March 29, 2024, 1:47 pm

Trời là ta ở tột cùng nhân bản

Truyện ngắn Cất tiếng gọi trời của tác giả Kiều Bích Hậu, báo Văn nghệ số 32, ngày 8/8/2020, là chuyện khúc mắc cuộc đời chừng như vô vọng của một nữ nông dân bình thường. Chị đang học lớp chín thì phải bỏ học đi làm thuê kiếm tiền chữa trị cho mẹ ốm nằm viện… Về quê lấy chồng. Vợ chồng chị có hai con, một gái một trai. Bé trai mắc bệnh tự kỷ. Nó luôn bám mẹ, thường có những hành vi khác thường. Chị gái nó không giữ nổi nó để mẹ đi làm. Chị đành đưa thằng bé theo, để nó chơi trên bờ, mẹ xuống ruộng làm lụng. Một hôm trời bất đồ đổ mưa, chị về nhà bị ốm nặng và phát hiện ra bị bệnh thấp khớp, bác sỹ khuyên không nên làm nghề nông nữa. Chị bèn lấy xe máy của chồng, ngày ngày đưa đón con đến một trường tự kỷ. Kiểu học bán trú. Khi con ở trường, chị đi các làng trong vùng mua hàng đồng nát về bán lại. Chiều, chị chở hàng đàng sau xe, con đàng trước, vượt 30km từ trường về nhà. Một hôm, mưa to, hai bên đường không có chỗ nào trú tránh. Chị đành cứ đi, nhưng đường trơn, xe chị đổ xuống một ổ voi... Đến lúc này, chị hiểu rằng chị không thể cùng lúc lo toan mọi việc, bệnh của bản thân, miếng cơm manh áo cho gia đình, tương lai của con trai bất hạnh; chị phải lựa chọn và đã chọn nhiệm vụ cuối cùng, gần như bất khả thi, thậm chí ảo tưởng.

Chị bồng con rời làng, hẹn chồng chỉ khi con khỏi bệnh mới quay lại. Chị lần đến trường tự kỷ “Thế giới cổ tích” mà chị được mách bảo. Nhiều điều mới lạ khiến chị sửng sốt, báo hiệu những đổi mới ấn tượng trong quan hệ giữa người dân và cơ quan phục vụ. Con chị được vào học. Ông hiệu trưởng còn nhận chị làm cấp dưỡng cho trường. Bệnh con chị dần dần thuyên giảm. Tâm thần cháu dần dần trở lại bình thường như những đứa trẻ cùng trang lứa. Chị cũng như được đổi đời. Nhờ tình người của thầy hiệu trưởng, chị làm công việc đâu ra đấy, thu nhập “tăng trưởng” đều đặn. Chị còn được phát huy tình người trong tâm hồn nhân hậu của mình…

Phép màu đã đến với mẹ con chị. Phép màu ấy thực chất là xử lý một cách khoa học tối ưu vấn đề của con và của mẹ. Tự kỷ không phải bệnh thực thể, mà là bệnh chức năng. Tức là chức năng thần kinh bị rối loạn. Thực tế, cậu bé “không bị bệnh chi hết”, (lời thầy hiệu trưởng). Thầy không cho cậu uống bất cứ thứ thuốc nào, mà chỉ cho cậu tham gia các hoạt động tập thể cùng các bạn học, sao cho tinh thần của cậu cân bằng trở lại... Bí quyết để người mẹ trở nên (hoặc trở lại) một con người đúng nghĩa, tức là thanh thản, yêu đời, đó là sự tôn trọng và tin tưởng chị. Thầy hiệu trưởng tôn trọng và tin chị một cách thực tâm. Điều này khiến chị tự tin và những gì tốt đẹp trong chị cứ thể nảy nở và phát triển. Chị thấy rõ mình có tương lai, nhất là con chị sẽ có tương lai xán lạn…

Kết cục, chị sẽ hóa giải được những thành kiến về chị và con chị, khi mẹ con chị trở về cố hương mà chị định xa lìa vĩnh viễn, khi mẹ con chị ngẩng cao đầu đi trên đường làng, giữa ánh nhìn ngạc nhiên, thán phục từ cửa mở cao thấp hai bên…

Cổ nhân có câu: “Thời thế tạo anh hùng” và “Anh hùng tạo thời thế”. Câu đó trong Cất tiếng gọi trời, tạm hiểu, Trường tự kỷ Thế giới cổ tích là “thời thế” – nó tạo thuận lợi để hai mẹ con vượt thoát khỏi bệnh tật và rắc rối tưởng chừng không gỡ được, và tạo nên “anh hùng”: mẹ và con chững chạc sống hữu ích cho xã hội. Nói cách khác, chất lượng môi trường sống quyết định số phận mỗi cá thể xã hội. Đồng thời tầm vóc các cá thể quyết định chất lượng môi trường sống. Cá nhân và cộng đồng, con người và xã hội là hai mặt của một thực thể vậy. Hiểu theo nghĩa rộng nhất, thời thế đây là xã hội hoặc môi trường sống của con người được tổ chức và vận hành khoa học nhất, nhằm giải quyết hiệu quả tối đa những vấn đề của mỗi cá nhân và của tập thể lớn nhỏ. Việc xử lý mọi vấn đề không khác gì chữa bệnh. Tìm đúng nguyên nhân, cho đúng thuốc mới mong hết bệnh. Muốn vậy, thầy thuốc phải giỏi. Thầy thuốc đây là những người hoạt động trong mọi lĩnh vực liên quan tới cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân. Người cầm trịch tức nhà lãnh đạo phải có tâm và có tầm. Thầy hiệu trưởng trường Thế giới cổ tích là một nhà lãnh đạo như vậy. Thầy sống giữa lòng dân, quan tâm tới mọi uẩn khúc lớn nhỏ trong làng xã. Và như một thiết bị hút sóng cực kỳ tinh nhạy, thầy nghe ngóng tinh anh, phát hiện kịp thời mọi chuyện của mỗi người dân mà lãnh đạo cần giải quyết. “Làm sao chị mới chỉ hỏi người bảo vệ (của Trường), mà ông (thầy hiệu trưởng) đã biết chị ở Hà Tĩnh tới?”. Đây là một chi tiết đắt giá của Cất tiếng gọi trời. Tác giả không kể tỉ mỉ, người đọc cũng biết rằng do thầy hiệu trưởng thực tâm với đồng bào, ai có gì cần được hỗ trợ, dân đều báo cho thầy biết. Chuyện con chị tự kỷ, chính một người chuyển chỗ ở (cho chị tất cả những gì thừa) mà chị gặp tình cờ trong một chuyến chị đi nhặt đồng nát, đã kể lại cho thầy hiệu trưởng. Nếu thầy kênh kiệu, ứng xử với dân kiểu ban ơn, người này sẽ không kể. Nếu không thực tâm yêu thương đồng loại, hoặc vô cảm, người ấy sẽ chẳng để ý đến chuyện buồn của chị!. Tấm lòng và nguyên tắc làm việc hết mình cho dân đã khiến thầy nhớ lâu hoàn cảnh của chị, và có lẽ đã trù tính giải pháp “tháo gỡ”. Chi tiết này, nếu tác giả dừng lại, viết hết ra, truyện sẽ giảm sinh động và hấp dẫn. Cái cao tay này của Kiều Bích Hậu bộc lộ ở hai chi tiết quan trọng khác, chúng tôi đã kể và sẽ nhận định bên dưới. Ở chi tiết vừa bàn, chỉ xin nhấn mạnh: “anh hùng” (thầy hiệu trưởng) đã tạo nên “thời thế” (trường Thế giới cổ tích), như một phép màu. Quan hệ nhân quả giữa lãnh đạo và dân cư đáng vui mừng như thế, độc giả có thể cảm nhận không hiếm đây đó trên đất nước ta. Khi chuyện đấy trở thành tất yếu ở cả vi mô lẫn vĩ mô, xã hội đạt tới tầm lành mạnh và đáng sống lý tưởng, như khát vọng chung bấy nay của toàn nhân loại.

   “Không thầy đố mày làm nên”, đã hẳn. Nhưng gần đây, phản biện “Không mày đố thầy làm nên” (!), cũng có lý lắm ru. Ví dụ cho chuyện này, tuy không dễ tìm, nhưng không phải không có… Trường Thế giới cổ tích không được như ta đã thấy, nếu không có những nhân viên hết lòng cho trường như chị nông dân quyết chữa bệnh cho con. Chắc chắn, đa phần giáo viên và nhân viên đều tâm phục khẩu phục thầy hiệu trưởng. Không được họ tín nhiệm, không được họ nghe theo và làm theo, thầy hiệu trưởng giỏi đến mấy cũng đành bó tay. Thế là “thời thế” (tập thể lao động của trường) tạo “anh hùng” (thầy hiệu trưởng). Cùng lúc, “anh hùng” (hiệu trưởng) tạo “thời thế” (trường Thế giới cổ tích). Hiển nhiên, mỗi cá nhân của trường phải có nội lực hướng thiện. Minh hoạ cho sự thật này là chuyện người phụ nữ ta vẫn đang đề cập. Chị là một đứa con ngoan, vợ đảm, đặc biệt quên mình cho đứa con tội nghiệp. Tình mẫu tử bao la cộng thêm lòng tự trọng đã khiến chị có nghị lực phi thường, vượt qua mọi thử thách. Để truyện không quá dài, Kiều Bích Hậu đã đặc tả điêu luyện hai tình huống điển hình để nhân vật bộc lộ hết phẩm cách con người. Người mẹ phải bảo đảm an toàn cho con nhỏ giữa trời mưa tầm tã, đường trơn dễ trượt, giữa bốn bên vắng bóng người, và bế được con về nhà, trong lúc chính mình mệt đứt hơi, hoàn toàn trơ trọi, và kiệt sức. Chuyển động của thiên nhiên và của con người biến hóa liên tiếp, đan xen nhau dồn dập, câu chữ mạnh mẽ và ào ạt, mạch văn nổi sóng cuồn cuộn, hai cao trào đó là cuộc giằng xé một mất một còn, giữa gió mưa khắc nghiệt và tình mẫu tử thăm thẳm. Giữa định mệnh hắc ám và ý chí sống gang thép. Tình mẫu tử đã thắng. Ý chí sống đã thắng. Chiến thắng của nhân tính và nhân tình!

Chiến thắng ấy được đổi bằng những ngày lam lũ, những bữa tối quá nửa đêm chưa được ăn, những lần bệnh khớp giày vò, những sức vóc thanh tân sụt giảm mau lẹ, những tủi hổ vì bị dị nghị rằng đời trước hại người, nên đời này sinh đứa con tự kỷ… Một thực tế vẫn tồn tại: số phận chúng ta do Trời định đoạt. Trong truyện ngắn đang nói, người phụ nữ bất hạnh đã tưởng trời quyết hại mẹ con chị. Cuối chi tiết thứ hai kể trên, chị “ngửa mặt cất tiếng gọi trời. Trời hỡi, nếu không giết được tôi trận này, ông phải giúp tôi! Nếu thực có ông trên trời!”. Nhưng tức thì, “Cơn giận dữ chợt nổi lên, át cả cơn đau xương cùng cực, át cả nỗi kiệt sức. Hạt (tên chị) vùng dậy, xốc thằng Đậu Đũa (con chị), ôm con chạy dưới trời mưa”. Phản ứng ấy của chị thật đơn giản: Trời phải công bằng. Không thể giết chị, một phụ nữ lương thiện, hết mực vì con, giữ gìn nhân phẩm, không làm hại ai… nghĩa là một người đáng được quý trọng, đáng được sống! Điểm nút này của truyện cũng là điểm nút, thường âm thầm, của mỗi phận người. Vâng, bản lĩnh NGƯỜI của một người lao động bình thường hiện ra thật kỳ vĩ. Bản lĩnh ấy, ta bắt gặp mọi lúc mọi nơi. Đó là cội nguồn của vô số điều tốt đẹp vẫn hiển hiện trên đời. Đó là nguyên nhân sâu xa, để ở đâu và lúc nào ta cũng thấy những người hao hao nhân vật nữ chính của Cất tiếng gọi trời

Nguồn Văn nghệ số 5/2021


Có thể bạn quan tâm