April 25, 2024, 9:51 pm

Truyện trinh thám phiên bản Việt

 

NXB Công an Nhân dân phối hợp với Phuc Minh Books ấn hành series Thám tử Kỳ Phát “vang danh” một thời và cũng làm nên danh hiệu “Vua trinh thám Việt” của nhà văn Phạm Cao Củng. 

 

Theo đó, series Thám tử Kỳ Phát với 5 truyện tiêu biểu, được viết trong khoảng 6 năm (1936 - 1942), gồm: Vết tay trên trần, Nhà sư thọt, Đám cưới Kỳ Phát, Chiếc tất nhuộm bùn, Kỳ Phát giết người. Chuỗi những câu chuyện này kể về chuyến phiêu lưu phá án của anh chàng thám tử Kỳ Phát, và đã trở thành một trong những tác phẩm “ăn khách” nhất một thời. Dưới ngòi bút của Phạm Cao Củng, nhân vật Kỳ Phát với dáng dấp thư sinh, đôi lưỡng quyền cao, cặp mắt đăm đăm đen láy, bình thường rất ít khi mở miệng, đã trở thành một “hình mẫu nhân vật thám tử tiêu biểu” của dòng văn học trinh thám Việt Nam. Đến mức mỗi lần nhắc đến trinh thám Việt, người ta lại nhớ đến danh hiệu “Vua trinh thám” của Phạm Cao Củng và tên của anh chàng Kỳ Phát. Kỳ Phát có thể phá giải những vụ án phức tạp dựa trên những manh mối mà với người khác là quá mơ hồ và không thể nhận biết. Và vì thế, các độc giả cứ háo hức theo dõi từng câu chuyện phá án của Kỳ Phát, xem hôm nay anh chàng sẽ lại phá giải những vụ án hóc búa nào. Điều tạo nên sự khác biệt của Kỳ Phát với các nhân vật thám tử cùng thời đó chính là dù được “vay mượn” từ Phương Tây nhưng nhân vật của Phạm Cao Củng mang đậm những phẩm chất được ưa chuộng ở Việt Nam như: trọng nghĩa khí, coi khinh tiền bạc, không hành động vì thù lao, luôn tôn trọng tình cảm và đạo đức.

Những tập truyện về hành trình phá án của Kỳ Phát hấp dẫn độc giả bởi chính sự thông minh, suy luận tài tình của nhân vật này. Đặt trong bối cảnh xã hội, khi người đọc đang háo hức cái mới, mong chờ những điều chưa biết thì hình tượng thám tử Kỳ Phát với tài suy luận sắc bén như Sherlock Holmes, Maigret, có đầy đủ cả “tình lẫn lý” đã trở thành “một cơn gió lạ” giữa các nhân vật ủy mị của văn học lãng mạn, hay những nhân vật luôn luôn giằng xé giữa cuộc sống đời thường và lý tưởng như văn học phê phán. Kỳ Phát có thể phá giải những vụ án phức tạp dựa trên những manh mối mà với người khác là quá mơ hồ và không thể nhận biết. Và vì thế, các độc giả cứ háo hức theo dõi từng câu chuyện phá án của Kỳ Phát, xem hôm nay anh chàng sẽ lại phá giải những vụ án nào...

Nhà văn Phạm Cao Củng bắt đầu sự nghiệp viết truyện trinh thám của mình với “Vết tay trên trần” vào năm 1936, khi đang còn học trường Kỹ nghệ thực hành. Đây là cuốn truyện trinh thám mở đầu cho series Thám tử Kỳ Phát “vang danh” một thời và cũng làm nên danh hiệu “Vua trinh thám Việt” của ông.

Lan Thảo


Có thể bạn quan tâm