March 29, 2024, 1:10 pm

Trôi qua và đọng lại

     Nhà thơ Trương Nguyên Việt đã viết về ông như thế này:

                   “… Tôi yêu nó, bởi nó cùng họ Trương với tôi.

Tôi yêu nó vì cảnh ngộ nó cũng cha mất sớm, hai bàn tay trắng, thân cô thế cô vào đời. Ngày mẹ nó mất, mình nó toan liệu để rồi nó thốt lên: Làm con một khổ lắm anh ạ, đau thương nặng nhọc ở đời không ai chia sẻ...

Tôi yêu nó vì những ngày tôi làm báo Thanh niên, nó cùng với Ngô Phương Lan (viết về điện ảnh) là những cây bút cộng tác xuất sắc làm trang Văn nghệ của báo Thanh niên luôn lung linh...

Tôi yêu nó vì từ một thằng sinh viên ngữ văn, nó lại trở thành một Giám đốc Nhà hát vào loại tri thức, năng động, xuất sắc hàng đầu của chúng ta

Tôi càng yêu nó hơn, vì một năm qua nó đã kiên cường chiến đấu với bệnh tật bất ngờ ập tới. Và đã chiến thắng!

Con gà trống (nó tuổi Đinh dậu) đã cất tiếng gáy vang!... 

Ấy là Trương Nguyên Việt viết về Trương Nhuận, Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ. Chuyện Nguyên Giám đốc thì chẳng có gì phải bàn, nhưng cái đáng nói là ở chỗ thời gian Trương Nhuận làm Giám đốc chính thời gian Nhà hát Tuổi Trẻ “ăn nên làm ra” nhất tính từ sau thời kỳ bao cấp đến nay, và cũng là thời gian mà “thương hiệu” của nhà hát được người ta nhắc đến nhiều nhất trong đời sống xã hội. Ấy là lý do để Trương Nguyên Việt viết câu:  Tôi yêu nó vì từ một thằng sinh viên ngữ văn, nó lại trở thành một Giám đốc Nhà hát vào loại tri thức, năng động, xuất sắc hàng đầu của chúng ta…”

Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - Trương Nhuận

Ngay trong những ngày tháng bận rộn ấy, mỗi lần đến thăm ông tại Nhà hát, đập ngay vào mắt người ta là những bức tranh của họa sỹ Lê Trí Dũng. Tranh ngựa, tranh gà… những bức tranh vẽ về những con giáp “sở trường” của họa sỹ được Trương Nhuận treo khắp phòng làm việc như một bảo tàng mini. Thoạt tiên cứ nghĩ là ông mê kiểu tranh này mà chơi vậy. Mãi sau này mới biết ông và Lê Trí Dũng còn có một tình bạn đặc biệt nữa. Từ yêu tranh mà thành bạn, vì bạn mà yêu tranh... 

Còn với nhà văn Đỗ Chu thì Trương Nhuận lại còn một thứ tình cảm khác, ngoài tình đồng nghiệp, đồng hương. Ấy là sự trân trọng của những kẻ liên tài

Vẫn Trương Nguyên Việt viết về chuyện này:

“… Tôi lẳng lặng quan sát từ nhiều năm nay, có hai người bạn cư xử với bác Đỗ Chu bao giờ cũng rất “nhất mực”, là các ông Hữu Việt và Trương Nhuận. Bây giờ cả hai đều đã thăng quan tiến chức, người thì hàm Vụ trưởng , ông thì là Giám đốc Nhà hát, nhưng xem ra cung cách các ông ấy chăm sóc bác Đỗ không những không thuyên giảm mà lại có phần còn chu đáo hơn xưa…”

Thế rồi Trương Nguyên Việt kể:

“… Lại một hôm Trương Nhuận nhắn vào bảo “ Em mới gửi anh Đỗ Chu 10 triệu anh ạ”, tôi mới bảo Nhuận :”Ừ, thế là phải lắm. Chú bây giờ làm giám đốc Nhà hát chắc cũng có rủng rỉnh hơn xưa, thi thoảng cũng nên biếu các bậc đàn anh chút đỉnh để các bác ấy uống rượu…” – “Ấy chết, sự thể nó có hơi khác một chút. Em biết anh ấy đang in tập tùy bút “Chén rượu gạn đáy vò”, anh ấy bảo là tập sách cuối, nên mới gọi là chén rượu gạn đáy vò. văn chương trau chuốt kỹ càng lắm…Vậy nên em gửi bác ấy tiền, xin đăng ký bác ấy mua hộ cho thùng sách, để anh em mình có cái mà gửi tặng bạn bè. Dẫu sao thì cũng kể như là mình được chữ thánh hiền anh ạ…”

*

Biết ông từ hơn 40 năm trước. Hồi đó trong những người bạn hay đến chơi với gia đình tôi, ông thuộc diện “út ít” nhất so với những bậc đàn anh, đàn chú khác như Đỗ Chu, Duy Khán, Trúc Thông… Trong những câu chuyện của họ, ông cũng có vẻ khuất lấp nhất. Song ông lại là người mà tôi để ý nhiều nhất, có lẽ là bởi cái cách cư xử của ông, luôn chu đáo, nhẹ nhàng và trân trọng người đối thoại. Với các bậc đàn anh đã đành, nhưng đối với một đứa trẻ 14,15 tuổi là tôi lúc đó, ông cũng hết sức tôn trọng. Mà cái sự được tôn trọng ngày ấy với tôi quý giá vô cùng…

Bẵng đi mấy chục năm, gặp lại, ông đã khác nhiều mà tôi cũng khác. Chuyện cũ nhiều thứ không nhớ, nhưng cái cảm tình với ông thì còn nguyên. Có điều biết nhau từ nhỏ, nên cho đến lúc này ngồi với ông tôi vẫn không vượt qua được cái cảm giác nhỏ bé đó. Ông có nghĩ thế không thì tôi không rõ, nhưng kết quả là cuối cùng cả tôi và ông đều để công việc và cuộc sống cuốn mình đi theo quy luật của nó. Thấm thoát cũng gần hết một đời

Mấy hôm trước vô tình đọc được mấy chuyện tản mạn ông viết trong dịp Tết vừa rồi. Ký ức ông như chợt đánh thức ký ức tôi. Nhắn tin cho ông, kể lại chuyện cũ, ông bảo: Chớp mắt một đời người đã trôi qua… Câu ấy nghe nhiều, nghe mãi rồi, vậy mà sao hôm nay mới nhận ra, nó còn một ý nghĩa khác nữa. Ấy là:

Đã trôi qua, và đã đọng lại.

Rất nhiều…

Xin giới thiệu 2 bài viết của ông về những điều đọng lại từ những ngày đầu Xuân

Lương Ngọc An

 

LÁ THƯ GIỚI THIỆU CỦA NHÀ VĂN ĐỖ CHU


Trời đã bắt đầu chạng vạng, hình như vào buổi chiều cuối cùng của năm Đinh Dậu sắp qua lại hơi âm u lạnh giá khiến ai cũng cảm thấy lòng chơi vơi, thoáng một nét cô liêu nhớ về những người thân đã xa vắng thì phải ?

Với riêng tôi, có một nỗi buồn mang mác vì đã 20 năm nay không còn được vui Tết với bà cụ thân sinh mình nữa. Nhưng có một điều tôi luôn “khắc cốt ghi tâm” lời dạy của mẹ trước khi mất rằng , trong cuộc đời nếu có ai từng cứu giúp mình trong cơn hoạn nạn hoặc lúc khốn khó thì hãy luôn tâm niệm ghi nhớ không bao giờ được lãng quên dù bất cứ giây phút nào trong đời mình !!!

Vào dịp cuối năm nào cũng vậy, bao giờ tôi cũng luôn dành thời gian để đến thăm và chúc Tết nhà GS-TS-NSND Đình Quang - nguyên Thứ trưởng Bộ VH TT và là thủ trưởng cũ của mình hồi chú còn là Hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà nội. Giáo sư Đình Quang được giới sân khấu cả nước luôn coi là “bậc thầy” của không biết bao nhiêu những NSND, NSUT...  đã thành danh ở Việt nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. Khỏi phải bàn về trình độ “thông kim bác cổ, thuộc làu kinh sử” của chú dù chính tôi lại chưa bao giờ theo học một khoá đào tạo nào do giáo sư Đình Quang phụ trách, mà điều tôi muốn nói trong status này chính là sự đức độ, bao dung đầy nhân ái của một người thầy lớn đã giang tay “cứu vớt” cuộc đời tôi ở vào một thời khắc đầy u ám mà không bao giờ tôi cho phép mình được lãng quên!

*

Người thứ hai chính là nhà văn Đỗ Chu - một gương mặt quá nổi tiếng trên văn đàn nước ta - vốn là một bậc đàn anh tài năng cùng ở Bắc ninh biết rõ ngọn ngành bố mẹ gia đình mình từ tấm bé. Tôi cũng từng học chung lúc bé với em trai chị Nhu - vợ của anh Đỗ Chu. Bác ấy cũng là người đọc và chỉnh sửa câu chữ lúc tôi ti toe viết lách in được vài tập truyện thiếu nhi ở Nhà XB Kim đồng dạo còn là sinh viên Văn khoa Hà nội và quý mến coi tôi như một đứa em ...

Nhà văn Đỗ Chu

Chuyện là thế này ,dù sau khi tốt nghiệp Tổng hợp Văn với luận văn đạt điểm 9 như một sinh viên “có hạng” ở Khoa Văn ngày ấy, tôi lang thang cả năm trời gõ cửa các cơ quan ở Hà nội đều không thể xin được việc bởi nguồn gốc xuất thân của mình ở vào thời kỳ đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh biên giới Trung - Việt đầy nghiệt ngã và tàn khốc, cướp đi bao sinh mạng vô tội với không khí thù hận, ngờ vực luôn ám ảnh mọi người lúc ấy ...

Chán nản và bi quan, tôi đã quay về Bắc Ninh sống ẩn mình , ngồi phụ giúp má tôi bán nước chè qua ngày đoạn tháng để tiêu sầu... thỉnh thoảng lại lang thang làng này xóm nọ quanh thị xã Bắc Ninh như đệ tử của bác Đỗ Chu và GS Hoàng Ngọc Hiến - cũng đang bị “tai nạn nghề nghiệp” ở thủ đô - rong ruổi cả mùa hè... hóng đủ chuyện trên giời dưới bể, làm chân bưng bê điếu đóm hầu các bậc đàn anh mình “cao đàm khoát luận”!!!

Bỗng một hôm, anh Đỗ Chu nảy ý bảo sẽ viết một lá thư giới thiệu tôi đến gặp một “bậc đàn anh đáng kính” đang là Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh thử xin việc xem sao! Lá thư viết ngắn ngọn, tình cảm thể hiện thắm thiết lắm! Tôi vẫn nhớ như in dòng cuối cùng anh viết: “... Mong anh mở lượng hải hà tiếp nhận chú ấy về làm giảng viên văn học ở trường như một việc ân nghĩa đáng làm của các bậc trượng phu trong thời khắc rối ren này!

Vào một chiều cuối tuần quãng tháng 9 năm 1980,tôi lò dò tìm đến nhà riêng chú Đình Quang ở A 5 - Khu TT Giảng Võ, tay giữ khư khư lá thư bác Đỗ Chu giới thiệu như một bảo bối! Thật ko may, chú Quang họp Ban giám hiệu chưa về, cô Hạnh vợ chú - vốn là một nghệ sĩ đàn cello ở Dàn nhạc giao hưởng T.W với gương mặt rất nhân hậu, lịch thiệp - ra mở cửa niềm nở mời tôi vào nhà uống nước ngồi đợi cho tới lúc chú Quang về. Một anh chàng sinh viên tỉnh lẻ như tôi đang trong tâm trạng bối rối đi xin việc thật may mắn khi bất ngờ được cả hai vợ chồng cô chú ấy tiếp, rồi còn mời luôn ở lại ăn cơm hàn huyên đủ chuyện, hỏi thăm gia cảnh và chia sẻ chân tình cảm thông với thân phận đặc biệt của tôi. Mãi đến 10h đêm hôm ấy tôi mới rời khỏi nhà thầy Hiệu trưởng Đình Quang với tâm trạng hạnh phúc lâng lâng khó tả, tràn ngập sự hàm ơn bởi câu chú nói trước khi chia tay tôi: “Cháu cứ về bảo với Đỗ Chu là chú đã đồng ý nhận cháu về làm giảng viên ở Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh rồi nhé! Tuần sau cháu vào trường lấy công văn tiếp nhận để làm thủ tục công tác!!!”

Quả như một “định mệnh” đã thay đổi số phận cuộc đời tôi sang một ngả rẽ mới mà có thể tôi sẽ không hình dung nổi nếu ko có lá thư giới thiệu của bác Đỗ Chu để đến nhà gặp cô chú Đình Quang năm 1980 ngày đó! Còn bác Đỗ Chu chỉ cười và bảo: “Âu cũng là phúc phận và vận số nhà chú tốt nên mới có nhân duyên về làm quân bác Đình Quang - người dám ứng xử như bậc đại nhân giữa lúc xã hội đang nhiễu nhương thế này! Chứ anh cũng đã từng viết thư giới thiệu có đứa đến gặp bác ấy chỉ “kiến diện” xong là hỏng việc !

Tri ân bao nhiêu cũng không đủ để nói về sự kính trọng và lòng biết ơn vô hạn của tôi với cô chú Đình Quang và nhà văn đàn anh Đỗ Chu.

Ấy là chưa kể trong suốt gần hai năm trời lang thang vô định đi tìm việc trong buồn tủi, thầm lặng không chốn nương thân, “không hộ khẩu, không sổ gạo” sau lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp Tổng hợp Văn khoá 20 vào cuối năm 1979 đầy “sóng gió, u ám” với anh chàng sinh viên tỉnh lẻ ở vào “ca đặc biệt” như tôi lúc đó! Tôi vẫn tâm niệm trong lòng luôn ghi nhớ để tri ân những tình cảm mà không ít các bác, các cô, nhiều bậc đàn anh trong giới văn nghệ và cả bạn bè đã từng “san sẻ, cưu mang” mỗi bữa cơm gia đình đạm bạc, mỗi đêm về được nằm trên gác xép chật hẹp “lánh nạn”, tá túc cả tháng trời ở nhà bác Đỗ Quang Tiến nhà văn - bác Hường (là hai bậc thân sinh của người bạn thâm giao với tôi từ đận ấy - nhà báo Đỗ Quang Hạnh bên tờ Lao động cuối tuần), rồi gia đình cô Trần Thị Nhâm biên tập bên NXB Kim Đồng, nhà giáo Văn Tâm, vợ chồng nhạc sĩ Chu Minh - Minh Khuê, vợ chồng đạo diễn điện ảnh NSND Khánh Dư, vợ chồng nhạc sĩ Huy Du , vợ chồng chị Như Tâm, nhà thơ Trúc Thông, nhà báo Nguyễn Ánh, anh chị Tất Bình - Kim Huệ, chị Kim Ngọc... kể tên bao nhiêu cũng chưa hết chưa đủ nỗi sâu nặng ân tình mà các bậc đàn anh từng cảm thông dìu dắt, nâng đỡ tôi trong cuộc đời, giờ đã vắng mặt không ít người trên cõi nhân gian bé tí teo này để tôi có thể thưa thốt đôi lời tri ân trong thời khắc giao thừa thiêng liêng này!!!.

Cứ giáp Tết năm nào tôi cũng đến thăm gia đình cô chú, nhất là từ dạo chú Đình Quang mất hai năm qua, chỉ còn lại cô Hạnh ở cùng vợ chồng người con trai đang giảng dạy ở Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh nơi chú từng công tác, còn con gái là BTV Mỹ Linh nổi tiếng của chương trình Nhân vật - Sự kiện Văn hoá trên VTV đã lấy chồng cùng gia đình sang Pháp, và cả nhà vẫn rất quý mến coi tôi như một người thân trong gia đình. Dạo tôi làm quản lý ở Nhà hát Tuổi trẻ, biết ông anh là người có chút khẩu khiếu và thú thật cũng đôi chút “ưu ái riêng” nên nhiều chương trình Mỹ Linh vẫn bảo quân ới ông anh đến ghi hình “chém gió” trên tivi suốt mấy năm qua!!!
Không biết có phải chuyện văn chương như một ma lực “ám ảnh” hay lắm khi nó cũng “vận” vào chuyện đời hay gia cảnh của những người viết văn...

Trương Nhuận trong lần đến thăm cô Hạnh, vợ NSND Đình Quang

Nghe nói ông N.K - một bậc trưởng lão văn chương ở nước ta - mà đám hậu sinh thế hệ tôi đọc thuộc lòng bao nhiêu tác phẩm của ông thuở học trò từng viết lúc còn trẻ trong một truyện ngắn về cái chết thương tâm của cậu bé bị chết đuối trên sông. Khu nhà tập thể ông sống ngoài bãi ven sông Hồng, có ai ngờ cả cái xóm nhỏ bỗng một ngày đầy bàng hoàng khi phải chứng kiến cậu con trai đầu tuổi mới mười lăm vốn giỏi bơi lội từ tấm bé lại bị chuột rút và đuối nước thật oan uổng trong nỗi xót thương,tức tưởi nghẹn ngào của vợ chồng nhà văn khi vớt xác con trai!!!
Tôi đã từng đọc rất nhiều truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Đỗ Chu như Phù sa, Ráng đỏ... và vẫn nhớ cái truyện ngắn Mảnh vườn xưa hoang vắng với câu chuyện hơi hướng buồn mang mác kể về một người lính giải ngũ tập thổi kèn đám ma để gia nhập vào phường bát âm làng. Cuối đời mình, căn hộ chung cư nơi vợ chồng nhà văn Đỗ Chu đang ở bây giờ thật lạ lại ngay sát cạnh Nhà tang lễ của Bệnh viện 354 nơi tôi cũng từng đến đưa tiễn rất nhiều người thân quen trong tiếng nhạc hiếu trầm buồn, nỉ non và chợt thảng thốt nhớ lại những trang văn kỳ dị năm xưa như một tiên cảm mơ hồ nào đó của nhà văn chăng? Bác Đỗ Chu thì ít viết hơn kể từ sau tập sách Chén rượu gạn đáy vò ra mắt hai năm trước, ở nhà bác thích vẽ tranh và cũng đã tích luỹ cả chục bức chờ làm triển lãm cá nhân!!!. Chẳng có gì tặng bác Chu ngoài một hộp sâm Cao ly thượng hạng với mong muốn vợ chồng anh chị luôn mạnh khoẻ và cũng mong có dịp được “thỉnh” một bức tranh về treo!

Trước thời khắc giao thừa bước sang năm mới, kể lại những chuyện này để bạn bè tôi hãy tin rằng cuộc sống quanh ta vẫn luôn có những con người nhân ái bao dung... cũng như chuyện đi xin việc của sinh viên mới ra trường ngày ấy so với bây giờ dường như là chuyện cổ tích!!!

Viết xong vào thời khắc năm cùng tháng tận năm Đinh Dậu lúc Giao thừa!

 

NHỮNG TRANG VĂN VÀ TRANG ĐỜI

Hôm nay đúng ngày Lễ Ông Công Ông Táo.. chầu giời bỗng dưng lại được bậc đàn anh Lê Trí Dũng - một hoạ sỹ tài danh chuyên vẽ tranh con Giáp vào mỗi dịp Tết thân chinh mang bức Tam mã hoá thân - Quá khứ - Hiện tại-Tương lai lọ mọ đến tận cửa Nhà hát Tuổi trẻ nhắn tin gọi mình ra để trao tặng như một món quà đón Xuân Mậu Tuất khiến mình bỗng dưng giật mình vì chợt nhớ tới cái truyện ngắn viết thuở sinh viên mang tên Những bức tranh Tết của ông tôi luôn ám ảnh trong ký ức mình như một trải nghiệm lạ lùng ứng nghiệm giữa văn và đời về một cô giáo dạy văn thời cấp 2 Trường Ninh Xá, Bắc ninh mà những bạn từng học cùng mình thuở ấy chắc đều sẽ biết cô Hà (vợ thầy Thiệu dạy Lý ở cấp 3 Hàn Thuyên dạo đó) - là người rất sắc sảo và hay kể chuyện hài hước cho đám học trò !

Lúc ấy, cô Hà là giáo viên dạy văn - vốn người Hà Nội - về làm dâu Bắc Ninh - khi lấy thầy Thiệu dạy lý ở Hàn Thuyên. Cô Hà có phong cách giảng văn đầy lôi cuốn học trò bằng tri thức rất mới lạ, giọng nói tràn ngập xúc cảm khơi gợi được niềm đam mê văn chương cho đám học trò tỉnh lẻ! Cô thật nghiêm cẩn, chữa từng lỗi và cách hành văn trong mỗi lần kiểm tra bài viết của mình cùng với các bạn trong đội tuyển chuyên văn của ngày ấy!

Có thể nói, những ấn tượng yêu thích văn chương và niềm đam mê văn học để sau này dấn thân thi vào Tổng hợp Văn như một “nhân duyên” bắt đầu được gieo mầm từ những năm học văn ở cấp 2 mà cô Hà đã khơi gợi được trong ký ức tuổi học trò. Sau này mình ti toe viết được dăm bảy cái truyện ngắn in vài tập sách ở Nhà xuất bản Kim Đồng về những năm tháng học trò và các thầy cô giáo, bạn bè lúc còn là sinh viên Văn khoa khoảng năm 1977-1978 gì đó.

Rồi cũng bẵng đi hàng chục năm xa Bắc ninh rồi ở lại Hà nội làm anh giáo quèn dạy văn ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, mải lo viết báo kiếm ăn nuôi gia đình nên cũng ít biết thông tin gì về xứ Kinh Bắc nữa… Run rủi làm sao lúc mình đang là sinh viên Văn khoa lại tình cờ giao du và đánh đu với một “soái ca” chuyên gia chụp ảnh ở Viện Khảo cổ học, lãng tử có tiếng dạo ấy ở đất Hà Thành tên là Minh “râu” phố Bà Triệu - ngờ đâu hoá ra lại là em út của cô Hà - bây giờ bác ấy nghe nói cũng đang định cư ở Australia đã lâu!)

Nhiều năm trước trong một bận trà dư tửu hậu với em cô Hà, mình chợt bàng hoàng rụng rời tay chân khi nghe “hung tin” về gia đình cô Hà - thầy Thiệu. Đâu như thầy bị đột quỵ phải ngồi xe lăn rất nhiều năm chưa phục hồi, mọi việc nhà gánh vác gia đình, con cái học hành... đều đổ dồn vào tay cô Hà xốc vác tất tả chăm lo ngược xuôi, bươn bả tỉnh này huyện nọ để giao hàng cố thu nhập thêm cho gia cảnh không mấy dư dả độ ấy thì phải. Và vào một ngày cuối đông lạnh giá ở bến sông ở Vùng Sơn Nam Hạ, nghe nói dân chài ven sông có vớt được xác một người phụ nữ tầm trung niên đã trôi dạt vài chục km từ bến đò đầu nguồn về... Ai dám nghĩ đấy lại là cô Hà - cô giáo dạy văn của mình năm xưa - mà chẳng rõ ngọn ngành cái kiếp nạn bí ẩn duyên cớ đâu mà thế ?!!!

Đúng 40 năm trước, mình có viết một cái truyện ngắn để ghi lại chút tình cảm cô trò mang tên Những bức tranh Tết của ông tôi... đến bây giờ ngẫm lại sao thấy nhiều điều như một dự cảm trước được “vận vào” từ trang văn qua trang đời kỳ lạ thế! Mình post lại những trang in đã cũ mèm năm 1977 với câu chuyện về một cái chết trên sông trong bài văn gửi cô Hà và cái thú sắm tranh Tết... nào ngờ rằng sau này như “ám vào” đời mình cái niềm hứng thú mê “sưu tầm tranh” - đặt biệt là tranh con giáp khi mỗi độ xuân về ngay từ lúc còn làm phó giám đốc rồi lên giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cũng tiêu pha cả tỷ bạc cho thú vui chơi tranh giờ đã treo đặc cả 5 tầng nhà như Family Galerly rồi !

Tranh gà của họa sỹ Lê Trí Dũng

Vào lúc 14h chiều ngày 17-2 tuc dịp mùng 2 Tết Mậu Tuất trên kênh Truyền hình Hà nội HTV1 se có chiếu cái phóng sự mới quay ở nhà mình Hoà sắc tranh Tết của đạo diễn Nghiêm Nhan về thú chơi tranh Tết của mình với hoạ sĩ nổi tiếng Lê Trí Dũng chuyên vẽ 12 con giáp và nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng!!!. Kể chuyện này cho bậc đàn anh hoạ sỹ Lê Trí Dũng nghe, anh cũng tròn mắt, dỏng tai nửa ngờ ngợ như nghe “chuyện phịa” nhưng bác ấy lại tin ngay bởi chưa bao giờ thấy thằng em dám đùa cợt chuyện sinh tử khi nào!!!

Ra giêng ngày rộng tháng dài, ai rảnh thì có thể xem lại cái phóng sự để cùng ngẫm ngợi...
Vào đúng ngày Ông Công Ông Táo về chầu giời, khắp phố phường hương khói và vàng mã đang hoá , khói bay nghi ngút đến cay xè mắt mọi người! Mình viết những dòng này như đốt lên trong tâm trí một nén nhang tưởng nhớ về cô Hà dạy văn đã khuất... mong cho linh hồn cô được siêu thoát nơi thiên đường!!!

Từ trái sang phải: Trương Nhuận, Lê Trí Dũng, Phan Cẩm Thượng

Ngày 23 Tháng Chạp năm Đinh Dậu

 


Có thể bạn quan tâm