March 29, 2024, 9:22 pm

Trần Vũ Mai - quyết liệt và mạnh mẽ

 

Hằng năm, cứ đến ngày 19 tháng Giêng, ngày nhà thơ Trần Vũ Mai qua đời, là nhóm bạn bè chúng tôi lại nhớ đến anh, một nhà thơ, một người bạn, một hồn thơ quyết liệt và lặng lẽ đến kỳ lạ.

Vào chiến trường miền Nam từ tháng 4 năm 1971, đã từng “nằm vùng” rất lâu ở cực Nam Trung Bộ, nơi chiến trường nổi tiếng là “đói và chết chóc”, hồi đó gọi là T6 mà anh em chúng tôi vẫn đùa là “ 6 tấm”, nó là cái gì thì ai cũng biết rồi. Trần Vũ Mai đã tham gia nhiều chiến dịch, trải qua nhiều trận đánh cùng với bộ đội và du kích, đã chất chứa trong lòng mình, trong ký ức mình bao nhiêu là số phận những con người trong chiến tranh mà anh mong sẽ có ngày mình viết lại được. Không để làm gì, chỉ để trả ơn trả nghĩa với đồng đội, đồng bào đã bảo bọc mình những tháng năm gian khổ và cay đắng.

Hòa bình, là dịp may cho những người có tài năng văn học đã sống sót qua chiến tranh như Trần Vũ Mai. Anh háo hức, ngược xuôi, đi và viết, đi và nghĩ, đi và yêu. Nhưng vốn là một chàng trai vừa bản lĩnh, mạnh mẽ nhưng lại vừa đầy những thương cảm, yếu đuối, Trần Vũ Mai đã chọn Trần Mai Ninh và Hemingway làm thần tượng - hai nhà thơ nhà văn cũng đầy những phức cảm giống như anh.

Là một người từng trải nhưng có tâm hồn ngây thơ và thánh thiện của một đứa trẻ, Trần Vũ Mai đã tin yêu là hết mình. Nhưng khi thất vọng thì cũng thật khó gỡ. Anh đã thất vọng vì mọi điều không tốt đẹp như anh nghĩ, như anh tin, như anh kỳ vọng. Sau chiến tranh, rất nhiều cái xấu, nhiều người không tốt đã xuất hiện, và họ đã nhiều lần khiến Trần Vũ Mai phải thảng thốt kêu lên: “Ơ, sao lại thế này?” Thì nó là thế, biết làm sao!   

Bây giờ, không phải nhiều người biết đến Trần Vũ Mai và thơ anh, mặc dù theo tôi, anh là một trong những nhà thơ tài năng và bản lĩnh vượt trội của thế hệ thơ chống Mỹ. Cơ sự cho cái thiếu “duyên nổi tiếng” này là ở chỗ Trần Vũ Mai lúc sinh thời không bao giờ thèm “PR” cho thơ mình. Anh cố ý tránh xa những nơi có thể đọc thơ hay quảng bá thơ, nhất là thơ của anh. Công tác ở Nhà Xuất bản Tác Phẩm Mới (tức Nxb Hội Nhà Văn sau này) nhưng Trần Vũ Mai không hề “nhân dịp” đó để công bố bất cứ tập thơ nào của mình ở Nhà xuất bản “nhà” này. Và hình như anh cũng hơi thờ ơ với sự công bố tác phẩm của mình ở những nơi khác. Mai làm việc quá nghiêm cẩn, anh trăn trở với từng con chữ, nhưng hình như anh chỉ làm thơ cho… mình đọc là chính, như kiểu anh ghi nhật ký. Trong số những nhà văn trẻ hồi ấy đi chiến trường, thì Trần Vũ Mai là người chăm ghi nhật ký nhất. Nhiều đoạn nhật ký của anh được công bố sau khi anh mất (Mai mất năm 1991) mang tính văn học rất cao, vì được anh viết rất kỹ.

Trường ca Ở làng Phước Hậu của anh được thai nghén và viết từ một ngôi làng ở Phú Yên. Lúc đầu nó có tên là Cảm giác lạc quan, nhưng về sau nhà văn Nguyễn Chí Trung, người thủ trưởng đầy quả cảm trong chiến đấu mà Mai rất quí trọng, đã gợi ý anh nên đổi tên là Ở làng Phước Hậu cho nó… dễ hiểu. Có lẽ ông Trung thấy cái tên Cảm giác lạc quan này tuy hay và lạ nhưng hơi… ngài ngại thế nào ấy (?). Thôi thì lấy tên Ở làng Phước Hậu có vẻ “người thật việc thật” cho nó... lành. Tôi nghĩ, chính cú “thay tên đổi họ” ấy đã khiến trường ca này, một trong những trường ca rất hay về cuộc chiến tranh chống Mỹ, có một số phận hơi khuất lấp. Đó là điều rất đáng tiếc.

Có thể giải mã cái tên ban đầu Cảm giác lạc quan của trường ca này, khi cái lạc quan ngay sau giải phóng mới chỉ là “cảm giác”. Điều đó hoàn toàn đúng, và là một người từng ở chiến trường Nam Bộ ngót 5 năm, tôi chứng thực điều ấy.  Khi lạc quan mới chỉ là cảm giác, thì từ lạc quan tới bi quan lại là một khoảng ngắn. Ai đã từng đi kháng chiến, đã từng sống sau chiến tranh ở Việt Nam đều thấu hiểu điều này… Nhưng có lẽ Trần Vũ Mai cố gắng để không tin như vậy. Nhưng rồi thực tế đã buộc anh nghĩ khác. Anh chọn cho mình sự “giải thoát tạm thời” bằng cách… uống rượu, và chọn giải pháp căn cơ hơn là ghi nhật ký. Và viết những bài thơ, viết cả một trường ca mới Nàng chim Lạc mà anh cất trong ngăn kéo để chơi.

Tôi ít thấy một nhà thơ nào mà coi danh vọng “không là cái đinh gì” như Trần Vũ Mai. Nhớ ngày mới giải phóng, giữa Sài Gòn tôi gặp lại Trần Vũ Mai khi anh theo quân đoàn 2 đánh vào Sài Gòn. Mai đi xe jeep, rủ tôi vào nhà hàng Thanh Thế uống rượu tây. Trông anh giống hệt Hemingway khi ông chiến đấu ở Tây Ban Nha trong nội chiến. Mà đúng là trong đời, Mai chỉ thần tượng có hai người: một là Trần Mai Ninh, và hai là Hemingway. Đều là hai nhà thơ nhà văn ưa mạo hiểm và sống lãng tử. Trần Vũ Mai cũng vậy. Anh đã mạo hiểm trong chiến tranh. Và mạo hiểm cả trong hòa bình. Ngay cái chết của anh cũng mơ hồ và bí ẩn như cái chết của Trần Mai Ninh và Hemingway. Dù là chết trong hòa bình.

Trần Vũ Mai có hai bài thơ viết trước và sau khi đã ở chiến trường gây được ấn tượng rất mạnh đối với tôi và nhiều anh chị em làm thơ khác cùng thế hệ, đó là bài thơ Thành phố nghiêng mình viết ở Nha Trang tháng 4 năm 1975, và bài thơ Thảm cỏ bờ sông Hồng viết đầu năm 1971 trước khi rời Hà Nội vào chiến trường Cực Nam Trung Bộ. Rồi tôi đọc và tìm thêm một bài thơ nữa mà tôi rất thích, vì nó bộc lộ được những yêu thương, dằn xé và đau buồn của Trần Vũ Mai, đó là bài thơ Tự khúc viết tháng 9 năm 1978.

Bây giờ, đọc lại bài thơ Thảm cỏ bờ sông Hồng, bài thơ Trần Vũ Mai viết đầu năm 1971, trước khi rời Hà Nội vào chiến trường khu Năm cùng anh chị em trong lớp viết văn trẻ đặc biệt của Hội nhà văn Việt Nam, bài thơ vừa dịu dàng vừa mãnh liệt, vừa hồn nhiên vừa kiêu hãnh, tôi lại càng tiếc cho một tài năng thơ đã sớm bị cắt ngang mạch sáng tạo. Vào một lúc tĩnh tâm nào đó, có lẽ chúng ta nên đọc lại bài thơ này để có cảm nhận sâu hơn về một thế hệ đã dấn thân vào chiến trường những tháng năm ác liệt nhất.

 

THẢM CỎ BỜ SÔNG HỒNG

 

Buổi sớm

gương mặt em như xa vắng

anh đi những phố hè tìm mọi mảnh đường quen

lổ đổ tinh mơ rêu phủ

đường cong xa vời

gạch lửa phơi đỏ thắm

Đã từng mưa ở đây

Nắng đã từng trắng

mảnh tường tươi này

anh thuộc lòng dấu cũ em qua

Bữa ấy chúng mình đi trong đêm lửa đạn sông Hồng

mưa lũ

tay em lạnh mà không run sợ

anh nghĩ ngày mai còn trời đạn ấy

mặt anh thì xạm cháy

nhưng ngày mai ơi

chớ vắng bàn tay em

trên đôi vai người lính của ta cứng cỏi từ năm vào cuộc

ngày mai ơi

Hà Nội không phai

suốt một ngày bầu trời thăm thẳm

nhớ riêng em

tôi nhớ những gì tôi chưa có được

thảm cỏ bờ sông Hồng non tơ

màu cẩm thạch nghiêng chào giã biệt

nếu ta có lỗi với em

cũng vì ta muốn mình không có lỗi

trước mặt em còn được tươi cười

giọng vang và trẻ mãi

bao giờ ta cũng chỉ là ta thôi

Cùng với những gì ta mến yêu sầu tư mộng tưởng

thảm cỏ bờ sông Hồng phủ bọc trái tim

nơi sâu kín ấy cũng đã bị đạn bom chạm tới

những tròng mắt đảo điên để ý đến ta rồi

đừng buồn em nhé, bây giờ

hồi em buồn nhớ

anh còn buồn hơn

Em

nhỏ bé mà trắng tinh

trước mặt thảm cỏ dòng sông

cầm tay một bông đại đóa

em ạ, chớ buồn

anh vào cực Nam đây.

(Hà Nội, 3/1971)

 

Nhưng một bài thơ có thể coi là “Tuyên ngôn Thơ” của riêng Trần Vũ Mai, được anh viết ngay sau ngày kết thúc chiến tranh, bài thơ Thành phố nghiêng mình viết về Nha Trang, có gắn với Tuy Hòa, nơi Trần Vũ Mai từng nằm hầm bí mật những năm tháng chiến tranh, lại cho tôi một ấn tượng choáng ngợp khi lần đầu tôi được đọc bài thơ này in trên tờ Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (cái tên tôi nhớ không rõ lắm) vào tháng 6 năm 1975 ở Đà Nẵng. Đây là bài thơ đầy yêu thương của nhà thơ Trần Vũ Mai và đầy chất thép của người lính Việt Cộng Trần Vũ Mai. Đúng như Xuân Diệu viết “Yêu và căm hai đợt sóng ào ào”, bài thơ của Trần Vũ Mai khởi đi một mạch, như tác giả đã viết nó trong cơn xuất thần, chất chứa bao điều muốn nói. Tôi nghĩ, thành phố Nha Trang, dù bây giờ có đổi khác thế nào, thì vẫn là thành phố dưới chính thể này, và nên coi bài thơ Thành phố nghiêng mình của Trần Vũ Mai như một bảo vật văn hóa của thành phố mình. Không phải thành phố nào ở Việt Nam cũng có được một bài thơ như thế đâu.

 

THÀNH PHỐ NGHIÊNG MÌNH

 

Đến năm ấy chúng xây thành dựng lên cửa sắt

Khai trương một thời xích xiềng roi vọt

Ôi, Nha Trang, người bỗng hóa ngục tù

 

Lúc bấy giờ

Nha Trang

Những mẹ già dắt tôi qua đường tối

Có những trái mìn quân thù giấu lại

Bay khát thèm máu của ta chăng!

 

Lúc bấy giờ gió cũng lặng yên

Thời gian khó, giấc mơ tôi kỳ diệu

Làm sao cho một sáng đứng lên

Để ánh ngày soi tỏ mặt tỏ tên

Những mẹ già dắt tôi qua đường tối

Hết đêm này đêm nọ chẳng hề ngơi

Lúc bấy giờ

Tôi vẫn sống, em vừa ngã xuống

Máu em thấm nơi cửa hầm đỏ đất

Tôi nhìn trời có nghĩa gì đâu

Đôi cuộn mây hồng hay ánh trăng sao

Em thường nói, rồi chúng mình trẻ mãi

Tôi cầm khẩu súng em, lắng nghe lần cuối

Đêm vượt đường chim dậy hót cho em

 

Rồi tôi đi qua mấy cánh rừng

Vượt mấy dòng sông trải nhiều trận đánh

Lòng nông nổi nhớ em như biển

Như thiếu muối và thương nhớ biển

Trong trái tim mình lấp lánh cả đời em

 

Tôi qua mấy chục cánh rừng

Có đêm chợp ngủ bên dòng Đak Suk

Súng để gối đầu chân thì gối dép

Nghe ngọn gió nào cũng như gió Nha Trang

Từ Buôn Mê Thuột gợi lòng

Cứ nhìn về phía biển

Biết nói gì, biết nói làm sao!

Ở Tuy Hòa khi tiếng hát ngân cao

Hát ca ngợi tháng ngày vĩ đại

Quân đoàn đi như sóng cuộn trên đường

Vượt núi non, qua những cánh đồng

Qua những sân nhà, những ngọn cờ Tổ quốc

Ôi, ngày hôm nay chúng ta có được

Cả đoàn quân rực rỡ ánh ban mai

Như bờ biển sóng vun như những luống cày

Tôi ngoảnh lại

Tuy Hòa rung mềm mại

Tuy Hòa vui trong gió thổi

Lúc bấy giờ

Lúc ấy

Hỡi Nha Trang!

 

Lúc bấy giờ

Nha Trang

Nha Trang ngục tù hóa thành chợ búa

Chợ cháy ra tro, chúng ngả nghiêng cười

Thằng đại tá một đêm tháo thạy

Trong nhà tắm mảnh cờ vàng chết đói

Súng và hoa cả xác chết ngoài sông

Những con tàu đổ người xuống biển

Ngày giam trong khóa xích

Đàn chó hoang rên rỉ cuối đường

 

Lúc bấy giờ

Nha Trang

Những người phá thành phá vây đã tới

Nha Trang nghiêng mình

Manh áo Mỹ bạc màu rơi xuống biển

Những em gái cầm chổi ra đường

Hốt rác đầu mũ lính

Thành phố hiện ra cùng ánh cờ sao

Tưởng như thế cuộc đời vô tận mãi

Bao hạnh phúc nở ra nhiều hoa trái

Vâng, cho dù như thế các anh ơi

Nếu kẻ thù đã chết

Thì tội ác bay vẫn còn ở Nha Trang

Ghi trên nét mặt, khắc giữa lòng đường

Đây lời nhắn đã thấm vào ngọn lửa

Của người hy sinh những trận phá thành

 

Hạnh phúc sẽ kéo dài vô tận

Là cây lá dần xanh trở lại

Là những tường nhà Nha Trang không còn dấu đạn xuyên

Là đất đai, biển cả, khoảng không

(trừ đi những phần kia còn chất độc)

Là vẻ đẹp người hôm nay ca hát

Là đồng hoang trở lại những mùa vui

Chiều buông xuống chan hòa trời biển

Là đứa con tôi mai mốt ra đời

 

Từ lâu lắm

Nếu kẻ thù đã chết

Thì tội ác bay vẫn còn ở Nha Trang

 

Tôi tìm mẹ tôi trên mỗi đoạn đường

Mìn xếp đống góc sân nhà mẹ

Ồ, ánh ngày sao mà sáng thế

Mẹ già ơi, con muốn khóc, lòng con

Lòng con chẳng biết nói sao nữa, mẹ

Khi mẹ kể cùng con và thành phố nghiêng mình

(Nha Trang tháng 4/1975)

 

Và bài thơ thứ ba, bài Tự khúc viết ở Hà Nội năm 1978, khi Trần Vũ Mai đã buồn nhiều hơn vui. Khi anh đã, như người Mỹ sau chiến tranh thường nói, mắc vào “hội chứng thời hậu chiến”. Tôi không biết những người lính Mỹ mắc phải hội chứng này ra sao, nhưng với thi sĩ Việt Nam và người lính Việt Cộng Trần Vũ Mai, thì đây là một hội chứng khốc liệt. Chúng ta đọc bài thơ Tự khúc và tự cảm nhận điều đó. Bài thơ này Trần Vũ Mai viết cho riêng mình, nhưng đã nói được rất nhiều cho những người lính cũ, người kháng chiến cũ chúng tôi. Không nguôi yêu thương, nhưng không thể dứt đau buồn. Và đúng như một câu trong bài thơ, nhiều lúc như rơi vào “vô vọng”.

 

TỰ KHÚC

 

Lúc bình minh mà vắng cả sắc màu

anh nằm xuống nhìn lên kia vô vọng

anh đã hét trong phòng im cửa đóng

lúc thương người lại giận chính mình thôi

đêm lúc lặng thinh nghe vắng vẻ cuối trời

ai chẳng đến với anh như thế cả

chắc vì em nên gió chiều rực rỡ

nửa khuya rồi mưa lạnh thấm hai ta

 

đường vẫn cũ xưa trời thẳm vẫn cao xa

có chăng mới là giọng em hát đó

có chăng mới tiếng cười em nho nhỏ

vỡ tan dần trong thầm lắng lòng anh

ôi chim xa của đôi cánh ân tình

của tiếng hót làm vui làm đau đớn

của tĩnh mịch ngẩng trông lên cao thẳm

của tình yêu trời đất đã ban cho

sóng biển vừa gieo hai ta lên bờ

không tất cả có lẽ phải thế

không thể khác chắc sẽ là phải thế

mang nỗi sầu tha thiết nhớ em yêu

(9/1978)

Nguồn Văn nghệ số 31/2019


Có thể bạn quan tâm