April 23, 2024, 6:26 pm

Trong thế giới cổ tích của trẻ thơ*

Viết cho thiếu nhi, Đỗ Toàn Diện hóa thân thực sự vào thế giới trẻ thơ, để tìm ra mã số bí mật của thiếu nhi, qua những hình ảnh, ngôn ngữ thơ mộc mạc, ấm áp, đôn hậu, trong trẻo với ánh nhìn ngộ nghĩnh, khám phá, ngập tràn yêu thương.

 Nhà thơ không đứng ngoài cánh cửa cổ tích, mà anh bước vào thế giới, rực rỡ sắc màu, lấp lánh ảo hình, mà cũng rất hiện thực này. Để hiểu trẻ thơ, không có cách gì tốt hơn là sống trong thế giới ấy. Tôi thích cái ngơ ngác, thú vị và đầy thuyết phục khi nhà thơ lý giải thế giới vạn vật qua đôi mắt trẻ thơ. Mỗi bài thơ là một câu chuyện, mỗi câu chuyện là một giấc mơ, mỗi giấc mơ là phiên bản của hiện thực.

Thế giới cỏ cây, loài vật... đều là bạn của trẻ với những ý nghĩ, hành động, có tính cách và số phận như con người. Nhà thơ đã âu yếm nhìn thế giới của chúng qua cách quan sát của trẻ thơ, ngộ nghĩnh, trìu mến, yêu thương: “Ban ngày tôm ngủ/ chạng vạng đi ăn/ Tôm ở biển Đông/ Sông ngòi khe suối/ Tôm đủ các loại/ Ngày ngủ đêm ăn/Chẳng chịu siêng năng/ La cà lêu lổng/ Bạn tôm bé bỏng/ Bớt lười được không? (Tôm đi chạng vạng). Bài Cá đi rạng đông lại là cách quan sát với trí tưởng tượng phong phú, đem lại sự thích thú cho người đọc. Nhà thơ không chỉ lý giải đời sống của loài cá, mà còn gợi cho người đọc một cảm thức mới. Không chỉ dành cho trẻ em, cần cho trẻ em. Mà cần cho người lớn nữa:

Ban ngày cá ngủ/ Rạng đông đã dậy/ Đón mặt trời hồng/ Cái đuôi uốn lượn/ Đùa bơi vẽ vòng/ Đàn cá rất đông/ Bên nhau đoàn kết/ Cùng làm cùng chơi/ khi nào hứng khởi/ Rủ nhau thi bơi/ Yêu sao đàn cá/ Bên nhau suốt đời.

Mắt vườn là một thế giới mở ra trong sự diệu kỳ lấp lánh. Tác giả đã nhập “hồn”để trong tĩnh lặng chỉ cho các em một khu vườn bí ẩn với những cặp mắt bí ẩn của vạn vật. Mắt vườn là câu chuyện kể về những “cặp mắt” của vạn vật, cỏ cây. Đi từ thực tiễn đến liên tưởng thú vị, ta thấy mắt vườn, mắt cây đều có hồn.

Cách lý giải về vầng  trăng khuyết qua bài thơ Trăng sứt môi khiến nhiều người thích thú. Từ góc nhìn của trẻ, “trăng sứt môi” là câu chuyện về một “bé” trăng nghịch ngợm, nên bị trượt ngã khi leo núi, thành ra môi mới bị sứt như vậy. Sự liên tưởng bất chợt, thú vị khiến hình tượng thơ mang vẻ đẹp của sự sáng tạo mới: Trăng nghịch ngợm leo núi/ Trượt chân ngã sứt môi/ Trở thành vành trăng khuyết/ Như diều treo lưng trời.

Vầng trăng khuyết và chiếc diều treo ngang trời là sự liên tưởng của hai hình tượng đẹp, có nét tương đồng. Chỉ 4 câu với 20 từ, bài thơ đã đem lại sự thích thú cho người đọc. Đây là câu chuyện dễ thương và hài hước về vầng trăng khuyết qua lời kể dí dỏm của nhà thơ.  

Còn đây là câu chuyện băn khoăn về việc Cá ngủ qua thắc mắc của bé: 

Bố ơi! Sao cá ngủ/ Mà mắt cứ mở to/ Hay là chúng cảnh giác/ Chẳng thấy khép bao giờ?/ Có thể cá hay khóc/ Nên mi mới cứng đờ/ Thành tật không nhắm được/ Từ khi sinh đến giờ.

Nhà thơ lý giải sự ra đời của vạn vật qua ánh nhìn thơ ngây và biện chứng của trẻ thơ. Không chỉ là cách lý giải, mà còn cả cách giáo dục về sự đoàn kết, yêu thương, trung thực, và biết ơn cũng là những chủ đề được tác giả đặt ra trong tập thơ này. Như: Vì hay nói dối, nên tai thỏ mới dài thêm ra, bó đũa nếu bỏ riêng một que, sẽ bị bẻ gãy... Hay chú dơi ngủ treo ngược trong đêm, sẽ không ổn chút nào, sẽ bị “chóng mặt”. Chiếc cầu vồng ảo ảnh, lung linh màu sắc, thấy mà không thể trèo qua. Hoặc trong bài thơ Cóc kiện trời, không chỉ là câu chuyện cổ tích mà còn là giấc mơ đẹp về chinh phục thiên nhiên. Khúc đồng dao trong Rồng rắn lên mây cũng là một cách đưa thế giới trẻ thơ về với trò chơi dân gian ý nghĩa và sinh động.

*

 Đọc kỹ tập thơ sẽ thấy đây là món quà vô giá, có ý nghĩa mà nhà thơ chắt chiu, chọn lọc từng ngôn từ, hình ảnh và tâm huyết để giúp trẻ “Lên trời hái sao”. Hãy để các em bay lên bầu trời mơ ước theo cách của mình. Giấc mơ đẹp không thể biến thành hiện thực nếu người lớn không ban tặng cho trẻ theo cách của mình.

Tiếng chim vót nhọn xuyên trời/ Họ hàng cóc nhái gom lời gọi mưa/ Nắng vàng rót mật xuống chưa/ Sao diều vi vút đong đưa gọi mời/ Cánh diều uống gió say rồi!/ Bao nhiêu truyền thuyết góp lời ca dao/ Chuồn chuồn uống cạn hồ ao/ Cá rô nhảy hái ngàn sao ngang trời/ Bẹp đầu, trê nằm nghỉ ngơi/ Chày thương bạn nước mắt vơi lại đầy!/ Ốc sên với mảnh trăng gầy/ Ngàn sao lấp lánh đọng đầy tuổi thơ.

Không giáo điều cứng nhắc, không thuyết lý khô khan, không cầu kỳ con chữ... Các câu chuyện về cuộc sống qua ánh nhìn trẻ thơ đã được Đỗ Toàn Diện mã hóa bằng  nghệ thuật nhân hóa, với chiều liên tưởng sống động, phong phú, trong cách cảm nhận thế giới hồn nhiên, ngơ ngác, thú vị, dí dỏm, đầy tính nhân văn. Và cũng vì lẽ đó, thơ anh luôn được độc giả, không chỉ riêng trẻ em, hào hứng đón nhận, thích thú.

_____

* Đọc Lên trời hái sao, tập thơ thiếu nhi của Đỗ Toàn Diện, NXB Hội nhà văn, 2023.

Chu Thị Thơm

Nguồn Văn nghệ số 21/2023


Có thể bạn quan tâm