April 25, 2024, 7:15 am

Trên cao kia trời xanh mây trắng

Truyện ngắn Trên cao kia trời xanh mây trắng của Nhà văn Ðặng Chương Ngạn viết về đất nước một thời binh lửa.

Một bà mẹ suốt đời sùng tín thánh thần, suốt đời lam lũ cực nhọc nuôi nấng con cháu thành người, song các cuộc chiến tranh nối nhau đã cuốn đi những đàn ông trai tráng bốn thế hệ nhà bà tới người cuối cùng. Trong những cuộc “nồi da nấu thịt” dai dẳng và ác liệt phe nào cũng giương cờ chính nghĩa ấy, những người trong gia đình bà ra đi mãi mãi không về. Họ đã phụ sự mòn mỏi trong đợi chờ và đau khổ của bà. Sự ngộ ra của bà là một thông điệp cay đắng, đau xót: Ðừng gây ra chiến tranh!

(Ðoàn Hữu Nam)

Tượng Thần Si uy nghiêm cao vút. Trong độ ngày đường quanh Mười Thôn không cây cổ thụ, không công trình nào có chiều cao sánh bằng, nổi bật giữa trời xanh, mây trắng.

Minh họa: Đào Hải Phong

Rịa không thể biết bà đã đến dâng hương cho Thần Si vĩ đại từ khi nào, nhưng có lẽ ngay từ nhỏ, mẹ đã nhiều lần đưa bà đi cùng. Trong ký ức tuổi thơ, bà nhớ rất rõ lần đi cùng mẹ đến dâng hương cho Thần Si sau khi tiễn cha và anh Hai xuống tàu đăng lính theo tướng Nguyễn Cư Trinh đi trận. Hôm đó, một ngày nắng nóng thiêu đốt, người đi ra đường vào buổi trưa phải chặt lá cọ để che đầu; hôm đó, có một sự kiện kinh khủng trong làng: con chó Táp gần miếu Bà Am phát dại cắn chết chủ nó và ba người hàng xóm. Mẹ con bà đến được bến thuyền mồ hôi vã ra như tắm, da đỏ au như tôm luộc. Mẹ bà luôn tay phe phẩy cái quạt mo để xua đi những làn gió nóng được phả ra từ cái chảo rang của trời và đất. Lần đầu tiên, bà nhìn thấy bến thuyền sông nước mênh mông và những con tàu lớn treo đầy cờ phướn. Cả một khúc sông dài chen kín tàu thuyền. Cha bà và anh Hai vận bộ đồ lính trông oai nghiêm, lạ hoắc, người cứ đơ ra như tượng, đứng trên boong vẫy tay từ biệt mẹ con bà…

Khi các chiến thuyền đã đi xa, mẹ đưa bà về thẳng tượng Thần Si. Mẹ mua một vòng hoa lớn choàng lên ngón chân cái bức tượng rồi thì thầm cầu khấn rất lâu. Đấy cũng là lần đầu tiên bà chú ý nhìn ngắm tượng Thần Si khi đến gần. Toàn thân tượng bằng đá trắng, rực sáng lên trong nắng. Sau lưng tượng là cả một khu vườn lớn, chỉ trồng hoa, khoe sắc muôn màu. Rịa nhón chân định bắt một con bướm đậu trên cánh hoa gần bệ tượng thì bị mẹ giữ lại. Bà thầm thì với Rịa, thái độ đầy tôn kính: “Nơi linh thiêng con không được đùa nghịch! Con đến đây chỉ để cầu xin”; “ Cầu xin gì mẹ?”; “Cầu cho cha và anh Hai sớm trở về. Cầu xin cho tương lai con, cầu xin mọi điều con mong muốn!”

Ít lâu sau, một người đi lính cùng làng, ông Cọp, trở về với một cánh tay bị chém dứt quá khuỷu cùng người ngũ trưởng chỉ huy mang theo tin buồn cả là cha và anh Hai tử trận ở vùng sông đâu đó cửa Nhà Bè….Người ngũ trưởng mang theo anh Ba, anh Bốn của bà cùng mấy thanh niên khác trong thôn xuống tàu. Người ta nói, tướng Nguyễn Cư Trinh cần rất nhiều trai tráng ưu tú đi đánh giặc ở vùng Tầm Bôn, Lôi Lạt…Mẹ lại đưa bà lên tượng Thần Si, lại mua một tràng hoa lớn, và cầu khấn. Mẹ cầu cho anh Ba, anh Bốn sớm thắng trận trở về.

Lần cuối bà đi cùng mẹ đến tượng Thần Si là khi anh trai thứ sáu vào lính… Ít lâu sau, bà lấy chồng về làng bên Trảng Lâu, cưới người con trai đã nhiều năm lẽo đẽo theo bà những lần đi đội nước. Chồng bà là một trong những thanh niên trên mười bảy tuổi hiếm hoi còn sót lại ở vùng Mười Thôn chỉ vì chồng bà là người thợ rèn lành nghề trong vùng đất này. Tất cả lưỡi cày, cuốc, liềm, phảng… đều qua cái lò rèn nhỏ ở chân đồi của gia đình chồng bà.

***


Có thể bạn quan tâm