April 19, 2024, 7:38 am

Trao Giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ X

Sự kiện Giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ 10 diễn ra tại thành phố Yangon (Myanmar) từ 11-14/10/2019. Hai nhà văn Việt Nam đoạt giải thưởng lần này là nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhà văn Đoàn Tuấn.

Giải thưởng Văn học sông Mekong được khởi xướng vào năm 2006, theo sáng kiến của Hội Nhà văn Việt Nam. Lần đầu tiên Hội nghị những người đứng đầu Hội Nhà văn ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Hội Nhà văn ba nước được thiết lập; Giải thưởng Văn học sông Mekong được thành lập, tổ chức theo hình thức luân phiên tại mỗi quốc gia, góp phần tích cực trong việc phát triển văn học và tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước trong tiểu vùng sông Mekong. 

Đoàn nhà văn Việt Nam tại lễ trao giải. Ảnh TG

Năm nay, lần đầu tiên Myanmar là nước chủ nhà tổ chức sự kiện Văn học này. Khẩu hiệu của Giải thưởng năm nay đưa ra là: “Văn học bảo tồn và tăng cường tính Thống nhất và tình Anh em”. Giáo sư Kyaw Win, Chủ tịch Hội Nhà văn Myanmar, nhận định, đây là một vinh dự lớn cho Hội nhà văn Myanmar cũng như đất nước chúng tôi được là nước chủ nhà tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ 10 vào năm 2019. Qua những lần sự kiện trước, chúng tôi đã học hỏi kinh nghiệm tổ chức từ các nước bạn, và với sự nỗ lực của mình, chúng tôi đem hết tâm sức, hiểu biết để tổ chức một Giải thưởng thật sự đặc biệt, ý nghĩa.

Trong hệ giá trị văn hóa Myanmar, thì tính cởi mở đón tiếp bạn hữu, và tính hào phóng là hai đặc tính dân tộc nổi trội. Do đó, chúng tôi tin tưởng và mong rằng các nhà văn bạn hữu từ các nước tiểu vùng sông Mekong đến với sự kiện hôm nay có thể nhận thấy nét tính cách này của dân tộc Myanmar. Nền văn học Myanmar trải qua 10 thế kỷ với những giai đoạn lịch sử đặc biệt. Năm 1885, đất nước Myanmar chịu sự đô hộ của đế quốc Anh, nhưng văn học Myanmar không sụp đổ. Với nền giáo dục của thực dân Anh, người Myanmar học ngôn ngữ Anh, dịch một số tác phẩm Anh sang tiếng Myanmar. Và có những cuốn sách bằng ngôn ngữ Myanmar nhưng dựa trên ngôn ngữ gốc là tiếng Anh. Chính việc thúc đẩy dịch trực tiếp cũng như biên dịch phù hợp những tác phẩm văn học qua hai ngôn ngữ đã làm giàu cho nền văn học Myanmar. Ngày nay, không chỉ có các tác phẩm của nhà văn Myanmar được dịch tiếng Anh, mà còn tiếng Pháp, Đức, Nhật, Trung, Hàn, Thái Lan… Chúng tôi tự hào rằng đây là điểm sáng trong văn học, chứng tỏ văn học Myanmar đã có sức ảnh hưởng rộng trên thế giới.

Đoàn nhà văn Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dẫn đầu chính thức đi Myanmar tham dự Sự kiện văn học quan trọng này. Hai nhà văn Việt Nam đoạt Giải thưởng Văn học sông Mekong 2019 là nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, với tác phẩm Ở phía rừng Lào, và nhà văn Đoàn Tuấn, với tác phẩm Mùa chinh chiến ấy. Đây là hai tác phẩm đặc sắc mang dấu ấn tình cảm, quan hệ truyền thống giữa nhân dân các dân tộc, và nét văn hóa đặc trưng của các nước trong tiểu vùng sông Mekong.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh chia sẻ, qua mỗi mùa Giải thưởng, sự hiểu biết và gắn kết giữa các nhà văn tiểu vùng sông Mekong ngày càng được bồi đắp thêm. Những người hướng thiện là những người luôn luôn giàu có và đạt đến sự an bình tuyệt đối. Và tất cả những gì tốt đẹp nhất sẽ đi vào trí nhớ của lịch sử. Chúng ta tôn trọng sự khác biệt nhưng không ngừng hướng tới những giá trị tương đồng, trong một thế giới luôn luôn mở. Tại lễ trao Giải thưởng năm 2019, Hội Nhà văn Myanmar đã quan tâm đến vấn đề quan trọng nhất, đó là dịch các tác phẩm đã được trao Giải thưởng. Thông qua con đường dịch thuật, mà sự nghiệp giao lưu văn hóa đi vào chiều sâu, góp phần thiết lập những nhịp cầu hữu nghị bền vững trong lòng người.

12 nhà văn, nhà thơ đoạt Giải thưởng Văn học sông Mekong lần 10

Ko Yoe Kunt (Myanmar) Phoe Kyawt (Myanmar)
Nguyễn Đức Mậu (Việt Nam) Đoàn Tuấn (Việt Nam)
Pen Setharin (Cambodia) Moeun Samnang (Cambodia)
Sengchanh Soukhasem (Lào) Sengchanh Soukhasem (Lào)
Anusorn Tipayanon (Thailand) Angkhan Chanthathip (Thailand)
Chenpeng (Trung Quốc) Cao Wenbin (Trung Quốc)

 


Có thể bạn quan tâm