April 20, 2024, 1:26 am

Tranh của thi sĩ Bùi Giáng

Khi nói đến tranh của thi sĩ Bùi Giáng (17/12/1926-7/10/1998), hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên. Vì thực tế số người biết Bùi Giáng có vẽ tranh đã không nhiều, được xem tranh trực tiếp càng ít, số tranh còn lại ngày nay cũng chẳng là bao, lại tản mác đây đó...

Bức tranh Chân dung lỡ dở của Bùi Giáng

Cháu rể và là người giữ bản quyền cùng nhiều di cảo của Bùi Giáng, nhà sưu tập Nguyễn Thanh Hoài, cho biết anh lưu giữ gần 20 bức tranh vẽ bằng bút bi, bút mực, chủ yếu vẽ từ năm 1992 trở về sau. Sinh thời, họa sĩ Phạm Cung lưu giữ hơn 20 bức tranh màu nước, mực tàu và bút bi mà Bùi Giáng vẽ trong khoảng 1982 đến 1994, thời hay lui tới xưởng vẽ chơi. Nhà thư pháp Hồ Công Khanh còn giữ 2-3 bức, nhà thơ Nguyễn Thiên Chương còn giữ 1-2 bức, nhà sưu tập Đặng Hải Sơn (phòng tranh Tự Do) giữ 1 bức… Các bác sĩ trong gia đình họ Bùi giữ vài bức, còn lại lưu truyền trong dân gian, giới chơi tranh chừng 5-7 bức có nguồn từ họa sĩ Phạm Cung. Có thể hình dung số tranh, phác thảo, ký họa, minh họa… của Bùi Giáng còn tồn tại đến nay vào khoảng trên dưới 50 bức. Đa số tranh và thủ bút mà ông tặng đã không được gìn giữ, vì người nhận nghĩ rằng không có giá trị gì.

Trong cuốn Năm sắc diện năm định mệnh (1965) của thi sĩ Du Tử Lê, chương về Bùi Giáng, có đoạn: “Trong căn phòng, tôi ước lượng cũng có tới gần 100 bức tranh, đa số vẽ những chân dung tưởng tượng. Những khuôn mặt người rách nát đau thương… Như người bạn tôi cho biết thì khi vẽ, bao giờ ông cũng mặc quần áo chỉnh tề, thắt cà-vạt, nhưng đi dép. Ông vẽ rất nhanh và đường cọ đi rất bạo, hầu như không phác trước, không đắn đo, tính toán. Sở dĩ tranh của ông mang một giá trị, một sức quyến rũ lạ lùng (mặc dù ông không hề theo học một lớp hội họa cũng như không hề nhờ ai chỉ dẫn) có lẽ vì nó là kết quả của những suy nghiệm, những ray rứt, dày vò tâm thức ông từ quá khứ. Nên trong những giây phút thoát thần, cây cọ của ông phóng đi với những đường nét thật thần kỳ, mê hoặc, hầu như ông không cần tới một kỹ thuật nào cả. Ông say sưa nhất khi vẽ chân dung Einstein và nữ nghệ sĩ Kim Cương. Với hai khuôn mặt này, ông thường vẽ đi vẽ lại cả chục lần không chán. Trên tấm kính của mấy tủ sách, tôi cũng thấy hình hai nữ nghệ sĩ Kim Cương và Thẩm Thúy Hằng. Không biết ông lấy phụ bản của một tờ nhật báo nào”.

Trong bài viết Nhớ về ba người em lỗi lạc của giáo sư Vũ Ký, in trên Giai phẩm Quảng Đà năm 1994, có đoạn: “Từ năm 1943 ấy, Bùi Giáng thôi học ở Hội An, rồi lui về cố hương làm Tô Vũ Mục Dương (chăn dê) ở Trung Phước miền rừng núi xứ Quảng. Theo nhiều người cho biết, Giáng nghêu ngao làm thơ, ca hát điên khùng suốt năm tháng. Lúc tôi gặp lại ở Sài Gòn thì Bùi Giáng đã thôi dạy học tư để cầm cọ bôi mực loay hoay vẽ tranh trong một căn nhà lụp xụp ở ngõ hẻm Trương Minh Giảng và Giáng cũng vừa in xong mấy cuốn sách giáo khoa luận đề về Chu Mạnh Trinh, Tản Đà… ở Nhà xuất bản Tân Việt, tiền tác quyền không có bao nhiêu nên Giáng cũng là “con bà cả Đọi”. Giáng khoe đã thực hiện được hơn 100 bức tranh tuyệt phẩm trên giấy bản. Tôi đã mang về bán giùm cho Giáng một số nhưng chẳng ai mua vì không ai hiểu nổi công trình của họ Bùi. Ai nhìn vào cũng chỉ thấy một màu sắc rối nùi, tăm tối. Giáng đã vẽ theo khuynh hướng sáng tạo riêng của mình, nhằm vào chủ đề tư tưởng trong tâm thức của Giáng, một phần minh họa những giá trị tư tưởng ẩn tàng qua các thần thoại cổ Hy Lạp, cộng thêm với những ý tưởng và ý hướng của đạo học Đông phương, nên chẳng một ai hiểu nổi”.

Trong bài Thơ Bùi Giáng và tuổi trẻ lang thang trên hè phố Sài Gòn của hòa thượng Thích Phước An, có đoạn: “Năm 1964, anh Phạm Công Thiện được mời vào Sài Gòn để dạy triết Tây tại Viện Cao đẳng Phật học vừa được mở tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện Đại học Vạn Hạnh sau này), tôi được anh cho đi theo. Tôi nhớ anh đã dẫn tôi đến thăm Bùi Giáng vào một buổi chiều, trong một căn nhà ở hẻm Trương Minh Giảng; căn nhà rất ẩm thấp, chật hẹp, gần như không có chỗ cho khách ngồi. Tôi thấy có mấy bức tranh vẽ còn dở dang, sách vở báo chí bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Hán, Đức vất lung tung dưới sàn nhà, trên giường nằm. Bùi Giáng mời Phạm Công Thiện một điếu Bastos đỏ (thuốc rẻ tiền nhất thời đó). Đã hơn 35 năm qua rồi nên tôi chẳng còn nhớ được hai người đã nói với nhau những gì, chỉ còn nhớ là khi tiễn Phạm Công Thiện ra cửa, Bùi Giáng nói: ‘Chắc rồi sau này tôi cũng sẽ như anh’ (lúc đó Phạm Công Thiện đã mặc áo tu với pháp danh là Nguyên Tánh)”.

Các cứ liệu trên đây đều rất khả tín, vì người viết và Bùi Giáng đều có liên hệ gần gũi, công bố lúc Bùi Giáng còn sống. Vũ Ký là thầy dạy từ tiểu học, rồi trung học của “bộ ba quái kiệt xứ Quảng” là Bùi Giáng, Tạ Ký, Nguyễn Thùy. Mấy chục năm về sau, thầy trò vẫn giữ liên lạc thân tình cho đến khi qua đời, nên thông tin về 100 bức tranh mà Bùi Giáng vẽ trước năm 1965 là xác thực.

Theo trí nhớ của họa sĩ Đinh Cường thì cuối năm 1964, Bùi Giáng đã đốt gần như toàn bộ số tranh đã vẽ và chuẩn bị làm triển lãm. Điều này có một tờ báo đưa tin, Đinh Cường đã đọc, nhưng rất tiếc không lưu tờ báo đó. Nhưng theo lời Du Tử Lê thì vào mùa Hè năm 1965, khi nhà bị cháy, tiêu tùng gần hết bản thảo và tranh, nên Bùi Giáng dần phát điên. Đến Hè năm 1969 thì “bắt đầu điên rực rỡ” - chữ của Bùi Giáng. Năm 1970, Bùi Giáng được đưa vào chữa trị ở nhà thương điên Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Như vậy, giai đoạn trước 1965 và giai đoạn từ 1982 cho đến khi qua đời, qua những số liệu khả tín nhất, Bùi Giáng đã vẽ chừng 150 tranh, phác thảo, minh họa.

Trong bài này, thử đề cập bức tranh mà Bùi Giáng đặt tên là Chân dung lỡ dở (bột màu, 100cm x 65cm, vẽ trong khoảng năm 1966-1967), nhưng có lẽ hoàn chỉnh nhất về mặt ý niệm và kỹ thuật hội họa.

Trên báo Tuổi trẻ, số Xuân Tân Tỵ năm 2001, Hoàng Hoài Sơn từng viết bài về Chân dung lỡ dở. Trong bài, tác giả cho biết bức này từng treo tại nhà ông Bùi Hộ (anh ruột Bùi Giáng). Sau năm 1975 chuyển sang treo nhà ông Bùi Văn Ký (em ruột Bùi Giáng) tại Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), rồi chuyển về treo ở Long Đất (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Những năm 1992-1993, do nát rượu, ông Ký bán tranh cho chủ quán được... vài chục ngàn đồng. Mấy năm sau, năm 1996, lúc Bùi Giáng còn sống, Phạm Bùi Nam Liên (cháu gọi Bùi Giáng bằng cậu ruột) đến chuộc bức tranh này với giá 1 triệu đồng. Bài báo của Hoàng Hoài Sơn khép lại: “Nam Liên cho biết thời gian qua, một vài Việt kiều đánh tiếng muốn mua lại bức Chân dung lỡ dở, có người trả đến 3.000 USD, nhưng anh đều từ chối. Với anh, bức tranh này chưa thể định giá”.

Chưa thấy thông tin nào cho biết Bùi Giáng vẽ ai, hoặc là ông chỉ vẽ mẫu theo trí tưởng tượng. Có ý kiến - không chính thức - cho rằng ông vẽ Kim Cương, thời nữ nghệ sĩ này chừng 30 tuổi. Góc trái, mép dưới, có chữ ký kiểu cũ của Bùi Giáng (trong đời ông đổi chữ ký mấy lần). Góc phải, mép dưới, có ghi chú cả tiếng Việt và Pháp: Chân dung lỡ dở/ portrait inachevé.

Sau này, khi Phạm Bùi Nam Liên định cư tại nước ngoài, Chân dung lỡ dở được gửi nhờ ở nhà thi sĩ Ý Nhi (Gò Gấp, TP. Hồ Chí Minh) gần 20 năm qua. Sau nửa thế kỷ, tranh xuống cấp và bị mọt giấy đôi chỗ, nhưng căn bản vẫn giữ được hiện trạng, bố cục, bảng màu của Bùi Giáng. Nếu được vệ sinh và phục chế chút đỉnh, tranh có thể sống thêm cả thế kỷ nữa. 

Nguồn Văn nghệ số 39/2021


Có thể bạn quan tâm