơ tìm cái bóng sư tử trong hình dạng con mèo.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2021


Có thể bạn quan tâm