April 20, 2024, 10:16 am

Trịnh Công Sơn – Sự giản dị vĩnh cửu

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có tên trong Bộ từ điển Bách khoa Pháp, có đĩa vàng ở Nhật Bản với trên 2 triệu đĩa. Tại các phòng trà nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh như Ân Nam, Không Tên, Đồng Dao, Sỏi Đá, quán 3 Miền… là địa chỉ của người yêu nhạc Trịnh. Các ca khúc nổi tiếng vẫn vang lên da diết được mọi khán giả mọi thế hệ yêu thích. Những tác phẩm của Trịnh Công Sơn về tình yêu, con người và quê hương, có giá trị rất lớn trong đời sống văn hóa hiện đại, nhạc sĩ Văn Cao từng gọi ông là người “thơ ca”. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn mang tư tưởng triết học về thân phận con người.

        Sinh thời, khi phác thảo chân dung mình, nhạc sĩ chia sẻ: “Tôi đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề... Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm sống rõ rệt; sống là cho người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình trong diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng thiên về phía ca khúc.[1]. Cái tâm và tầm của người nghệ sĩ bắt nguồn từ tấm lòng của ông với đời, với tình yêu, với quê hương đất nước…

Tư tưởng triết học và thân phận con người

         Tư tưởng triết học của Trịnh Công Sơn nằm trong ca từ của ông. Sau này khi đã nổi tiếng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tâm sự về bài hát Một cõi đi về: “… Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người đã chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người… Cái mất không bao giờ mất hẳn. Cái còn không hẳn mãi là còn…”[2]. Tính nhất thời của đời sống con người là đề tài lớn của những bài hát mang tính triết học và tôn giáo của Trịnh Công Sơn. Đối với ông, tính nhất thời này là một thực tế mà mọi người phải chấp nhận như một quy luật của tự nhiên. Trong những ca khúc đầy triết lý, Trịnh Công Sơn đã nêu rất rõ quan niệm về cuộc sống của con người. Nguồn gốc những quan niệm này vừa nằm trong Phật giáo vừa nằm trong chủ nghĩa hiện sinh. Theo ông con người ở trần gian này là cõi tạm thôi, coi như là “ở trọ”. Trong bài Cát bụi, ông đã hát: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai vươn hình hài lớn dậy/ Ôi cát bụi tuyệt vời/ Mặt trời soi một kiếp rong chơi/… Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Chợt một chiều tóc trắng như vôi/ Lá úa trên cao rụng đầy/ Cho trăm năm vào chết một ngày”. Có người nhận xét Trịnh Công Sơn: “Cát bụi đã chịu ảnh hưởng của Kinh Thánh, con người cát bụi lại về cát bụi…” tuy nhiên nhạc sĩ lại quan niệm về con người có sự sáng tạo, ông phát hiện ra: “cát bụi tuyệt vời”, sự tuyệt vời của “con người cát bụi” thể hiện ở sức mạnh tinh thần, sức mạnh tình yêu lấp lánh, bất diệt: “Mặt trời nào soi sáng tim tôi, để tình yêu xoay mòn thành đá cuội”, vì thế hạt cát phận người trong nhạc Trịnh Công Sơn đã sáng lên thành “cát bụi lộng lẫy” theo ngôn ngữ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Trong ca khúc Một cõi đi về, con người không phải con người bình thường, mà là con người có ý thức thân phận của mình, là một hình hài bị xô dạt trong cuồng lưu của thời thế. “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ Rọi suốt trăm năm một cỗi đi về/ Lời nào của cây lời nào cỏ lạ một chiều ngồi say một đời thật nhẹ ngày qua…/ Đôi chân ta đi sông còn ở lại / Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi/ Lại thấy trong ta hiện bóng con người.”

Trong quan niệm nghệ thuật về con người của Trịnh Công Sơn có nhiều độc đáo và mới lạ. Con người được đo bằng thước đo riêng, và vì thế, con người được cảm nhận và khám phá ở những chiều kích rất lạ, nhỏ bé và lớn lao, bình thường và khác thường, hiện thực và siêu thực. Ấy là những gì có thể nhận thấy trong bài Như cánh vạc bay: “Nắng có hồng bằng đôi môi em/ Mưa có buồn bằng đôi mắt em/Tóc em từng sợi nhỏ/ Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh/ Gió sẽ mừng vì tóc em bay, cho mây hờn ngủ quên trên vai/ Vai em gầy guộc nhở/ Như cánh vạc về chốn xa xôi”.

    

Hòa quyện giữa thơ và nhạc

            Rất nhiều các chuyên gia văn hóa, nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu đều đánh giá nhạc của Trịnh Công Sơn hay ở ca từ, “một phù thủy ngôn ngữ của âm nhạc Việt Nam” (Nguyễn Xuân An). Cái mới mẻ trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn trước hết là cái quan niệm về lời ca, về chức năng và vai trò của lời ca. Lời ca không còn bị dùng để kể một câu chuyện có đầu, có cuối nữa, câu chữ không còn bị gò bó trong chức năng này nữa. Chúng có một đời sống hoàn toàn độc lập, tự do. Chúng có thể gợi lên những hình ảnh đẹp, những ấn tượng đẹp, những ý ngắn, đôi khi đạt đến tới mức siêu thực, và giữa chúng đôi khi không còn một mối quan hệ lô gích nào cả. Xuyên suốt những tư tưởng triết học ẩn ý của ông về con người, về thân phận và vị trí của con người luôn là sự khắc khoải trong nhiều bài ca. Tư tưởng triết học và tính dân tộc rất đậm nét trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Thế giới của tình yêu, hình tượng mẹ, quê hương Huế, Sài Gòn, Hà Nội cũng như thế giới tâm linh, chính là cái môi trường tự nhiên của những tâm hồn nhạy cảm. Những ca khúc nói lên thân phận con người, nói lên tình yêu, đối với ông là một nguồn cảm hứng vô tận về nghệ thuật. Nó cho phép ông đi vào sâu vào những ngõ ngách thầm kín nhất của tâm hồn.  Có lẽ không lĩnh vực nào cho phép ông diễn đạt một cách thoải mái, tự do như lĩnh vực này. Những cảm xúc mong manh, mơ hồ, tế nhị nhất, trong cái thế giới kỳ ảo của tình yêu, của tâm hồn, tưởng như khó có thể nói lên được bằng lời, đã được diễn đạt bằng những hình ảnh, những câu chữ riêng mà Trịnh Công Sơn đã không ngần ngại vượt qua những khái niệm thông thường, vượt qua hiện thực, để sáng tạo ra. Nét đặc trưng chính là ý thơ của những ca khúc nổi tiếng. Trong bài hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng tác giả dùng nhịp Thơ Mới vẫn thường dung, nhưng tinh thần thì khác, và âm nhạc đã hòa quyện với lời thơ: Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông/ Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng/ Em là tôi và tôi cũng là em… Nhạc sĩ Văn Cao nhận xét: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào chính cái nào phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền. Rất nhiều nhạc sĩ nhận xét, nhạc của Trịnh Công Sơn rất đơn giản, không có gì chuyên môn, chủ yếu là gam La và Mi. Vậy một nghịch lý là nhạc của ông hay là nhờ ở ngôn ngữ.  “Nhạc Trịnh Công Sơn hay ở ngôn ngữ Trịnh Công Sơn” [3]. Nếu không thích hát, ta có thể giở bất cứ một bài hát nào của Trịnh Công Sơn và đọc, y như thơ vậy. Ta sẽ thưởng thức các ca từ đó như bài thơ. Và thế cũng đủ”.

Không phải người Hà Nội, nhưng chỉ qua tâm trạng của một người bạn trong một lần trò chuyện, khi ông hỏi: “Này, ông ở lâu ngoài Hà Nội, ông thấy những buổi chiều trên sông Hồng có gì ám ảnh?... Bạn kể với ông về bờ đê và lũy tre mờ xa, sương khói. Và thế rồi, trong bài Chiều quê hương tôi, nhạc sỹ chỉ chọn lấy cái bờ xa sương khói thật có hồn… Còn bài Nhớ mùa thu Hà Nội của ông mới chi tiết. Những chi tiết, những hình ảnh khiến cho ai đã từng am tường Hà Nội đều phải sững sờ: Hà Nội mùa Thu cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu/ Hà Nội mùa Thu mùa Thu Hà Nội mùa hoa sữa về / Thơm từng cơn gió mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè thơm từng bước chân qua… Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời… Phải công nhận đó là một trong những bài hay của Trịnh Công Sơn mà nhiều người yêu thích… .

        

Sự giản dị vĩnh cửu

            Ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn đôi khi rất giản dị, câu chữ rất bình thường, nhưng thoát ẩn, thoát hiện trong cùng một bài hát, luôn luôn đưa người ta từ một trạng thái mộng du, thoát tục nào đó, trở về với cái thực tại gần gũi nhất, thân quen nhất. Trong bài Diễm xưa nhạc sĩ viết: “Chiều nay còn mưa sao em không lại?/ Nhớ mãi trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau? Hằn lên nỗi đau/ Bước chân em xin về mau… Những câu thơ/ca từ như: Làm sao em biết bia đá không đau… / Ngày sau sỏi đá vẫn cần đến nhau”quá tuyệt tác đến mức sau này rất nhiều các quán cà phê dọc chiều dài đất nước lấy tên “Sỏi đá”, lấy câu thơ trong ca khúc Diễm xưa của ông để đặt tên cho quán, và nhạc của ông tồn tại vào đời sống hiện thực rất tự nhiên.

        Cái đẹp trong ca từ, cả xác lẫn hồn thơ, bảng lảng, lờ mờ, khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng rõ ràng là Trịnh Công Sơn rất nhuần nhuyễn trong các thể thơ truyền thống như lục bát, đồng dao. Nhất là khi nghe ca khúc Ở trọ, người ta dễ bị ám ảnh về cái “ở trọ” của ông và nhận ra đấy là một bài thơ lục bát rất tài hoa. Từ cái chuyện ở trọ bình thường trong đời, ông đã đẩy liên tưởng tới cái “cõi tạm” chốn trần gian trong triết lý của đạo Phật với một cách nói thoải mái, thông minh và hóm hỉnh. Ông nhìn thấy con chim ở trọ trên cành cây, con cá ở trọ dưới nước, cơn gió ở trọ giữa đất trời, rồi đẩy tới một khái quát bất ngờ: “Trăm năm ở đậu ngàn năm/ Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn”. Mưa là buồn chăng? Không hẳn, mưa trong Trịnh Công Sơn rất hồng, vì mưa trong nắng, mưa khi trời ươm nắng cho mây hồng. Nắng là vui chăng? Không hẳn, lung linh nắng thủy tinh vàng, nhưng nắng lên mà chợt buồn mênh mang. Mưa Huế rất nặng hạt, vậy mà mưa cứ như thì thầm dưới chân ngà. Nắng được trời gọi lên, nhưng trời cũng chẳng biết đó là nắng của mưa hay mưa của nắng: “Gọi nắng cho cơn mưa chiều nhiều hoa trắng bay/ Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say” (Hạ Trắng)

            Trịnh Công Sơn là một tài năng với những khát vọng hiếm có, Nhưng khát vọng lớn nhất của Trịnh Công Sơn trong âm nhạc vẫn là hòa bình, đất nước thống nhất và tình yêu thương đến mọi người. Rất nhiều cựu chiến binh vào giải phòng Sài Gòn vẫn nhớ như in cảm xúc ngày 30/4/1975 khi nghe nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát bài Nối vòng tay lớn trên đài phát thanh Sài Gòn: “Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la, anh em ta về/Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối trọn một vòng Việt Nam”. Ấy cũng là một cái lớn trong nhân cách và tâm thức để làm nên sự vĩnh cửu trong tác phẩm của người nhạc sỹ tài hoa

 


[1]  Trịnh Công Sơn tôi là ai, là ai, Nhà xuất bản Trẻ năm 2016, trang 13.

[2] Trinh Công Sơn tôi là ai, là ai, Nhà xuất bản Trẻ năm 2016, trang 79

[3] Trần Hữu Thục, Một cái nhìn về ca từ Trịnh Công Sơn, TC Văn học tháng 10 và 11 năm 2001

Nguồn Văn nghệ số 33/2018


Có thể bạn quan tâm