April 20, 2024, 10:54 pm

“Truyện trẻ con”: Đẹp, Xấu và sự hữu hình, vô hình của những cơn mơ

 

Dữ dội tuôn trào từ muôn vạn phía; Truyện trẻ con của A.S. Byatt là một áng văn hùng vĩ trải suốt một bối cảnh đầy ngập biến động. Cuốn tiểu thuyết thứ 9 và cũng là đồ sộ nhất của một trong 50 nhà văn Anh quan trọng nhất kể từ năm 1945 đến nay vượt thoát như một cơn mơ: cơn mơ hữu hình của ngày hiện tại và thoáng vô hình của ngày tương lai.

Năm 1905, Sigmund Freud đã công bố Ba tiểu luận về tính dục trong đó bao gồm tiểu luận về tính dục sơ sinh. Theo đó, trẻ em có những lệch lạc tình dục đa hình từ nguyên sơ. Những hành động như mút ngón tay, vuốt tai… tất cả đều là dấu hiệu của một bản năng tình dục sôi động đang còn ẩn giấu. Điều này một mặt khẳng định rằng việc hình thành tính dục đã bắt nguồn từ trong bản chất, từ loài homo sapiens tiến hóa hàng trăm triệu năm; nhưng liệu nó có còn được thêm vào bởi những tác động ngoại cảnh – mà từ trẻ sơ sinh cho đến trẻ nhỏ đều theo sau là những câu chuyện cổ tích luôn có mặt trái? Nhưng truyện cổ tích đã luôn “sống sót” một cách thần kỳ như thế suốt bao năm qua. Không một phương cách ẩn mình nào hay hơn những câu truyện trẻ con, vì lẽ khả dĩ, các dòng chữ nối tiếp ấy nếu đem đúc khung và được giải phóng liên kết khỏi không gian 2D của giấy, mực, trang sách; thì chắc hẳn vật chất Nitinol là thứ cấu hình nên nó. Những hợp kim nhớ hình này luôn ẩn chứa trong mình 2 mặt giấu kín, như tấm gương của Alice - một mặt phản ánh cái hay dễ thấy, và mặt còn lại chỉ thấy đáy sâu khi trải nghiệm những lúc sau này. Truyện trẻ con của A.S. Byatt cũng là một dạng nitinol như thế, khi bề nổi là những câu chữ phiêu lưu vô cùng đẹp đẽ; nhưng khi chạm vào rồi, đã hóa dung môi tất cả trong cùng dòng nước, cái hiện thực mới dần hiện ra, như khi ta đang rửa ảnh.

Tiểu thuyết "Chuyện trẻ con" của A.S Byatt bản tiếng Việt do Nhã Nam giới thiệu. 

Một cách thẳng thắn mà nói, Truyện trẻ con là một áng văn đẹp, hùng vĩ và vô cùng đồ sộ; vì thế không một bài luận bàn nào đủ sức gom hết nó vào, vì khi sa vào câu chuyện này chắc hẳn và không bao giờ ta sẽ hoàn thành hoàn hảo câu chuyện tiếp theo. Byatt kết cấu Truyện trẻ con như hằng hà sa số những bình thông nhau - những ống dẫn truyện nối tiếp vào bồn trung tâm - mà mực nước, sức hấp dẫn, tầm quan trọng của mỗi chủ đề, của mỗi thời kì là quan trọng hệt nhau, cuốn hút như nhau và có một vai trò nào đó không thể cắt rời. Hệ thống nhân vật đồ sộ trải dài hơn 30 năm chia thành 3 thời kì vàng, bạc, chì đã khái quát một cách gần như trọn vẹn những biến động xã hội, các hiển hình tâm trí, những khúc mắc nội tâm hay hơn hết là chuyến hành trình đi sâu vào trong lịch sử.

Là cuộc pha trộn giữa lịch sử, chính trị, nghệ thuật, kiến trúc, triết học, kinh tế, ý thức hệ… trên nền tảng gia đình đầu thế kỷ XX, Truyện trẻ con bám vào nhân vật Olive Wellwood - một nữ nhà văn viết truyện thần tiên - và những người con, người bạn, vào tầng lớp trung lưu và đời sống ngoại giao của xã hội Anh thời bấy giờ. Từ nơi điền trang Todefright ấy, những ngã đường, những cuộc đời, những số phận tẻ ra đi cùng thời đại; để Truyện trẻ con là nơi ghi nhận, tích tụ, tổng hợp những diễn biến hơn 30 năm lịch sử từ khi Oscar Wilde ra tòa vì đồng tính đến khi Zola cứu sống Dreyfus trên giấy, từ phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ phôi thai, phát triển cho đến thời điểm cực đoan khủng bố và cũng đồng thời nhen nhóm những đảng phái yêu nước vô chính phủ hay thợ mỏ, lính thủy đình công đòi chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là quãng dài bắt nguồn từ Đại triển lãm Paris năm 1900 khi điện lần đầu được sử dụng cho đến Thế chiến thứ nhất khép lại những trang đau buồn; Truyện trẻ con cứ thế tiếp nối rồi thành dữ tợn hơn bao giờ hết, ở hai mặt trái, giữa đẹp và rất xấu xí.

ĐẸP

Điều hẳn nhiên, Đẹp là yếu tố chính của những câu chuyện cổ tích. Thông thường người đọc sẽ thấy kết cục của những câu chuyện trẻ con là chàng trai (có thể là hoàng tử hay không, nhưng tỉ lệ vế 1 cao hơn) sẽ cưới cô gái dẫn đến cô ta được trả thù, lên làm hoàng hậu khiến vương quốc choàng tỉnh, vua cha niềm nở còn dì ghẻ thì bị trừng phạt. Những cái kết đậm tính Walt Disney này dường như trở thành barem trong hệ thống những câu chuyện cổ tích, và A.S. Byatt cũng không là ngoại lệ khi viết những cốt truyện có yếu tố đầy đẹp đẽ như thế.

Ở đây ta cũng thấy những con người bị đè nén như nhà Warren, nhà Fludd đâm vào bi kịch rồi được giải cứu hệt vậy. Có thể kể đến như Phillip từ một đứa trẻ có tài năng với gốm lang bạt trốn khỏi công cuộc áp bức lao động được Tom phát hiện hay Imogen thoát vẻ thẫn thờ say ngủ sau khi được nhà Cain nâng đỡ. Vượt thoát khỏi những chủ nghĩa anh hùng ở mặt vật chất, ở trong tâm tưởng, những ý thức hệ mới, những cuộc mở toang của phân tâm học cũng là cứu cánh cho những tâm hồn đã quá mục rữa, mà như Dorothy - cô con gái lớn của nhà Wellwood đã phát hiện ra rằng, mình muốn làm bác sĩ hơn hẳn việc ngồi ở nhà chúi mũi vào việc nội trợ, và dám đọc Brontë, Austen trong khi hầu hết quanh mình chỉ là những người phụ nữ sống trong im lặng cảnh giác mà lòng sục sôi nổi loạn.

Cái đẹp của tiểu thuyết này còn nằm ở chỗ, nó mở toang cánh cửa quá độ, cánh cửa chuyển tiếp của thời hậu Victoria để đến với những vấn đề thiết thực hơn như phụ nữ ở hội Fabian, việc tránh thai, ham muốn xác thịt hay bản năng tính dục. Giữa cuộc mở toang của giới thượng lưu đón chờ một làn sóng mới, những cảnh tù túng dưới đáy xã hội cũng được mang đến bởi cuộc chiến Boer nhằm chiếm mỏ kim loại của người Nam Phi, ô nhiễm không khí London hay sự khốn cùng dẫn đến nổi dậy của chế độ cũ. Những năm chuyển giao giữa hai thế kỉ ấy tràn ngập bi kịch khi cái đẹp đang đến hồi kết mà trên nền đau thương ấy, là cái đẹp son sắt của những ngày cuối trong cơn thoi thóp.

Từ lễ Hạ chí dài dằng dặc với việc giả trang, đóng kịch, múa rối, thăm hỏi; đến sau này mở rộng ra hơn là những hội hè - nơi những diễn đàn, hội nghị nghệ thuật được mở ra - để tư tưởng con người từ đó bay ra khỏi ô cửa sổ mục nát. Việc Olive Wellwood duy trì ngày lễ tưởng như về nguồn những ngày trước đó, với mong muốn thu hết những gì hiện tại, để sống với khoảng thời gian đẹp nhất của mình, khi sự nghiệp viết truyện thiếu nhi đang ở đỉnh cao, các con chưa quá trưởng thành và bà được làm mọi thứ dẫu cho đó là trả đũa vẻ phong tình của đức lang quân… tất cả đẹp đẽ nhưng sớm báo hiệu một sự sụp đổ, mà rất nhanh thôi, mặt kia bên gương đã kịp lật lại, để ta soi sáng, để ta nhận ra kìa cơn bão lớn ở trong tách trà.

XẤU

Truyện trẻ con nào cũng tồn tại hai mặt, và A.S. Byatt trong tiểu thuyết này dùng vô số hình tượng thể hiện tính hai mặt ấy, để thấy những điều chông chênh, những thứ hờ hững nhưng đều tựu trung bởi ích kỉ (cố ý hay không vô tình) ở mỗi con người.

Truyện trẻ con của Byatt là một thực thể những truyện cổ tích đan xen xếp chồng lên nhau; từ bi kịch lời nguyền Benedict Fludd đến nỗi tị hiềm của Florence; từ cơn gieo giống của Herbert cho đến sự trả thù của nàng Olive… Tất cả xoay vần và làm nên những nếp gấp đậm tính thần thoại, một chút sử thi, để thấy rằng, những bi kịch trong đời đều xuất phát từ những mê đắm nhân loại, từ chiếm hữu, dục vọng, bản năng dẫu khi còn nhỏ hay đã lớn. Vì sự ham muốn danh vọng và cả tình cảm mà Olive mất đi Tom yêu quý nhất của mình; vì sự đè nén của dòng giống đực mà những phụ nữ nhà Fludd ủ ê như những bức tượng; vì sự cởi mở một tâm trí mới mà Griselda yêu đương Toby Youlgreave - lão già dạy văn hay là Charles đã đau đớn khi nhận ra quan điểm chính trị, lối sống phù phiếm của bản thân mình không thể dung hòa, không thể hợp nhất.

Những truyện cổ tích hay chí ít mang yếu tố cổ tích bao trùm từ đời thực cho đến giấc mơ, từ những yếu tố nhỏ nhất cho đến cốt truyện quyết định tất cả. Truyện trẻ con choáng váng như một giấc mơ, mà khi đắm chìm vào những bi kịch và huyễn tưởng đẹp đẽ, ta dễ hoang mang rơi vào bất động như đồng tử ếch ở trước ánh sáng. Dẫn lời Gabriel Goldwasser - một triết gia trong tiểu thuyết này, rằng Tôi ra ngoài và nhìn thấy cái hồ. Tôi ngắm ánh sáng trên mặt hồ. Có điều gì đó nói với tôi rằng nếu ta có thể thấy rõ bề mặt thì ta đã chọn đúng mối quan hệ với thế giới chứa bề mặt ấy […] - Nhưng hồ có đáy - […] Nhưng tôi biết tôi phải sống bằng cách tập trung vào bề mặt. Và bề mặt ấy, sự phủ định ấy, ý thức nông ấy; tất cả dẫn đến những bi kịch sau; khi cái đẹp đẽ, cái vừa lòng, cái hiển hình thể hiện đằng trước là những dụ ngôn mà chúng hấp dẫn như là trái táo đằng trước lưỡi rắn hai thân trần truồng, mà chỉ một nhích của cái lưỡi dài nơi chốn thiên đàng đã rơi một khắc.

 Nữ văn sĩ A.S.Byatt. Ảnh: The Arts Fuse

Thế giới hữu hình và vô hình đan cài và chồng lên nhau. Ta có thể vấp chân ngã khỏi thế giới này và rơi vào thế giới bên kia bất kì lúc nào. Tính chất ánh xạ ở hai mặt gương cho con người ta cơ hội duy nhất để lại thấy mình phút trước vừa cười, phút sau đã khóc. Cái khoảnh khắc ấy có thể ngắn ngủi chỉ bằng vừa đủ cái chết của Tom đối với thế giới cổ tích trong lòng Olive; nhưng cũng có thể dài ra trường kì với một thế hệ bị đánh cắp đi những năm thanh xuân vào trong Đệ nhất Thế chiến; nơi những lời hứa, băng đảng, đảng phái không còn ý nghĩa. Dẫn nhập một vòng từ khi phụ nữ đòi quyền tuyên ngôn đến khi Thế chiến thứ nhất đi đến hồi kết; những con người trong tiểu thuyết này hay toàn bộ xã hội ngày nay đóng vai như những con rối đằng trước bàn tay số phận, mà truyện trẻ con như đã dự đoán được tương lai ấy. Những con rối - như ma, linh hồn hay quỷ ấy. Theo một cách nào đó thì còn sống động hơn chúng ta.

Một mặt nào đó, Truyện trẻ con dường như (hay được đồn đoán) là cuốn tự sự của riêng Byatt, bởi hệ thống các nhân vật phức tạp nhưng gần gũi với bà. Từ Olive Wellwood - người dành phần lớn thời gian viết truyện cổ tích và tránh xa bếp núc đến Tom, người con trai và cái chết đi về phía biển vì những vô định đằng trước tương lai hay sự đánh mất chính bản thân mình khi vở kịch viết riêng cho cậu được mang công chiếu. Byatt từng nói vào năm 2009 trước thềm trao giải Booker năm đó rằng, “Tôi biết có ít nhất một vụ tự tử và một vụ cố gắng tự tử, nguyên do là họ bị trở thành nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết […] Làm như thế chẳng khác nào tước đoạt đi cuộc sống và tính riêng tư của người khác”. Nhưng cho đến nay vẫn không ai biết được bao nhiêu phần trăm là những tư tưởng từ cuộc sống bà, nhưng chắc chắn một điều, những đau đớn - bi kịch trong cuộc đời của những đứa-trẻ-không-bao-giờ-lớn đã ám ảnh, nuôi lớn và định hình nên những đường du mục ấy, những con đường đi không thấy ngày về.

Dữ dội tuôn trào từ muôn vạn phía; Truyện trẻ con của A.S. Byatt là một áng văn hùng vĩ trải suốt một bối cảnh đầy ngập biến động. Cuốn tiểu thuyết thứ 9 và cũng là đồ sộ nhất của một trong 50 nhà văn Anh quan trọng nhất kể từ năm 1945 đến nay vượt thoát như một cơn mơ: cơn mơ hữu hình của ngày hiện tại và thoáng vô hình của ngày tương lai. Như những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ mà cũng nguy hiểm từ trong bản chất, Truyện trẻ con sẽ mãi là thứ hợp kim lưu nhớ hình dạng mà dẫu qua bao tôi luyện, rèn giũa, mài phẳng; số kiếp, định mệnh, nhân dạng sẽ lại trở về như đúng bản chất, như đã dự báo từ truyện trẻ con. Đồ sộ, quan trọng và không thể quên.

NGÔ THUẬN PHÁT

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm