April 26, 2024, 5:13 am

Trăn trở suy tư, đồng hành với thực trạng sinh thái

 

Suy tư về sinh thái ra đời ngay từ thời điểm con người có ý thức về môi trường thiên nhiên. Khi môi trường sinh thái (MTST) gặp khủng hoảng, văn học sinh thái vươn lên nhanh chóng trở thành một dòng văn học thu hút sự chú ý của độc giả và đánh thức cảm hứng sáng tạo của giới cầm bút về một vấn đề nhức nhối của thời đại, tạo nên sự cộng hưởng chung trong văn học toàn thế giới.

Tư tưởng sinh thái là tư tưởng nhân văn

Nếu mở rộng đặc trưng văn học sinh thái là thái độ tôn trọng vai trò của MTST, ước vọng con người sống hài hòa với thiên nhiên thay vì chỉ nặng phê phán can thiệp của con người vào tự nhiên; rõ ràng, từ thời cổ đại đã xuất hiện những yếu tố sơ khai của tư tưởng sinh thái. Nhiều nhà phê bình sinh thái cho rằng trong thần thoại chủ yếu là tư tưởng chinh phục tự nhiên nhưng có không ít thần thoại truyền đạt thông điệp con người và vạn vật tự nhiên quan hệ mật thiết với nhau. Câu chuyện về vị thần Antaeus và đất mẹ trong thần thoại Hy Lạp thể hiện rất rõ sự lệ thuộc của con người vào tự nhiên, thể hiện sự gắn kết giữa con người và tự nhiên. Trong thần thoại thổ dân châu Mỹ, con người được tạo ra từ máu thịt của đất mẹ, con người và vạn vật cùng nguồn gốc và bình đẳng. Ngay trong “Kinh Thánh”, có không ít tư tưởng sinh thái, như: Coi trọng cân bằng sinh thái, bảo vệ động vật; và đặc biệt là tư tưởng “Thượng đế tồn tại trong thế giới và thế giới tồn tại trong Thượng đế”.

Ở phương Tây, suốt từ thời cổ đại đến cuối thế kỷ 18 có thể coi là thời kỳ văn học sinh thái phát triển chậm. Tuy nhiên, trong đó vẫn lấp lánh những điểm sáng, như tác phẩm “Biến thể” của nhà thơ La Mã Ovidius  cách đấy 2.000 năm đã miêu tả bạo lực của con người với trái đất: “Trái đất giàu có bị nhân loại đòi lấy một cách vô hạn/ Họ đào bới chỗ hiểm trên cơ thể trái đất”. Nhà thơ John Milton (1608-1674) trong “Thiên đường đã mất” (năm 1667) đã phê phán những người khai thác tài nguyên trái đất một cách tham lam, phân tích căn nguyên sâu xa dẫn đến sự tham lam đó, đồng thời cảnh báo: “Con người nên biết rằng nơi họ sống không phải thuộc về bản thân họ”. Nhà văn, triết gia Pháp Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) là nhà tư tưởng sinh thái vĩ đại. Tư tưởng của ông ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả nhà văn, nhà tư tưởng sinh thái sau này. Ông phê phán việc chinh phục, khống chế tự nhiên; phê phán dục vọng của con người; phê phán văn minh công nghiệp và khoa học kỹ thuật có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sinh thái. Ông đưa ra quan niệm chính nghĩa sinh thái, quan niệm về cuộc sống giản đơn, quan niệm trở về với tự nhiên.

Từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, ngày càng nhiều tác phẩm giá trị và sâu sắc mang ý thức sinh thái ra đời. Nhà văn Đức Alfred Doeblin (1878-1957) trong tác phẩm “Một bông bồ công anh bị hại” (năm 1910) đã miêu tả sự báo thù của vạn vật tự nhiên đối với nhân loại. Trước sự tàn phá của con người, toàn bộ sinh mệnh trong rừng sâu đã bắt đầu đấu tranh, chúng muốn con người phải trả lại quyền sinh tồn. Triết gia, nhà văn Mỹ Aldo Leopold (1887-1948) là nhà tư tưởng, nhà văn sinh thái quan trọng giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. “Niên giám xứ cát” xuất bản sau khi tác giả qua đời , năm 1949)của ông là một tác phẩm chứa đựng tư tưởng về luân lý học trái đất, khai sơn phá thạch cho tư tưởng chỉnh thể sinh thái. Ông phê phán quan điểm phát triển coi kinh tế là số một, vật chất là tối cao.

Về cơ bản, văn học sinh thái phát triển tỷ lệ thuận với mức độ con người can thiệp vào tự nhiên. Nhìn lại lịch sử văn chương trước khi vấn đề MTST trở thành vấn đề toàn cầu, có thể thấy tư tưởng sinh thái đã xác lập ý nghĩa nhân văn. Đó là sản phẩm kết tinh từ suy tư của nhà văn, nhà tư tưởng về MTST, đánh động nhận thức, lương tri để con người điều chỉnh hành vi, sống nhân văn với tự nhiên.

Xác lập giá trị tư tưởng, nghệ thuật vững chắc

Từ nửa sau thế kỷ 20 đến nay, văn học sinh thái có sự phát triển chưa từng có. Xét về số lượng, chất lượng tác phẩm, cũng như sức hút trên phạm vi toàn cầu đều vượt trội so với các thời kỳ trước.

Thời kỳ cực thịnh của văn học sinh thái được xác lập từ tác phẩm “Mùa xuân vắng lặng” ( năm 1962) của nữ văn sĩ Mỹ Rachel Carson (1907-1964). Chính tác phẩm này đã thay đổi nhận thức của rất nhiều người, thúc đẩy tư tưởng sinh thái thâm nhập vào nhân tâm, góp phần phát triển ý thức sinh thái và phong trào bảo vệ môi trường trên phạm vi rộng lớn. Tác phẩm này cũng khai mở một thời đại mà đông đảo các nhà văn tự giác sáng tạo văn học sinh thái. “Mùa xuân vắng lặng” sử dụng lượng lớn chứng cứ khoa học, các câu chuyện có thật để phơi bày sự phá hoại MTST và tổn hại đến sức khỏe con người của các loại thuốc bảo vệ thực vật, kịch liệt đả kích cách sống, mô hình phát triển và quan niệm giá trị dựa vào khoa học kỹ thuật chinh phục, thống trị tự nhiên. Cuốn sách này khi vừa xuất hiện đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi rộng khắp. Bên cực lực phản đối là các công ty hóa chất, công ty thực phẩm, các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ, các cơ quan nghiên cứu khoa học, truyền thông có quan hệ lợi ích với các tập đoàn. Tuyệt đại đa số các nhà khoa học, đông đảo quần chúng, phần lớn các đơn vị truyền thông ra sức ủng hộ và tán dương. Thực ra, Rachel Carson không hoàn toàn phủ nhận khoa học kỹ thuật, bà chỉ đề nghị mọi người khi sử dụng khoa học kỹ thuật thì phải chú ý đến “tác dụng phụ”, đặc biệt là sự nguy hại đối với MTST và sức khỏe con người.

Văn đàn Pháp cũng xuất hiện không ít nhà văn quan tâm đến vấn đề sinh thái. Nhà văn Pháp Jean-Marie Gustave Le Clézio (Giải Nobel Văn học 2008) có lối viết, tư tưởng độc đáo. Ông phản ứng với thế giới điện tử hóa, văn minh vật chất, văn minh đô thị, hướng tới tự nhiên thông qua các tác phẩm: “Biên bản”, “Những người khổng lồ”, “Lữ hành ở một bên khác”, “Sa mạc”… Bắt đầu từ thập niên 1980, văn học sinh thái Đức xuất hiện cao trào chưa từng thấy, phê phán văn minh hậu công nghiệp phương Tây, thương tiếc cho tình trạng tự nhiên bị phá hủy và ô nhiễm nghiêm trọng, phơi bày và cảnh báo tai họa do khoa học kỹ thuật và sản xuất công nghiệp không chú ý đến bảo vệ MTST. Chủ nhân Giải Nobel Văn học 1999 Gunter Grass xuất bản tiểu thuyết giả tưởng “Chuột cái” (năm 1986) miêu tả cảnh tượng con người triệt để hủy diệt văn minh do mình tạo nên. Ngay từ thập niên 1960, văn học sinh thái Liên Xô đã xuất hiện nhiều tác phẩm sinh thái có ảnh hưởng sâu rộng của các nhà văn như Chinghiz Aitmatov (1928-2008). Tác phẩm “Đoạn đầu đài” (năm 1986) đã miêu tả vận mệnh bi thảm của loài sói trước sự săn đuổi của con người. Ở Trung Quốc gần đây cũng dấy lên phong trào quan tâm đến vấn đề sinh thái với các tác phẩm nổi tiếng vượt ra ngoài biên giới, như: “Tô tem sói” của Khương Nhung, “Chó ngao Tây Tạng” của Vương Chí Quân, “Vườn số 711” của Diêm Liên Khoa…

Điểm qua thành tựu văn chương sinh thái của một số cường quốc văn học, có thể thấy văn học sinh thái đã xác lập được giá trị nghệ thuật, tư tưởng vững chắc, trở thành một dòng văn học được độc giả đón đợi, hưởng ứng. Đặc điểm chung là văn học sinh thái tập trung thể hiện tinh thần phê phán sự chinh phục, thống trị tự nhiên đã làm hại không chỉ thiên nhiên mà đã làm giảm sút thiên tính tốt đẹp của chính con người. Tác phẩm văn học sinh thái đề cao trách nhiệm bảo vệ tự nhiên, cổ vũ giản đơn hóa cuộc sống vật chất; thể hiện quan niệm về chỉnh thể sinh thái, trong đó tất cả sinh vật có liên hệ mật thiết với nhau, cần nhìn nhận con người và vạn vật từ lợi ích chỉnh thể sinh thái; từ đó kêu gọi con người trở về với tự nhiên, hòa nhập và cảm ngộ tự nhiên.

Những bước đi đầu tiên của văn học sinh thái Việt Nam

Một trong những đặc điểm của văn học trung đại Việt Nam tương đồng với văn học khu vực, đó là “lấy con người làm trung tâm”, thiên nhiên chỉ mang tính chất phụ họa, làm bối cảnh, công cụ gửi gắm tâm sự… Thế nên văn học cổ trung đại Việt Nam ít tác phẩm có tư tưởng sinh thái dù đề cập đến thiên nhiên rất nhiều, thậm chí có dòng thơ “vịnh cảnh” nổi tiếng.

Đến thời kỳ văn học lãng mạn trước năm 1945, những tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của tự nhiên, nhìn nhận thiên nhiên như người bạn, sự gắn bó giữa con người và tự nhiên được nhấn mạnh, nhất là trong những vần thơ của nhóm “thi sĩ đồng quê”: Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ. Khác với văn chương Âu-Mỹ, sự phê phán văn minh công nghiệp trong văn học lãng mạn ở Việt Nam không thực sự rõ ràng. Vấn đề sinh thái trong văn học Việt Nam được quan tâm nhiều hơn chỉ trong khoảng 20 năm trở lại đây. Khuynh hướng phê phán hành vi phá hoại MTST của con người, tác hại của lối sống hưởng thụ, của đô thị hóa đối với MTST, kêu gọi con người trở về với tự nhiên được thể hiện rõ nét hơn. “Thập giá giữa rừng sâu” của Nguyễn Khắc Phê phê phán hành động phá hoại rừng vì sự hám lợi của con người; “Thoạt kỳ thủy” của Nguyễn Bình Phương phê phán cảnh sát sinh; “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư thể hiện hành trình tìm về với mẹ-tự nhiên; tập tản văn “Có một kẻ rời bỏ thành phố” của Nguyễn Quang Thiều thể hiện sự hoài niệm về một thế giới có sự giao cảm bí ẩn giữa con người và vũ trụ, đồng thời phê phán những hành động tàn ác với động vật một cách vô thức của con người thành thị…

Mặc dù đã có những điểm sáng trong văn học sinh thái, nhưng văn học Việt Nam cần nhiều hơn những tác phẩm tập trung vào chủ đề MTST, về quan hệ giữa con người với tự nhiên trên tinh thần chỉnh thể sinh thái. Nhìn chung, thành tựu văn học sinh thái ở Việt Nam vẫn còn ở phía trước, đòi hỏi sự chủ động suy tư, dấn thân của các nhà văn đồng hành với thực trạng sinh thái.

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm