April 20, 2024, 2:33 pm

Trăng quê. Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Văn

Tuy còn đôi chút rụt rè nhưng tôi vẫn lân la lại gần “Chú là thương binh thật à?”. Mẹ tôi vội đưa ngón tay lên miệng “suỵt suỵt” nhưng đã muộn, tôi hỏi tiếp mà không thấy nét mặt chú Mẫm từ đang hồ hởi chợt cau lại “Cháu thấy chú chẳng giống thương binh một tẹo nào?”. Chú Mẫm tuy vẫn còn vẻ cau mặt khi nghe câu hỏi của tôi nhưng chú cũng dừng câu chuyện đang nói với mẹ tôi rồi quay sang hỏi lại “Cháu thấy chú không giống thương binh ở điểm nào?”. Được gợi ý nên tôi nói luôn “Thương binh là phải mang chân giả đi tập tễnh như thầy Ngọc dậy cấp 2 ấy hoặc ít ra thì cũng phải mất một cánh tay như bác Kình xóm Đìa”. Mẹ tôi nghe tôi hỏi thế thì trừng mắt ý nhắc tôi phải biết giữ lễ độ với người lớn, chú Mẫm không có chút gì tỏ ra phật ý hay khó chịu, chú nhìn tôi rồi cười rõ to: “Thằng này phải cho nó đi bộ đội thì mới lớn lên được – Chú kéo tay tôi lại gần – Mày có thích đi bộ đội không”. Dĩ nhiên là tôi thích rồi, tôi mạnh dạn hẳn lên và quên phắt câu hỏi ngớ ngẩn vừa nãy, tôi nói to: “Cháu thích lắm ạ. Chú cho cháu đi bộ đội nhé”. Chú Mẫm lại cười to: “Được nhưng phải đợi khi nào mày đủ tuổi đã – Chú quay về phía mẹ tôi nói – Người xã này cứ bảo họ thấy em đến nhà nào là ý rằng có một trong hai chuyện – Chú Mẫm vặn vặn mấy ngón tay kiểu như phân trần - Khổ thế đấy chị ạ”.

Minh hoạ: Đặng Tiến 

Hôm ấy là một ngày cuối năm 1972, gió bấc thổi lạnh, tôi co người như tựa hẳn vào chú Mẫm, một chút ấm lòng làm tôi thấy dễ chịu. Nghe đâu như chú Mẫm từ Trại an dưỡng thương bệnh binh trong Ninh Bình trở về làng đã gần một năm nay. Về làng, chưa kịp nghỉ ngơi dưỡng sức thì chú được xã giao nhiệm vụ là Xã đội trưởng. Hôm chú đến tìm gặp mẹ tôi là vì mẹ tôi công tác ở Hội phụ nữ tỉnh. Chú nói với mẹ tôi: “Chị làm công tác phụ vận đã lâu năm. Chị giúp em khâu vận động cánh đàn bà con gái xã mình nêu cao tinh thần chống Mỹ cứu nước, động viên chồng, con, em lên đường nhập ngũ”. Mẹ tôi bảo: “Chú cứ yên tâm. Khâu đó cũng là công việc của hội phụ nữ chúng tôi”.

Chú Mẫm người cao to còn nước da thì thôi rồi, nó đen như cột nhà cháy. Điều ấn tượng nhất với tôi khi gặp chú là đôi bàn chân chẳng giống ai của chú, đôi bàn chân to và dài chỉ chực thò mấy ngón ra khỏi quai đôi dép cao su được làm từ lốp ô tô hỏng. Nghe đâu hồi còn ở bộ đội, chú Mẫm cũng vì đôi bàn chân to dài khác thường ấy mà quanh năm đi dép cao su tự chế. Cỡ như dép cao su đúc số 42 vậy mà chú vẫn không xỏ được chân, thế là mùa đông cũng như mùa hè, hành quân vượt Trường Sơn cũng như nhảy qua hàng rào thép gai của địch, chú Mẫm vẫn “diễn” đôi dép cao su bằng lốp ô tô hỏng ấy.

Chú Mẫm làm Xã đội trưởng xã tôi liền tù tì những mười tám năm, toàn vào những năm “căng thẳng” cả. Chống Mỹ này, chiến tranh Tây Nam này và rồi là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nữa. Ở xã này mọi người đều bảo “Không có ông Mẫm là Xã đội trưởng chắc gì xã mình đạt danh hiệu: Thóc không thiếu một cân. Quân không thiếu một người”.

*

Hôm vừa rồi, nhân có việc ở quê nên tôi gọi là tiện thế tới thăm chú Mẫm, tình cờ lại đúng vào bữa thằng Tuyên đen (giờ thì gọi là ông Tuyên đen) con trai chú, vốn là bạn học cấp 2 với tôi, thằng Tuyên đen làm Lễ Đại thượng thọ cho chú. Chú Mẫm xã đội ngày nào giờ là cụ Mẫm vừa tròn 90 tuổi. Tôi nghe thế mà thấy giật mình “Thời gian đi nhanh thật. Mới ngày nào mà giờ lên ông lên cụ hết cả rồi”.

Đợi cho mọi người đến bên cụ Mẫm đầu đội khăn, mặc áo dài đỏ, đang ngồi trên một chiếc ghế có nệm êm, để nói những câu chúc mừng xong thì tôi lại gần, tôi ngồi thụp xuống trước mặt chú. Cụ Mẫm thấy có người lạ đến ngồi trước mặt thì đưa tay ra với với, ý chừng như cụ muốn nói tôi hãy đứng lên. Tôi bèn đứng khom người, hai tay nắm chặt bàn tay của cụ, tôi chào “Chú có khỏe không ạ? Mấy viên bi dạo này có làm khó chú không?”. Cụ Mẫm nghe câu chào hỏi đó thì mở to đôi mắt, cụ nhìn tôi chăm chăm. Tôi nói thêm “Cháu đây mà”. (Sau này mới rõ chú Mẫm chưa được công nhận là thương binh, chú chỉ được hưởng chế độ bệnh binh. Có chuyện đó bởi tuy trong người chú “găm đầy” những viên bom bi nhưng chừng đó không đủ “chứng cứ” để xác định độ thương tật. Có lẽ những người làm công tác chính sách cũng có suy nghĩ giống như tôi hồi bé, nghĩa là đã là thương binh thì phải cụt chân hay cụt tay?).

Cụ Mẫm sau mấy giây nhìn chăm chăm vào tôi rồi đưa tay rờ rờ mặt tôi như để khẳng định một điều gì đó, rồi cụ Mẫm hỏi: “Mày là thằng Dân con chị Phụng đúng không?”. Tôi kinh ngạc vì trí nhớ của cụ ông 90 tuổi này nên vội trả lời: “Chú còn nhớ và nhận ra cháu?”. Cụ Mẫm bật cười, nói to giọng rành rẽ: “Tao đã bảo mà. Mày phải đi bộ đội mới lớn lên được – Nói xong câu đó cụ Mẫm gật gù đầu tỏ vẻ tâm đắc - Đại tá về hưu hả? Lương mười mấy triệu thì chẳng phải lo gì cả”. Tôi cười ngượng nghịu như một đứa trẻ bị bắt quả tang ăn trộm khế: “Chú nhận ra cháu là ở điểm nào?”. Chú Mẫm ngừng cười, chú đưa tay với với tôi lại gần rồi chú nhoài người ghé sát tai tôi nói đủ nghe: “Từ sáng đến giờ người ta toàn nói với tao những câu chúc tụng thôi, mày là người duy nhất hỏi thăm tao về mấy viên bi đấy. Tao nghe mày hỏi vậy là tao nghĩ ngay ra chỉ có thằng Dân con chị Phụng phụ nữ tỉnh thôi – Chú Mẫm lại gật gù - Mày tốt”.

Nghe chú Mẫm nói câu “Mày tốt” làm tôi thấy xúc động, điều xúc động ở tôi chính là sự chu đáo của chú Mẫm. Câu nói đó làm tôi nhớ lại câu nói của chú hôm chú tiễn chúng tôi lên đường, hôm ấy chú đứng trước bọn tân binh là người xã Yên Phú nói rất to: “Tao đã ở bộ đội nên tao biết. Chúng mày hôm nay nhập ngũ thì nhớ là quân đội là môi trường rèn luyện không đâu bằng. Nhớ phấn đấu cho tốt để mang vinh dự về cho xã đấy”. Tôi nhắc lại câu dặn dò vô cùng thấm thía nhưng cũng rất bỗ bã của chú, chú Mẫm lại cười: “Thì đấy, những thằng xã này đi bộ đội thằng nào thằng nấy đều tiến bộ - Chú Mẫm im lặng, ánh mắt đượm buồn, buông tiếng thở dài – Trừ những thằng không trở về làng”. Thấy hành động của chú như vậy tôi giật mình. Thôi chết mình vừa có hành động gì làm chú phật ý hay sao?

Vẫn im lặng, một sự im lặng kéo dài không những làm tôi lo ngại mà cả thằng Tuyên đen nữa, nó đứng cạnh đó hai tay chắp vào nhau, vẻ mặt lo lắng: “Để con rước cụ vào giường nằm nghỉ. Cụ ngồi suốt sáng đến giờ chắc mệt lắm?”. Chú Mẫm nghe thằng Tuyên đen nói vậy thì vội xua tay: “Tao không làm sao cả. Để tao với thằng Dân nói chuyện thêm”. Chú nói thế nhưng tôi thấy cũng không tiện bèn tìm cách gỡ: “Tối nay cháu ngủ lại làng. Chú cháu mình sẽ nói chuyện tiếp. Chú vào giường nằm nghỉ cho đỡ mệt”. Chú Mẫm gật đầu: “Tao nói rồi mà. Những thằng đã đi bộ đội ở xã này đều khôn lớn hết. Ông Tuyên này – Chú Mẫm nói với thằng Tuyên đen -  Ông tối nay chuẩn bị cơm rượu cho chú cháu tôi chuyện trò đấy”. Thằng Tuyên đen sau câu vâng kèm chữ ạ dài kiểu cách của người quê tôi thì hỏi lại: “Cụ có cho con được ngồi cạnh hầu rượu không ạ?”. Chú Mẫm ngước mắt lên nhìn thằng Tuyên đen: “Được nhưng không phải vì mày là con tao mà là vì mày cũng đi bộ đội. Đúng rồi thằng Dân với thằng Tuyên cùng đi bộ đội một ngày. Chúng mày còn ở cùng xê năm huấn luyên tân binh ở Đông Triều với nhau”.

Chập tối tôi gọi điện về Hà Nội báo cho bà xã chuyện tôi ngủ lại ở làng. Bà xã tôi vốn cả lo nên nhắc: “Ông nhớ uống in ít thôi đấy. Già rồi lại còn bệnh cao huyết áp nữa”. Tôi nói lại cho bà ấy yên tâm: “Tôi ngủ lại để trò chuyện với chú Mẫm xã đội”. Nghe nhắc tên chú Mẫm thì bà xã tôi yên tâm phần nào, đấy lấy vợ là người cùng làng những lúc như thế này có sướng không?

*

Chú cháu cha con chúng tôi cùng ngồi trên phản, bữa rượu tối ngoài món chân giò nấu giả cầy gắp nhâm nhi ra còn có rá lạc nguyên vỏ rang với cát. Món này thực ra là do chú Mẫm nhắc, chú bảo: “Tối nay tao với mày uống rượu nhắm lạc nguyên vỏ rang với cát. Thứ này bọn mày đãi tao hôm tao lên thăm chúng mày. Mày còn nhớ không?”. Tôi lại thêm một lần phục chú Mẫm, chú vẫn còn nhớ những chuyện nhỏ nhất.

Cuộc rượu nhưng thực ra là cuộc nói chuyện ngày xưa giữa tôi với chú Mẫm bởi chỉ có tôi với thằng Tuyên đen là uống, còn chú Mẫm chỉ thỉnh thoảng mới nhấc chén rượu đưa lên mũi hít hít, chú trầm ngâm nói: “Rượu thơm thật. Người Trương Xá biết cách nấu rượu giữ được nguyên mùi vị của gạo mới. Nước rượu lại hơi đùng đục chứ không trong vắt. Chưng cất kiểu này khó lắm. Hai thằng chúng mày uống đi nhưng uống từ từ thôi. Mà này thằng Dân”. Tôi vội đặt chén rượu xuống mâm nhìn chú chờ đợi câu hỏi: “Vợ mày là cái Lý con cô Thìn người xóm Cầu Đá đúng không?”. Tôi lại giật mình, cười cười gật đầu. Chú Mẫm nói tiếp: “Hồi mày đi bộ đội thì cái Lý mới lên mười, nó gầy, chắc bây giờ béo đẹp rồi. Ăn cơm với uống nước thành phố ai cũng béo đẹp. Hồi đó nếu không có bà mối Căn đánh tiếng giúp thì mày còn lâu mới lấy được cái Lý. Nó ngoan nhất làng đấy”. Tôi thực sự bất ngờ vì chú hiểu rành rẽ mọi chuyện, đã thế còn nhớ hơn cả người trong cuộc nữa. Tôi thưa: “Cháu muốn hỏi là vì sao chú lại nhớ mọi chuyện đến thế?”. Chú Mẫm lặng im hồi lâu rồi buồn giọng trả lời: “Làm xã đội nên tao nhớ. Tao nhớ bởi vì tao là người đưa tiễn những thằng như chúng mày đi bộ đội – Giọng chú chợt chùng xuống – Và cũng tao là người trao những tờ giấy báo tử cho gia đình liệt sĩ – Giọng chú lại chùng hơn – Tự tao, tao luôn cảm thấy tao là người có lỗi”. Tôi vội nói gạt: “Chú nói thế. Chứ chú làm gì có lỗi với ai”. Chú Mẫm vẫn cái giọng chùng buồn: “Lỗi nhiều lắm chứ. Mày còn nhớ câu nói tao nói với mẹ mày năm xưa không? Năm ấy tao có nói với mẹ mày rằng: Người xã này hễ trông thấy em tới nhà là y như rằng nhà ấy có một trong hai chuyện”.

Tôi đã lơ mơ đoán được ý của chú Mẫm bèn nói lảng vui vui: “Cháu nghe mẹ cháu kể rằng trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 chú là người vui nhất xã?”. Chú Mẫm im lặng, đầu chú cui cúi. Mẹ tôi kể rằng trưa ấy sau khi nghe tin quân ta chiếm được Dinh Độc lập thì chú Mẫm chụp vội chiếc mũ lá lên đầu rồi vừa đưa tay kéo cánh cổng làm bằng những cành tre ghép vừa nhảy lên chiếc xe đạp Sterling cũ của mình. Chú đạp xe hối hả đi khắp các đường trong đường ngoài của xã, miệng vừa cười vừa hét to “Giải phóng rồi. Hoà bình rồi. Từ nay tôi không phải làm cái việc ấy nữa”. Cứ thế chú đạp xe cho tối mịt mới về nhà, người chú mệt phờ nhưng lòng vui như tết.

“Hoá ra tao ngờ nghệch quá Dân ạ. Hôm đó tạo cứ tưởng rằng từ nay trở đi sẽ hết cái chuyện mỗi khi tao đến nhà ai là nhà nấy nếu không nhận được giấy gọi nhập ngũ thì cũng được mời ra sân đình dự lễ truy điệu liệt sĩ. Người xã này họ nhìn tao như nhìn một người đem đến cho họ những điều sui sẻo”. Chú Mẫm sau phút trầm ngâm thì ngẩng mặt nhìn tôi, nhìn thằng Tuyên đen và nói một tràng dài. Hình như điều chú ôm chặt bao nhiêu năm nay giờ mới được chú đem ra bộc bạch. Tôi lại vội nói đỡ: “Hồi đó chẳng riêng gì chú mà mọi người đều nghĩ thế. Ai cũng nghĩ từ nay đất nước ta vĩnh viễn sạch bóng quân thù. Có ngờ đâu”. Chú Mẫm gật đầu: “Đúng là cái gì mừng sớm đều thất vọng sớm. Có ngờ đâu sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 tao vẫn phải làm cái việc mà nhà nào cũng sợ đó. Vẫn đạp xe đến nhà đưa giấy gọi nhập ngũ và đến để đưa cho gia đình giấy báo tử”.

Đêm nay có trăng, ánh trăng quê soi bàng bạc những chiếc lá mít trên cây mít cổ trong vườn nhà chú Mẫm, ánh trăng quê soi mượt đỏ mặt sân lát gạch vuông Giếng Đáy. Căn nhà của chú Mẫm bỗng chốc sáng bừng dưới ánh trăng. Căn nhà này cùng mảnh sân này chắc cũng tầm phải hơn một trăm năm tuổi, bởi chú Mẫm sinh ra từ căn nhà này. Đâu như do người cha của chú xây dựng và để lại cho chú. Một căn nhà ba gian và hai chái, mái lợp ngói ta. Tuyên đen bảo “Mái ngói mới lợp lại. Tao phải mất nhiều công lắm vì loại ngói ta này mà nhất là ngói ta Giếng Đáy bây giờ hơi khó kiếm”. Rồi Tuyên đen kéo đầu tôi lại, nó nói thầm nhưng cũng đủ để chú Mẫm nghe được: “Cụ dứt khoát không cho phá đi xây nhà mới, cụ còn bắt vợ chồng tao chỉ được tu sửa chỗ nào xuống cấp thôi. Căn nhà này giờ làm nơi thờ cúng cho dòng họ vì cụ là trưởng họ. – Tuyên đen liếc nhìn chú Mẫm rồi nháy mắt với tôi kiểu rất chi là mãn nguyện - Tao là người kế nhiệm chức “Trưởng họ” nhưng binh tình này thì chắc còn lâu cụ mới giao chức ấy cho tao”. Chú Mẫm biết thừa ý thằng Tuyên đen nên lừ mắt miệng hừ hừ. Tôi gật gù :“Cũng phải có nơi thờ cúng cho tử tế. Bây giờ thiên hạ người ta quan tâm nhiều đến chuyện tâm linh”.

Căn nhà của chú Mẫm ở giữa làng Đa, ngay cạnh con đường làng xưa lát gạch nghiêng mới được mở rộng, đổ bê tông, xe máy chạy ù ù suốt ngày, chả là làng Đa bây giờ được gọi là Tổ dân phố Đa vì xã tôi đã lên phường mấy năm nay. Chú Mẫm cắt cho Tuyên đen mảnh vườn bên phải nhà để nó xây ngôi nhà bốn tầng to rộng lừng lững, vợ với cô con dâu lớn của nó mở hiệu hàng tạp hoá. Được cái mặt tiền rộng, chiều sâu những hơn hai chục mét nên tuy khiêm tốn gọi là hiệu tạp hoá nhưng dáng dấp như một siêu thị nhỏ. Chú giữ lại căn nhà cũ, chú ngủ ở một bên chái, chái bên kia là nhà kho cất bát đũa đủ để làm năm chục mâm cỗ, ba gian chính là nơi thờ tự với ban thờ đặt gian giữa, hai gian hai bên kê bàn ghế cho khách khứa ngồi. Tối nay chắc phải ưu ái lắm thì chú Mẫm mới cho tôi được ngồi trên tấm phản vốn dĩ chỉ để đặt mâm cỗ trong những ngày giỗ. Thấy tôi ngài ngại vì chuyện đó nên chú Mẫm cười bảo: “Tuy là chỗ đặt mâm cỗ giỗ nhưng từ hồi ông cụ nhà tao còn sống thì những người khách quý hay khách sang trọng đều được mời ngồi ở đây. Tôi hân hoan: “Cháu cám ơn chú đã xem cháu là khách quý”. Chú Mẫm phẩy tay: “Mày không phải là khách quý mà là người quý. Ha ha – Chú Mẫm cười sáng khoái - Tao quý mày bởi mày vẫn còn nhớ những chuyện bây giờ chúng nó quên hết cả rồi”.

Chắc lâu lắm rồi chú Mẫm mới có được “cuộc rượu tri kỷ?” tôi thầm nghĩ và cảm thấy cay cay sống mũi. Hồi cuối năm bảy chín tôi nhận được thư nhà. Trong thư mẹ tôi nói thông báo vợ chú mới mất, lệ quê tôi là vậy, con gái đi lấy chồng thì bị mất tên cha mẹ đặt cho, dân làng cứ tên chồng mà gọi, đến khi có con thì tên chồng cũng mất, dân làng chỉ gọi tên con. Cô Tuyên là vợ chú Mẫm và gọi như thế bởi thằng Tuyên đen là con lớn của cô chú. Cô Tuyên mất, thằng Tuyên không hề biết, nó đang đánh nhau ở K, chỉ khi bị thương rồi được phục viên về làng mới hay tin mẹ đã chết. Nó khoác ba lô vừa đi vừa khóc tu tu từ đầu làng, vào nhà nhìn ảnh mẹ trên ban thờ nó lại càng khóc tu tu. Chú Mẫm đến cạnh nó, chú quát: “Mày đi bộ đội về mà còn trẻ con quá”. Thằng Tuyên đen thôi khóc, nó bảo: “Thầy đừng đi bước nữa nhé”. Chú Mẫm nghe con nói thì thì mặt đanh lại, chú không nói không rằng quay người dắt xe ra cổng, nghe bảo chú ra xã nhận giấy báo nhập ngũ đợt này. Lá thư sau mẹ tôi còn kể thêm trong thư rằng bà mối Căn mấy lần dạm hỏi chuyện lấy vợ nhưng chú Mẫm chỉ ậm ừ, chú trả lời bà mối Căn: “Chờ cho con Thảo nhà tôi đi lấy chồng đã”. Chao ơi, khi con Thảo là em gái Tuyên đen đi lấy chồng thì chú lại nói với bà mối Căn: “Tôi hết duyên rồi”.

Cuộc rượu lại tiếp tục. Chú Mẫm ngồi im lặng, ánh trăng soi qua cửa dâng ánh sáng khắp gian nhà, nhìn cái dáng cao to của chú giờ thu lu khoanh chân trên phản tôi thấy nó ngồ ngộ, nhất là dưới ánh trăng nom tựa như một pho tượng lặng yên. Khác hẳn dáng vẻ thường ngày, một người đàn ông đen như cột nhà cháy này tưởng như lúc nào cũng chỉ thấy nếu không nhảy vội lên xe đạp cũ hối hả đạp đi thì cũng oang oang bỗ bã. Chú Mẫm ăn nói có phần thoải mái thế nhưng được cái chẳng có ai giận hay trách gì. Tính cách của chú nó như vậy, nhìn bề ngoài có vẻ “ăn to nói lớn” nhưng bên trong thì rất “yếu mềm”.

“Thằng Dâ,n tao hỏi thật mày nhé. Mày thấy trăng nhà quê có khác trăng phố Hà Nội không?”. Chú Mẫm chuyển hướng câu chuyện. Tôi thật thà trả lời chú :“Có về quê mới được ngắm trăng chú ạ”. Chú Mẫm lại nâng chén rượu đưa lên mũi hin hít mấy hơi. Tôi nói tiếp: “Ở thành phố nhà cao san sát, cây cối tùm lum, đèn đường sáng trưng thì làm sao thấy trăng để ngắm. Lâu lắm rồi cháu mới được ngắm ánh trăng soi sáng sân nhà sáng khắp gian nhà đấy chú ạ”. Chú Mẫm đặt chén rượu xuống mâm nói thủng thẳng: “Chẳng trăng nào bằng trăng của lính cả. Trăng lính gợi lên nỗi nhớ quê nhà đến nôn nao”.

Tôi nhớ cái lần chú đạp xe từ Bần tới Đông Triều thăm bọn lính người trong xã đang huấn luyện tân binh ở đấy. Chú Mẫm không vào nhà ban chỉ huy xê năm mà chú đạp xe ra thẳng thao trường, thực ra thì thao trường chỉ là vạt đồi lúp súp cây sim cây mua nở hoa tím ngắt. Chú không tìm chỗ có cây to để trú nắng mà cứ đứng phơi lưng chăm chú nhìn chúng tôi đang lăn lê bò toài. Đợi cho chúng tôi được nghỉ giải lao chú Mẫm mới đến chỗ các anh chỉ huy, chú tự giới thiệu về mình và mở chiếc xắc cốt đeo bên hông lấy ra mấy bao thuốc lá Tam Đảo. Chú Mẫm mời mấy anh chỉ huy xong thì chú đi đến từng thằng một phát cho mỗi thằng một điếu. Làm một vòng như thế nhưng đến lượt chú thì hết thuốc, chú Mẫm giọng oang oang: “Chúng mày đủ mỗi thằng một điếu là tốt rồi. Tao đứng giữa hít khói cũng thấy say”. 

Chú Mẫm tối ấy ngủ lại cùng chúng tôi, chú bảo thằng Tuyên sang nằm ké với thằng Trường để chỗ nó nằm để chú ngủ. Thì ra chú Mẫm muốn nằm cạnh tôi bởi chỗ của tôi sát với chỗ Tuyên. Chú Mẫm lên sạp là ngủ luôn, tiếng thở của chú to và tiếng ngáy của chú cũng to. Tôi đoán chắc chú đạp xe lọc cọc những bảy chục cây số nên mệt. Vậy mà khi thằng Giang lấy tay gãi gãi vào chân tôi báo đến giờ tôi gác thì chú Mẫm tỉnh giấc. Chú nói thì thào: “Tao gác cùng mày”. Tôi vội trả lời: “Chú cứ ngủ đi. Hai chú cháu cùng gác là vi phạm quy định đấy”. Chú Mẫm thì thào: “Cứ coi như ông xã đội đi kiểm tra gác đi”.

Hai chú cháu tôi khẽ khàng chui ra khỏi màn, bên ngoài ánh trăng soi vàng khắp triền đồi, lần đầu tiên trong đời tôi mới nhận thấy ánh trăng thật kỳ ảo và thơ mộng. Những quả đồi tựa như những chiếc bát úp, nối nhau nối nhau nằm sõng sượt dưới ánh trăng. Lúp xúp những bụi sim bụi mua cành lá khẽ khàng lao xao trong gió. Chúng tôi đi đến vị trí gác, chú Mẫm suỵt suỵt khẽ ra ý bảo tôi đừng nói chuyện, nói chuyện vừa không đảm bảo nhiệm vụ canh gác lại vừa sai quy định. Chúng tôi cùng im lặng, tôi khoác súng chăm chú đưa mắt nhìn khắp lượt, chân dậm dịch đi đi lại lại. Chú Mẫm thấy thế liền kéo tay tôi, chú nói thầm thì: “Gác xách gì mà cứ đi đi lại lại, rồi dậm chân ầm ào thế khác gì báo cho kẻ gian biết là người gác đang ở vị trí nào. Kẻ gian nó biết nó sẽ lợi dụng lúc mày di chuyển đến vị trí khác là nó lẻn vào”. Nghe chú nói thế tôi giật mình: “Vậy gác cũng phải kín, phải bí mật hả chú?”. Chú Mẫm củng vào mũ tôi một cái.

Theo như chú Mẫm “phổ biến kinh nghiệm” thì người có nhiệm vụ gác là phải nhanh chóng phát hiện ra kẻ gian đột nhập. Muốn vậy thì phải biết giấu mình để kẻ gian không thấy, chú bảo: “Lúc bọn tao ém sát hàng rào đồn địch thấy thằng lính gác di chuyển đến gần là nằm im, nó di chuyển đi chỗ khác là bọn tao lặng lẽ bò sát hơn. Lính gác kiểu ấy ngu bỏ bà, đi đi lại lại dậm chân thình thịch là biết ngay thằng gác đó đang canh chỗ nào”. Rồi chú nói thêm: “Tìm chỗ có tầm quan sát rộng mà nấp, thật lặng im nghe ngóng. Này nhé, nếu thấy tiếng côn trùng đang kêu mà đột ngột dừng lại thì y như rằng có kẻ đang đột nhập. Bọn côn trùng này được việc cho mình lắm, tiếng kêu của nó báo cho mình biết là có động hay tĩnh”. Chú Mẫm im lặng kiểu như nghĩ thêm, mà chú nghĩ thêm thật, chú nói: “Canh gác không chỉ là nhiệm vụ phát hiện ra kẻ gian đột nhập mà quan trọng là phải phán đoán được kẻ gian sẽ đột nhập vào chỗ nào, chúng nó có bao nhiêu thằng để mình còn đề ra biện pháp”.

“Đêm ngày mười sáu tháng hai năm bảy chín cháu cũng dựa vào kinh nghiệm của chú nhưng chỉ tiếc là phát hiện đó không được chú ý”. Tôi nhớ tới chuyện gác xách ngày xưa bèn kể lại câu chuyện của mình, chú Mẫm hỏi lại: “Chuyện là thế nào?”. Tôi nhớ lại đêm hôm đó tôi làm nhiệm vụ gác từ 22 giờ đến 23 giờ, phải nói là càng về đêm càng lạnh, gió trên đồi thổi u oa, tôi ngồi trong hố gác im lặng nhô đầu lên quan sát, lâu sau tôi chợt nhớ đến kinh nghiệm năm xưa chú Mẫm đã phổ biến nên thụt đầu xuống, áp chặt tai vào thành hố gác. Trong đêm thanh vắng đó tiếng côn trùng vẫn ỉ ả kêu sốt ruột. Rồi từ rất xa, rất xa tôi nghe thấy vọng truyền qua đất những tiếng ầm ì trầm đục nặng nề. Tiếng vọng từ xa xa truyền lại ấy cứ ì ầm thành chuỗi kéo dài. Lúc đó tôi chợt nghĩ đến chuyện bọn địch có hành động gì đấy ở bên kia biên giới nên thấy nghi nghi nhưng thực tình cũng chưa biết là chuyện gì. Chỉ thấy nghi nghi chen với lo lắng thôi. Hết ca gác tôi bàn giao lại tình hình và nói với người đến thay gác rằng :“Tao nghe vọng truyền qua đất tiếng ầm ì thành chuỗi dài lạ lắm. Mày chú ý nghe ngóng tiếp có gì báo nhanh cho chỉ huy”.

“Rồi sao mà lại tiếc?”. Chú Mẫm đang im lặng bất chợt hỏi lại. Tôi trả lời: “Cháu bàn giao gác xong về lán là lăn ra ngủ luôn. Mãi sau này mới biết là đêm hôm đó Trung Quốc chuyển quân áp sát biên giới. Tiếng ầm ì đó là tiếng đoàn xe pháo của chúng di chuyển. Chỉ tiếc là ta bị bất ngờ”. Chú Mẫm cúi đầu suy tư: “Chủ quan sẽ dẫn tới bất ngờ. Nếu đêm hôm đó mày báo ngay với chỉ huy thì có lẽ ta đã không bị động? – Chú Mẫm chợt vươn người lên như cho đỡ mỏi lưng – Sai lầm. Đó là một sai lầm của chúng ta. Tao nghe nói do ta chủ quan cho rằng Trung Quốc chỉ đánh lẻ tẻ chứ không đánh lớn. Hơn nữa công tác điều tra nắm tình hình địch lại quá yếu, quá khinh suất”. Tôi cười, miệng mếu mếu: “Nó bất ngờ bắn pháo dữ dội rồi đồng loạt tiến công vào trận địa ta. Lính ta hy sinh nhiều, có thằng vẫn còn đang ngủ. Có thằng vẫn còn là binh nhì”.

Chú Mẫm buồn hẳn mặt khi nghe tôi nói đến chuyện lính ta hy sinh. Hai bàn tay chú nắm chặt vào nhau. Ánh mắt của chú nhìn xa xăm vào ánh trăng bàng bạc ngoài sân. Lâu sau chú mới nói, giọng nhỏ lại: “Tao cũng có lỗi”. Tôi giật mình: “Chú đâu có lỗi”. Chú Mẫm vẫn nhìn xa xăm vào ánh trăng soi vàng những chiếc lá mít: “Khi những thằng trai trẻ như chúng mày nhập ngũ tao chỉ biết hô hào động viên và mong chúng mày phấn đấu tiến bộ chứ quên mất một điều rằng: Chiến tranh gì gì thì thiệt thòi cũng đều thuộc về những thằng lính”. Chú Mẫm chợt quay lại nói với tôi và nói với thằng Tuyên đen: “Tao với chúng mày đều là những thằng nông dân đi bộ đội. Tinh thần thì có đấy nhưng kiến thức thì hạng bét. Thời buổi bây giờ nếu đánh nhau chỉ bằng tinh thần thôi thì không xong. Phải có kiến thức” rồi chú im lặng hồi lâu, chú trầm ngâm: “Đừng bao giờ quên những thằng đã chết đấy”.

Trước mắt tôi, dưới ánh trăng bàng bạc đang hiện ra hình ảnh “chú Mẫm xã đội” người cao to, nước da đen như cột nhà cháy, đầu đội mũ lá, mặc quần áo bộ đội cũ, chân đi dép cao su. Chú vừa dong xe vừa quàng chân nhảy lên chiếc xe đạp Sterling nam đã cũ hối hả đạp đi.

Nguồn Văn nghệ số 33/2022


Có thể bạn quan tâm