April 25, 2024, 11:52 pm

Trắng đêm thức cùng đêm trăng

 

Tôi chỉ làm thi sỹ/ Của riêng mình em thôi là tiếng lòng mê đắm đầy mộng mơ, cũng là sự giãi bày chân thật của một trái tim thăm thẳm nỗi người, nỗi đời luôn ấm áp mà Xuân Dương gửi đến chúng ta, mong chúng ta cùng đồng cảm, sẻ chia… Bằng vào hai câu thơ này đủ biết anh là người khôn khéo trong ứng xử, rất tinh tế và cũng đầy  ý nhị. Sức gợi của những câu thơ như: Bồng bềnh trăng lên…. Trăng lên/ Dừng chèo cho trăng khỏi ướt/ Giữa đôi vòng tay ngút ngát/ Bồng bềnh trăng lên …. Trăng lên cho chúng ta nhiều liên tưởng trong dẫn dụ đi theo mê đắm của cái đẹp và vẻ đẹp.

Trắng đêm thức với Đêm trắng của Xuân Dương, tôi đã đi từ Chốn cũ cùng anh ngược tìm Phố Hiến trong hoài niệm, đúng như nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định: “Đọc Xuân Dương, tôi  có sáng kiến lùi cảm xúc lòng mình một hai nấc thời gian để cùng đồng điệu”… Và sự đồng điệu ấy khiến tôi thức trắng đêm,, thức cùng những hồi ức, những ước muốn mang đầy ý thức trách nhiệm công dân của Xuân Dương. Gặp ở đây một tấm lòng: Tôi muốn làm gốc nhãn vườn quê/  Làm mái lá che căn nhà của mẹ.

Viết về mẹ, về những người thân yêu ruột thịt, anh có nhiều câu thơ cảm động, cảm động ở sự chân thật, cảm động vì những nỗi niềm: Tháng bảy về vườn cúc đã đơm bông/ Xưa tay mẹ thường hái về cúng bố/ Mẹ vẫn nhắc sau này con phải nhớ/ Cúc mẹ trồng con hái để thờ cha. Là người con hiếu thảo, sống chi chút với đời nên khi viết về mẹ, về cha, anh như được giãi bày đúng tâm trạng mình, đúng với con người anh nhất, vì thế mà người đọc cảm động. Ai không rưng rưng khi đọc những câu thơ như cứa vào gan ruột này của anh: Tháng bảy về!/ Con nhớ mẹ, mẹ ơi!/ Bông hồng trắng con lặng cài trước ngực/ Bao tháng năm mẹ nuôi con cơ cực/ Nay cuộc sống khá rồi/ Sao mẹ lại đi xa!

Đêm trắng nhớ em cũng thật nỗi niềm: Đêm trắng/ Bởi chất chồng nỗi nhớ/ Không tên/ Đêm trắng/ Bởi lòng ta/ Chỉ một lúc xa em/ Đã thấy lòng mình quạnh vắng.

Câu thơ chân mộc, giản dị mà mang đầy  tâm trạng như có cả nước mắt và bao nỗi chông chênh. Duyên và Nợ cũng một tâm trạng ấy nhưng sao nghe khắc khoải về một thủa: 30 năm rồi mình để lạc mất nhau/ Giờ gặp lại hai mái đầu đã bạc/ Ngồi ôn lại chuyện xưa/ Những đứa cháu bi bô hỏi bà vì sao lại khóc?/ Còn những đứa con mình im lặng suy tư

Như câu thơ còn lại với thời gian, con người đầy va đập và trải nghiệm Xuân Dương trong những dấn thân, những  quả quyết, luôn sẵn sàng đánh đổi, để mà gắn mối duyên xưa cho lỡ dở lại lành nguyên: Ta không đắn đo/ Những gì của riêng ta/ Để được có nhau/ Ta sẵn sàng đánh đổi

Tin là đến với thơ Xuân Dương cũng luôn sẵn lòng như thế, bởi đọc anh, dù là lần đầu, mới một tập thơ đầu tay nhưng tôi đã thấy rõ một hướng đi, một cách tìm tòi, một đích đến: Biết xuân khi đã còn không/ Nay ta nội ngoại thành ông bà rồi/ Xuân thì cứ mãi xanh tươi/ Còn ta nhuộm  tóc chẳng vơi tuổi già/ Riêng lòng ta vẫn là ta/ Áng thơ xuân mãi đậm đà sắc xuân/ Bởi còn duyên nợ cõi trần/ Trăm năm nữa? Hỏi trả dần có xong!/ Ngày xuân riêng chén rượu nồng/ Ta cùng thơ với xuân hồng lại say!

Nghĩ về việc đời, việc đạo sâu sắc và trở trăn như thế, chỉ có thể là ở người rất có trách nhiệm với bản thân và gia đình, với quê hương, xứ sở. Với Xuân Dương, đọc anh, tôi luôn bắt gặp chân chất một hồn quê. Thơ anh gắn với Hưng Yên, Phố Hiến, sâu nặng nghĩa tình với nguồn cội đời người. Tạng anh thấm thía ở hoài niệm; bảng lảng trong trăng mờ, sương mỏng; mộng mơ trong đợi chờ, phiêu dạt. Neo trụ lại là một tấm lòng, một hồn quê thấm đẫm mang vẻ đẹp của những hoài niệm: Vì yêu, biển lòng mặn chát/ Tại nhớ, biển đời phong ba

Giằng xé mà vẫn bình yên bởi anh như là bến đỗ, chí ít là trong những nguyên vẹn này: Xin để nguyên trong anh/ Nụ hôn đầu/ Tóc vương mùi hương bưởi/ Áo gụ nền chân quê

Vạt thơ khác là vạt thơ nào, thức cùng Xuân Dương trong đêm trắng qua vạt nhãn, vạt phố, vạt biển; qua cả những miền lãng du nữa, vạt nào cũng thắm đượm tình quê, nghĩa bạn bè; để rồi lại rưng rưng thấm thía khi viết về mẹ: Mẹ là máu thịt đời con/ Là nơi sưởi ấm sớm hôm đi về/ Mẹ là bếp lửa hồn quê/ Là nơi con nấp khi nghe sấm rền/ Mẹ là câu hát bình yên/ Sau ngày lặn lội ngả nghiêng cánh cò/ Mẹ ơi biết đến bao giờ/ Cho lòng mẹ vợi nỗi lo trong đời/ Trong đêm vọng tiếng ru hời/ Con mong lại được ngậm lời mẹ ru

Cảm hứng chủ đạo trong thơ Xuân Dương là mảnh đất đã sinh thành, quê hương Hưng Yên giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Căn cước thơ anh là ở đây. Dường như chỉ khi viết về quê hương, viết về những người thương yêu ruột thịt, anh mới có được những câu, những bài thơ lay lòng, dễ nhớ như là thuận miệng mà nói ra vậy. Dù ở cung bậc tình cảm nào, viết về miền quê, vùng đất anh thuộc nhất hay những bến bờ, những nẻo trời xa lạ thì Xuân Dương vẫn luôn là anh trong những hồi ức buồn và đẹp. Thơ anh như được viết từ ký ức, từ những hoài niệm. Giọng thơ nhỏ nhẹ như lời tâm tình thủ thỉ, như tiếng chim gọi bầy…

Dù mới chỉ biết Xuân Dương qua thơ, nhưng tôi đọc được từ anh sự ấm áp: “Từ yêu thơ lại hiểu thêm/ Yêu trăng trời để yêu thêm trăng vàng. Thơ cũng như trăng trong bóng nước. Những người làm thơ cũng như con cá ấy phải, suốt đời tìm.  Và hình như Xuân Dương đã tìm thấy: Sầm Sơn chiều sóng vỗ/ Ồn ào lăn trên môi/ Chợt hiểu từ nơi biển/ Thua em vị mặn mòi.

Nghe thương như những lúc trở về chốn cũ: Lá thông trùm lối cũ/ Rêu phong loang tháp chùa/ Tiếng chuông buông trầm tĩnh/ Lan sang đường Thanh Hư. Và cũng buồn như khi ở nơi đất khách: Nguyên Tiêu ở đất quê người/ Có trăng, có rượu sao tôi vẫn buồn/ Giá trăng đừng khuyết cứ tròn/ Để đời khỏi chịu nỗi buồn khi xa!

Tâm trạng này còn gặp rất nhiều trong Đêm Trắng của Xuân Dương. Hình như anh cũng là người lưỡng cư trong những lúc cần rạch ròi, đi hay ở, dừng lại hay tiếp tục dấn thân. Có lẽ vì thế mà ở tập thơ đầu tay này còn rất nhiều khoảng trống của nghĩ ngợi, của trăn trở; cái cần ở đây là một tiếng gà báo sáng. Đều đều một nhịp thở là cần thiết, rất cần thiết nhưng chỉ có sự  “loạn nhịp” của trái tim mới làm nên những thảng thốt, bất ngờ. Mong sao ở những tập thơ sau, Xuân Dương can dự hơn về nỗi đời, nỗi người, về thời thế và nhân thế đã và đang làm chúng ta phải thao thức trắng đêm.

Nguồn Văn nghệ số 3/2019


Có thể bạn quan tâm