April 25, 2024, 6:40 pm

Trở lại với Thạch Lam

 

Mưa trên sông phơi phới, cỏ trên sông thắm tươi

Sáu triều vua như giấc mộng, chim bâng khuâng hót

Chỉ vô tình bậc nhất là liễu ở Đài Thành

Vẫn y nguyên trong bóng khói của dải đê mười dặm.

Đường thi- Vi Trang (836-910)

 

Có ba con người kiệt xuất trong số ít người kiệt xuất của văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỉ 20. Họ ghi dấu ấn lên trí nhớ của thời đại không chỉ và trước hết bằng các văn phẩm của mình mà bằng cả cái cách họ làm ra chúng. Vũ Trọng Phụng viết tiểu thuyết Giông tố theo lối đăng từng kì trên báo. Vũ Bằng bảo: Phụng đến toà báo ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên có ai biết Giông tố kì trước đã viết đến đoạn nào rồi không? Chẳng ai trả lời cả. Phụng đành tự mình đi tìm rồi phủ phục xuống giường như con voi viết tiếp, lưỡi thè ra... Thời còn trẻ, Nguyễn Tuân chỉ khi nào thích chí thì viết theo lề thói của một công chức cuối tháng lĩnh tiền. Lúc về già ông tự mình nêu khẩu hiệu đi, đọc và rồi viết. Khi đêm nơi đất khách, cảm thấy mình như hết chữ, bèn mang Kiều ra đọc. Tớp một ly rượu quê mang theo. Thấy bút lại chạy đều đều trên trang giấy mang nhãn hiệu khách sạn. Thạch Lam khác hẳn. Con người nhẹ nhàng, lặng lẽ, khiêm nhường mà bao dung ấy không bao giờ sai hẹn với báo. Có lẽ chỉ trừ một lần với ông anh ruột Nhất Linh. Thế Lữ nói: Thạch Lam là người trầm lặng. Nguyễn Tuân thì bảo ở Thạch Lam hầu hết là độc thoại nội tâm. Đêm dài một bóng một đèn. Một nhân vật nào đó và một mình ông thanh thản buông ra một lối viết hàm dưỡng mà kín đáo. Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại gọi là một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng. Bởi thế chăng văn Vũ Trọng Phụng gào thét và đau đớn. Nguyễn Tuân kiêu bạc mà sang trọng. Thạch Lam tinh tế, thanh đạm, nhẹ nhàng như bước chuyển của tâm hồn Việt Nam trong sáng, giản dị trên những trang văn tuyệt bích của ông. Nhất Linh và nhiều người khác đều cho rằng Thạch Lam viết hay hơn cả trong Tự lực văn đoàn. Lý do chẳng phải gì cao siêu mà chỉ đơn giản như Khái Hưng, đàn anh trong Tự lực văn đoàn, khi viết tựa tập truyện Gió lạnh đầu mùa đã chỉ ra: ở Thạch Lam sự thành thực trở nên sự can đảm. Giai đoạn văn học 1930-1945 như một mùa quả chín. Đồng loạt có những thành tựu trong thơ và văn xuôi. Nếu thơ là phong trào thơ mới thì văn xuôi có Tự lực văn đoàn và một số nhóm văn chương khác. Họ đã đưa nền văn học nước nhà bước vào một cung bậc mới của thế giới hiện đại, khác hẳn với những thế kỷ đã qua.


Có thể bạn quan tâm