April 20, 2024, 2:41 pm

Trong tiếng ngân vang của một nỗi buồn

Năm nay, 2020, nhà thơ Lệ Thu bước vào tuổi tám mươi. Và tôi đã được đọc bản thảo tập thơ Khói mỏng nhẹ bay của bà. Theo cách nhìn của nhiều nhà thơ, tên tập thơ thường giấu một thông điệp của nhà thơ hoặc có thể coi đó như chìa khóa để mở vào tập thơ. Và bài thơ có tên lấy làm tên cho cả tập thơ bà để cuối sách. Bài thơ mang một “nỗi buồn đẹp mênh mang” trong trầm mặc của sự suy tưởng về kiếp người, về cõi người, về những được mất trong đời sống con người.

Cảm giác và sự suy tưởng ấy thường ở những người tuổi như bà. Nghĩa là cái tuổi mà một con người đã đi qua mọi biến cố, mọi thăng trầm, mọi buồn vui để thấu hiểu cái lẽ vô thường. Cảm thấy vậy, suy đoán vậy nhưng tôi vẫn hồi hộp lạ lùng trước khi đọc tập bản thảo này. Bởi tất cả những bài thơ trong tập này bà viết trong vòng khoảng năm năm trở lại đây. Nghĩa là khoảng từ năm bà 75 tuổi cho tới năm bà 80 tuổi. Ở tuổi ấy, người ta thường đã thấu hiểu nhiều điều kể cả chuyện sống chết. Khoảng thời gian viết tập thơ này là khoảng thời gian của những suy tưởng của một người đã sống tám mươi năm trên thế gian, trên cõi đời. Vậy bà sẽ viết về điều gì? Niềm vui, nỗi buồn trong bà sẽ vang lên theo cách nào? Bà nhận ra điều gì trên con đường đời bà đã đi suốt tám mươi năm qua?

Và tôi đã mở tập thơ. Tôi dừng lại trước bài thơ đầu tiên và bắt đầu đọc từng câu thơ của bài thơ đó như cách tôi vẫn hay đọc rất chậm bài thơ đầu tiên và bài thơ cuối cùng của mỗi tập thơ. Bài thơ có tên là Suy ngẫm: Ta khúc mắc đi tìm cho tận bến/ Bến sông trong đã lầy lội rác bùn/ Ta buốt nhói lặn dò cho tận đáy/ Thủy cung giờ đã chết những nàng tiên.

Một vẻ đẹp đau đớn dâng lên. Cái bến cuối cùng nhà thơ đã nhận ra. Nhưng cũng chính là lúc nhà thơ đã kêu lên trong tận cùng im lặng. Cái đẹp đã chết. Những nàng tiên ở đây không chỉ là những nàng tiên trong những câu chuyện cổ bà đã từng được nghe và bà đã từng kể cho người khác nghe. Vẻ đẹp mà những nàng tiên là một biểu tượng tưởng chỉ là những câu chuyện cổ tích mơ hồ lại quyết định ý nghĩa sâu thẳm nhất của đời sống tinh thần. Chúng ta quả thực đang đối mặt trước những thách thức đầy láo xược của chủ nghĩa thực dụng, của sự vô cảm và cả độc ác. Cả trong những năm tháng chiến tranh mà bà và đồng đội mình đã xuyên rừng, leo núi với đói khát, sốt rét, bom đạn, chất độc da cam nhưng những “nàng tiên” của cái đẹp không chết. Trong tinh thần những người lính, đặc biệt những người lính nhà thơ thì cái đẹp đã bay qua mọi sợ hãi. Nhưng đau đớn thay, khi tất cả những thứ tưởng có thể khuất phục con người như bom đạn của những cuộc chiến tranh tàn bạo đã chấm dứt thì những điều hình như tồi tệ hơn cả chiến tranh lại xuất hiện. Đó là sự hận thù, lòng đố kị, sự giả dối, vô cảm… lại dễ dàng giết chết những vẻ đẹp đời sống này. Chiến tranh có thể hủy diệt một dân tộc 20 năm, 50 năm hoặc lâu hơn thế. Nhưng sự phi nhân tính có thể giết chết một dân tộc mãi mãi. Tôi đã cảm nhận được những điều ấy theo cách đọc và cảm nhận của tôi qua những gì mà thơ của bà vang lên trong tập thơ này. Có thể, những người đọc khác không nhìn thấy những điều tôi đang nhìn thấy (hoặc nhìn khác) trong ánh sáng và tiếng rung vang của những câu thơ ấy. Bởi bài thơ luôn là một đa văn bản. Nó mở ra từng phía, từng tầng theo không gian văn hóa và trải nghiệm của mỗi người đọc.

Xin hãy đọc cùng tôi những câu thơ sau: Bao bạn bè giờ lần lượt ra đi/ Mùa lá rụng trong tim mình nhói buốt/ Ta sống thọ với ngày không quen thuộc/ Rác và vàng cõi thế đã thay ngôi?

Đó là những câu thơ của một bài thơ khác, của một đề tài khác, của một tâm trạng khác. Nhưng nếu ta nghe kỹ ta thấy có cùng một tiếng kêu đau đớn. Câu thơ “Ta sống thọ với ngày không quen thuộc” đã cứa vào lòng ta một “đường đau”. Chỉ có những người ở tuổi như bà và sống hết với từng tuổi đời của mình mới nhận ra điều ấy và mới viết được câu thơ với cách lạ lùng đó. Làm sao mà bà, một nhà thơ, lại không kêu lên như thế khi một thế giới mà “Rác và vàng cõi thế đã thay ngôi’’. Cái đẹp và giá trị của nhân loại đang bị đánh tráo. Thưa bà, sự thật là vậy. Chưa bao giờ đời sống con người lại như vậy. Bà đã sống đến năm thứ 80 trên cõi đời này và bà được cũng như phải chứng kiến thế gian này nhiều hơn người 79 tuổi và càng nhiều hơn người ngoài 60 tuổi như tôi. Và bà đã được gì hay chỉ là nỗi đau đớn của một tâm hồn thi sỹ, sự dày vò của một nhân cách và sự bất trắc của kiếp người. Bởi vậy mà bà đã kêu lên như một lời cầu xin, như một lời kêu gọi và như một cảnh báo: “Xin trồng một cây Nhân/ Trên đồi cao trí tuệ”.

Những người nông dân làng Chùa của tôi đã nói: “Mất một mùa chữ, mất chín mùa người”. Chữ ở đây chính là văn hóa. Tất cả những vẻ đẹp nhân tính đều từ văn hóa sinh ra. Những “cây Nhân” như mỗi ngày một thưa vắng trên thế gian này. Khi chúng ta đánh mất văn hóa thì nghĩa là chúng ta đang đánh mất nhân tính. Cuộc đời này tựa một “bể dâu” vô tận. Mỗi kiếp người sinh ta đều phải đi qua “bể dâu” ấy. Chúng ta có thể đánh mất nhiều thứ trong hành trình mang tên “kiếp người” trong “bể dâu” cuộc đời nhưng “đừng đắm con thuyền nhân tâm. Bởi con đường duy nhất đúng của nhân loại là con đường làm người. Tất cả mọi con đường phi nhân tính đều dẫn nhân loại đến sự suy đồi và suy tàn. Tôi hầu như không muốn dùng từ sứ mệnh khi viết về các nhà văn, nhà thơ. Nhưng lúc này tôi phải dùng nó. Bởi sứ mệnh của nhà văn, nhà thơ là những kẻ, theo tôi, không đi đầu đoàn người và cũng không đi cuối. Họ là những kẻ đi bên cạnh nhân loại để nhắc nhở và cảnh báo nhân loại.

Trong những năm tháng này, trước quá nhiều biến động, trước quá nhiều đổi trắng thay đen, trước quá nhiều vô cảm và lừa lọc thì sứ mệnh của các nhà văn, nhà thơ chân chính là cất tiếng về những điều tồi tệ ấy và cất tiếng bằng chính những tác phẩm trung thực và kiêu hãnh của mình. Không có lòng trung thực và niềm kiêu hãnh, chúng ta không có khả năng viết về sự thật. Và nhà thơ Lệ Thu là người có quyền kiêu hãnh về những năm tháng bà đã sống, chiến đấu và sáng tạo bằng tất cả trái tim bà. Thơ ca là trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa và những câu thơ của nhà thơ Lệ Thu sinh ra từ những trải nghiệm đó. Càng có tuổi, thơ bà càng tĩnh lặng, càng giản dị và ở độ tinh kết cao. Vì thế mà sức khái quát trong thơ bà thật rộng lớn.

Tôi gặp bà mới đây trong chuyến về Quy Nhơn. Bước vào tuổi 80, tôi thấy bà lặng lẽ hơn, đằm thắm hơn những nỗi dày vò lại lớn hơn. Đây là lần đầu tiên tôi ngồi với bà với những câu chuyện giản dị về đời sống và thơ ca. Nhưng tôi cảm nhận được về bà. Rồi những câu thơ giản dị, tinh tế, dày vò và đầy suy tưởng của bà đã vang lên như tiếng gió thổi qua những vòm lá lúc gần sáng làm tôi nhìn thấy con đường bà đi trong suốt 80 năm. Con đường ấy mang một vẻ đẹp buồn tĩnh lặng. Và lúc này đây, có hai câu thơ của bà vang mãi trong tôi: Tình buồn như một dòng sông/ Đã về tới biển mà không hết buồn!

Bà đã sống một đời sống giản dị và chân thành. Vì thế bà mới có một nỗi buồn đẹp và sâu lặng như vậy. Nỗi buồn đẹp là báu vật của con người. Khi một con người không mang trong mình nỗi buồn nhân gian thì người đó không bao giờ thức tỉnh để đi tới được vẻ đẹp thực sự của đời sống này. Và bà là một người đã chạm vào vẻ đẹp ấy.

Nguồn Văn nghệ số 37/2020


Có thể bạn quan tâm