April 19, 2024, 7:21 pm

Trăng sau bão

Rất ngẫu nhiên, những ngày sau bão số 9, lại rơi đúng vào dịp trăng tròn. Trời quang mây nên ánh trăng như thể rắc một lớp bụi vàng lên khắp phố. Món quà này của thiên nhiên lâu nay vẫn ghé thăm lũ trẻ ở thành phố thường xuyên mỗi tháng nhưng có lẽ chúng chả mấy quan tâm. Cho đến khi cả cái thành phố bé tẹo này mất điện hai đêm vì bão, món quà từ trời xanh kia mới thật sự có ý nghĩa, không chỉ với lũ trẻ, mà còn với cả người lớn nữa. Lũ trẻ có dịp quan sát chị Hằng mà lâu nay cứ ngỡ chị ngủ quên trong trang sách. Còn người già thì có dịp quây quần bên đám trẻ dưới ánh trăng để kể về những câu chuyện không đầu chẳng cuối liên quan đến… ngày xưa.

Tôi nhớ cách đây hơn 30 năm, bấy giờ tôi sống ở Quy Nhơn, thủ phủ của một tỉnh lớn như Nghĩa Bình thời ấy mà điện cúp liên tù tì. “Nhà giữa phố mà mỗi khi có điện/ Trẻ con reo như thể đón mẹ về!”. Tôi đã viết câu thơ ấy sau rất nhiều đêm nghe tiếng reo hò khắp phố của lũ trẻ con mỗi khi ánh điện bừng lên giữa đêm tối mịt mùng. Cũng là tiếng reo vui của lũ trẻ ngay giữa lòng thành phố, nhưng người lớn không thể sẻ chia “niềm vui” ấy được. Mà, “Người cả nghĩ, nghe tiếng reo, lòng như muối xát”. Ngày ấy, điện như một “món quà” mà đám trẻ con luôn luôn khao khát. Đơn giản là khi có điện, chúng sẽ được xem chương trình “Những bông hoa nhỏ”. Bây giờ mà có chiếu lại chương trình ấy, chắc chả mấy đứa trẻ buồn xem nhưng vào thời đó, lũ trẻ không có sự lựa chọn nào khác.

Thoắt cái mà đã 30 năm. Ánh trăng thì vẫn thế, như ngàn đời nay. Điện không còn chập chờn như thuở trước nhưng vẫn là… ánh điện. Ấy vậy mà, những thói quen đã khác, niềm vui cũng đã khác, những ưa chuộng cũng không còn như xưa nữa. Khi công nghệ đã hiện diện ngay trên giường ngủ của mỗi gia đình, những điều tự nhiên lập tức biến khỏi cuộc sống chúng ta lúc nào không biết. Mỗi người một chiếc điện thoại, mỗi phòng ngủ một chiếc tivi, ai thích kênh nào thì “bấm” kênh ấy, ai thích chat chit thì chat chít, ai muốn “chém gió” trên phây thì cứ phần việc của mình. Vợ chồng con cái mỗi người tự xây một “lô cốt” rồi chui vào thế giới riêng của mình để trú ẩn. Những móc xích từng neo giữ dòng tộc, những kết nối huyết thống từng làm nên sự bền chặt ngàn đời trong mỗi gia đình, nay rạn vỡ từng mảng…

Thế rồi, hai đêm mất điện sau cơn bão, ánh trăng tròn tự ngàn xưa đã trở lại, nó níu con người gần lại với nhau hơn, nó kéo lũ trẻ thoát ra khỏi những trò chơi ảo trên các linh kiện điện tử đắt tiền, nó kéo đám thanh niên và cả trung niên rời mắt khỏi màn hình những chiếc smartphone.

Một người mẹ trẻ đã viết trên facebook của mình: “Bữa cơm tối thứ hai bên ánh đèn pin sau bão số 9. Không điện thoại, không tivi, không zalo, facebook. Mẹ bên con nhiều hơn. Con chơi vui với bạn nhiều hơn. Các trò chơi dân gian được tái hiện. Và… còn rất nhiều bài học hay từ những bữa cơm không công nghệ như thế này”.

Bão số 9 đã mang đến bao tang tóc cho người miền Trung - trừ ánh trăng tròn sau những đêm mất điện. Liệu ánh trăng kia có còn gõ cửa thường xuyên từng nhà như thế mà không cần phải sau những đêm cúp điện vì bão không?

Nguồn Văn nghệ số 46/2020


Có thể bạn quan tâm