March 29, 2024, 7:06 am

Trọn vẹn với môi sinh

 

Nguyễn Thánh Ngã đã in 6 tập thơ, song “lòng chưa cạn” trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Tập thơ Gã thi sĩ hoang vừa in quý IV năm 2018 tiếp tục khẳng định tình yêu và bản ngã của anh. Cái tôi lớn lên từ cỏ thuở nào nay vẫn hoang dại đến “vô cùng” giữa cỏ: “Tôi lớn lên/ Cỏ dại giữa cỏ dại/ Ngậm sương khuya ứa giọt đầu hè” (Gã thi sĩ hoang).

Sinh ra từ vùng đất Quảng Ngãi nhưng lại sống và làm việc tại Đà Lạt, nên thơ Nguyễn Thánh Ngã luôn ẩn chứa tấm lòng trắc ẩn, nhân bản đối với thiên nhiên. Từ Nhớ xanh, Nhìn từ đôi mắt khác, Thượng nguồn ngạc nhiên, Gõ, Thơ haiku Nguyễn Thánh Ngã đến Gã thi sĩ hoang, thiên nhiên là người bạn thân thiết của anh. Trong đó, cái nhìn sinh thái ở Gã thi sĩ hoang xem ra nhuần nhuyễn, khéo léo hơn cả. Thiên nhiên trong thơ anh không tập trung hướng về những khoảng không mênh mông, bao la, hùng vĩ mà chủ yếu hướng về những gì dân dã, bình dị nhất. Đó là vườn hoang của hoa trinh nữ, cỏ dại, bụi chuối, cọng rơm, gốc rạ, ngô, dã quỳ, xuyến chi, đám bùn non, đám mạ xanh, chân bèo, củ khoai, bông đào rừng, đóa sen,… Đó là những loài vật nhỏ bé gắn với đồng quê rơm rạ: con ốc, con cò, cua đồng, lũ cá, lũ tép, lũ bọ gậy, con muỗi, con giun, con ếch, con dơi, chuồn chuồn ớt, con dế, chào mào, chim sẻ, chim tu hú,… Thế giới ấy gợi sự đơn sơ, thân thuộc, thanh sạch. Qua đôi mắt quan sát của Nguyễn Thánh Ngã, chúng là những sinh thể sống động, luôn ở tư thế mọc lên, chuyển động, sinh sôi,… và rất đỗi nguyên sơ… Ở đó Một giọt nước biết dành cho một đóa hoa sắp nở; Một ngọn núikhông cúi xuống ôm ấp đoá hoa nhỏ bé trắng muốt được nên đành thả tuyết/ rơi; Tiếng chim xanh như thể/ gọi vào trời dịu; bầy chim lá trúc vẫy tay chào...

Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Thánh Ngã không chỉ giữ được vẻ đẹp nguyên sơ mà còn được anh thức dậy thông qua những hành động và đối thoại đầy lý thú: “gã cưa đồng giương đôi kính viễn vọng/ canh giữ màn đêm” (Nước bọt chân kinh); “Một mầm cây đã hát/ Về sự mang thai của mình/ Khi mặt trời cắt rốn những dòng sông” (Nước); “Mấy đóa hoa phố dại/ Ve vãn hẻm buồn/ Bội thực bão khô” (Đói nắng)... Ở đây, anh không hề áp đặt, nhân cách hóa vạn vật mà nhìn nhận chúng như một thế giới khác, tồn tại song hành với con người… Nguyễn Thánh Ngã đã quên đi cái tôi cá nhân, hòa lòng mình vào thiên nhiên, cảm thấu thiên nhiên một cách vô ưu nhất.

Buổi sáng uống tiếng chim

Chùm véo von trôi vào cổ họng

Mới hay lòng mình vườn hoang...

...

Tiếng chim

Những cung bậc thanh âm

Lắng vào cây cỏ

Ta uống say những nốt lặng tự do

(Buổi sáng uống tiếng chim)

Không ít lần nhà thơ khát khao gửi gắm, hóa thân vào thiên nhiên:

- khi chúng ta ký họ tên mình/ vào những đám mây/ mây sẽ mang mưa xuống/ lưu vào đất đai/ chờ ngày nhận diện (Hóa thân)

- Người xưa cúi “lạy hoa mai”/ Ta nay lạy hoa dại/ Xét không đủ sức hiểu một nhành hoa dại/ Đành quỳ xuống ven đường (Dại)

            Người xưa từng cúi đầu trước cái đẹp quyền quí, cao thượng của hoa mai. Nay, Nguyễn Thánh Ngã lại “quỳ xuống ven đường” chỉ để mong hiểu được những sinh mệnh bé nhỏ, hoang dại như “nhành hoa dại”. Anh không chỉ nhìn nhận hoa dại theo quy luật sinh tồn của nó mà còn hạ thấp mình trước vạn vật để cảm tận cùng nguồn cội trinh nguyên trước khi “hiểu một nhành hoa dại”… Nếu thử làm phép so sánh, hẳn sự giao tiếp của Nguyễn Thánh Ngã có phần bao quát hơn, vì tình yêu thương và sự nhường nhịn…

Đến với thiên nhiên để truy tìm bản ngã khi cuộc sống ngoài kia đang rơi vào những khủng khoảng, bất an. Hành trình tìm bản ngã của Nguyễn Thánh Ngã hoàn toàn không đứng ở vị thế của một chủ thể, mà ngang bằng, thậm chí nhún mình. Chưa bao giờ anh có ý nghĩ kiểm soát và chiếm hữu thiên nhiên. Đó chính là lí do vì sao anh khẳng định cội nguồn của mình bắt đầu từ ngọn cỏ, từ viên sỏi: “Anh là cọng cỏ/ Là viên sỏi/ Lạnh cóng ven đường” (Ô Sapa Sapa). Sinh thái hòa nhập trong anh, là hơi thở của anh: “Tôi hít thở không khí/ Nơi có những hạt bụi bay ngang tách trà/ Nơi những bài haiku hóa thân vang lên tiếng nước” (Tiếng nước vang). Ngay việc anh cảm nhận sự an lành của cuộc sống bắt nguồn từ sự giản dị, đời thường cũng nhờ vào ý thức hòa hợp với môi sinh: “Một ngày an lành/ Là được thấy một bông hoa/ Một đôi dép cũ/ Và một đôi chân trần” (Ngày lành). Thế nên, những gì anh nhận thức về thiên nhiên chính là sự tự nhận thức về cuộc sống của chính mình.

Đến với vẹn nguyên của vạn vật, Nguyễn Thánh Ngã phải từ bỏ, chạy trốn “mọi thứ trên đời”, đã dọn đường “sạch sẽ” trước khi trở về với sinh thái. Tại đây, anh mới thực sự “gặp lại chính mình trọn vẹn nhất”: “khi anh không cần thiết mọi thứ trên đời/ là lúc anh cần một nụ cười con trẻ/ khi anh chạy trốn mọi thứ trên đời/ là lúc anh gặp lại chính mình trọn vẹn nhất” (Là lúc). Và có những câu thơ thấu thị, triết lí về giá trị của nỗi buồn, của thơ ca, của tình yêu…

                        Nỗi buồn là một kí hiệu đặc biệt đưa đến những giá trị cho thơ. Chạm đến nỗi buồn, con người sẽ học được cách đứng dậy, mạnh mẽ, kiên cường hơn. Ở trạng thái cô đơn, buồn bã nhất, Nguyễn Thánh Ngã mới thấy được vẻ đẹp tinh khôi, dân dã và giao hòa tuyệt đối với thiên nhiên: “Tôi đã đi qua trăm năm chùa Cầu/ Đi qua sông Thu Bồn của mẹ/ Sông Hoài của em.../ Vẫn còn nghe tiếng tò he thơm mùi đất quê nhà” (Tiếng tò he trên phố cổ Hội An)…

Từ thiên nhiên, Nguyễn Thánh Ngã điều chỉnh chính mình và vĩnh cửu cuộc tình dĩ vãng bằng bức tranh đậm màu tự nhiên… Ở một góc độ khác, chỉ một cọng rác thôi, cũng làm anh suy ngẫm, trở trăn về đời sống và quyền lợi của nó: “Một cọng rác/ Sẽ không còn là rác/ Nếu nó được đan quyện trong chiếc tổ chim sẻ/ Trên mái ngói mùa đông...” (Cọng rác)… Có được tinh thần thấu cảm tương liên với vạn vật một cách sâu sắc như thế là do anh biết đặt mình vào vị trí của cá thể khác. Và thơ anh, “từ đó sinh ra”, từ đó khẳng định.

Lấy sinh thái làm trung tâm, lấy tính cộng sinh, tương tác làm nguyên tắc sinh thái, cho nên, thơ anh luôn có cái nhìn trìu mến, mật thiết, thân thiện, đặc biệt đối với những sinh mệnh đơn sơ, nhỏ nhỏi, tầm thường. Ngôn ngữ chắt lọc, hàm súc, giàu tính biểu cảm đã làm nên “thi tính sinh thái” cho tập “Gã thi sĩ hoang”. Có thể nói, nơi chốn ấy, Nguyễn Thánh Ngã đã tìm thấy mình toàn vẹn nhất và hướng đi vững bền với thơ.

Nguồn Văn nghệ số 42/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm