April 19, 2024, 11:28 pm

Trăng soi Cổ Trấn

Có lần, khi đọc di cảo của cố thi sĩ Đông Hồ, thấy ông viết “Gấm vóc non sông một dải liền/ Từ Nam Quan suốt đến Hà Tiên”, thú thật, tôi cho rằng ông đã có sự nhầm lẫn. Bởi lẽ, trước đến giờ ta chỉ nghe nói “từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”, làm gì có chuyện Hà Tiên được xem là cực Nam của Tổ quốc hình chữ S. Đó cũng là nguyên do khiến tôi lần giở lại những sử liệu cũ, và nhận ra một cổ trấn Hà Tiên trong hành trình đầy thăng trầm giữa bao biến cuộc.

Hà Tiên còn có tên gọi khác là Mang Khảm, Phương Thành, Trúc Bàng Thành. Người Khmer gọi địa danh này là Tà Teng. Các tên gọi đó ít nhiều đã nói lên quá trình cộng cư đa dạng giữa người Việt, người Khmer và người Hoa ở vùng đất biên viễn phương Nam. Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, trước khi được Mạc Cửu đến khai phá vào giữa thế kỷ XVII, Hà Tiên là đất cũ của Chân Lạp. Vốn là một thương gia có óc tổ chức và tài kinh bang tế thế, sau một thời gian lưu lạc vì bất mãn với chính sách cai trị của nhà Thanh, Mạc Cửu đã chọn Hà Tiên làm nơi an trú và gây dựng cơ nghiệp. Ông kêu gọi tập trung dân xiêu tán người Hoa và người Việt về Hà Tiên, khuyến khích tự do khai hoang, không thu tô thuế. Ông đứng ra thu mua sản vật để bán lại cho các thương nhân nước ngoài. Chính sách này đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Người dân quy tụ đến Mang Khảm ngày càng đông đúc. Từ một vùng hoang địa, Mạc Cửu đã biến Hà Tiên thành thương cảng sầm uất, trên bến dưới thuyền bán mua tấp nập.

Khoảng cuối thế kỷ XVII, Mạc Cửu cho lập ấp trải dài từ vùng biển Hà Tiên ngày nay cho đến Bạc Liêu, Cà Mau. Thôn ấp định cư ven biển, thuận lợi cho thương lái neo thuyền cập bến trao đổi hàng hóa. Lại thêm tận dụng được các ưu thế từ những con sông lớn như sông Gành Hào, sông Cái Lớn, sông Ông Đốc, sông Giang Thành để tưới tiêu cho ruộng vườn canh tác nên chẳng bao lâu, vùng đất Hà Tiên trở nên trù phú, phồn thịnh. Chính sự phồn thịnh của một vùng đất hẻo lánh, lại có địa thế phòng vệ hiểm trở như Hà Tiên khiến quân Xiêm nổi lên tham vọng thu phục. Từ năm 1687 đến 1688, quân Xiêm liên tục đánh phá Hà Tiên, bắt cả Mạc Cửu. Dù sau đó Mạc Cửu được thả và trở về Hà Tiên gây dựng lại cơ nghiệp, nhưng biến cố với quân Xiêm khiến ông cảm thấy bất an. Có lẽ vì thế mà năm Mậu Tý (1708), Mạc Cửu quyết định dâng sớ xin thần phục nhà Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Chu nhận thấy công trạng to lớn của Mạc Cửu, đồng thời cũng muốn có một thế lực đủ mạnh để trấn giữ nơi cõi biên thùy đầy biến loạn, do vậy mà chuẩn y cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên với tước phong Cửu Ngọc hầu.

Trước khi thu mình về làm một thành phố nhỏ hiền hòa gối đầu lên bãi biển Mũi Nai dào dạt sóng, Hà Tiên từng là vùng đất rộng lớn, bao trùm cả tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và một phần tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng. Chính vì lẽ đó mà xưa kia, khi nhắc đến cực Nam của Tổ quốc, cha ông ta chỉ nhắc đến Hà Tiên chớ không phải Cà Mau như bây giờ. Bởi vậy, cách nói của nhà thơ Đông Hồ là hoàn toàn có cơ sở.

Tôi đến Hà Tiên lần đầu cách đây đã hơn chục năm. Khi đó, tôi theo chân Tú Anh, cô sinh viên người Hà Tiên đang theo học ngành Sư phạm Lịch sử. Tôi ấn tượng với Tú Anh khi tham dự một buổi thuyết trình của cô ở giảng đường về chủ đề lịch sử hình thành Tao đàn Chiêu Anh Các. Tú Anh trình bày mọi thứ một cách lưu loát, cuốn hút. Cô bình phẩm về công trạng của Mạc Thiên Tích, con trai của Mạc Cửu, trong việc gây dựng và duy trì hoạt động của Tao đàn. Chính vì trọng vọng tài đức của Mạc Thiên Tích mà nhiều danh sĩ thời đó đã quy phục về đây, khiến cho vùng đất cực Nam trở thành nơi phát tích thơ văn lẫy lừng khắp chốn. Nếu Tao đàn dưới thời Hồng Đức có “nhị thập bát tú” thì đến Tao đàn Chiêu Anh Các, con số này nhiều hơn, có đến “tam thập lục kiệt”, nghĩa là ba mươi sáu vị kiệt sĩ. Trong đó, có mười tám vị xuất chúng, được gọi là “thập bát anh”. Sách xưa chép rằng:

Tài hoa lâm lập trú Phương Thành

Nam Bắc hàm vân thập bát anh

Nghĩa là, người tài hoa ở đất Phương Thành (Hà Tiên) đông như rừng, người nước Nam và người phương Bắc (Trung Quốc) đều xưng tụng mười tám vị anh tài. Ngoài sáng tác, xướng họa thơ phú, đàm luận văn chương, Tao đàn Chiêu Anh Các còn có vai trò giống như một nghĩa đường, tập hợp những người cùng chí hướng để nuôi nghiệp lớn. Ngoài ra, đây còn là một nhà nghĩa học, quy tụ thanh niên trai tráng ưu tú đến dạy học miễn phí. Mặc dù có nhiều chức năng khác nhau, nhưng sáng tác văn chương được xem là thành quả nổi bật nhất của Chiêu Anh Các còn lưu lại đến ngày nay. Trong số này, Hà Tiên thập vịnh là tập thơ đầu tiên và đặc sắc nhất. Ngoài ra còn có Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Thụ Đức Hiên tứ cảnh hồi văn, Minh Bột di ngư thi thảo... Thơ văn của các danh sĩ Chiêu Anh Các chủ yếu ca ngợi các danh thắng và sản vật ở Hà Tiên, ca ngợi cuộc sống sung túc của lưu dân dưới sự cai trị của họ Mạc. Nhà bác học Lê Quý Đôn từng ngạc nhiên và thán phục khi lần đầu đọc được bản khắc gỗ Hà Tiên thập vịnh. Do vậy mà ông viết trong Phủ biên tạp lục: “Không thể bảo rằng ở hải ngoại xa xôi không có văn chương vậy”. Còn Trịnh Hoài Đức nhận xét trong Gia Định thành thông chí: “Các vị nối nhau mà đến, mở Chiêu Anh Các gom góp thư tịch, thường ngày cùng các chư Nho thảo luận, có đề Hà Tiên thập cảnh, người thù họa rất đông, văn chương bắt đầu rực rỡ ở chỗ góc biển chân trời”.

Có thể nói, nếu như Mạc Cửu có công khai mở vùng đất Hà Tiên, tập trung lưu dân xiêu tán đến phát triển thành vùng thương cảng phồn thịnh, thì Mạc Thiên Tích đã nối nghiệp cha mình, nhưng chủ xướng phát triển văn hóa văn chương. Tiếc là Chiêu Anh Các chỉ tồn tại được hơn ba mươi năm. Đó cũng là quãng thời gian hưng thịnh của vùng đất Hà Tiên và bản thân Mạc Thiên Tích. Đến năm 1771, quân Xiêm lại đánh chiếm Hà Tiên. Mạc Thiên Tích cùng gia quyến trốn chạy rồi tuẫn tiết nơi đất khách, khép lại uy danh lừng lẫy một thời của họ Mạc ở cõi trời Nam. Hà Tiên cổ trấn cũng suy tàn từ độ ấy.

Đã mấy trăm năm gươm chìm giáo gãy, vậy mà khi nhắc về biến cuộc Hà Tiên cũng với Tao đàn Chiêu Anh Các, ánh mắt Tú Anh rưng rưng xúc động, như chính cô đang chứng kiến những tang thương. Chính vì những xúc cảm ấy mà cô khiến cho cả giảng đường ai cũng rưng rưng. Bài thuyết trình của Tú Anh được mọi người đánh giá rất cao. Riêng tôi, sau khi nghe Tú Anh nói về Hà Tiên và Chiêu Anh Các, tôi muốn ngay lập tức đến vùng đất ấy. Tú Anh cũng phấn khởi khi biết có người yêu mến quê hương cô, và cô tình nguyện làm hướng dẫn viên cho tôi trong suốt mấy ngày tôi ở Hà Tiên. Chúng tôi chạy xe máy từ hướng Châu Đốc, vào chợ Xuân Tô rồi sau đó đi về phía Giang Thành để đến Hà Tiên. Đây cũng là con đường chạy dọc kinh Vĩnh Tế, một công trình quân sự và dân sự quan trọng được nhà Nguyễn chủ trương thực hiện, giao danh thần Thoại Ngọc hầu trực tiếp đảm trách. Con kinh dài 91km, nối liền giữa Châu Đốc và Hà Tiên có chức năng như một phòng tuyến ngăn quân Chân Lạp quấy nhiễu biên cương. Ngoài ra, kinh Vĩnh Tế còn giúp quá trình chuyển quân bằng đường thủy được diễn ra thuận lợi. Chỉ cần có biến cố ở khu vực Hà Tiên, các đội quân ở đồn Châu Đốc, đồn Tân Châu có thể nhanh chống tiếp ứng. Do vậy, từ khi kinh Vĩnh Tế hoàn thành, khu vực biên giới Tây Nam nước ta trở nên bình ổn hơn. Chưa dừng lại ở đó, Vĩnh Tế còn có chức năng “dẫn thủy nhập điền”, đem nước ngọt từ sông Hậu vào tưới tắm cho các cánh đồng khu vực từ Bảy Núi đến Giang Thành. Nước ngọt đến đâu hạt lúc nẩy mầm đến đó. Ruộng đồng trước kia nhiễm phèn nhiễm mặn, nay được nước ngọt gột rửa, lại còn phủ lên những lớp phù sa màu mỡ, nên mỗi năm hai vụ lúa bội thu, người dân đến định cư ngày càng đông đúc. Cuộc sống khởi sắc từng ngày. Tú Anh ngồi sau xe tôi, say sưa nói về công trạng của các bậc tiền nhân giúp đất hồi sinh và giữ yên bờ cõi. Tôi như đứa học trò ngoan ngoãn lắng nghe cô giáo giảng bài, thu nhận thêm những thông tin bổ ích về bước đường thiên lý của cha ông ta thời mang gươm đi mở đất. Quãng đường gần trăm cây số bỗng chốc hóa gần.

Khi nghe Tú Anh reo lên “biển kìa” là tôi biết đã đến Hà Tiên. Biển Hà Tiên không đẹp kiêu sa như những vùng biển khác, bởi nước từ các cửa sông mang nhiều phù sa đổ ra khiến biển không xanh ngọc bích, mà có màu xám đục. Bù lại, Hà Tiên lại được sở hữu nhiều con sông thướt tha như dải lụa. Sông Giang Thành, sông Tô Châu và vũng Đông Hồ nằm xen lẫn giữa những ngọn núi xanh biếc tạo nên bức tranh sơn thủy độc nhất vô nhị đất phương Nam. Có lần, tôi theo chân các chiến sĩ ở Trung đoàn 20 leo lên đỉnh núi Tô Châu. Sở dĩ tôi phải theo chân các anh bộ đội là vì núi Tô Châu nằm trong khu vực quản lý của Trung đoàn 20, người ngoài không được đặt chân lên đó vì lý do an toàn và quân sự. Đường lên núi rất dốc, chúng tôi phải bám cây bám đá mà leo. Leo được chừng nửa đoạn đường là mồ hôi tôi túa ra như tắm, định bỏ cuộc. Các anh bộ đội động viên tôi cố gắng leo thêm nữa, lên đến đỉnh núi sẽ có bất ngờ. Tôi lấy hết sức leo tiếp, và bất ngờ đã đến với tôi, khi bức tranh một Hà Tiên đẹp tuyệt mỹ đã nằm gọn trong tầm mắt. Hà Tiên vừa cổ kính vừa hiện đại nằm lả lơi bên bờ biển, tựa nương vào những dòng sông xanh biếc. Trong ánh nắng chiều vàng rực, Hà Tiên dịu dàng như một bản tình ca đầy mê đắm. Tôi đã ngắm nàng thơ ấy suốt buổi chiều, vì biết không dễ dầu gì sau này được một lần diện kiến. Dự cảm của tôi lần đó không sai, vì vài năm sau tôi có dịp vào công tác tại Trung đoàn 20, nhưng các đồng chí chỉ huy báo là vì lý do quân sự, không cho phép người dân leo lên núi Tô Châu nữa. Tôi vừa tiếc nuối vừa thấy mình may mắn, vì ít ra trong đời tôi đã từng được ngắm một Hà Tiên đẹp trọn vẹn và viên mãn.

Những ngày rong ruổi ở Hà Tiên với Tú Anh, tôi như đắm chìm vào những thăng trầm phế tích. Chúng tôi ngồi hàng giờ bên những ngôi mộ cổ, vẽ lại một thời vàng son của Hà Tiên bằng giấc mộng viễn du. Chúng tôi áp tai vào những viên gạch đã phần nào vụn vỡ dưới lớp bụi thời gian, tìm dấu tích của một tường thành lừng lững ngày nào ngăn bước giặc xâm lăng. Chúng tôi quỳ nơi chánh điện chùa Phù Dung dưới chân núi Bình San, nghe tiếng chuông khoan nhặt như than vãn về mối hận tình trăm năm của người thiên cổ. Tôi không biết ông chủ quán ăn Tàu nồng mùi dấm chua và xì dầu trên đường Mạc Công Du mà chúng tôi ghé ăn chiều hôm đó có phải là hậu duệ của Mạc Cửu hay không? Tất cả những gì thuộc về Hà Tiên hôm nay mà ngỡ như của trăm năm sương khói. Hà Tiên không rộn ràng náo nhiệt mà dìu dặt thâm trầm, như một người sống trong hiện tại mà cứ luôn hoài vọng về quá vãng.

Tôi gặp lại Tú Anh lần thứ hai tại Hà Tiên là đã tròn mười năm kể từ ngày tôi theo chân cô về xứ biển này. Tú Anh bây giờ đã làm cô giáo, mỗi ngày được thỏa đam mê viết những trang sử của quê hương vào tâm hồn những cô cậu học trò bé bỏng. Cô dẫn tôi đến viếng tượng đài Mạc Cửu đặt ở công viên Mũi Tàu, phường Tô Châu. Đây cũng là công trình tiêu biểu được địa phương thực hiện để kỷ niệm 300 năm ngày lập trấn Hà Tiên, cũng như ghi nhớ công ơn mở cõi của Cửu Ngọc hầu tiên sinh. Pho tượng được tạc bằng đá trắng, uy nghi mà uyển chuyển. Dáng đứng của Mạc Cửu như vị tướng lĩnh đang giong buồm cưỡi sóng, chân đạp cuồng phong. Một tay ông cầm chặt đuôi gươm, như sẵn sàng chém tan giặc dữ. Tay còn lại cầm một áng thư, biểu trưng cho sách lược an dân chốn biên thùy tao loạn. Có điều, gương mặt ông không biết do sự vô tình hay cố ý của nghệ nhân, mà phảng phất nét u buồn trầm mặc. Đó là cái buồn của một cao nhân ôm mộng bá vương nhưng cũng là nạn nhân của quá nhiều nỗi đoạn trường thế cuộc. Hẳn vì thế mà nhà thơ Đông Hồ từng vịnh rằng:

“Tuy chưa là cô quả

Mà cũng đã bá vương

Bắc phương khi vỡ lở

Nam hải lúc kinh hoàng

Giang hồ giữa lang miếu

Hàn mạc trong chiến trường

Đất trời đương gió bụi

Sự nghiệp đã tang thương”

(Nghĩ vịnh Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích – thi sĩ  Đông Hồ)

 Tôi đọc cho Tú Anh nghe lại những câu thơ ấy. Cô không bình phẩm gì thêm, chỉ lặng im quay nhìn về phía biển. Những cơn gió thổi vào làm tóc cô bay tung lên. Bất giác, tôi nghĩ về những đợt sóng trắng xóa tung trời, và những đoàn thuyền rẽ sóng cập bến Hà Tiên thuở trước.

Tối hôm đó, hai đứa cùng đi dạo một vòng quanh chợ Hà Tiên, rồi ngồi uống cà phê trên đỉnh Kim Dự Lan Đào. Sách xưa chép rằng, núi Kim Dự được người xưa ví như một hòn đảo vàng để ngăn sóng dữ, che chở cho cổ trấn Hà Tiên. Ngoài ra, đứng trên đỉnh núi này ta có thể phóng tầm nhìn ra phía xa khơi, như một vị trí canh phòng đắc địa. Có lẽ vì vậy mà sau này người dân gọi là núi Pháo Đài. Viết xong những trang sử của mình, giờ đây núi Pháo Đài thực hiện một trọng trách mới, là thu hút khách du lịch đến với Hà Tiên. Ngồi trên đỉnh Pháo Đài vào đêm, ngắm nhìn thành phố trẻ Hà Tiên chuyển mình theo dòng chảy thời gian là cách tuyệt vời nhất để xua đi những muộn phiền thế sự. Tú Anh nói với tôi như thế, ánh mắt cô vẫn đang dõi về phía cầu Tô Châu, nơi dòng nước sông đang nhẹ nhàng hòa vào với biển. Phía đằng đông, vầng trăng thượng tuần đã chênh chếch góc trời. Thoáng chốc, ánh sáng đã bàng bạc khắp nơi. Cả cổ trấn trăm năm như chìm vào bóng trăng dằng dặc.

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021


Có thể bạn quan tâm