April 20, 2024, 6:28 pm

Tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Sơn Tây

Bộ VHTTDL đã có văn bản số 502/BVHTTDL-DSVH gửi UBND thành phố Hà Nội về việc thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Sơn Tây, phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

Cụ thể,  Bộ VHTTDL thỏa thuận Báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây, hạng mục: đường dạo và cây xanh.

Bộ VHTTDL lưu ý: Chủng loại đá lát đường cần cân nhắc để phù hợp, hài hòa với cảnh quan và đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện. Đồng thời, hạn chế trồng cây lâu năm kích thước lớn trong khuôn viên thành cổ.

Bên cạnh đó, về căn cứ pháp lý cần bổ sung: Luật di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Thành cổ Sơn Tây là công trình kiến trúc quân sự cổ nằm giữa trung tâm thị xã được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Đây là một trong 20 thành được xây dựng vào triều Nguyễn nhưng chỉ có duy nhất Thành Sơn Tây được xây dựng hoàn toàn bằng đá ong.

Thành có diện tích 16 ha, xung quanh có hào nước bao bọc, tường thành được kết cấu theo lối kiến trúc Vauban (có chỗ lồi ra để đặt các pháo đài). Trên mặt thành có nhiều lỗ châu mai giúp quân lính quan sát và chiến đấu. Thành có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu, có cầu bắc qua hào nước, dẫn vào cổng thành. Hiện 4 cổng thành bằng đá ong còn giữ được nguyên vẻ nguyên sơ cổ kính, trên các cổng có vọng lâu và ụ súng. Theo sử sách ghi lại, ngày trước thành Sơn Tây có 5 khu: khu giữa thành là khu nghi lễ, hai ao sen hai bên, có vọng lâu cao 18 thước. Trong thành có điện Kính Thiên rộng 5 gian lợp ngói lưu ly, bên trong có 2 cột tròn làm bằng gỗ lim sơn màu cánh gián. Hai gian bên có cửa sổ tròn trang trí hình chữ Thọ.

Vào năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia.

VK


Có thể bạn quan tâm