April 19, 2024, 3:33 pm

Trường hồi sinh nhờ có cô Hiệu trưởng

Giáo dục nước nhà đang cố gắng tìm một lối đi vượt lên phía trước, mong bắt kịp nền giáo dục của các nước tiên tiến. Trong bối cảnh một số giáo viên tự biến thành “thợ giảng”, thì vẫn có nhiều người thầy đúng nghĩa, tâm huyết với nghề, coi học trò như con ruột của mình để dang vòng tay yêu thương dạy dỗ và chăm chút, vun trồng thế hệ tương lai.

Hè về muộn hơn mọi năm chỉ vì dịch covid 19 làm xáo trộn sinh hoạt học đường, thế rồi năm học cũng kết thúc, tôi thay mặt bố mẹ đứa cháu, đi họp phụ huynh tổng kết năm học 2019-2020.

Đón tại cổng trường là các anh bảo vệ, trang phục xanh dương theo quy định, đeo thẻ chức danh, chỉnh tề và nhã nhặn, niềm nở hướng dẫn các phụ huynh vào phía trong.

Chà, trường trung học cơ sở (THCS) Đức Thượng thay đổi nhiều quá! Trên khung mái vòm ngoài sân treo một tấm pano lớn nền xanh chữ đỏ rực rỡ thu hút ngay cái nhìn của người mới bước vào: “HÔM NAY CÁC EM TỰ HÀO VỀ NHÀ TRƯỜNG, NGÀY MAI NHÀ TRƯỜNG TỰ HÀO VỀ CÁC EM”. Khẩu hiệu rất cụ thể và ý nghĩa!  Thấy tôi xuýt xoa ngạc nhiên, một vị phụ huynh đi bên cạnh ghé tai tôi: “Từ hồi cô Diệp về làm hiệu trưởng đấy bà ạ”. Vâng, cô hiệu trưởng hiện tại của trường THCS Đức Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội là cô giáo Nguyễn Thị Diệp.  Họp xong, tôi nán lại định tò mò xem cô làm thế nào để trường THCS Đức Thượng đổi thịt thay da. Cô Diệp, trên gương mặt còn vương nét hân hoan vì vừa kết thúc thành công một năm học khắc nghiệt, hồ hởi dẫn tôi tham quan một vòng trước khi mời tôi về văn phòng trò chuyện.

*

Xin phép cho tôi gọi là cô Diệp mặc dù cô đã ngoài năm chục tuổi, không phải nịnh sự trẻ trung, mà đúng nghĩa về một cô giáo tâm huyết với nghề. Cảm phục tấm lòng người thầy, tôi tìm hiểu thêm tư liệu hoạt động của cô trong ngành giáo dục, và cầm bút viết…

Tốt nghiệp trường sư phạm loại ưu năm 1987, cô chọn về quê. Cô được phân công về dạy ở trường THCS Dương Liễu, huyện Hoài Đức - một huyện ngoại thành, cách đây hơn 30 năm còn nghèo và có những trẻ em thất học. Về quê, là bỏ qua cơ hội may mắn có thể dạy ở những trường có tiếng, cô ôm ấp ước mơ dạy dỗ học trò ở chính nơi mình sinh ra và lớn lên.

Với kinh nghiệm giảng dạy tích lũy dần theo thời gian, cô Diệp liên tục đạt giáo viên dạy giỏi và được điều chuyển qua vài ba trường theo yêu cầu chuyên môn ngành dọc, nhiều năm cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, đã từng làm giám khảo đánh giá nhiều cuộc thi trong ngành giáo dục của huyện Hoài Đức và kiểm tra chéo giữa các quận huyên trong thành phố Hà Nội, tham gia đoàn đánh giá ngoài về kiểm định chất lượng giáo dục do Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Hà Nội điều động. Tôi nghĩ đây không chỉ là thành tích cá nhân, mà là ghi nhận cống hiến của một người thầy cho sự nghiệp trồng người.

Năm 2009 cô nhận công tác quản lý, trở thành hiệu phó trường THCS Cát Quế B, huyện Hoài Đức. Đó là một trường mới thành lập với muôn vàn khó khăn ban đầu, tất cả đều thiếu chỉ nắng và gió là thừa. Chỉ sau 4 năm cô đã cùng vị hiệu trưởng và tập thể giáo viên xây dựng trường THCS Cát Quế B thành trường chuẩn quốc gia năm 2013.

Cuối năm 2013 cô được giao nhiệm vụ làm hiệu trưởng trường THCS Di Trạch huyện Hoài Đức. Cô hăm hở bắt tay xây dựng trường thành cơ sở giáo dục mô phạm, chỉ qua 1 năm (2014) trường THCS Di Trạch đạt trường chuẩn quốc gia. Cô đã chỉ đạo tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập trường và đón bằng công nhận chuẩn quốc gia trong sự hân hoan của các thế hệ giáo viên, học sinh nhà trường và các vị khách quý. Cô Diệp ngày càng được tin cậy bởi đồng nghiệp, cấp trên, đặc biệt là nhân dân và phụ huynh học sinh xã Di Trạch.

Làm hiệu trưởng trường THCS Di Trạch được 4 năm, chưa đến hạn luân chuyển cán bộ, nhưng cô Diệp làm đơn xin về phục vụ quê hương vì muốn cống hiến cho ngôi trường nghèo trước đây đã dìu dắt cô nên người, cùng lúc với ý nguyện của địa phương, đó là việc ông Nguyễn Văn Thuấn - chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đức Thượng - đích thân lên huyện “xin” cô Diệp về quản lý trường THCS của xã khi người tiền nhiệm đến tuổi nghỉ hưu. Thế là năm 2017 cô bàn giao cho đồng nghiệp ngôi trường chuẩn quốc gia vừa gây dựng, để về quản lý trường THCS Đức Thượng.

Trường THCS Đức Thượng tiếp nhận cơ sở hạ tầng từ một trại chăn nuôi cũ, ban đầu phải tận dụng các dãy nhà kho. Qua nhiều năm, tuy đã xây thêm vài dãy nhà tầng làm phòng học nhưng vẫn thiếu thốn mọi bề. Các thế hệ lãnh đạo trước cũng rất trăn trở nhưng chưa hoàn thành tâm nguyện, cô Diệp bắt tay vào tiếp nối những ý định còn dang dở ấy. Nhiều năm trước trường chỉ có 16 lớp, học sinh tiểu học chuyển lên không vào trường tất cả, mà xin đi học nơi khác mỗi năm khoảng 40 – 50 cháu do nhiều nguyên nhân.

Cô cho sửa sang trường lớp, tặng lô bàn ghế cũ còn tốt nhưng không đủ quy cách với học sinh cho vài nhà văn hóa thôn, sắp xếp lại các phòng kho, phòng đồ dùng và phòng thí nghiệm, đưa văn phòng lên tầng 2, thế là có thêm 4 phòng học. Tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Trường gọn dần, lác đác thấy các cháu đi học nơi khác đã trở lại trường. Năm học 2017-2018 trường tăng thêm 2 lớp, năm tiếp theo tăng 2 lớp nữa, trường được nâng từ hạng 3 lên hạng 2. Dự kiến năm học 2020-2021 trường sẽ có 21 lớp.

Về con người, từ trước đến nay việc thi giáo viên giỏi chỉ tập trung ở một vài cá nhân, dẫn đến bệnh “ngôi sao”, số đông còn lại tự ti. Với ý tưởng “không để ai phải bỏ lại phía sau”, cô Diệp tạo điều kiện và giúp đỡ đều về chuyên môn để những giáo viên chưa bao giờ “dám” thi giáo viên giỏi, tự tin mạnh dạn đăng ký tham gia. Ngay năm 2017 lần đầu tiên trường THCS Đức Thượng có giáo viên đạt giải nhì dạy giỏi môn toán cấp thành phố. Cũng từ những thay đổi như thế, trình độ giáo viên đều tay hơn và đoàn kết hơn. Cô khen ngợi kịp thời những cố gắng hàng ngày, với giáo viên có thành tích tốt cô viết bài khen ngợi họ gửi đăng trên báo Giáo dục và thời đại, giáo viên cảm nhận được “gái có công thì chồng không phụ” đã cố gắng xả thân vì trường, ngoài những hoạt động khác, đã có vị tham gia hiến máu nhân đạo để thể hiện hành động.

Từng ở nhiều vị trí khác nhau như tổng phụ trách đội, chủ tịch công đoàn, bí thư chi bộ… nên cô rất thấu hiểu công việc để cảm thông và thạo việc để không bị qua mặt. Chỗ nào mắc cô Diệp gỡ rối ngay, giáo viên tâm phục khẩu phục. Các cháu học sinh đã kể với tôi: “…Cô xắn tay vào dạy múa, dạy màn dâng hoa chuẩn bị cho đại hội cháu ngoan Bác Hồ, chưa bao giờ chúng cháu được thực hành màn dâng hoa, cô còn đọc mẫu diễn cảm cho chúng cháu phần lời dẫn…”

Chất lượng giáo dục tăng lên, Trường THCS Đức Thượng bắt đầu có học sinh đạt giải nhất cấp huyện, và có tên trong cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố. Song song với việc giám sát chuyên môn, cô quan tâm đến các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để có phương pháp giáo dục riêng.

Cô Diệp cũng chú ý đến chính sách ưu tiên con em địa phương, con em trong xã tốt nghiệp sư phạm, nếu đáp ứng vị trí nhà trường tuyển dụng, đều được mời đến giảng dạy hợp đồng, có vài vị sau 3 năm dạy hợp đồng đã thi đỗ viên chức. Hiện tại 8 giáo viên hợp đồng của trường đều là người xã Đức Thượng.

Cô tìm nguồn kinh phí xã hội hóa tạo thêm cơ sở vật chất: công ty VCB đã tặng toàn bộ hệ thống camera 47 mắt phủ đều các lớp học và các vị trí quan trọng cần bảo vệ; lắp máy lạnh 100% lớp học và phòng chức năng; đặt thêm ghế đá tại sân trường, xin nguồn đầu tư ngân sách xây dựng cột cờ, đèn cao áp , hệ thống nhà vòm và sân khấu phục vụ học sinh hoạt động ngoài trời; cải tạo nhà vệ sinh công cộng và lắp đặt hệ thống máng rửa tay cho học sinh; trang bị bể bơi phục vụ giáo dục thể chất; quét vôi tường và lát toàn bộ nền lớp, hành lang, sân trường; mua sắm thêm dụng cụ học tập; trang bị ti vi có kết nối internet trong mỗi lớp để phục vụ học tiếng Anh chương trình mới cũng như khai thác thông tin và dạy giáo án điện tử; giao tổ bảo vệ lập và quản lý sử dụng thẻ khách giúp bảo đảm an ninh học đường; xây bồn hoa ở sân trường, sen và các loại hoa đã nở tỏa hương thơm ngát; các lớp có mành che nắng và chậu cây đặt ở lan can. Cô thường xuyên chăm sóc cây và hoa làm gương về ý thức bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, đặc biệt cô gìn giữ những cây phượng vĩ như một biểu tượng học đường. Dưới bàn tay quản lý của cô Diệp, trường THCS Đức Thượng bừng sáng, không gian đẹp hơn, sạch hơn, con người cũng giảm sự đối xử bỗ bã.

Tôi quá thán phục khi cô Diệp quyết tâm cải tạo nề nếp ứng xử giữa thầy với trò, giữa thầy với thầy, giữa trò với trò trên nguyên tắc “tôn trọng và có văn hóa”, khi phần tốt trong con người được thức tỉnh thì hành vi xấu tự nhiên dần mất đi. Đây là công việc đầy gian nan và nhạy cảm để hướng tới giáo dục con người song song với giáo dục tri thức, không còn hiện tượng thầy cô mạt sát học trò, các vụ học sinh đánh nhau hoàn toàn biến mất.

Tháng 9-2019 trường được Sở Giáo dục và đào tạo công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, và tháng 1-2020 được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2. Cô dự kiến sẽ xin phép các cấp ngành để tổ chức đón bằng đạt chuẩn quốc gia đúng dịp kỷ niệm 55 năm thành lập trường.

Khó mà kể hết những điều cô Diệp làm được cho trường học nói riêng và giá trị giáo dục nói chung, cô quản lý trường nào là trường đó sẽ đạt chuẩn quốc gia – cái mốc để đánh giá giá trị giáo dục. Chỉ nhìn kết quả là biết rõ: đất lành chim đậu, số học sinh tăng lên, các thầy cô bận rộn hơn và cũng phấn khởi hơn, có vị giáo viên phát biểu: sao sếp không về trường sớm hơn?

*

Khi tôi viết những dòng này, học sinh đã có kết quả thi vào lớp 10 trung học phổ thông. Thật mừng năm nay trường THCS Đức Thượng đạt 82% số học sinh đỗ vào lớp 10, và là năm thứ 3 liên tiếp lớp 9A của trường đỗ 100% nguyện vọng 1. Tôi cũng được biết trường THCS Đức Thượng vừa được đề nghị nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và đào tạo năm học 2019 – 2020. Đó là trái ngọt mà nhà trường xứng đáng được nhận sau một quá trình phấn đấu không ngừng.

Có lẽ chỉ vài năm nữa là cô Diệp nghỉ hưu. Tôi thấy tiếc. Cô ơi, cô đừng về hưu vội, chúng tôi – những phụ huynh học sinh – tin tưởng cô, con cháu chúng tôi được nhờ cậy cô trên con đường đi tìm tri thức và hình thành nhân cách để vững bước trên đường đời, trường THCS Đức Thượng nhờ cô đã được hồi sinh đúng nghĩa.

Cổ nhân đã nói: nuôi dạy tốt một người con trai thì được một con người tốt, nuôi dạy tốt một người con gái thì sẽ được một gia đình tốt, nhưng có một người thầy tốt thì sẽ được cả một thế hệ tốt. Chúng tôi mong sao có được nhiều người thầy như cô Diệp – những người thầy mang tâm huyết và hành động vì sự học của các thế hệ học trò.

Hoài Đức, tháng 8-2020

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm