April 18, 2024, 10:58 pm

Từ cái nôi "Đất thép thành đồng"

Trong các dịp lễ lạt, hay tiệc tùng, trên mâm cơm của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định (Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh) ngoài một vài món đơn sơ, thường không bao giờ thiếu vắng đĩa củ mì (sắn) luộc trắng bum đặt cạnh đĩa muối mè. Một số thực khách lấy làm lạ cứ mắt tròn, mắt dẹt, bởi cái thời thiếu đói phải ăn ghế, ăn độn đã lùi sâu về dĩ vãng, hà cớ làm sao vẫn xuất hiện món này? Gần như ngay lập tức, các cựu chiến binh phơ phơ đầu bạc, rưng rưng giải thích, đây là “món ruột” để nhắc nhau nhớ về cái thủa ban đầu của đơn vị, bám địa đạo, ăn củ mì, đánh giặc. Ra đời ở Củ Chi “Đất thép Thành đồng”, nơi mà củ mì được coi như lương thực chính của quân và dân nơi đây thời đánh Mỹ, thì dẫu hôm nay cuộc sống đổi thay nhiều, nhưng đâu dễ nguôi quên về một thời khốn khó? Mà quả thật, hiếm có nơi đâu mà sự ngon lành, vị bùi đậm của củ mì sánh được với đất Củ Chi! Có lẽ bài học giáo dục truyền thống này chưa hề được văn bản nào đề cập, song nó lại được các thế hệ cán bộ trung đoàn kế tiếp nhau bền bỉ nuôi dưỡng! Không chỉ đơn thuần là món ăn được dân phố thị coi là “đặc sản”, với những người lính trung đoàn thì củ mì còn là sự kết tinh của ân tình sâu đậm về một vùng đất kiên trung, về lòng dân luôn hào phóng với cách mạng. Và đây là một trong những yếu tố làm nên cái chất bình dị của một đơn vị anh hùng, luôn biết cách “giữ lửa”, nghĩa tình sau trước thủy chung!
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, ghi sổ vàng lưu niệm tại Nhà truyền thống Trung đoàn Gia Đinh (2/2018)

Những ngày cuối tháng 5 đầy nắng lửa này, Trung đoàn Gia Định tròn tuổi 60 với nhiều chiến công oai hùng. Đây không chỉ là niềm tự hào của Lực lượng vũ trang thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, mà của cả miền Đông “gian lao mà anh dũng”. Ngược dòng lịch sử, lên tận thời gian sau khi Hiệp định Giơnevơ (7/1954) có hiệu lực, thực hiện mưu đồ biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, người Mỹ nhảy vào hất cẳng Pháp, dựng nên chính quyền Ngô Đình Diệm. Thi thi chính sách “tố cộng, diệt cộng” tàn bạo, quốc hội “đệ nhất cộng hòa” của chế độ Diệm ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật”. Bọn ác ôn hùng hổ kéo về tận các thôn, ấp, gây ra biết bao cảnh đầu rơi máu chảy. Những cỗ máy chém, biểu tượng của chế độ Diệm, đen ngòm cả một góc chợ Trung Hòa và chợ Củ Chi, với lời tuyên bố của bọn đao phủ, rằng kẻ nào liên quan đến cộng sản, sẽ mất đầu!

Trong tình thế “tức nước vỡ bờ”, từ đầu năm 1959, Xứ ủy Nam Bộ đã kiến nghị với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng tầm đấu tranh vũ trang lên ngang với đấu tranh chính trị, hai mặt kết hợp song song. Ngày 7/5/1959, Ban Bí thư điện cho Xứ ủy nêu rõ “tinh thần cơ bản” của Nghị quyết Trung ương 15. Là một trong những địa phương  sớm có phong trào vũ trang tự vệ phát triển, Tỉnh ủy Gia Định lựa chọn một số nòng cốt ở các xã phía bắc quận Hóc Môn (nay thuộc huyện Củ Chi), thành lập đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh lấy phiên hiệu là C13. Những người được giao chỉ huy đơn vị gồm: Mười Phước, Chín Thùng, Sáu Lý… là các đảng viên từng hoạt động trong vùng địch. Mới đầu, quân số chỉ vỏn vẹn 10 người, vũ khí có 3 khẩu súng nhưng gồm 3 kiểu loại khác nhau (1 khẩu Misten - Đức, 1 khẩu Carbine gãy báng và 1 khẩu Thompson); đơn vị phát triển lên thành 20 người. Chỉ ngần ấy thôi, vậy mà ngay trong tháng 12-1959, đơn vị phục kích đánh thắng liền 2 trận, diệt gần 1 trung đội địch, thu hàng chục khẩu súng các loại.

Trong phong trào Đồng khởi, C13 đóng vai trò nòng cốt, hỗ trợ đắc lực cho đấu tranh chính trị, kết hợp vũ trang. Đơn vị bức rút 2 đồn trên địa bàn Củ Chi, đó là đồn An Hòa (xã Trung An) và đồn Láng The (xã Tân Thạnh), thu được 23 khẩu súng, trang bị cho du kích một số xã. Giữa năm 1960, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định quyết định thành lập đại đội tập trung cơ động đầu tiên, trên cơ sở C13, sáp nhập thêm trung đội Cao-Hòa-Bình, biên chế thành 3 trung đội. Tại buổi lễ ra mắt ở mật khu Hố Bò, Củ Chi, ông Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn-Gia Định, giao nhiệm vụ cho đơn vị: diệt ác phá kềm, mở rộng vùng giải phóng; tác chiến kết hợp với binh vận; phát động quần chúng xây dựng chính quyền cách mạng; cơ động chiến đấu trên khắp chiến trường Quân khu.

Theo thời gian, đơn vị có bước phát triển, trưởng thành. Từ C13 đổi thành K17, phát triển thành Đoàn Quyết Thắng, rồi Tiểu đoàn Quyết Thắng. Từ cuối năm 1964, là đơn vị chủ công, Tiểu đoàn Quyết Thắng có 5 đại đội hoàn chỉnh. Đơn vị về đứng chân tại xã An Nhơn Tây, làm nhiệm vụ huấn luyện và đánh địch, bảo vệ vùng căn cứ bắc Củ Chi.

Ngày 2/2/1965 (tức mùng 1 Tết Ất Tỵ), tại xóm Chùa, An Nhơn Tây, Quân khu Sài Gòn - Gia Định giao nhiệm vụ cho các đơn vị vũ trang. Ông Trần Hải Phụng, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng làm “quả đấm chủ lực của Quân khu”, đồng thời trao cây đuốc truyền thống cho đơn vị. Lần lượt cán bộ các cấp lên đốt đuốc và tiếp nhận mệnh lệnh. Thay mặt cán chộ, chiến sĩ, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thành Nâu (Sáu Tiến) lên hứa danh dự: Tiểu đoàn Quyết Thắng quyết tâm nêu cao truyền thống “Đi là đánh thắng, đánh là dứt điểm”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó! Hàng ngàn đồng bào vùng giải phóng, cùng hàng trăm bà con trong các “ấp chiến lược”, có cả người từ trong nội thành Sài Gòn ra dự. Không khí rạo rực trùm lên cả một vùng chiến khu xanh mát, khiến cho sắc xuân càng thêm đậm đà tình quân dân cá nước, báo hiệu thời kỳ sụp đổ của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.

Sau nhiều lần dền dứ, dọn bãi, sáng tinh sương ngày 9/5/1965, địch nã pháo dữ dội vào khu vực ấp Bàu Lách. Vừa lên thay Sáu Tiến, Tiểu đoàn trưởng Trần Châm (Ba Châm), người cán bộ đơn vị chủ lực từ hồi 9 năm, đã nhận lãnh một trách nhiệm nặng nề. Nắm rõ ý đồ của địch tổ chức một cuộc hành quân với quy mô cấp trung đoàn tăng cường, nhằm hỗ trợ cho bọn địa phương quân, đồng thời đánh phá vùng tranh chấp, tiêu diệt lực lượng du kích, phá thế bao vây của cách mạng ở khu vực các xã Trung Hòa và Phú Hòa Đông, Ba Châm lệnh cho các đơn vị củng cố trận địa sẵn sàng “tiếp đón” đối phương chu đáo. Đúng như dự kiến của ta, vừa tỏ mặt người, các cụm pháo địch cấp tập nã vào khu vực Gót Chàng, Vựa Gà, Voi Đá, Xóm Bưng, Cây Điệp, Bàu Lách… Sau khi cho một đại đội biệt kích đi trước thăm dò, không thấy phản ứng gì, các cánh quân của Trung đoàn 8 (Sư đoàn 5 quân đội Sài Gòn), có máy bay L.19 dẫn đường, chia làm các gọng kìm càn vào ấp Bàu Lách.

Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng chủ động bố trí lực lượng, áp sát, đánh vào đội hình địch đang vận động trên các hướng, khiến chúng rối loạn không phát huy được hỏa lực. Sau nhiều đợt tiến công và phản kích không kết quả, xế chiều cùng ngày, địch buộc phải lui quân. Trận đánh kết thúc, trận địa được giữ vững. Gần 400 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, ta thu 270 khẩu súng các loại, cùng hàng chục máy thông tin. Tiểu đoàn Quyết Thắng được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất.

Lần đầu tiên trên chiến trường bắc Gia Định, một tiểu đoàn của ta đáng quỵ một trung đoàn địch sừng sỏ, ghi dấu bước trưởng thành vượt bậc về chiến thuật phòng ngự tấn công của đơn vị. Và đây là trận đánh lớn, kết thúc chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy trên địa bàn Sài Gòn-Gia Định. Về sau, bộ đội ta thường gọi trận Bàu Lách là trận “vĩnh biệt quân ngụy”, bởi từ sau trận này cho tới khi Mỹ đổ quân vào đối đầu với Quân giải phóng, thì tiệt không còn một cuộc hành quân càn quét nào của quân đội Sài Gòn vào vùng căn cứ Củ Chi!

 Trụ vững trên “Vành đai diệt Mỹ”, đơn vị tham gia đánh bại 2 cuộc càn quy mô lớn của địch. Sau Crimp (cái bẫy) là cuộc càn Cerdar Falls được mệnh danh là “bóc vỏ trái đất”, Tiểu đoàn Quyết Thắng càng đánh càng trưởng thành nhanh chóng. Tháng 10/1967, Trung đoàn Quyết Thắng được thành lập, trên cơ sở Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng và Tiểu đoàn 2 Gòn Môn. Tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi đậy Xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đột phá đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng ở nội thành Sài Gòn và kiên cường bám trụ đánh địch phản kích 100 ngày đêm trên địa bàn ven đô, giữ vững thế tiến công liên tục trên chiến trường vùng ven.

Tháng 4/1975, Trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm nhiều vị trí then chốt ỗ phía bắc và tây bắc, mở cửa cho Quân đoàn 3 và các binh đoàn tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau đó thần tốc đánh chiếm các mục tiêu ở nội thành góp phần giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, Trung đoàn làm nhiệm vụ đánh địch trên tụyến xung yếu ở tỉnh Tây Ninh, giành thắng lợi giòn giã trong trận mở màn chiến dịch mùa khô năm 1977-1978 và trận then chốt cầu Kátđai. Đơn vị hành quân cấp tốc đánh địch tái chiếm thị xã Tàkeo. Đây là trận cuối cùng kết thúc cuộc chiến tranh Tây Nam kéo dài từ tháng 9/1977 đến tháng 1/1979. Những năm tháng thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia bảo vệ đất nước (1984-1989), Trung đoàn đã vượt qua nhiều khố khăn, chịu đựng gian khổ, thiếu thốn, hoạt động trên địa bàn rộng lớn từ miền Đông sang miền Tây, bền gan đánh địch, góp phần xây dựng lực lượng cách mạng Campuchia trưởng thành về mọi mặt. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với chính quyền và nhân dân nước bạn.

*

Bước sang những năm đầu thế kỷ XXI, Trung đoàn Gia Định có bước phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu, trưởng thành vượt bậc. Có thể nói đây là một đơn vị cấp trung đoàn có hệ thống doanh trại xanh-sạch-đẹp và chính quy vào loại mẫu mực trong toàn quân hiện nay. Trong khuôn viên đơn vị có nhà truyền thống, bể bơi, thư viện, có khu tăng gia, quy hoạch gọn gàng. Đây là cái nôi nuôi dưỡng, đào luyện nên nhiều lớp cán bộ có phẩm chất cách mạng kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhiều cán bộ từng giữ các cương vị lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó nhiều trọng trách khác nhau. Tiêu biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Trung Kiên, nguyên cán bộ Trung đoàn Gia Định, trở thành Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố, Tư lệnh Quân khu 7. Đồng chí là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VIII, khóa IX), Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (2002-2010)… Ngoài ra, còn nhiều đồng chí trở thành tướng lĩnh và cán bộ cao cấp của lực lượng vũ trang thành phố và Quân khu.

Huấn luyện chiến đấu

Với thành tích xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý của Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 và Thành phố. Các tập thể: Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn bộ binh 3, Đại đội 5 (Tiểu đoàn 4 Gia Định) cùng 8 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhìn vào dàn cán bộ chỉ huy, lãnh đạo của Trung đoàn Gia Định hôm nay, thật tự hào. Đội ngũ cán bộ  Trung đoàn đều ở độ tuổi 7X, 8X, được học hành đào tạo bài bản, họ trẻ tráng và mới mẻ, song cũng rất bản lĩnh và vững vàng. Trò chuyện với các anh, thấy yên lòng, bởi “Trung đoàn thép” hôm nay vẫn ắp đầy chất thép và quan trọng hơn luôn thấm đượm chất nhân văn.

Nguồn: báo Văn nghệ số 22/2019 

 


Có thể bạn quan tâm