April 20, 2024, 11:24 am

Từ bạn đường thành tri ân

Tôi với Trung Trung Đỉnh chơi với nhau đến nay có tới ngót bốn mươi năm, lão Đỉnh hay khùng và mắng tôi nhiều khi như vô lối. Nhưng những lúc ấy tôi đều im lặng, nhẫn nhịn. Nhiều người bảo hai tay này như anh em, mắng mỏ nhau đấy rồi lại vui vẻ đấy. Chắc là lính cùng đơn vị. Có đôi lần mấy bạn văn Tuyên Quang hỏi tôi vậy. Tôi cười: Đúng là bạn lính nhưng không cùng đơn vị. Thời chiến tranh lão Đỉnh ở Tây Nguyên, tôi ở Lào nhưng là lính gặp nhau lại có tý máu rong ruổi nên đồng cảm, gắn bó.

Nhà văn Trịnh Thanh Phong

Chuyện như cái tít đề tôi đặt, ấy là từ những năm sau ngày đất nước thống nhất, Đỉnh về học trường Viết văn Nguyên Du, tôi học lớp giữ sách ở trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Ra trường tôi trở lại cơ quan cũ (Sở văn hóa Thông tin Tuyên Quang) liền đó tôi nhận cái quyết định điều về Trường Đảng tỉnh làm nhiệm vụ giữ sách. Sau khi đến cơ quan mới nhận việc, dọn dẹp nơi ăn ở xong tôi xin về quê nghỉ vài ngày, hết phép tôi trở lại cơ quan, hôm ấy tôi bám chiếc xe khách từ km45 quốc lộ 2 ngược Tuyên. Đến km số 5 xưa thường gọi là ngã ba cây gạo tôi xuống xe vì Trường Đảng ở cách đó chỉ vài trăm mét. Trưa trời hạ nắng như lửa, tôi vừa rời cửa xe bước xuống thì thấy tay lính cũng mặc quân phục sờn cũ như tôi nhưng có đeo khẩu súng ngắn. Lão cũng bước theo tôi nhưng còn loay hoay kéo lại quai ba lô thì trên nóc xe người lái phụ gọi: “Xe đạp, xe đạp của ai đỡ cái.” Lão hý hoáy rồi nhìn tôi như là đã quen: Đỡ hộ tý. Tôi giơ tay đỡ chiếc xe đạp đặt xuống ngay cạnh lão. Ô tô chạy, lão lại hý hoáy buộc chiếc ba lô lên phoóc ba ga, chả ai nói với ai nhưng cùng dẽ vào cái quán nước kề đấy.

Chủ quán rót đầy hai cốc trà xanh, lão bảo:

 - Uống đi...

 - Ông trả công thì uống. Lão lại rút điếu thuốc lá cuốn đưa tôi nhưng không nói gì. Tôi bảo:

 - Có cái này hên hơn. Vừa nói tôi vừa móc túi lôi ra bao thuốc mo mời lão. Lão đỏ mặt nhưng cũng rút một điếu, châm lửa kéo một hơi rồi nhìn tôi:

 - Ông xài sang nhỉ...

 - Sang gì, thằng bạn nó cho chứ mình lấy đâu...

 - Ờ, loại này rất đã, kéo một hơi là đã. Mà ông đúng là lính, vừa dễ dãi vừa dứt khoát lại thấy có tý máu rong ruổi hằn trên mặt. Đơn vị nào? Lão hỏi.

 - Ra quân rồi, giờ đang giữ sách ở Trường Đảng. Vừa nói tôi vừa chỉ tay về phía những dãy nhà lợp néo nứa ngay trước mặt.

- Còn ông? Tôi hỏi lại. Lão cười: vẫn đăng lính nhưng đang theo học trường Viết văn Nguyễn Du ở chỗ Vân Hồ 3 ấy.

- Vậy à, ông thật là sang.

- Sang cái nỗi gì, đến điếu thuốc lá cuốn còn chả có mà hút... Lão thở ra. Một chiếc xe tải thùng đỗ ịch ngay cạnh, lão chạy ra to nhỏ một lúc thấy ông lái gật đầu. Lão vội vào quán bảo tôi. Ông gửi tiền cho quán nhé, tôi nhờ được xe sang Sơn Dương, có bà chị đi khai hoang lên đó nhưng người ta dong vào tận Ao Búc, xa quá, tôi lên định xin cho bà ý ra ngụ chỗ gần đầu cầu sắt, bà ý quen chợ búa mà, ra đó dễ kiếm sống hơn. Mà ông có ai vai vế ở đó không. Lão tròn mắt hỏi. Tôi bảo :

- Có ông anh rể họ làm bí thư huyện đó, cần ông cứ đến gặp, nói đại là bạn của Phong, có thể ông ấy giúp.

- Ờ, cảm ơn, cảm ơn, nhưng việc bé tý, tự khắc phục đã, phiền lụy là sự bần cùng. Thôi tôi đi nhé và lão xốc ba lô rồi cả người và xe đạp cùng lên cả cái thùng xe tải. Tôi nói với theo. Lúc về, rảnh cứ ghé chỗ tôi…

Xe chạy lão vẫn ngó nhìn tôi ở cái quán. 

Chuyện cũng qua, chắc cũng chả ai bận tâm gì. Tôi về cơ quan ngày ngày lục đục bên các giá sách, hết xếp đặt, lại đọc. Đọc chán lại xếp ngày qua ngày, trong đầu cũng chả nhớ gì đến chuyện ở cái quán nước với lão nữa. Bẵng sau khoảng tuần, vào lúc xế chiều tôi vẫn lục đục trong kho sách. Lão đến, đứng ngay trước cái biển đề. Thư Viện - Trường Đảng. Lão oang oang gọi: Ông Phong, ông Phong có đây không. Tôi ngó ra cửa thấy lão lù lù đấy, vẫn bộ quần áo bạc nhàu và khẩu súng ngắn đeo chếch phía mông đít. Cả hai cùng tròn mắt nhìn nhau. Biết chắc lão phải ngụ lại đây vì giờ này đã hết xe xuôi Hà Nội. Tôi chạy lại gần lão bíu cái ghi đông bảo.

- Cho xe vào đây.

- Vậy là ông giữ tôi nhá. Lão hóm hỉnh. Tôi cười rồi kéo lão về phòng. Lão quẳng cái ba lô và khẩu súng ngắn xuống cái ghế rồi ngồi ệch xuống giường. Tôi cười: - Mệt thì ông chợp ngủ đi một lát, dậy ra giếng tắm, tôi nấu cơm...

- Để tôi cùng làm. À, mà có mấy đồng đây, ông ù ra chỗ ngã ba quán nước hôm mình ngồi mua cái gì về nhậu...

- Khỏi cần, tôi còn mấy con cá ướp mang từ quê lên, lại có bà chị dưới xóm vừa cho cái đãnh gà, cút rượu còn để kia...

- Vậy thì hên rồi, thế là lão xắn tay trẻ củi, tôi vo gạo. Chỉ chốc nhát là mọi thứ đều chín nhừ, tất cả cùng bày lên tờ báo, tôi và lão xếp bằng rót đầy hai chén.

Cạch... rượu ngấm chuyện ran vui. Lão bảo: - Ông rất lính, tôi thấy hay, giời lại cho tôi thêm cái chỗ để tá túc hàng năm lên thăm bà chị. Tôi cười, lại cạch. Cứ thế chuyện nọ ra chuyện kia…

Lão hỏi. Ở thị xã Tuyên, ông có biết lão Đinh Công Diệp không.

- Ông quen à ?

- Tôi gặp bác ấy ở Tây Nguyên năm 1977, bác ấy đi cùng đoàn của Sở Văn hóa Tuyên Quang tăng cường cho Tây Nguyên... Ông này vui tính, viết văn cũng hay hay...

- Vậy đến chới tý nhé, tôi với bác ấy như anh em mà...

- Vậy thì vui quá.

Thế là sau bữa cơn lão lọc cọc đạp xe theo tôi về khu tập thể câu lạc bộ thư viện. Lúc này khoảng tám giờ tối, các bóng điện đom đóm trong dãy nhà tập thể nhập nhòe. Tôi dừng ở tấm của liếp gần chỗ cây phượng đại thụ nghé vào thì thấy bác Diệp quần đùi, áo ba lỗ với cặp kính trắng đang cọc cạch bên cái máy chữ cà tàng. Thấy khách bác mở cửa ròm rồi cười à:

- Khách quý, khách quý... vào nhà đi rồi bác vừa pha nước vừa ngỡ ngàng: Hai chú biết nhau, chắc bạn cùng đơn vị?...

Nhà văn Trung Trung Đỉnh

- Không, bọn em tình cờ gặp nhau, bạn đường cảnh lính tý là thân, may tay Phong lại chơi với bác, vui thật, em có duyên với Tuyên Quang... Đỉnh vui vẻ. Chúng tôi cùng ngồi quây quanh cái bàn nghe bác Diệp và Đỉnh hàn huyên chuyện ở Tây Nguyên, cạn ấm chà thì chia tay vì mai Đỉnh phải xuôi Hà Nội sớm. Bác Diệp tiễn ra tận ngõ, đến chỗ thư viện, thấy phòng đọc vẫn mở toang, tôi bảo Đỉnh:

- Vào đây tý. Đỉnh không nói gì vì lạ đường lạ cái cứ phải theo tôi. Hai thằng dựa xe vào gốc cây phượng, vừa bước vào bậc cửa phòng đọc, cô bé H đã hớn hở chạy ra: Ôi, anh giai...

- Giai với tơ gì, giờ này cô vẫn ngồi phòng đọc, ế là phải. Vừa nói tôi vừa kéo Đỉnh theo. H bảo:

- Mời hai anh về phòng em, mà anh lặn đâu mấy tháng nay nhỉ ?

- Anh đi tìm vợ cho tay này, nhà văn quân đội hẳn hoi mà không biết cách tán...

- Gớm, H nguýt lườm tôi rồi vui vẻ đi trước.

Căn phòng cá nhân H ở hẹp, chỉ kê đủ cái giường cá nhân và cái kệ để ấm chén. Có thêm người lạ lại nghe tôi giới thiệu là nhà văn quân đội, H lúng túng rót nước đổ loang ra cả cái kệ. Tôi cười vội giằng cái ấm từ tay H, tự rót. H ứng chữa rất nhanh:

- À, em biết rồi.

- Cô biết cái gì.

- Trung Trung Đỉnh, em vừa phân loại tập sách của anh ấy. Đúng là văn kỳ thanh, giờ lại thấy người... H cười khẽ đáo mắt về phía Đỉnh. Lão đỏ mặt, hóm hỉnh:

- Thì ta cùng đang trong cuộc đây thôi.

Vui thật, chuyện ran dần lên. Tôi bảo: H là cô gái Hà Giang, học cùng lớp giữ sách với nhau, nó coi tôi như anh giai, ai mà...

- Ai mà dám chỗ cao ráo vậy, anh đừng có mà... H cướp lời tôi. Đỉnh đỏ mặt cứ ngồi như cái đõ khoai. Chuyện dài dài một tý, tôi giục về. Đỉnh phải tuân lệnh theo. Ra khỏi căn phòng H, Đỉnh lại lủi thủi đạp xe theo tôi, đến chỗ vườn hoa cuối sân Ta Lanh thấy nhà ông Diệp Cẩu mở cửa, ông lại ôm đàn ghi ta ngồi hát một mình. Tôi bảo vào đây tý. Đỉnh đành theo. Bác Diệp Cẩu là nhạc sĩ, thấy bạn là vui ran, bác lấy rượu rót đầy ba chén, cạch rồi lại hát. Tôi giới thiệu Đỉnh là nhà văn quân đội, bác càng sướng, lại rót rượu, lại hát. Đến gần mười giờ tôi mới dứt ra được. Hai thằng đạp xe đi, đến chỗ Cầu Chả, Đỉnh đấm vào đống cát, lão Khùng: Mẹ thị xã với thị trấn nhà ông, đường như là đường Trường Sơn ấy, mà ông chả ra cái gì, chỗ cần ngồi lâu thì giục về, chỗ ba chén rượu với vài bài hát ngao thì ngồi mục ghế. Chán bỏ mẹ. Tôi chả thèm nói lại bởi biết Đỉnh mê cô em H rồi. Về đến phòng ở, lao xe vào góc phòng, tôi ngả lưng xuống giường, có tý men nên liu riu ngủ kệ Đỉnh làm gì thì làm. Quãng 12 giờ đêm, thấy lão vỗ vào lưng tôi bùm bụp. Tôi choàng dậy. Lão vội ngoắc kính, lôi tờ giấy nhì nhằng chữ nghĩa gạch xóa cứ thế đọc. Đang ngái ngủ nhưng nể bạn tôi vẫn chỏng tai nghe. Đỉnh đọc rất hăng hái:

Anh chưa đến Hà Giang

Nhưng Hà Giang có thật

Vầng trăng nào trên ấy

Níu tình yêu của em

 

Anh chưa đến hà Giang

Nhưng mà em có thật

Chàng trai nào trên ấy

...

Đọc hết lão bảo: Tuyệt tác, tuyệt tác... Tôi cười, tuyệt thì có tuyệt nhưng hơi si. Lão đỏ mặt, rồi cằn nhằn. Ông vô tích sự bỏ mẹ, chỗ cần ngồi lâu thì... rồi lão lục thuốc hút một mình, tôi lại lăn quay ra ngủ. Sáng hôm sau lão về xuôi.

Chuyện cũng ắng đi, lão cũng không thư cho tôi và ngược lại. Mấy bữa sau tôi ghé qua chỗ H, vừa đến cửa phòng đọc H đã te tởn chạy ra. Kéo tôi vào ghế ngồi rồi dúi vào tay tôi cuốn tạp chí Văn nghệ quân đội. Tôi mở lướt thấy bài thơ Hà Giang ký tên Trung Trung Đỉnh. Tôi cười làm H đỏ mặt. Chuyện cứ thế, cứ thế âm ỉ mà không bùng lên được ngọn lửa. Thi thoảng nhớ lại chuyện ý tôi chỉ cười một mình rồi cũng quên bẵng, mãi khoảng năm sau Đỉnh lại lên, vẫn cái xe đạp ấy, bộ quần áo ấy với khẩu súng ngắn đeo lệch bên hông nhưng đằng sau cái phoóc ba ga là cái ba lô căng nứt. Tôi nhìn lão từ đầu đến chân.

- Có gì biếu à ?

- Có cái nợ. Lão thở ra. Thuốc lào và xích líp xe đạp, ông có chỗ tiêu không?

- Thuốc lào thì dễ, còn xích líp... Tôi chép miệng. Lão tặc lưỡi rồi quẳng cái ba lô vào cái kệ, thở dài:

 - Thôi, tính sau, giờ nhậu cái đã, đói rồi.

- Ờ, để tôi nấu cơm.

- Khỏi, vừa nói lão vừa mở cóc ba lô lôi ra một ụ bánh mỳ, giò lụa nữa. Mắt tôi sáng bừng.

- Chắc vừa trúng quả. Nói rồi tôi lôi trong tủ cút rượu còn giở ra.

- Lão cười. Hên rồi, hên rồi. Tất cả lại bày ra tờ báo. Nhậu xong lão bảo.

- Ông đưa tôi đến...

- Nhà Cẩu hay bác Diệp?...

- Ông cứ ngơ ngơ...

- Thế thì đến đâu ? Tôi giả đò...

- Đến cái chỗ cô bé gì ở phòng đọc ý...

- À, có vậy mà cứ vòng vo. Nhưng nó đang có bầu rồi...

- Sao lại có bầu! Lão tròn mắt nhìn tôi rồi cả hai cùng cười phá lên. Đoạn tôi an ủi.

- Thôi để sáng mai, giờ nghỉ đã. Lão không nói gì, lẳng lặng sang phòng sách của tôi tìm đọc, tôi  lăn ra ngủ. Sáng mơ tôi bừng tỉnh đã thấy lão ngồi ở bàn đang cặm cụi làm gì đó. Tôi cười: Ông đúng là người làm ăn, thức khuya, dậy sớm...

- Làm với ăn cái nỗi gì, sang phòng ông ngồi, thấy mấy cái bản thảo ông quăng đó, tôi đọc, hà, ông cũng viết văn mà có văn đấy, nhưng ông hững hờ, chả chỉn chu gì cả...

- Tôi đỏ mặt: Văn võ gì đâu, giờ vợ con líu nhíu, bỏ lâu rồi vả ở xứ này ăn còn chả đủ văn vở cái nỗi gì, vương tướng gì đâu. Bì với các ông sao được. Buồn viết chơi thôi.

- Ông chỉ tự ti, văn chương biết thế nào được, có ai kiếm ăn bằng văn chương, mình thích thì mình làm chứ, ông viết có ý lắm, đừng bỏ. Đây này... Viết, sửa, chỉnh lại đi...

- Ôi! Biết thế, cứ để vậy. Thấy tôi ể oải. Lão đổ giọng như an ủi... Tôi chả nói gì, sực nhớ chuyện tối qua, tôi bảo: Giờ đến chỗ...

- Chỗ nào? Lão vờ hỏi nhưng mặt đỏ nhừ.

- Tôi cười: Đến xem cái bầu nó bằng...

Lão đỏ mặt nhưng rồi vẫn lóc cóc dắt xe theo tôi. Buổi sáng hôm ấy trời sau cơn mưa mát mẻ, đến nơi con bé lại nghỉ phép. Lão buồn thừ, lại lặng lẽ theo tôi lóc cóc đến nhà bác Diệp. Vừa gặp nhau chưa kịp uống chén nước thì ông Hoàng Định phó sở đến, thấy tôi, ông bần thần rồi bảo: “Tôi vừa đi công tác dưới huyện Sơn Dương, nghe tin cơn lốc xoáy tối hôm qua bừa nát xã Hồng Lạc, trường học sập, chết bẩy cô giáo, ông ngập ngừng nhìn tôi rồi nói tiếp: Chú về xem cô và các cháu có sao không...” . Tôi tái mặt lẳng lặng đứng dậy leo lên chiếc xe đạp, ra đến cổng ngoảnh lại thì thấy Đỉnh cũng lọc cọc đạp xe theo.

- Tôi bảo: Xa, đường đầy ổ gà, ổ chó, ông cứ ở lại chỗ bác Diệp, chưa xuôi Hà Nội thì về chỗ tôi ngủ, chìa khóa đây, vừa nói tôi vừa móc túi.

- Đỉnh lắc đầu: Cùng đi, chơi với nhau cần là lúc này. Thế là cả hai cứ thế cắm cổ đạp. Đến chỗ Đồn Hang, may tôi gặp một người quen, anh Thân. Anh bảo: Trường đổ nát hết, bẩy cô giáo chết, cô nhà chú và các cháu chỉ bị đau, ông bà đón về quê rồi... Tôi thở phào, lúc này mới thấy mệt, đói. Tôi và Đỉnh rẽ vào cái quán, quán chỉ có bánh sắn nhân đũa. Xơi hết đĩa bánh chấm với mật mía, lại đi. Gần mười một giờ trưa thì đến nhà. Mọi sự ấm lại dần, cả nhà lục đục bữa trưa, hai đứa con tôi nhiễm gió bão bị lên sởi, khắp người chi chít mụn, Đỉnh lẳng lặng ngồi cạnh chúng và lấy khăn chấm khô những vết mụn đang ứa nước vàng. Lão ở lại chơi mấy hôm, đến phiên chợ, hai đứa con tôi cũng đã khỏi sởi, thấy nhà tôi đi chợ, Đỉnh bảo: Tôi cùng đi, đi chợ quê vui đấy. Thế là lão quảng cái ba lô lên xe lúi cúi đạp theo vợ tôi. Đến chợ, lão đỏ mặt bảo:

 - Vợ chồng ông cứ đi mua sắm, tôi bày đám “đầu máu” này ra đây, đắt rẻ cũng tống tháo cho gọn. Vừa nói lão vừa trải cái mảnh tăng ra, mở ba lô lôi ra đụm thuốc lào to và đám xích líp xe đạp. Vợ tôi ái ngại:

- Bác là nhà văn, ai làm thế, để em...

- Văn võ gì, đây ai biết tôi là thằng nào. Nói rồi lão ngồi xổm trước đám hàng. Vợ tôi không nghe, vội thu lại và rẽ vào đám đông. Một lát bà ấy ra cười toe toét. Thuốc lào em bán buôn cho ông cụ người quen, được ngần này, còn xích líp chịu, ở đây dân nghèo không xài nổi hàng ngoại. Lão đỏ mặt rồi lặng lẽ thu đồ ế vào cái ba lô. Trưa về, bữa cơm tươm hơn vì bố tôi mổ con gà lại có chai rượu. Đỉnh không say nhưng quý trọng cả nhà. Chuyện ran làm mấy ông hàng xóm vui lây cũng kéo đến nghe Đỉnh nói chuyện, toàn là chuyện ở rừng Tây Nguyên nên ai cũng im như thóc.

Mấy hôm sau Đỉnh xuôi, khổ, lại nhỡ tàu thủy, nhưng Đỉnh bảo không thể ở thêm vì đi lâu quá rồi, về họ đuổi học chết. Tôi không dám giữ. Lần thần mãi tôi bảo: - Đành đạp xe bộ về ga Việt Trì, 30 km đấy. Đỉnh gật đầu. Vậy tôi đạp xe.

- Nhưng không tỏ đường lạc thì... Tôi ái ngại, lúc ấy một cô gái đang đẩy xe dưới bến lên, cô chủ động:

- Nhỡ tàu, em cũng phải đạp xe đây.

- Cô về đâu?

- Em về nhà máy dệt Minh Phương...

- Thế tôi gửi ông bạn vàng này nhé, chưa vợ đâu. Cô gái đỏ mặt nhưng không nói gì. Họ cũng quen nhau rất hồn nhiên. Sau chuyến ấy, Đỉnh ghi thư cho tôi kể lại chuyện lâm ly như tiểu thuyết, nhưng vẫn không quên nhắc tới H và giục tôi tiếp tục viết văn. Tôi không giả lời nhưng viết nhiều thêm. Viết bỏ đấy chứ không gửi. Ắng đi thời gian lâu, phải vài năm lão mới ngược Tuyên. Ngược Tuyên lần này với lý do là sau đại hội Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang lần thứ 1, Hội mở trại sáng tác văn học có liên kết với Hội Nhà văn và tạp chí Văn nghệ quân đội giúp đỡ. Đỉnh được mời đi. Thấy tôi tham gia trại Đỉnh rất thích, nhưng bảo mấy cái truyện cũ tôi đã đọc, để dành, gửi cái mới mới nhé…

Tuy là người hướng dẫn trại nhưng đôi khi Đỉnh vẫn về chỗ tôi. Đêm lão ít ngủ, rờ rệt thế nào lão lại thấy cái bản thảo tập tiểu thuyết của tôi. Lão xem rồi lay tôi dậy, giọng chân thành:

- Không khí, rất không khí, rất số phận, ông viết từ bao giờ, mới xem qua chưa dám phán, ông cố gắng sửa đi rồi gửi cho tôi nhé... Tôi tròn mắt nhìn lão nhưng im lặng. Lão lại đỏ mặt rối nói như mắng:

 - Ông cứ lơ ngơ, lơ ngơ, rất khó chịu, làm cái gì thì phải làm tới nơi chứ... Tôi cười nhạt:

- Con bé H nó cũng đọc cái bản thảo này của tôi rồi, nó bảo rất máu thịt, nhưng anh đừng theo nghề văn, khổ bỏ xừ...

- Sao ông lại để nó nói thế?... Đỉnh đỏ mặt rồi lại cười: Ờ dư mà có khi nó đúng. Đúng. Nó yêu tôi lắm...

- Có ông yêu nó, chứ...

- Thì cứ thế, cứ thế, chuyện của hai thằng lan man, cuối cùng Đỉnh vẫn giục tôi viết, viết cho thật là của mình đi. Những lần sau gặp lại nhau chuyện chỉ quanh chủ đề tìm cái nhậu cho vui và việc viết với chuyện về cô bé H, mặc dù nó đã chồng con nhưng lão vẫn ngộ: “Nó yêu tôi lắm...”. Mỗi lần lão đến rồi đi cứ đọng đầy trong tôi một con người thẳng thắn, làm lụng, ân tình với bạn lại ngập máu rong ruổi. Tôi nể và cũng lặng lẽ làm việc.

Rồi tôi cũng đôi khi được cái truyện in trên báo Văn nghệ, lại có sách đứng tên một mình, rồi được kết nạp vào Hội Nhà văn. Gặp nhau có lẽ lão mừng nhưng vẫn giọng đàn anh: Nhà gì thì nhà nhưng phải là thật, đừng ảo cái danh giấy rồi bằng lòng cũng vô nghĩa cả. Tôi chỉ im lặng bởi thấy lão nói có lý. Thế rồi tôi in tiểu thuyết, một quyển, hai quyển rồi lại được giải nọ, giải kia, được chuyển thể thành phin, chả tai tiếng bằng các anh chị nhớn trong làng, nhưng lão ghi nhận. Nhiều lúc ngồi nhậu cùng lão còn khen. Tôi cười: Được rứa có phần nhờ cái bỗ bã của ông đó. Lão chỉ đỏ mặt cười. Đùng một cái, không biết số kiếp thế nào tôi lại được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang. Lão nghe tin rồi điện thoại chúc mừng nhưng vẫn có câu vui vẻ: Lạ, lơ ngơ như ông mà cũng làm đến chức chủ tịch hội nhỉ. Lão cười rất vang trong máy. Bấy giờ tôi mới bảo: “Có lẽ do văn hay”. Lão phì cười vui trong máy.

Làm quản lý hội, tôi cũng loay hoay xin tỉnh cho được kinh phí để tổ chức các trại sáng tác, thân tình với lão đôi khi tôi cũng rước lão lên giúp đỡ. Có lần thấy lão ôm một chồng bản thảo dày, nửa đùa nửa tếu: “Chả biết các ông trả công được mấy đồng, nhìn đống bản thảo thấy toát mồ hôi...”.

Rồi lão cũng xoay trần đọc. Vài bữa sau, lão gọi tôi đến, giọng vui vẻ: - Ngon nghẻ rồi, ngon nghẻ rồi. Đã chọn được vài cái đinh cho trại rồi nhưng còn phải mất nhiều công lắm...

Dư âm từ trại sáng tác lần đó lan khắp hội, người dự trại ai cũng vô tư bảo: “Làm việc với bác Đỉnh rất hiệu quả lại thoải mái, ông ấy thẳng thắn, dở là bảo dở, hay là bảo hay không lấy lòng...”. Từ ấy hội có công việc gì liên quan đến văn chương anh em đều thích có mặt lão. Đôi khi vui vẻ lão bảo: “Các bác cũng phải kết nạp tôi vào hội Tuyên Quang thì mới đã. Đời tôi có hai miền quê máu thịt - Hải Phòng nơi sinh và Tây Nguyên nơi sống, giờ thêm Tuyên Quang nữa...”.

- Vậy Tuyên Quang là?... có người hỏi lại

- Nơi tôi yêu... Lão hứng khởi. Tôi cười: Tuyên Quang là nơi Nó Yêu Tôi Lắm...

- Ông chỉ được cái tếu táo. Lão lại đỏ mặt.

Tôi cũng cười theo, nhưng trong lòng rất cảm động bởi thấy Trung Trung Đỉnh là người tình cảm sâu nặng, đúng là con người vô tư, thẳng thắn, làm được việc gì thì làm, giúp được ai thì giúp không cầu lợi, không ơn huệ. Với cá nhân tôi tấm lòng lão càng đậm đà kể cả lúc vui, lúc buồn lão đều chia sẻ. Nhớ ngày vợ tôi bệnh nặng nằm ở Bạch Mai, lúc ấy lão vẫn đương kim Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, công việc bề bộn nhưng chiều nào cũng lò dò đến bệnh viện ngồi với tôi, có hôm khuya mới về. Giờ cùng nghỉ hưu rồi, lại bị bệnh tình hành hạ, nhưng đôi khi tôi xuôi thăm hoặc mỗi lần gọi điện cho nhau, lão vẫn hỏi sức khỏe vợ tôi và dặn dò chăm sóc...

 Trung Trung Đỉnh là người như vậy. Ngót bốn mươi năm anh em gắn bó với nhau từ khúc bạn đường mà nên tri ân, tri kỷ. Cả chuyện cô bé H mà bấy nay hai thằng cứ giễu nhau mãi là “Nó yêu tôi lắm” hay “Tôi yêu nó lắm” cũng có những vĩ thanh có hậu. Đến bây giờ tuy mỗi người một phận, nhưng con bé H vẫn quý mến trân trọng Đỉnh. Có lần tôi ghé nhà H chơi, thấy trên tủ sách gia đình nhà H có để sách của Đỉnh, nào là Tiễn Biệt Những Ngày Buồn, Lạc Rừng, Ngõ Lỗ Thủng, 11 Truyện Ngắn Trung Trung Đỉnh... Tôi bảo H: - Cho anh xin lại quyển Tiễn Biệt...  H tròn mắt nhìn tôi nhưng không nói gì. Tôi đành thôi, và trong đầu tự vỡ ra lẽ mà bấy nay Đỉnh thường mắng mình: “Ông vô tích sự bỏ mẹ…”

Quả đúng. Giá tôi thấu cả hai phía thì biết đâu chuyện ấy đã thành. Và cái lẽ “Nó Yêu Tôi lắm” ấy, đến giờ tôi mới hiểu là thật.

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020


Có thể bạn quan tâm